Điều gì đằng sau cuộc thanh trừng của Bắc Kinh đối với ngành dạy phụ đạo ở Trung Quốc?
Hôm 24/07, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã cấm hoạt động dạy phụ đạo để kiếm thêm tiền đối với các môn học chính ở trường. Tôi tin rằng một hành động như vậy có liên hệ đến kế hoạch chiến lược của Trung Cộng đối với nền giáo dục tương lai của Trung Quốc. Kể từ thời Mao Trạch Đông, Trung Cộng đã nhận thức đầy đủ rằng giáo dục liên quan đến những người kế nhiệm tương lai của họ.
Có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc thanh trừng tổng thể đối với ngành công nghiệp dạy phụ đạo ngoài trường học ở Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng việc này là để giảm bớt gánh nặng tài chính của các bậc cha mẹ nhằm khuyến khích họ nuôi dạy con cái nhiều hơn, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng dân số. Cư dân mạng thì coi đây là một cuộc đàn áp lên tư bản tư nhân, một hành động nhằm tiếp tục truyền bá tư tưởng của Trung Cộng khi “tư tưởng Tập Cận Bình” đang được nhồi nhét vào chương trình giảng dạy quốc gia.
Tôi nghĩ lý do chính dẫn đến một lệnh cấm nặng tay như vậy bắt nguồn từ quyết tâm mạnh mẽ của Trung Cộng trong việc giành lại quyền kiểm soát từ một khu vực tư nhân đã phát triển nở rộ, vốn được coi là một mối đe dọa chiến lược đối với hệ thống giáo dục nhà nước của Trung Quốc dưới sự cai trị của độc Đảng. Và điều này xảy ra khi một số công ty này đã được niêm yết ở hải ngoại. Kể từ thời Mao, Trung Cộng chưa bao giờ quên rằng giáo dục là một vấn đề của tương lai và đang định hình nên những người kế nhiệm của nhà cầm quyền này.
Những điều chỉnh chiến lược về giáo dục của Trung Cộng
Ở Trung Quốc, toàn bộ hệ thống giáo dục — từ cấp trường tiểu học đến đại học — đã đang và phải được Trung Cộng kiểm soát hoàn toàn.
Có vẻ như những yếu tố chính sau đây đã thúc đẩy Trung Cộng thực hiện những điều chỉnh chiến lược về giáo dục.
Thứ nhất, đã có một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp kể từ khi Trung Cộng công nghiệp hóa hệ thống giáo dục đại học vào năm 1999.
Kể từ tháng 09/1999, nhà cầm quyền đã nhanh chóng mở rộng ngành giáo dục đại học của mình, cho phép phần lớn các trường cao đẳng và đại học tăng đáng kể chỉ tiêu tuyển sinh của họ bằng cách khai triển một hệ thống nhập học có thu phí.
Trong vài năm đầu tiên, việc này dường như là ‘đôi bên cùng có lợi’ với tất cả các bên. Các trường cao đẳng và đại học, lớn hay nhỏ, bỗng nhiên tìm được một nguồn tài trợ khổng lồ mới không ngừng tăng lên. Đội ngũ giảng viên và nhân viên đã được hưởng mức tăng lương rất lớn và chế độ đãi ngộ của họ được cải thiện. Các nhà chức trách vui mừng như thể một ngành công nghiệp hoàn toàn mới đã được xác định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều ứng viên đáng lẽ đã không qua nổi ngưỡng cửa đại học theo hệ thống giáo dục tinh anh dựa trên học bổng trước kia, giờ đây đã có thể bước vào các phòng học đại học, vốn đã từng đóng cửa với họ.
Tuy nhiên, vào năm 2003 khi Bắc Kinh chào mừng lứa sinh viên tốt nghiệp đại học đầu tiên, nhiều người trong số họ đã gặp khó khăn trong việc kiếm việc làm, theo truyền thông Trung Quốc.
Vào tháng 07/2003, tờ Tuần báo Tin tức Trung Quốc do nhà nước điều hành đã đăng một bài báo có tiêu đề “Thất nghiệp sau khi tốt nghiệp: Ai đã đánh cắp việc làm của các sinh viên đại học?” Theo bài báo này, tỷ lệ đi làm của sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2002 là 80%. Năm 2003, trong tổng số 2.12 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học thì có 1.06 triệu người bị “thất nghiệp tạm thời.”
Không có đủ cơ hội việc làm khi một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học đột nhiên tràn ngập thị trường việc làm. Mặc dù nhiều người ở Trung Quốc mù chữ hoặc bán mù chữ, thì Trung Cộng lại vô tình tạo ra cho mình một vấn đề khác là có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng không phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện tượng này không xuất hiện ở các quốc gia đang phát triển khác.
Để giải quyết vấn đề này, năm 2005, Trung Cộng đã công bố một chính sách vốn sẽ “dốc toàn lực vào phát triển giáo dục nghề nghiệp” — mục tiêu là giúp điều chỉnh các bộ kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học cho phù hợp với thị trường việc làm.
Nhưng kể từ đó, Trung Cộng quá bận rộn với các cuộc đấu tranh chính trị và đã không thực hiện trọn vẹn chính sách này vốn có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu sinh viên trẻ mới tốt nghiệp trong tương lai. Kết quả là, tình trạng thất nghiệp hàng loạt của sinh viên tốt nghiệp đại học hạng hai và hạng ba vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Thứ hai, cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Hoa Kỳ, cùng với thực tế về hệ thống giáo dục thất bại của Trung Quốc, đã bắt đầu ảnh hưởng đến Trung Cộng.
Kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rời Tòa Bạch Ốc, Bắc Kinh đã phải đối mặt với hai thực tế mới.
Đầu tiên là, Trung Cộng đã nhận ra tầm quan trọng của giáo dục tinh hoa và nuôi dưỡng nhân tài. Có ba sự kiện quan trọng đã góp phần khiến họ nhận ra điều này đó là: 1) Các nước phương Tây, đặc biệt nhất là Hoa Kỳ, đã cấm sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G của họ; 2) Trung Cộng cần trông cậy vào các quốc gia khác để cung cấp vi mạch bán dẫn; 3) “Chương trình Ngàn Nhân tài” của Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế lên án vì dính líu đến hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ.
Thứ hai, đã có sự khác biệt giữa nhu cầu của thị trường việc làm và những gì mà nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học được đào tạo để làm. Chẳng hạn như, ở Trung Quốc, các công ty thương mại ngoại quốc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên có đủ trình độ kỹ thuật để tuyển đủ vào các vị trí còn trống và liên tục gặp phải tình trạng thiếu lao động trong các dây chuyền lắp ráp của họ, trong khi những sinh viên tốt nghiệp đại học và trung học kỹ thuật thất nghiệp lại không sẵn lòng đảm nhận những công việc gian nan và nhàm chán đó.
Theo tôi, để giải quyết những vấn đề như vậy đòi hỏi Trung Quốc phải học hỏi từ “hệ thống phân luồng” giáo dục của Đức, bắt đầu từ cấp trung học phổ thông, và ươm mầm tài năng thông qua một hệ thống giáo dục nghề nghiệp thành thục.
Ở Đức, học sinh đi học tiểu học trong độ tuổi từ 6 đến 10, và sau đó từ 10 đến 16 tuổi thì theo học trung học cơ sở. Ở bậc giáo dục trung học cơ sở, học sinh được đưa vào các chương trình phân luồng do giáo viên đề xuất, dựa trên học lực, tính cách và thói quen làm việc, cùng những yếu tố khác của các em học sinh. Các chương trình định hướng (phân luồng học sinh) như vậy được tiếp tục ở bậc giáo dục trung học phổ thông cho các em học sinh từ 16 đến 19 tuổi. Hệ thống định hướng này ở Đức mang lại cho các em học sinh một cơ hội lựa chọn về con đường học thuật hoặc hướng nghiệp cho bậc giáo dục trung học phổ thông của các em, ở độ tuổi 15 hoặc 16.
Các chương trình song hệ tương tự đã được thảo luận ở Trung Quốc trong nhiều năm, chỉ để chứng tỏ là không có tính khả thi, vì về mặt văn hóa, các bậc cha mẹ Trung Quốc không thể chấp nhận rằng khi đi theo các chương trình như vậy, con cái của họ cuối cùng có thể chỉ đạt được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông mà thôi.
Mối đe dọa đối với nhà cầm quyền
Một bài báo gần đây từ cổng thông tin QQ của Trung Quốc, có tiêu đề “Đằng sau hành động của chính quyền trung ương: Dữ liệu đáng kinh ngạc về ngành dạy thêm ngoài trường học,” tiết lộ thông tin nói lên nhiều điều về lý do tại sao Bắc Kinh thẳng tay đàn áp ngành công nghiệp đang nở rộ này.
Ví dụ, tổng doanh thu cho thị trường dạy thêm ngoài trường học ở Trung Quốc đã đạt hơn 215 tỷ USD trong khi Hoa Kỳ, cường quốc giáo dục hàng đầu, chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD trong lĩnh vực này. Vào năm 2020, tổng doanh thu của tất cả các cơ sở đào tạo dành cho giáo dục hệ 12 năm (K–12) ở Nhật Bản chỉ đạt 4.2 tỷ USD.
Chỉ riêng trong năm 2020, đã có tới 10 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào ngành dạy thêm của Trung Quốc, trong đó cung cấp các dịch vụ dạy thêm ngoài trường học đối với các môn học như toán, kỹ năng ngôn ngữ và âm nhạc cho toàn bộ hệ 12 năm (từ tiểu học đến hết trung học phổ thông).
Theo bản thông cáo niêm yết của Tập đoàn Kỹ thuật & Giáo dục Tân Phương Đông, tổng doanh thu từ các học sinh đăng ký các chương trình dạy thêm cho hệ 12 năm trên toàn quốc đã tăng từ 31 triệu USD vào năm 2015 lên 50 triệu USD vào năm 2019.
Ngoài ra, căn cứ vào Danh sách Người giàu trong ngành Giáo dục Toàn cầu 2020 được tạp chí Hồ Nhuận báo cáo, 7 trong số 10 công ty giáo dục hàng đầu có giá trị thị trường cao nhất trên thế giới đến từ Trung Quốc. Các hoạt động kinh doanh của họ tập trung vào luyện thi, dạy kèm tại nhà, giáo dục trực tuyến, đào tạo ngôn ngữ, bên cạnh những dịch vụ khác.
Trung Cộng sẽ không cho phép quyền lực của mình bị thách thức. Theo quan điểm của họ, sự mở rộng đáng kể của ngành công nghiệp dạy thêm ở Trung Quốc đã trở thành một mối đe dọa không chỉ đối với hệ thống giáo dục độc quyền do nhà nước điều hành, mà còn là mối đe dọa đối với sự tồn vong của chế độ cộng sản này. Khỏi cần phải nói, Bắc Kinh sẽ không đời nào cho phép tư bản tư nhân, đặc biệt là tư bản ngoại quốc, tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp có giá trị sản lượng to lớn như vậy cũng như đe dọa đến nền tảng của quốc gia và sự tồn tại của nhà cầm quyền này.
Bà Hà Thanh Liên (He Qinglian) là một tác giả và nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc. Hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ, bà là tác giả của cuốn “China’s Pitfalls” (“Cạm Bẫy của Trung Quốc”), liên quan đến tham nhũng trong việc cải tổ kinh tế của Trung Quốc vào những năm 1990 và cuốn “The Fog of Censorship: Media Control in China” (“Sương Mù Kiểm Duyệt: Kiểm Soát Truyền Thông ở Trung Quốc”), đề cập đến việc thao túng và hạn chế báo chí. Bà thường xuyên viết về các vấn đề kinh tế và xã hội đương đại của Trung Quốc.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: