Tin Việt Nam ngày 8/7: Lập kỷ lục mới với hơn 1,300 ca trong ngày, 600,000 liều vaccine AstraZeneca về TP. HCM sáng mai, Quảng Bình thông tin về nghi vấn lộ đề thi Toán
Nội dung tối 8/7:
|
-
Thêm 645 ca mắc mới, TP. HCM nhiều nhất với gần 500 ca
18h30 ngày 8/7, Bộ Y tế thông báo về 645 ca mắc mới COVID-19 (BN23741-24385) gồm 7 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Khánh Hòa (3), Kiên Giang (2), Tây Ninh (2); 638 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (481), Bình Dương (55), Khánh Hòa (25), Đồng Tháp (17), Vĩnh Long (17), Phú Yên (11), Bắc Giang (6), Cà Mau (4), Quảng Ngãi (4), Bắc Ninh (4), Hà Nội (4), Bình Phước (3), Hưng Yên (2), Tây Ninh (1), Hậu Giang (1), Kiên Giang (1), Bình Thuận (1), Bến Tre (1); trong đó, 615 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy trong ngày 8/7, Việt Nam ghi nhận 1,314 ca mắc mới, trong đó, 1,307 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (915), Bình Dương (135), Đồng Tháp (108), Khánh Hòa (28), Phú Yên (24), Vĩnh Long (17), Quảng Ngãi (14), An Giang (11), Cà Mau (11), Bắc Giang (9), Bắc Ninh, Hà Nội (5), Lâm Đồng (3), Gia Lai (3), Bình Phước (3), Bạc Liêu (2), Trà Vinh (2), Hưng Yên (2), Nghệ An (1), Bình Định (1), Tây Ninh (1), Hậu Giang (1), Kiên Giang (1), Bình Thuận (1), Bến Tre (1).
Tính từ 27/4 đến 18h30 ngày 8/7, Việt Nam có tổng cộng 20,917 ca bệnh, 70 ca tử vong. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
-
Khánh Hòa giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày mai
Ngày 8/8, tại cuộc họp bàn về một số giải pháp cấp bách phòng dịch bệnh COVID-19, tỉnh Khánh Hòa quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 9/7 cụ thể như sau:
Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh;
Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với các địa phương còn lại gồm: huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và TP. Cam Ranh.
Tính từ 23/6 đến 16h ngày 8/7, Khánh Hòa ghi nhận 144 trường hợp dương tính với COVID-19 trong cộng đồng.
-
Từ ngày mai Đồng Nai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Trong cuộc họp chiều 8/7, tỉnh Đồng Nai quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh trong 15 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 9/7.
Theo Chỉ thị 16, người dân Đồng Nai sẽ áp dụng giãn cách gia đình với gia đình, thôn bản với thôn bản, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh.
Người dân ở nhà, chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác. Mọi người phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Từ 27/6, Đồng Nai xuất hiện 6 ca COVID-19 là các tiểu thương, lái xe đến buôn bán tại chợ đầu mối Hóc Môn. 10 ngày qua, dịch bệnh đã lan ra nhiều địa phương trên toàn tỉnh như: Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch, TP. Biên Hòa, Trảng Bom và Thống Nhất. Tỉnh này chưa ghi nhận ổ dịch từ các công ty trong khu công nghiệp.
Tính đến chiều 8/7, Đồng Nai ghi nhận 128 ca, trong đó, 93 ca liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn, TP. HCM.
-
Hà Nội dừng vận tải hành khách đi/về 14 tỉnh, học sinh chưa có lịch trở lại trường
Từ 0h ngày 8/7, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ bao gồm: Xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tuyến cố định từ Hà Nội đến 14 địa phương và ngược lại.
14 địa phương này gồm: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam. Xe hợp đồng chở chuyên gia, nhân viên, người làm việc của các đơn vị, khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được đặc cách.
Thành phố sẽ cho phép hoạt động trở lại nếu sau 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng hoặc đến khi có thông báo mới.
Đối với hoạt động vận tải hành khách từ các địa phương khác, Sở GTVT sẽ dừng hoạt động khi có yêu cầu của tỉnh đó hoặc khi ghi nhận ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng (nếu tỉnh đó có vận tải đường sắt hoặc đường hàng không thay thế).
Cũng trong ngày 8/7, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, học sinh các cấp học trên địa bàn Hà Nội chưa thể trở lại trường từ ngày 10/7 tới.
Trước đó, ngày 5/7, Sở này có Tờ trình gửi chính quyền thành phố về việc cho học sinh, học viên các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên; trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố đi học trở lại từ ngày 10/7 đến ngày 24/7 để hoàn thành năm học 2020-2021 đã phải tạm dừng trước.
-
Thêm 600,000 liều vaccine AstraZeneca về TP. HCM sáng mai
Tối 8/7, Bộ Y tế cho biết, lô vaccine AstraZeneca thứ 3 (khoảng 600,000 liều) do Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào sáng mai (ngày 9/7).
Trước đó, ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam gần 1 triệu liều vaccine AstraZeneca. Đến ngày 2/7, chuyến bay chở 400,000 liều vaccine mà Nhật Bản tặng thêm Việt Nam đã hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất.
Như vậy, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, tính đến ngày 9/7, Nhật Bản sẽ chuyển đủ cho Việt Nam gần 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Tính cả lô vaccine về vào sáng mai (9/7), Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng hơn 5.5 triệu liều vaccine, trong đó, gần 2.5 triệu liều do COVAX Facility hỗ trợ, hơn 400,000 liều đặt mua thông qua công ty VNVC, khoảng 2.5 triệu liều vaccine do các nước tặng, hơn 97,000 liều vaccine đặt mua của Pfizer/BioNTech.
-
Khởi tố thêm 2 nhân viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
Chiều 8/7, cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) Hà Nội cho biết, đơn vị đã khởi tố thêm 2 nhân viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 liên quan đến vụ bệnh nhân mở phòng bay lắc để sử dụng ma túy trong cơ sở y tế này.
Hai bị can bị khởi tố về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là Nguyễn Thị Minh Huệ (y tá) và Bùi Thị Hạt (nhân viên chăm sóc bệnh nhân).
Trước đó, chiều 26/5, Bộ Y tế kỷ luật bằng hình thức cách chức Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 với ông Vương Văn Tịnh.
Ông Tịnh bị cách chức vì được cho là đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong phạm vi bệnh viện.
Vụ việc được phát hiện vào ngày 20/3, cảnh sát Hà Nội khám xét khẩn cấp phòng điều trị của Nguyễn Xuân Quý (sinh năm 1983, trú tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) tại khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thu giữ gần 6 kg ma túy thế hệ mới. (Xem tiếp tại đây)
-
Quảng Bình thông tin về nghi vấn lộ đề thi Toán kỳ thi THPT 2021
Chiều 8/7, ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cho hay, đã xác định được thí sinh đưa đề thi lên mạng nhờ giải hộ. Thí sinh này đã bị đình chỉ thi trước giờ thi môn tiếng Anh vào chiều cùng ngày
Ông Nam cho biết thêm, nữ sinh này là học sinh của Trường THPT Lệ Thủy.
Nội dung trưa 8/7:
|
-
Thêm 355 ca cộng đồng, TP. HCM và Đồng Tháp gần 300 ca
12h30 ngày 8/7, Bộ Y tế thông báo về 355 ca mắc mới COVID-19 (BN23386-23470) ghi nhận trong nước tại TP. HCM (200), Đồng Tháp (91), Phú Yên (13), An Giang (11), Quảng Ngãi (10), Cà Mau (7), Bắc Ninh (4), Khánh Hòa (3), Lâm Đồng (3), Gia Lai (3), Bắc Giang (3), Bạc Liêu (2), Trà Vinh (2), Nghệ An (1), Bình Định (1), Hà Nội (1); trong đó, 347 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính từ 27/4 đến 12h ngày 8/7, Việt Nam có tổng cộng 20,279 ca bệnh, 70 ca tử vong liên quan COVID-19.
-
3 ca tử vong ở TP. HCM, Đà Nẵng và Bắc Giang
Sáng 8/7, Bộ Y tế thông báo về 3 ca tử vong mới (thứ 103-105) liên quan đến COVID-19 ở TP. HCM, Đà Nẵng và Bắc Giang, đều là các bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam lên 105 trường hợp tính từ đầu mùa dịch, 70 ca trong đợt dịch thứ 4. Cụ thể:
Ca tử vong thứ 103 là BN12566 (nam, 74 tuổi, địa chỉ: quận 4, TP. HCM, tiền sử: xơ gan do viêm gan C, ung thư gan đã điều trị, tăng huyết áp, đái tháo đường type II). Vào 14h15 ngày 3/7, BN12566 tử vong sau 16 ngày mắc COVID-19 với chẩn đoán: viêm phổi do nhiễm COVID-19 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp tiến triển, suy đa cơ quan trên bệnh nhân ung thư gan, xơ gan do viêm gan siêu vi C, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2.
Ca tử vong thứ 104 là BN13041 (nữ, 72 tuổi, địa chỉ: quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, tiền sử: đái tháo đường type 2, béo phì, suy tim). Vào 7h45 ngày 7/7, BN13041 tử vong sau 19 ngày mắc COVID-19 với chẩn đoán: viêm phổi nặng do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, sốc giảm thể tích do xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng, nhiễm nấm candida xâm lấn trên bệnh nhân đái tháo đường type 2, béo phì, suy tim.
Ca tử vong thứ 105 là BN10096 (nữ, 67 tuổi, địa chỉ: Việt Yên, Bắc Giang, tiền sử: tăng huyết áp nhiều năm, đái tháo đường 1 năm). Vào 23h40 ngày 5/7, BN10096 tử vong sau hơn 1 tháng mắc COVID-19 với chẩn đoán: sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi ARDS do COVID-19 trên bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp.
(Xem chi tiết tại đây)
-
Bộ Y tế giải thích về việc chênh lệch số ca tử vong liên quan COVID-19
Với 3 ca tử vong mới công bố sáng 8/7, đến nay Bộ Y tế đã công bố 105 ca tử vong tính từ đầu mùa dịch, tuy nhiên, tại báo cáo trên trang trực tuyến của Bộ này, đến nay đã có 117 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Lý giải về sự chênh lệch này, một đại diện của Bộ Y tế cho biết, do các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 báo cáo từng ca chậm, nhưng mỗi bệnh nhân tử vong đều được cập nhật trực tiếp lên trang theo dõi trực tuyến hàng ngày.
Trước đó, ngày 7/7, tại cuộc họp trực tuyến với TP. HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra nhận định từ các chuyên gia, sự xuất hiện của biến chủng Delta làm tỉ lệ tử vong có thể cao hơn trước và có thể sẽ có nhiều bệnh nhân tử vong hơn so với những đợt dịch trước.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh/thành phải thiết lập trung tâm hồi sức tích cực (ICU) đối với bệnh nhân COVID-19 nặng, đồng thời thiết lập 2 trung tâm ICU tại Đồng Nai cho khu vực miền Đông Nam Bộ và tại Cần Thơ cho các tỉnh miền Tây để điều trị cho bệnh nhân nguy kịch.
Tính đến 7/7, tại Việt Nam, các cơ sở y tế đang điều trị 270 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng, 106 người tiên lượng rất nặng. Tính chung trên tổng số bệnh nhân đến ngày 7/7, tỷ lệ ca tiên lượng nặng chiếm 3.3%, tiên lượng rất nặng chiếm 1.3%, 9 người tiên lượng tử vong (0.1%).
-
Bình Phước tạm dừng hoạt động công ty có gần 5,000 công nhân
Sáng 8/7, sau khi CDC tỉnh Bình Phước thông báo ghi nhận 1 trường hợp dương tính với COVID-19 là nữ công nhân thuộc phân xưởng B, Công ty TNHH Beesco Vina đóng tại khu công nghiệp Chơn Thành 2, Phó Chủ tịch tỉnh Trần Tuyết Minh đã yêu cầu công ty này tạm dừng hoạt động để triển khai các biện pháp phòng dịch.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Beesco Vina được yêu cầu phun hóa chất khử khuẩn trong 5 ngày; xét nghiệm COVID-19 3 ngày/lần đối với 1,500 người lao động có hộ khẩu ngoài tỉnh đang làm việc tại đây, kinh phí do công ty chi trả.
Công ty TNHH Beesco Vina có gần 5,000 công nhân, nằm ở địa bàn giáp tỉnh Bình Dương.
Từ ngày 30/6 đến 8/7, tỉnh Bình Phước ghi nhận 10 ca dương tính với COVID-19; đã giãn cách xã hội huyện Chơn Thành theo Chỉ thị 15 và phong tỏa 4 khu vực ở thị trấn Chơn Thành theo Chỉ thị 16.
-
Cần Thơ dừng hoạt động xe hợp đồng, xe du lịch đi Cà Mau
Ngày 8/7, Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ đã tổ chức lại hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố. Cụ thể như sau:
- Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch và xe buýt từ thành phố Cần Thơ đi/về từ Cà Mau. Thời gian: từ 12h ngày 8/7 cho đến khi có thông báo mới.
- Các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất; xe hỗ trợ vận chuyển người dân đi khám chữa bệnh chở bệnh, đi cấp cứu được phép hoạt động.
Như vậy, đến nay, thành phố này đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch và xe buýt từ thành phố đi/về từ 55/63 tỉnh thành. Riêng miền Tây chỉ còn hoạt động tuyến vận tải từ thành phố Cần Thơ đi/về từ Hậu Giang.
-
Bức tường đổ sập, đè 13 ôtô sau mưa lớn ở Hà Nội
Sáng 8/7, tại ngõ 245 Mai Dịch, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, một bức tường cao 2-3 m dài khoảng 50 m, bất ngờ đổ sập, đè lên nhiều ôtô đang đỗ trên vỉa hè.
Một lãnh đạo cảnh sát phường Mai Dịch cho biết, vụ việc xảy ra do ảnh hưởng của mưa và gió mạnh từ hoàn lưu áp thấp nhiệt đới.
Ghi nhận vào 11h50 cùng ngày, có 13 ôtô bị ảnh hưởng do sự cố trên. Tại hiện trường, phía sau bức tường là Trường Mầm non Mai Dịch.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các tỉnh tại Bắc Bộ đã xuất hiện mưa lớn. Từ 2h đến 4h sáng 8/7, nhiều nơi ghi nhận lượng mưa trên 50 mm, có nơi trên 120 mm.
Tại Hà Nội: Ngày và đêm nay (8/7), có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
-
4 phụ nữ ở Bắc Giang bị sét đánh thương vong khi đang cấy lúa
Sáng 8/7, lãnh đạo xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ sét đánh làm 1 người tử vong, 3 người bị thương.
Nạn nhân tử vong tại chỗ là bà Nguyễn Thị H. (51 tuổi, trú tại thôn Tân Văn 2) bị sét đánh trúng đầu.
3 người khác bị sét đánh tê liệt, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện sức khoẻ đã ổn định gồm: bà Trương Thị L. (56 tuổi; trú tại thôn Dĩnh Xuyên), bà Trần Thị H. (61 tuổi; trú tại thôn Tân Văn 1) và Nguyễn Thị H. (44 tuổi; trú tại thôn Tân Văn 2).
Trước đó, khoảng 15h50 ngày 7/7, 4 người phụ nữ này đang cấy lúa tại cánh đồng Trại Giống – Đồi Chùa thuộc thôn Dĩnh Xuyên thì gặp cơn mưa lớn kèm sấm, sét. Do ở xa khu dân cư, các nạn nhân không kịp vào khu vực an toàn trú mưa và tránh sét.
Trong bản tin phát lúc 9h ngày 8/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió Đông Nam nên trong ngày và đêm nay (8/7), ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh nên từ nay đến khoảng ngày 11/7, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
-
Cảnh sát điều tra nghi vấn lộ đề thi Toán kỳ thi THPT 2021 trên mạng
Liên quan đến nghi vấn lộ đề thi Toán kỳ thi THPT Quốc gia 2021 trên mạng xã hội tối 7/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đang phối hợp với cảnh sát điều tra làm rõ và sẽ thông tin cụ thể về vụ việc này sau khi có kết quả.
Dự kiến, tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi vào chiều 8/7, bộ GD&ĐT và cảnh sát sẽ thông tin thêm về vụ việc này.
Trước đó, vào 15h55 ngày 7/7, tài khoản có tên là T.G khiến mạng xã hội xôn xao khi chia sẻ đề thi môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2021.
Người này đã đăng tải bình luận chứa ảnh chụp được cho là mã đề 106 của môn Toán kèm dòng trạng thái: “Giải giúp bé nhà em, 36-38-40-42-45 với, gấp ạ”.
Theo nhận định căn cứ vào những thông tin xuất hiện trên đề thi cùng thời gian trên màn hình điện thoại, kèm hình ảnh được đặt trên bàn phòng thi, còn nguyên số báo danh lẫn phiếu trả lời trắc nghiệm, đề thi được đưa ra ngoài khi thí sinh này chưa ra khỏi phòng thi.
Ngay sau khi được chia sẻ, số đông người dùng mạng đều nghi vấn rằng, đã xảy ra một vụ gian lận thi cử ngay trong phần thi. Hiện bài đăng gốc về vụ việc đã bị xóa, chủ nhân của bài đăng này hiện cũng đã khóa tài khoản Facebook cá nhân, tuy nhiên, một số người dùng mạng đã nhanh tay chụp lại màn hình và đăng tải trên các diễn đàn học tập.
Nội dung sáng 8/7:
|
-
314 ca cộng đồng tại TP. HCM và Bình Dương
6h ngày 8/7, Bộ Y tế thông báo về 314 ca mắc mới COVID-19 (BN23072-23385) ghi nhận trong nước tại TP. HCM (234), Bình Dương (80), trong đó, 264 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 6h ngày 8/7, Việt Nam có tổng cộng 19,924 ca bệnh, 67 ca tử vong. Có 13 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Hà Nội thêm một bảo vệ tại KCN dương tính COVID-19
Sáng 8/7, CDC Hà Nội thông tin về ca F1 mới chuyển thành F0 là bệnh nhân tên T.T.N. (nữ, 41 tuổi, có địa chỉ tại Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội). Người này làm việc tại tổ bảo vệ của Công ty TNHH SEI (khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) và tiếp xúc F0 được công bố trước đó.
Trước đó, ngày 7/7, bà N. được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán.
Tính từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội có tổng cộng 18 người nhiễm COVID-19, trong đó, 9 trường hợp thuộc chùm ca bệnh ở KCN Thăng Long liên quan Bắc Giang, 7 người thuộc chùm ca bệnh tại An Mỹ, Mỹ Đức và 2 ca liên quan TP. HCM (1 người ở Hoàng Mai và 1 ca ở Đống Đa).
Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 tại Việt Nam (tính từ 27/4), thành phố đã ghi nhận tổng cộng 276 ca mắc COVID-19.
-
Đồng Tháp dừng một điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Tối 7/7, Sở giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hỏa tốc về việc dừng điểm thi tốt nghiệp tại trường THPT Lấp Vò 3, vì cho rằng dịch COVID-19 trên địa bàn ở mức độ nguy hiểm.
Ngay trong đêm, trường THPT Lấp Vò 3 thông báo khẩn đến thí sinh, cha mẹ thí sinh và nhân viên, người lao động làm công tác coi thi không đến làm nhiệm vụ vào hôm nay, ngày 8/7.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau khi bàn giao bài thi môn Ngữ văn và Toán cho ban vận chuyển đề thi, bài thi; toàn bộ cơ sở vật chất, hồ sơ có liên quan đến việc tổ chức kỳ thi được niêm phong, bàn giao lại cho hiệu trưởng trường THPT Lấp Vò 3 quản lý, chờ thông báo mới.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tỉnh Đồng Tháp có hơn 4,000 thí sinh tại TP. Sa Đéc, huyện Châu Thành, Lai Vung và xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh và một số thí sinh có liên quan đến dịch COVID-19 sẽ thi vào đợt 2.
Trong ngày 7/7, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận thêm 6 ca nhiễm COVID-19. Tính từ ngày 24/6 đến nay, tỉnh này đã ghi nhận 361 ca bệnh viêm phổi Vũ Hán.
-
Mức hỗ trợ người làm việc ngừng, nghỉ không lương do COVID-19
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ 7/7, trong đó quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người làm việc và chủ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh như sau:
Với người nghỉ làm việc theo yêu cầu của đơn vị cấp nhà nước có thẩm quyền
Mức hỗ trợ:
- 1,855 ngàn đồng/người đối với người làm việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày);
- 3.710 ngàn đồng/người đối với người làm việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng (30 ngày) trở lên.
- Thêm 1 triệu đồng/người với người làm việc đang mang thai, đang nuôi trẻ dưới 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế.
Điều kiện hỗ trợ:
- Tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người làm việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương.
Phương thức: Trả trực tiếp 01 lần.
Với người ngừng làm việc
Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/người; thêm 1 triệu đồng/người với người làm việc đang mang thai, đang nuôi trẻ dưới 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế.
Điều kiện hỗ trợ:
- Làm việc theo chế độ hợp đồng bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của đơn vị nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng mà người làm việc ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.
Phương thức: Trả trực tiếp 01 lần.
Với người làm việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Mức hỗ trợ: 3,710 ngàn đồng/người; thêm 1 triệu đồng/người với người làm việc đang mang thai, đang nuôi trẻ dưới 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế.
Điều kiện hỗ trợ: Người làm việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật; Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Phương thức: Trả trực tiếp 01 lần.
-
Giá vàng tăng mạnh, vượt ngưỡng 1,800 USD/ounce
Vào 6h sáng 8/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1,804 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với đầu giờ sáng 7/7.
Giá vàng trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết SJC ở mức: 56.73 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.25 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức: 56.85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.47 triệu đồng/lượng (bán ra).
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 23,100 VND, giá vàng thế giới tương đương 50.15 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7.3 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra cuối ngày 7/7.
Khuyến nghị: Nhìn xa hơn mức độ biến động ngắn hạn của vàng, các chiến lược gia tại Ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore khuyến nghị nhà đầu tư nên có kim loại vàng trong giỏ tài sản như một biện pháp phân hóa rủi ro trong danh mục đầu tư.
Theo các chiến lược gia này: “Vàng đang hoạt động tốt khi lợi suất trái phiếu ở mức thấp. Với mức giá hiện tại, chúng tôi tin, vàng sẽ tăng và giao dịch tiến tới mức giá 2,000 USD/ounce vào cuối năm 2021”.
-
Áp thấp nhiệt đới suy yếu, gây mưa lớn ở miền Bắc
Bản tin phát lúc 5h ngày 8/7 Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong ngày hôm nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150 mm, có nơi trên 170 mm. Khu vực mưa lớn nhất tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An.
Tại Hà Nội, ngày hôm nay (8/7), có mưa to đến rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh nên từ nay đến khoảng ngày 11/7, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Trước đó, từ 2h đến 4h sáng 8/7, nhiều nơi ghi nhận lượng mưa trên 50 mm, có nơi trên 120 mm. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, đặc biệt ở một số huyện miền núi.
Cập nhật tin áp thấp nhiệt đới: Sáng sớm nay (8/7), vào hồi 4h, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở ngay trên vùng ven biển khu vực từ Thái Bình đến Thanh Hóa với sức gió mạnh giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ) ở trung tâm vùng áp thấp.
Lúc 7h, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19.7 độ Vĩ Bắc; 105.5 độ Kinh Đông với sức gió mạnh giảm, xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ) ở trung tâm vùng áp thấp.
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, suy yếu và tan dần. Đến 16h ngày 08/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực Thượng Lào.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp và gió Đông Nam, trong ngày hôm nay (08/7), khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 40-70 mm, có nơi trên 100 mm.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm