Diễn văn của ông Tập Cận Bình bộc lộ tham vọng nhưng lại thiếu tự tin
Hôm 20/04, ông Tập Cận Bình đã công bố một video diễn thuyết tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2021 với nhan đề “Cùng nhau vượt qua nghịch cảnh và hướng tới một tương lai chung cho tất cả”; bài diễn văn không vạch ra bất kỳ kế hoạch hay ý tưởng nào về quản trị toàn cầu, thay vào đó chỉ tập trung vào việc đối đầu với Hoa Kỳ.
Tuyên ngôn đầy văn hóa Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã bộc lộ rõ tham vọng thống trị thế giới một cách bất chấp của chế độ này.
Ông Tập nói rằng ông ta sẽ “không bao giờ theo đuổi quyền bá chủ hay bành trướng.” Ông ta cũng tuyên bố trước cộng đồng quốc tế rằng Trung Cộng “đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn để không ngừng theo đuổi … lợi ích chung cho cả thế giới” trong 100 năm qua.
[Nhưng] Tham vọng của ông Tập về “một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại” đã bị phá hỏng bởi sự thiếu tự tin của ông ta. Ông Tập đã bất lực khi đối diện với thực tại. Trong khi tuyên bố rằng “Các vấn đề thế giới nên được giải quyết thông qua tham vấn sâu rộng” và “Điều chúng ta cần trong thế giới ngày nay là công lý, không phải sự bá quyền,” ông ta nhấn mạnh rằng việc “tách rời” của các nền kinh tế “sẽ làm tổn hại đến lợi ích của các bên khác mà không mang lại lợi ích gì cho chính mình.”
Ông ta nhấn mạnh rằng “thành quả của đổi mới khoa học và công nghệ có thể biến thành lợi ích to lớn hơn cho người dân ở tất cả các quốc gia.”
Trong bốn tháng qua, chiến lược gây áp lực gay gắt của ông Tập lên Hoa Kỳ đã hoàn toàn thất bại. Sau khi làm hỏng các mối bang giao với các nước phương Tây bằng việc che giấu nguồn dữ liệu và thông tin quan trọng về đại dịch, giờ đây, ông ta đang cố gắng níu kéo Pháp và Đức để chứng tỏ rằng mình vẫn có thể đương đầu với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tuyên bố cứng rắn của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản về các hành động khiêu khích của Trung Cộng đã giáng một đòn bất ngờ lên hệ thống cấp cao nhất của Trung Cộng. Ông Tập không thể làm gì khác ngoài việc tiếp tục khuếch đại thông điệp của mình đến người dân trong nước và cả quốc tế, mặc dù nó thiếu chiều sâu chiến lược.
Ông Tập bắt đầu bài diễn văn của mình với “Một thế giới đang thay đổi,” “Quản trị toàn cầu” và “một tương lai chung cho nhân loại,” chỉ để lặp lại định hướng lỗi thời của ông ta, đó là “Vành đai và Con đường.”
Ông Tập nói rằng “Quản trị toàn cầu nên phản ánh bối cảnh kinh tế và chính trị đang phát triển trên toàn cầu,” “Các vấn đề thế giới cần được giải quyết thông qua tham vấn sâu rộng” và “Chúng ta không được để các quy luật do một hoặc một vài quốc gia thiết lập ra áp đặt lên các quốc gia khác.”
“Những gì chúng ta cần trong thế giới ngày nay là công lý, không phải sự bá quyền,” ông Tập cho biết. “Các nước lớn nên có cách cư xử phù hợp với địa vị của họ.”
Rõ ràng, những lời chỉ trích này là nhắm toàn bộ vào Hoa Kỳ.
Ông Tập đã đang bị ước chế bởi không có được sức mạnh bá chủ. Ông ta chỉ có thể nhấn mạnh một học thuyết khập khiễng và mang tính biểu tượng. Đổi lại, những hành động khiêu khích ngày càng công khai của Trung Cộng đã buộc Tổng thống Biden phải đẩy nhanh tiến độ hợp tác cùng các đồng minh để răn đe Trung Cộng và gia tăng các biện pháp trừng phạt công nghệ thời cựu Tổng thống Trump. Đối đầu quân sự hiện ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tiết lộ một loạt tiến bộ trong hợp tác kinh tế và công nghệ giữa hai nước để nâng cao khả năng cạnh tranh và kiềm chế chính quyền Trung Cộng. Ông Tập không có cách nào để bác bỏ những bước tiến đó mà chỉ trả lời một cách chung chung rằng, “Chúng ta cần thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn và tăng cường chuỗi cung ứng, công nghiệp, dữ liệu và nguồn nhân lực, nhằm mục tiêu xây dựng một nền kinh tế thế giới mở.”
