Điểm tin thế giới số 5: Hơn 930 nhân viên trại nhập cư Hoa Kỳ nhiễm virus Trung Cộng; Tổng thống Trump ký luật chấm dứt ‘chế độ ưu đãi’ cho Hồng Kông
Hơn 930 nhân viên trại nhập cư Hoa Kỳ nhiễm virus Trung Cộng; Tổng thống Trump ký luật chấm dứt ‘chế độ ưu đãi’ cho Hồng Kông; Chiến hạm Hoa Kỳ áp sát Trường Sa; Nước Anh sẽ phạt tiền người không đeo khẩu trang; Pháp sẽ bắt buộc người dân đeo khẩu trang trong không gian kín; Trung Quốc trừng phạt tập đoàn quốc phòng Hoa Kỳ vì bán vũ khí cho Đài Loan…
Hơn 930 nhân viên trại nhập cư Hoa Kỳ nhiễm virus Trung Cộng
Số liệu nhân viên nhiễm virus Trung Cộng này được giám đốc 4 công ty tư nhân gồm CoreCivic, GEO Group, MTC và LaSalle Corrections báo cáo trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm 13/7.
Đây là các công ty tư nhân đang vận hành một số cơ sở giam giữ người nhập cư trái phép theo hợp đồng ký với Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE). ICE cũng báo cáo 45 nhân viên nhiễm virus Trung Cộng đang làm việc trực tiếp tại các trại giam.
Tổng thống Trump ký luật chấm dứt ‘chế độ ưu đãi’ cho Hồng Kông
TT Trump hôm thứ Ba (14/7) thông báo đã ký ban hành một đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì sự can thiệp của chính quyền nước này đối với nền tự trị của Hồng Kông.
Ông Trump phát biểu trong Vườn Hồng của Nhà Trắng: “Giờ đây, Hồng Kông sẽ được đối xử giống như Trung Quốc đại lục. Không có đặc quyền, không có đãi ngộ kinh tế đặc biệt,và không có xuất khẩu công nghệ nhạy cảm”.
Ông cũng nói Hoa Kỳ sẽ áp dụng mức thuế rất cao đối với các hàng hóa từ Hồng Kông, giống như Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc.
Cũng trong ngày 14/7, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell cho biết Hoa Kỳ có thể trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến hành vi chèn ép ở Biển Đông.
Trong vấn đề Biển Đông, Thượng nghị sĩ Jim Risch, thượng nghị sĩ Bob Menendez, hạ nghị sĩ Eliot Engel, hạ nghị sĩ Michael McCaul hôm 14/7 cùng nhau ra một tuyên bố nêu rõ: “Các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp”.
Chiến hạm Hoa Kỳ áp sát Trường Sa
Trang tin DVIDS thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, hôm 14/7 đăng ảnh chiến hạm USS Ralph Johnson, khu trục hạm lớp Arleigh Burke trang bị tên lửa dẫn đường của hải quân Hoa Kỳ, di chuyển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo chú thích, USS Ralph Johnson được triển khai nhằm tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, góp phần vào nỗ lực hợp tác an ninh vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Liveuamap, chuyên trang theo dõi các điểm nóng trên thế giới, đăng bản đồ tàu Ralph Johnson xuất hiện trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Châu Viên và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng các tiền đồn phi pháp.
Nước Anh sẽ phạt tiền người không đeo khẩu trang
Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson ngày 13/7 tuyên bố bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi mua sắm tại các cửa hàng, bắt đầu từ ngày 24/7 tới.
Bộ Trưởng Y Tế Matt Hancock cho biết, một cửa hàng có thể từ chối người không đeo khẩu trang vào và có thể gọi cảnh sát nếu họ từ chối tuân thủ. Theo quy định mới, những người không tuân thủ có thể bị phạt tới 100 bảng (125 USD), căn cứ luật y tế công cộng của Anh.
Trước Anh, nhiều quốc gia châu Âu gồm Đức, Tây Ban Nha, Italy, và Hy Lạp đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang trong các không gian kín, nhưng nước Anh chỉ bắt buộc điều này đối với nơi công cộng.
Pháp sẽ bắt buộc người dân đeo khẩu trang trong không gian kín
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 14/7 cho hay, Chính quyền Pháp sẽ bắt buộc người dân đeo khẩu trang trong các cửa hàng và không gian công cộng kín để kiềm chế virus Trung Cộng lây lan trở lại.
Cùng ngày, khoảng 2,000 binh sĩ, chỉ bằng một nửa quân số hàng năm, tham gia lễ duyệt binh mừng quốc khánh Pháp. Quốc khánh Pháp còn được gọi là Ngày Bastille, xuất phát từ cuộc công phá pháo đài Bastille vào ngày 14/7/1789. Quốc hội Pháp nhất trí chọn ngày 14/7 là quốc khánh từ năm 1880.
Trung Quốc trừng phạt tập đoàn quốc phòng Hoa Kỳ vì bán vũ khí cho Đài Loan
Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/7 tuyên bố trừng phạt Lockheed Martin, nhà thầu chính trong thỏa thuận Hoa Kỳ vừa phê chuẩn cho phép Đài Loan nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc kịch liệt phản đối hợp đồng vũ khí của Hoa Kỳ với Đài Loan, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ nghiêm túc tuân thủ chính sách ‘Một Trung Quốc’, ngừng bán vũ khí và hợp tác quân sự với Đài Loan, bởi điều này có thể gây tổn hại thêm đối với quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc và hai bờ eo biển.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuần trước phê duyệt hợp đồng nâng cấp hệ thống phòng không Patriot trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan, nhằm đảm bảo tuổi thọ hoạt động khoảng 30 năm cho hệ thống.
Đài Loan tặng Hoa Kỳ 400,000 khẩu trang chống dịch
Phòng Thương mại Hoa Kỳ – Đài Loan hôm 14/7 đã quyên tặng 400,000 khẩu trang phẫu thuật cho Los Angeles để hỗ trợ khu vực này chống dịch virus Trung Cộng.
Bà Kathryn Barger, thành viên Hội đồng giám sát của Los Angeles cho biết đây là đợt quyên tặng lớn nhất mà quận nhận được kể từ khi dịch virus Trung Cộng bùng phát. Đại diện cho 10 triệu cư dân trong quận, bà Barger cảm ơn chính phủ Đài Loan và văn phòng Thương mại Hoa Kỳ – Đài Loan vì hành động đẹp của họ. Bà nói thêm rằng khẩu trang sẽ được phân phát cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
Philippines ủng hộ Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Philippines ông Delfin Lorenzana hôm 14/7 tuyên bố “nhất trí cao” với Hoa Kỳ sau khi Hoa Thịnh Đốn ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông kêu gọi chính phủ Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016, trong đó khẳng định yêu sách “Đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông là không có cơ sở.
Hoa Kỳ hủy kế hoạch trục xuất sinh viên quốc tế học trực tuyến
Hoa Kỳ ngày 14/7 đã đưa ra động thái bất ngờ trên sau khi vấp phải nhiều chỉ trích và áp lực từ các trường đại học, cũng như các doanh nghiệp lớn.
Thẩm phán Allison Burroughs tại tòa án quận Massachusetts cùng ngày cho biết bà đã nhận được thông báo từ Nhà Trắng rằng hướng dẫn cho sinh viên quốc tế “sẽ trở về tình trạng như chỉ thị chính sách thiết lập vào ngày 9/3/2020… và sẽ hủy áp dụng chỉ thị chính sách tháng 7/2020”.
Động thái được đưa ra trong bối cảnh hàng chục trường đại học, công ty công nghệ và các các bang của Hoa Kỳ cùng Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đang nỗ lực ngăn chặn chính sách này.
Đa số người có tín ngưỡng ủng hộ ông Trump tái đắc cử
Sunday Express hôm thứ Ba ngày 14/7 công bố kết quả khảo sát cho thấy, đa số người Hoa Kỳ có tín ngưỡng ủng hộ TT Trump tái đắc cử.
Cuộc khảo sát về đối đầu giữa TT Trump và ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden được Democracy Institute phối hợp với Sunday Express thực hiện từ ngày 1/7 đến 3/7 với sự tham gia của 1.500 người.
Chia theo tín ngưỡng của cử tri, TT Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng tôn giáo. 90% người Evangelical Christians ủng hộ TT Trump, chỉ có 8% cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Biden.
Còn GS. Helmut Norpoth của Đại học Stony Brook hôm 14/5 cho biết, ông Trump có đến 91% cơ hội thắng cử vào tháng 11 dựa trên mô hình dự đoán “Primary Model” của ông.
Norpoth cho biết, mô hình này có thể đoán đúng 25 trong số 27 kỳ bầu cử kể từ năm 1912 – khi bắt đầu có hình thức bầu cử sơ bộ. Thực tế, ông đã từng đoán đúng 5 trong 6 kỳ bầu cử tại Hoa Kỳ kể từ năm 1996. Còn năm 2016, ông đã dự đoán đúng chiến thắng của ông Trump 9 tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Duy chỉ có 2 cuộc bầu cử mà “Primary Model” dự đoán sai là cuộc bầu cử năm 1960 của cựu TT John Kennedy và năm 2000 của cựu TT George Bush.
New York Times rút nhân viên khỏi Hồng Kông
Báo New York Times của Hoa Kỳ chuyển bộ phận tin tức điện tử ở Hong Kong sang Hàn Quốc do lo ngại luật an ninh Trung Cộng vừa ban hành.
Tờ báo đặt trụ sở văn phòng thường trú khu vực tại Hong Kong trong nhiều thập kỷ qua, chịu trách nhiệm theo dõi tin tức khu vực châu Á và gần đây là hỗ trợ hoạt động trung tâm tin tức kỹ thuật số của tờ báo.
New York Times cho biết họ sẽ chuyển đội ngũ nhà báo kỹ thuật số, chiếm khoảng 1/3 nhân viên tại Hong Kong, đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong năm tới.
Hàng chục nghị sĩ Canada kêu gọi trừng phạt Trung Quốc về vi phạm nhân quyền
Nhóm đa đảng tại Canada cho rằng Ottawa nên sử dụng Đạo luật Magnitsky để nhắm vào các quan chức Trung Cộng.
68 nghị sĩ và thượng nghị sĩ đã thêm tên của họ vào một lá thư gửi thủ tướng yêu cầu Canada áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức hàng đầu của Trung Cộng để đáp trả các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Bỉ phạt 600,000 euro vì vi phạm chính sách riêng tư
Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu của Bỉ hôm 14/7 đã đưa ra mức tiền phạt với Google là 600,000 euro vì không tuân thủ các quy tắc của châu Âu về “quyền riêng tư” của một người trực tuyến.
Đây là mức phạt lớn nhất mà cơ quan này từng đưa ra, lớn hơn gấp 10 lần so với hình phạt kỷ lục trước đây.
Tại Trung Quốc
Lộ tin hàng loạt xe quân sự đợi lệnh ‘hy sinh Bà Dương’ bảo vệ Vũ Hán ‘an toàn’
Khắp nơi ở miền nam Trung Quốc mưa bão vẫn liên tiếp kéo dài gây ra thảm họa lũ lụt.Tình hình hồ Bà Dương ở Giang Tây rất nghiêm trọng. Một video chia sẻ trên mạng cho thấy lượng lớn xe quân sự dừng lại gần hồ Bà Dương. Các cư dân mạng cho rằng chính quyền có ý định “hy sinh hồ Bà Dương để bảo vệ Vũ Hán”, bằng cách cho nổ tung một lỗ hổng ở Bà Dương. Cư dân mạng cũng cho biết, có ít nhất vài trăm xe quân sự đang được điều động.
Ngoài ra, cũng có một đoạn video được chia sẻ trên mạng về sự cố vỡ đê ở Cửu Giang, Giang Tây. Trong video, một dòng lũ lớn cuồn cuộn đang hoành hành, người dân nhanh chóng chạy trốn, nhưng địa điểm của video vẫn chưa được biết.
Đại sứ Trung Quốc nói việc Anh cấm Huawei là ‘quyết định sai lầm’
Trung Cộng đã phản ứng giận dữ sau khi Anh thông báo tập đoàn công nghệ Huawei sẽ bị cấm tham gia phát triển mạng viễn thông 5G của nước này.
Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, gọi đây là “quyết định đáng thất vọng và sai lầm”. Đại sứ này nói rằng với động thái trên, thật “đáng nghi ngờ liệu Vương quốc Anh có thể cung cấp một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử dành cho công ty đến từ các nước khác hay không”.
Global Times sáng 15/7 đăng một bài xã luận với dòng: “Trung Quốc sẽ không ngồi yên nhìn lệnh cấm Huawei của Anh”, cho rằng quyết định của Anh “rõ ràng là kết quả do sức ép nặng nề từ Hoa Thịnh Đốn”.
Siêu thị Hồng Kông hạn chế khách mua nhu yếu phẩm
Hai chuỗi siêu thị lớn của Hồng Kông là Wellcome và ParknShop hôm 14/7 đã quy định, mỗi khách hàng chỉ được phép mua hai sản phẩm mỗi lần trong danh sách các mặt hàng thiết yếu.
Hành động được đưa ra trong bối cảnh nhiều bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội tuần này cho thấy các sản phẩm như gạo, mì ăn liền đã bị “quét sạch” tại một số siêu thị trong thành phố, đặc biệt là gần khu vực Tsz Wan Shan, nơi vừa ghi nhận các ca nhiễm virus Trung Cộng mới.
Chuỗi siêu thị Wellcome thông báo những sản phẩm bị hạn chế mua gồm gạo, giấy vệ sinh, khăn giấy, đồ hộp, mì ống và nước sốt, xà phòng rửa tay và khăn bếp.
Theo SCMP, hôm thứ 3 vừa qua, giới chức đã xác nhận thêm 48 ca nhiễm virus Trung Cộng, trong đó một nửa số ca không rõ lây nhiễm từ đâu.
Tại Nhật Bản
Nhật cân nhắc nâng mức báo động dịch virus Trung Cộng cao nhất cho Tokyo
Các quan chức Nhật Bản ngày 15/7 cho biết thủ đô Tokyo đang cân nhắc nâng báo động đối với dịch virus Trung Cộng lên mức cao nhất trong 4 cấp độ, sau khi số ca nhiễm tại đây tăng kỷ lục.
Động thái của chính quyền Tokyo được đưa ra khi 4 trong 6 ngày qua, thành phố đều ghi nhận ca nhiễm virus Trung Cộng hàng ngày vượt 200, trong đó mức cao kỷ lục là 243 ca hôm 10/7.
Nhật truy vết cụm dịch mới liên quan nhà hát Tokyo
Tokyo hôm 14/7 kêu gọi hơn 800 khán giả xét nghiệm virus Trung Cộng, sau khi ghi nhận ít nhất 20 ca nhiễm liên quan tới buổi biểu diễn tại một nhà hát 190 ghế ngồi ở quận Shinjuku, gần phố đèn đỏ ở Tokyo.
Nhật Bản đang đẩy mạnh tái mở cửa từng phần, dự kiến mở lại đường băng của một trong những sân bay lớn nhất quốc gia dù các thành phố lớn, khu vực nông thôn, và căn cứ quân sự Hoa Kỳ vẫn ghi nhận ca nhiễm mới.
Việt Nam: Đề xuất nối lại đường bay quốc tế từ tháng 8
Ngày 14/7, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ mở đường bay thương mại hàng tuần đến một số nước châu Á từ tháng 8.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm việc với cơ quan hàng không Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia để lên kế hoạch vận chuyển. Dự kiến khoảng 2,500 đến 3,000 khách từ nước ngoài nhập cảnh mỗi tuần trên các chuyến bay này, bên cạnh các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam do Bộ Ngoại giao tổ chức.
Hành khách nước ngoài nhập cảnh cần có visa hợp lệ và thực hiện cách ly theo quy định về phòng chống virus Trung Cộng.