Dịch Norovirus leo thang: Các triệu chứng cần theo dõi và giải pháp điều trị tại nhà
Norovirus là một loại virus rất dễ lây lan, có thể lây nhiễm ở mọi lứa tuổi, gây viêm dạ dày ruột hoặc chỉ viêm dạ dày hoặc ruột, và thường được gọi là cúm dạ dày.
Hiện đang có những đợt bùng phát norovirus ở một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Canada, và Hoa Kỳ.
Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy có 225 đợt bùng phát norovirus từ tháng 08/2022 đến tháng 01/2023, cao hơn khoảng 30% so với 172 đợt bùng phát được báo cáo trong cùng tháng năm 2022.
Nơi dịch bệnh bùng phát tồi tệ nhất
Tính đến thời điểm bài viết này được công bố, các phòng thí nghiệm vùng Trung Tây đã quan sát thấy tỷ lệ dương tính trung bình là 15.5% trên những bệnh nhân được làm xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) kể từ ngày 18/02.
Khu vực Tây phương đang có tỷ lệ dương tính trung bình là 12.4% kể từ ngày 18/02, tỷ lệ này có thể sẽ tăng lên trong tháng tiếp theo.
Tỷ lệ dương tính trung bình ở Đông Bắc (17.2%) và phía Nam (18.2%) đều đã vượt quá mức cao nhất vào tháng 03/2022, lần lượt là 16.5% và 14.7%.
Triệu chứng khi nhiễm Norovirus
Norovirus là một loại virus rất dễ lây lan, có thể lây nhiễm ở mọi lứa tuổi, gây viêm dạ dày ruột hoặc chỉ viêm dạ dày hoặc ruột, và thường được gọi là cúm dạ dày.
Norovirus lây lan qua thực phẩm, nước, bề mặt bị ô nhiễm, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Eric Cioè-Peña, Giám đốc Y tế Toàn cầu của Northwell Health ở New York, nói với The Epoch Times: “Triệu chứng của Norovirus giống với hầu hết các loại virus ‘cúm dạ dày’ ví dụ như rotavirus. Điều quan trọng với loại virus này là khả năng lây lan nhanh chóng (khi toàn bộ tàu du lịch bị nhiễm bệnh) và không có vaccine như đối với virus rota.”
Nhiễm trùng thường bắt đầu trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc với norovirus và có thể kéo dài đến ba ngày.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Tiêu chảy
- Co thắt dạ dày
- Sốt nhẹ
Trường hợp trầm trọng có thể dẫn đến mất nước, gây chóng mặt, khô miệng, nước tiểu sẫm màu, và thiểu niệu. Mất nước đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ dưới 1 tuổi, trẻ nhỏ và người già, những người có thể phải nhập viện.
Yếu tố nguy cơ của bệnh nặng
Một số người có nguy cơ bị bệnh nặng cao hơn như trẻ dưới 3 tuổi, trẻ nhỏ, và người già.
Một số tình trạng bệnh lý cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh nặng:
- Những người bị suy giảm miễn dịch, như những người đang hóa trị hoặc sống chung với HIV/AIDS
- Những người bị bệnh kinh niên, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh tim, hoặc bệnh gan
Tiến sĩ Cioè-Peña cho biết: “Virus có thể gây ra tiêu chảy lượng lớn và mất nước, điều này là mối nguy hiểm nhất đối với người cao tuổi. Những trẻ còn quá nhỏ và người rất cao tuổi có thể bị bệnh nặng.”
Khi nào cần chăm sóc y tế?
Hầu hết các trường hợp nhiễm norovirus có thể được kiểm soát tại nhà bằng cách nghỉ ngơi và bù nước. Bệnh sẽ hồi phục trong vòng vài ngày mà không có bất kỳ biến chứng nào. Nhưng bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bị mất nước trầm trọng, đi ngoài phân máu hoặc đen hoặc các tình trạng nặng như:
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy dai dẳng trong hơn ba ngày
- Dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh và đau cơ
- Đau bụng nặng
- Đau ngực hoặc khó thở
Trong một số trường hợp, đặc biệt đối với trẻ dưới 1 tuổi, trẻ nhỏ,và người già, nhiễm trùng có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng hơn, như viêm phổi hoặc phản ứng quá mức và nhiễm trùng nặng như nhiễm trùng huyết.
Điều quan trọng là phải kiểm soát các triệu chứng nhiễm trùng để ngăn ngừa tình trạng mất nước trầm trọng.
Tiến sĩ Cioè-Peña khuyên: “Nếu bạn bị chóng mặt đến mức không thể đi lại, hay ngừng đi tiểu thường xuyên (hơn 8 giờ), chúng tôi cho rằng đây là những dấu hiệu của tình trạng mất nước từ trung bình đến nặng. Bạn có thể sẽ cần đến tìm đến chuyên gia y tế.”
Giảm triệu chứng bằng các liệu pháp tự nhiên
Nếu bạn đang bị nhiễm norovirus, có một số liệu pháp tự nhiên làm giảm các triệu chứng. Bốn cách có thể giúp giảm bớt sự khó chịu là:
- Uống nhiều nước hoặc các chất lỏng khác để tránh mất nước. Nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có thể phục hồi tốt hơn sau khi bị nhiễm trùng.
- Ăn nhạt, tránh thức ăn cay hoặc béo, có thể gây kích ứng dạ dày. Thay vào đó, hãy thử ăn những thức ăn nhạt như bánh quy giòn, cơm, hoặc chuối.
- Dùng gừng. Gừng đã được chứng minh là giúp giảm buồn nôn và nôn. Bạn có thể thử uống trà gừng hoặc bổ sung gừng. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy rằng uống gừng có hiệu quả và an toàn trong việc cải thiện tình trạng nôn mửa ở trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp tính. Một đánh giá trên nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng gừng là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho chứng buồn nôn và nôn trong nhiều tình huống lâm sàng.
- Hãy thử ăn các loại thực phẩm có chứa probiotics, chẳng hạn như sữa chua hay kefir, hoặc bổ sung probiotics. Probiotics có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng của lợi khuẩn đường ruột.
“Đối với các triệu chứng nhẹ, nước uống Gatorade là một chất bổ sung tốt,” Tiến sĩ Cioè-Peña khuyến nghị. “Nhưng bột Pedialyte là giải pháp bù nước bằng đường uống tốt nhất.”
Phòng ngừa tốt hơn nhiều so với điều trị các triệu chứng của bệnh cúm dạ dày.
Cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi nhiễm trùng là thường xuyên rửa tay, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc trước khi ăn uống, đồng thời dùng chất sát khuẩn tay khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm ngoài nơi công cộng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times