Điều này cho thấy sự thiếu hiểu biết của ông Tập về tình hình thực tại của “Một thế giới đang thay đổi” và giấc mơ ngạo nghễ của ông ta về “Quản trị Toàn cầu.” Quả thật, ông ta ít nói về các chủ đề này, chứ chưa nói đến là kế hoạch làm sao để ngăn Trung Cộng khỏi bị cô lập.
Do đó, ông Tập đã dùng đến những khẩu hiệu vốn ngập tràn trong các tuyên truyền của Trung Cộng, như “tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, y sinh học và năng lượng hiện đại, để các thành quả của đổi mới khoa học và công nghệ có thể biến thành những lợi ích to lớn hơn cho mọi người dân ở tất cả các quốc gia.”
Hoa Kỳ và Nhật Bản đương nhiên nắm giữ vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ. Đối mặt với thực tế rằng việc đánh cắp không còn phục vụ cho nhu cầu của mình, Trung Cộng thực sự đã vấp phải một loạt các vấn đề “nghẽn cổ chai” trong hầu hết mọi lĩnh vực.
Trung Cộng đã một tay khởi xướng “một cuộc ‘Chiến tranh Lạnh mới’” và cuộc đối đầu về ý thức hệ. Giờ đây, đảng này đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi bị cô lập phần lớn trên bình diện quốc tế. Ông Tập không có giải pháp nào cả, thế nên ông ta đã nói rằng, “Tôi đã lưu ý trong nhiều trường hợp rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một con đường rộng mở cho tất cả mọi người, không phải là con đường riêng do một bên nào sở hữu. Tất cả các quốc gia quan tâm đều được hoan nghênh.”
BRI thực sự đã buộc phải kết thúc. Bản thân Trung Cộng đang thiếu nguồn vốn. Làm thế nào có thể có được các quỹ đầu tư nước ngoài? Trên thực tế, một số quốc gia đã bắt đầu rút lui. Đó là một câu hỏi còn bỏ ngỏ về việc đã có bao nhiêu dự án ban đầu sẽ được thực hiện cho đến cùng.
Ông Tập vẫn nói, “vào năm 2030, các dự án Vành đai và Con đường có thể giúp đưa 7.6 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo khó cùng cực và 32 triệu người khỏi mức nghèo vừa phải trên toàn thế giới.” Tôi tự hỏi liệu còn ai sẽ tin điều đó.
Trọng tâm bài diễn văn của ông Tập là cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. Ông nói: “Năm 2021 đánh dấu một trăm năm” của Trung Cộng và Trung Cộng “đã nỗ lực tiến về phía trước … vì lợi ích chung cho toàn thế giới” trong 100 năm qua. Tuy nhiên, đây là những khẩu hiệu dành cho người dân trong nước.
Những ngôn từ và hành vi như vậy hoàn toàn trái ngược với “Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, sự bành trướng hay tìm kiếm một phạm vi ảnh hưởng. Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang,” chỉ có thể được thốt ra từ miệng của các nhà độc tài như giới lãnh đạo của Trung Cộng.
Tại cuộc họp báo ngày 19/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Vương Văn Bân đã phản ứng trước tuyên bố chung của Hoa Kỳ-Nhật Bản, “Hoa Kỳ và Nhật Bản không thể đại diện cho cộng đồng quốc tế. Họ không có quyền định ra trật tự thế giới.”
Đúng vậy, đối với Trung Cộng, việc xác định trật tự thế giới sẽ chỉ có ý nghĩa khi họ có đủ uy lực để đại diện cho cộng đồng quốc tế mà thôi.
Ông Zhong Yuan (Trung Nguyên) là một nhà nghiên cứu tập trung vào hệ thống chính trị của Trung Quốc, quá trình dân chủ hóa, tình hình nhân quyền của nước này và sinh kế của người dân Trung Quốc. Ông bắt đầu viết các bài bình luận cho ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào năm 2020.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Zhong Yuan thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: