Điện Kremlin: Nga sẽ ngừng bán dầu cho các nước áp giá trần lên dầu Nga
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow sẽ cấm xuất cảng dầu và các sản phẩm dầu mỏ khác sang những quốc gia nào áp giá trần lên dầu thô của Nga.
Theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass, hôm 01/09, ông Novak đã đưa ra nhận xét với các phóng viên tại Moscow, trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang chuẩn bị hội kiến vào ngày 02/09 để thống nhất về mức giá trần đối với dầu của Nga.
“Chúng tôi chỉ đơn giản là sẽ không cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho các công ty hoặc các quốc gia nào áp đặt các hạn chế, vì chúng tôi sẽ không hoạt động mà không có cạnh tranh,” ông Novak nói, đồng thời chỉ trích hành động áp giá trần này là “hoàn toàn vô lý.”
“Điều đó sẽ phá hủy hoàn toàn thị trường này,” ông Novak tiếp tục, đồng thời cho rằng sự can thiệp vào cơ chế thị trường đối với một mặt hàng quan trọng như dầu mỏ sẽ có tác động gây mất ổn định đối với an ninh năng lượng ở các quốc gia trên thế giới.
Mục đích của việc áp giá trần
Mặc dù các cường quốc phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều mặt hàng xuất cảng năng lượng của Nga, nhưng Moscow vẫn tiếp tục thu về hàng tỷ USD doanh thu hàng tháng nhờ chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các thị trường Á Châu.
Trong một nỗ lực nhằm cắt đứt những khoản tiền tài trợ cho Moscow, vốn có thể được sử dụng để thúc đẩy các nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine — và để hạ nhiệt giá năng lượng cao trong bối cảnh lạm phát tăng vọt — chính phủ ông Biden đã kêu gọi các đồng minh của mình áp đặt mức giá trần đối với dầu Nga.
“Mức giá trần này sẽ thúc đẩy hai mục tiêu chính của chúng tôi,” Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết trong một cuộc họp hôm 01/09 với Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi tại Hoa Thịnh Đốn.
Bà Yellen cũng cho biết thêm, “Tất nhiên, điều đầu tiên là giảm doanh thu mà ông Putin cần để tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược của mình. Và thứ hai là duy trì một nguồn cung dầu đáng tin cậy cho thị trường toàn cầu, đồng thời làm giảm áp lực lên giá năng lượng cho người dân ở Hoa Kỳ, ở Vương quốc Anh, và trên toàn thế giới.”
Các bộ trưởng tài chính từ Nhóm Bảy đại cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển (G-7) nhóm họp vào ngày 02/09 để thảo luận về mức giá trần, trong đó các phương tiện truyền thông suy đoán rằng một quyết định về giới hạn này có thể sẽ được đưa ra và sau đó một tuyên bố chung sẽ được công bố cùng ngày nêu chi tiết về biện pháp, bao gồm cả thời điểm giá trần có hiệu lực.
Nhắc lại nhận xét của ông Novak về lệnh cấm xuất cảng dầu của Nga nhắm vào các quốc gia đồng ý với mức giá trần này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp hội nghị hôm 02/09 rằng “các công ty áp giá trần sẽ không nằm trong số những nước nhận dầu của Nga.”
Áp giá trần lên khí đốt của Nga?
Đầu năm nay, Liên minh Âu Châu đã áp đặt lệnh cấm một phần đối với việc mua dầu của Nga, dự kiến sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga sang khối 27 thành viên khi lệnh này chính thức có hiệu lực.
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Âu Châu, nói với các phóng viên ở Murnau, Đức hôm 02/09 rằng cũng nên áp giá trần đối với khí đốt của Nga.
Bà nói: “Tôi tin chắc rằng đã đến lúc áp giá trần lên đường ống dẫn khí đốt của Nga sang Âu Châu.”
Giá khí đốt của Âu Châu tăng cao kỷ lục sau nhiều đợt hạn chế nhập cảng năng lượng của Nga trong bối cảnh Moscow xâm lược Ukraine, mặc dù giá đã giảm mạnh trong những ngày gần đây do có các dấu hiệu cho thấy Âu Châu đang tìm cách can thiệp trực tiếp vào các thị trường.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times