Điều cha mẹ lầm tưởng: Trẻ nhỏ khó thích nghi với sự thay đổi
Mỗi trẻ em là một cá thể khác biệt, không trẻ nào giống trẻ nào. Là cha mẹ, về mặt lý thuyết thì chúng ta biết trẻ nhỏ là điều kỳ diệu của tạo hóa, bởi lẽ đó ta không nên can thiệp quá nhiều vào quá trình phát triển tự nhiên của chúng. Chúng thậm chí còn có thể làm thầy của ta, dạy cho ta những bài học cuộc sống quý giá…
Mỗi trẻ em là một cá thể khác biệt, không trẻ nào giống trẻ nào. Là cha mẹ, về mặt lý thuyết thì chúng ta biết trẻ nhỏ là điều kỳ diệu của tạo hóa, bởi lẽ đó ta không nên can thiệp quá nhiều vào quá trình phát triển tự nhiên của chúng. Chúng thậm chí còn có thể làm thầy của ta, dạy cho ta những bài học cuộc sống quý giá…
Tuy nhiên trong thực tế, dù hữu ý hay vô ý, người lớn thường hay áp đặt những tiêu chuẩn, định nghĩa mà chúng ta cho là đúng và tốt cho trẻ. Đôi khi ta cho rằng điều đó là đúng, nhưng có lúc trẻ lại thể hiện những khía cạnh làm chúng ta vô cùng bất ngờ.
Dưới đây là một số ví dụ:
Hồi con gái gần 3 tuổi, tôi nghĩ đã đến lúc bỏ bỉm đêm. Tôi định chuẩn bị tinh thần cho con bằng cách nói với con rằng: “con đã lớn, không cần mặc bỉm nữa” và chuẩn bị cho cả bố mẹ về những ngày có thể mất ngủ vì con “tè trôi giường”. Vậy mà tôi chưa thể thực hiện vì quá mệt với những công việc trong ngày, nên tôi đã quên mặc bỉm cho con trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau tôi mới phát hiện ra và quá ngạc nhiên vì cả một đêm dài con không hề tè dầm. Và từ đó chúng tôi tạm biệt bỉm mãi mãi mà không hề tốn một chút công sức nào.
Khi con trai tôi còn nhỏ, nó rất thích ngậm ti giả. Tôi bắt đầu sợ hãi trận chiến mà tôi tưởng tượng ra: chúng tôi sẽ phải đối mặt khi mà cu cậu phải cai nghiện thứ đó. Tôi đã thử một số biện pháp để hạn chế sử dụng ti giả lúc con ngủ trong nôi. Nhưng chỉ cần một lần gián đoạn trong quá trình thực hiện thì biện pháp áp dụng sẽ không có tác dụng nữa.
Rồi một ngày nọ, khi bé khoảng 18 tháng tuổi, trong một chuyến đi chơi con trai tôi bị mất ti giả duy nhất mang theo. Tôi quyết định tận dụng cơ hội cắt cơn nghiện này. Và bạn biết điều gì xảy ra không? Không gì hết! Con trai tôi gần như không nhận thấy ti giả mất, và từ đó cậu bé đã không cần ti giả nữa.
Gần đây tôi nhận thấy con gái tôi ăn uống không lành mạnh. Do thói quen dưỡng thành khá lâu từ ông bà và bố mẹ, bé đòi ăn vặt nhiều, đến bữa ăn chính thì dù đói hay không cũng cần phải có ai đó xúc cho thì mới ăn, hơn nữa bé ăn rất ít và thường hay kén chọn đồ ăn. Tôi nghĩ để thay đổi thói quen này cần thật sự quyết tâm và phải lên kế hoạch chi tiết để cải thiện lượng dinh dưỡng của bé. Tôi nghĩ chỉ một vài thay đổi nhỏ cũng gây ảnh hưởng lớn đến cả nhà nên cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Tôi bắt đầu từ chối khi bé đòi đồ ăn vặt, và tôi nhất quyết rằng con cần tự ăn ít nhất một vài miếng trong các bữa ăn chính mà tôi đã nấu. Thi thoảng, đã có lúc tôi từng suy nghĩ áp đặt rằng con gái mình là một đứa kén ăn. Nhưng sự thật là, chỉ cần tôi cố gắng một thời gian, hóa ra bé rất thích ăn uống lành mạnh.
Vài năm trước, vợ chồng tôi thực sự muốn tách con trai ra ngủ riêng. Nhưng tôi chần chừ vì nghĩ sẽ là một biến cố lớn đối với con. Một chị bạn của tôi đã nói: “việc này có thể sẽ dễ hơn em tưởng đấy”, nhưng tôi thì lại quá sợ hãi những hệ quả của việc thay đổi thói quen ngủ của cả nhà, sợ con sẽ phản ứng mạnh mẽ, sợ phải căng thẳng mệt mỏi. Và tôi đã trì hoãn nó mãi cho đến khi chúng tôi chuyển đến ngôi nhà mới của mình.
Về mặt lý thuyết, cha mẹ biết rằng trẻ rất linh hoạt và có thể thích nghi với mọi thứ. Vậy tại sao chúng ta phải chuẩn bị tinh thần quá kỹ lưỡng trước những thay đổi?
Có lẽ lý do là những thay đổi này có thể sẽ khó khăn với người lớn chúng ta. Đó là bởi cha mẹ là những người không linh hoạt, không phải trẻ em. Tôi đã từng có thói quen cho con gái ăn một số loại đồ ăn không lành mạnh. Cho con mọi thứ thì thật dễ dàng. Thật thuận tiện khi dùng ti giả để khiến nó ngừng khóc. Nhưng chính những điều đó làm cho việc thay đổi thói quen khó khăn hơn và cần nhiều nỗ lực hơn.
Tôi không nói rằng trẻ em luôn dễ dàng thích nghi với mọi thay đổi mà cha mẹ áp đặt lên chúng. Tất nhiên, sẽ có những cuộc đấu tranh cho những thay đổi và điều này thường đi kèm với nước mắt hay sự giận dữ. Tuy nhiên, là cha mẹ, chúng ta nên dũng cảm thừa nhận rằng: chính chúng ta mới là vấn đề chứ không phải là con cái của chúng ta.
Vậy nên, để tránh căng thẳng, cha mẹ hãy thả lỏng bản thân và tin tưởng vào bản năng của những đứa trẻ.
My My
Xem thêm: