Nguyễn Huy Thiệp (P1): ‘Những điều trông thấy mà đau đớn lòng’
Sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn từng làm chao đảo văn đàn nửa thế kỷ trước, đã để lại là niềm tiếc thương sâu đậm trong lòng độc giả. Nguyễn Huy Thiệp trở thành huyền thoại, không chỉ do ông là nhà văn nổi tiếng nhất Việt Nam kể từ sau năm 1975 mà bởi có lẽ phải mất nhiều năm nữa người ta mới hiểu trọn vẹn di sản văn chương của ông.
Chưa có một nhà văn nào vừa xuất hiện đã gây dư luận mạnh mẽ đến thế, người ta chờ đón truyện của Nguyễn Huy Thiệp từ khi chưa ra, truyện đăng rồi tranh nhau tìm đọc, tác phẩm Thiệp là chủ đề bình luận tranh cãi trong đủ mọi giới độc giả. Ông đã trở thành một phần đời sống tinh thần của nhiều thế hệ độc giả đủ mọi lứa tuổi.
Mặc dù Nguyễn Huy Thiệp đến với những tác phẩm văn học cực kỳ lạnh lùng, thể hiện một bức tranh hiện thực xã hội Việt Nam đương thời nghiệt ngã, không hề né tránh, hay ẩn ý, ông trực diện, thẳng thắn khiến người ta choáng váng, nhưng dường như người đọc vẫn chưa bao giờ thực sự hiểu kịp ông, ngay cả khi ông đã ra đi.
Nhà văn Nguyên Ngọc – biên tập viên báo Văn nghệ – tờ báo lớn nhất về văn học Việt Nam thời đó đã xuất bản nhiều nhất có thể các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp trong hơn 1 năm rưỡi từ 1887 cho đến năm 1988, cũng là người đứng ra chịu trách nhiệm xuất bản 3 truyện ngắn đề tài lịch sử: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp – những tác phẩm rồi sẽ gây những tranh luận dữ dội, và chẳng bao lâu sau, cảnh sát văn hóa đến gặp Nguyễn Huy Thiệp, đánh dấu sự kết thúc cho sự bùng nổ văn học ‘đổi mới’ ngắn ngủi của Việt Nam.
Là người nhận các bản thảo của Nguyễn Huy Thiệp, duyệt và đăng trên tờ Văn Nghệ, trong đời sống họ cũng là những người bạn gần gũi, nhưng cuối cùng Nguyên Ngọc đã thú nhận trong cuốn hồi ký gần đây của mình rằng: “Nhưng chính tôi cũng chưa hoàn toàn hiểu Nguyễn Huy Thiệp”.
Nguyễn Huy Thiệp trở thành huyền thoại như vậy, bởi vì ngay cả những người gạo cội nhất trên văn đàn cũng thừa nhận không hiểu ông.
Lay chuyển một nền văn học
Xuất hiện lần đầu tiên với truyện ngắn “Tướng về hưu” – tác phẩm gây chấn động văn đàn, mặc dù không phải truyện đầu tiên ông viết nhưng vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Huy Thiệp.
“Tướng về hưu” được viết bằng nguồn cảm hứng từ chính bối cảnh gia đình Thiệp, như ông chia sẻ.
Đó là câu chuyện một viên tướng (nguyên mẫu ông nội nhà văn), sau bao nhiêu năm chiến đấu, nay trở về với xã hội phải chứng kiến bao điều xấu của một xã hội đang suy đồi, sống trong gia đình mà mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn. Bản chất hám lợi xã hội Việt Nam đương thời được thể hiện rõ nét bởi con dâu của Tướng quân, Thủy. Thủy là một bác sỹ, cô mang nhau thai nhi bị phá bỏ từ bệnh viện về cho chó ăn, dặn người làm cho vào máy xay nhỏ để giấu bố chồng. Mẹ chồng mất, cô chẳng khóc nổi một tiếng mà chỉ lo tính toán cỗ bàn sao cho khỏi thiệt. Cậu con trai bất hạnh của Tướng quân, cố gắng dung hòa giữa bản năng thương mại của vợ và quy tắc đạo đức lỗi thời của cha mình nhưng không thành công. Cuối cùng ông tướng về hưu đi tìm cái chết.
“Bằng một lối kể thâm trầm của một kẻ vừa trải đời, vừa chán đời và không còn những hy vọng dễ dãi vào đời, trong Tướng về hưu, tác giả vẽ ra một khung cảnh ở đó, nếp sống thực dụng lan tràn, trở thành một thói quen; con người lì lợm lâu ngày đến mức mất hết cảm giác về sự lì lợm của chính mình; cái tốt bé nhỏ như một cái gì trớ trêu rơi rớt lại không được việc gì; lương tri vẫn còn trong mỗi người nhưng nó chỉ đủ sức làm cho người ta nghẹn ngào khi phải đối mặt với những cảnh tha hóa, bần cùng…” (Nhà phê bình Vương Trí Nhàn bình luận)
“Cả một nền văn học đồ sộ vậy, thế mà tay Nguyễn Huy Thiệp này chưa biết từ đâu xuất hiện, thì chỉ bằng một truyện ‘Tướng về hưu’, chỉ mới chạm nhẹ tay mà cả ngôi nhà văn học dường như đã lung lay rồi” – nhà văn Nguyễn Khải đã nói như thế về ‘Tướng về hưu’ từ những năm 1987.
Tác phẩm đánh dấu sự xuất hiện bất ngờ và thăng hoa trên văn đàn Việt Nam, làm chao đảo văn đàn cũng như xã hội thời điểm đó là một truyện ngắn như thế. Người đọc ấn tượng mạnh mẽ về một nhà văn với bút pháp lạnh lùng, trần trụi đến mức như tàn nhẫn khi ông không ngần ngại phanh phui, mổ xẻ sự đời, tâm địa con người. “Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người.”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bình luận.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mô tả: “Nguyễn Huy Thiệp như ngọn roi quất vào nền văn học, hoặc là như kẻ phá rối, khác giọng trong cả một dàn đồng ca”
Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp đã làm cho không khí văn chương Việt Nam đang lúc trầm lặng, cũ kỹ về nội dung, cả về cách viết, thì bỗng nhiên bị lay chuyển. Thiệp khiến văn đàn dậy sóng sau thời gian dài lặp đi lặp lại những câu chuyện hiện thực xã hội chủ nghĩa đầy khuôn mẫu gò bó trong ý thức chính trị.
Những vấn đề gai góc, tăm tối của một xã hội tha hóa hiện ra khốc liệt, nghiệt ngã dưới bút pháp tả thực, lạnh lùng, trực diện của Nguyễn Huy Thiệp. Ông phơi bày thứ hiện thực trần trụi, khiến người đọc bàng hoàng nhận ra có gì đó sai lầm trong xã hội của thời kỳ hậu chiến khi các truyền thống văn hoá của Việt Nam đang bị phá hủy đến tận gốc rễ và lờ mờ nhận ra nguyên nhân sâu xa nó.
Cao hơn chữ ‘phũ’ phải là chữ ‘chân’
“Tôi trải nghiệm nhiều cuộc sống, đi liền với các nghề nghiệp: dạy học, làm viên chức, vẽ tranh, bán quán ăn đặc sản, làm gốm… nhưng chỉ nghề viết văn là còn lại. Tôi làm mỗi nghề không quá 3 năm; giống như mở ra, đóng lại những cuộc chơi. Có thể đứng ngoài quan sát nhưng tôi muốn thực sự là người trong cuộc. Muốn mình phải trải qua những vật lộn sinh tồn của mỗi nghề. Tôi làm tất cả để có vốn sống thực đầy ắp cho nghề viết.”
Nguyễn Huy Thiệp thừa nhận sự “phũ” trong văn của ông là cách để phản ứng tức thì với đời sống. “Tuy nhiên, cao hơn chữ ‘phũ’ phải là chữ ‘chân’. Phải chân thực”, ông chia sẻ. Trong truyện ngắn Tiệc xòe vui nhất, nhân vật của ông nói: “Trung thực là đức tính đáng quý và khó kiếm nhất! Con sống trung thực, dầu biết trung thực bao giờ cũng chịu đau khổ thiệt thòị “
Hơn tất cả ông muốn thức tỉnh người đọc thông qua những vấn đề nhức nhối của cuộc sống. Ông kể những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày và tự nó làm rung chuyển xã hội. Nó làm người ta hoảng kinh, nhưng ngay cả sự kinh hoàng đó cũng là một phần của vở bi kịch thời đại mà Nguyên Huy Thiệp chỉ là người dựng lại, tại sao người ta lại choáng váng khi cái hiện thực về một xã hội tha hóa hậu chiến tranh khi nó vốn vẫn là sự thật hằng ngày và cho đến tận bây giờ, khi ông đã mất, nó chưa hề thay đổi.
Độc giả không còn là người thưởng thức tác phẩm văn chương của ông, họ chính là một nhân vật, họ tham gia vào phần kết sau tất cả những gì ông viết, chính phản ứng của họ đối với tác phẩm mới là điều ông muốn hướng tới. Lưỡi dao của sự thật làm con người đau đớn hay kinh sợ, rốt cục để họ tự giải phẫu chính mình trong sự nhận thức về thời đại mình đang sống. Sự nhận thức ấy dù khốc liệt và tàn nhẫn nhưng nó là phương thức duy nhất để thức tỉnh lương tri.
Đó là lý do mà đông đảo độc giả yêu mến ông có lẽ bởi họ cảm nhận được, bên dưới giọng văn lạnh lùng trần trụi mô tả hiện thực nghiệt ngã về xã hội, không phải là sự cay nghiệt. Ông chỉ cho ta thấy “bầy người nhỏ bé như con sâu cái kiến, thúc thủ trong phần sinh linh vừa bé mọn, vừa cô đơn, vừa bất lực”; lại chạy theo những thứ “ảo tưởng phù du”; nhưng mà “thương lắm”, bởi “có ai thương họ đâu”, “Tim tôi ứa máu” rồi cuối cùng chỉ còn lại “nỗi buồn vĩnh cửu”. Thấm đẫm trong đó là lòng thương những thân phận người, thân phận dân tộc, trong thời kỳ mà riêng ông sớm nhận ra cái tương lai bế tắc của nó. Có lẽ ông là nhà văn đúng như Nguyễn Du nói ‘những điều trông thấy mà đau đớn lòng’.
(Còn tiếp)
Đan Thư
Xem thêm: