Đi hay ở? Các công ty, ngân hàng phương Tây ở Nga phải đối mặt với những thách thức lớn
Các doanh nghiệp và ngân hàng phương Tây hoạt động tại Nga – cho dù họ có ý định rời khỏi đất nước hay ở lại kinh doanh ở đó – đang đối mặt với những khó khăn lớn khi họ cố gắng cân bằng áp lực quốc tế để thoái vốn và khả năng trả đũa từ Moscow.
Hơn 400 công ty phương Tây đã rời khỏi Nga kể từ nước này khi xâm lược Ukraine, để lại tài sản hàng tỷ USD. Khoảng 80 công ty vẫn đang hoạt động, mặc dù họ đã tạm dừng các khoản đầu tư mới. Hầu hết các công ty này là các doanh nghiệp dược phẩm và tiêu dùng, họ tuyên bố rằng việc rút khỏi Nga sẽ không cần thiết phải gây hại cho người dân Nga.
Một số công ty cũng lo lắng nhân viên của họ có thể phải đối mặt với sự trả đũa pháp lý từ Điện Kremlin.
Theo Reuters, ông Bruce Haynes, đồng chủ tịch toàn cầu về truyền thông khủng hoảng tại công ty quan hệ công chúng SVC + FGH, cho biết: “Các công ty tin rằng họ không thể dễ dàng bỏ rơi các doanh nghiệp nhỏ của Nga và người tiêu dùng phụ thuộc vào họ.”
SVC + FGH đã tư vấn cho các doanh nghiệp về việc rút khỏi Nga.
Các công ty như Procter & Gamble Co., PepsiCo Inc. và Nestle đã thông báo rằng họ sẽ tiếp tục kinh doanh tại Nga, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân thiết yếu như sữa và tã giấy.
Các tập đoàn dược phẩm Bayer AG và Pfizer Inc. sẽ ngừng các hoạt động không cần thiết nhưng sẽ tiếp tục cung cấp thuốc điều trị các bệnh như ung thư và tiểu đường.
Điện Kremlin đã đe dọa các công ty ngoại quốc đang rời đi rằng chính phủ có thể tịch biên tài sản của họ. Các công tố viên của nhà nước đã cảnh báo các doanh nghiệp rằng nếu họ đóng cửa việc sản xuất các mặt hàng thiết yếu, các nhân viên có thể bị bắt giữ.
Trong khi đó, các ngân hàng phương Tây đang gặp khó khăn trong việc thanh lý tài sản. Sở giao dịch Moscow đã đóng cửa kể từ hôm 25/02. Các công ty quản lý tài sản lớn đang dựa vào các ngân hàng để giảm thiểu thiệt hại khi giao dịch khởi động lại ở Nga. Nhưng điều này có thể đòi hỏi việc có được các giấy phép cần thiết và không chắc liệu họ có tìm được người mua hay không.
Tại Hoa Kỳ, việc bán tài sản cho các thực thể bị trừng phạt cần có giấy phép đặc biệt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc. Thời gian cần thiết để có được những giấy phép như vậy không rõ ràng.
Tại Liên minh Âu Châu, các hệ thống thanh toán đã bị chặn không cho thực hiện các giao dịch trái phiếu, cổ phiếu và các sản phẩm phái sinh bằng đồng rúp, loại tiền tệ duy nhất mà các doanh nghiệp Nga hiện tại có thể thanh toán.
Các ngân hàng chỉ có vài tuần để chốt mọi hợp đồng chưa thanh toán với khách hàng Nga chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây và các ngân hàng cũng phải bảo đảm rằng các giao dịch với các khách hàng Nga còn lại của họ không vi phạm các lệnh trừng phạt đó.
Ông Pushan Dutt, Giáo sư Kinh tế INSEAD, cho biết các ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các rắc rối pháp lý và quy định liên quan đến Nga trong nhiều thập niên. “Nếu không có sự thay đổi chế độ, Nga sẽ tiếp tục bị cắt khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế.”
Tập đoàn ngân hàng Ý UniCredit có thể bị mất 7.4 tỷ euro (8.19 tỷ USD) khi rời khỏi Nga và ngân hàng đầu tư của Pháp Societe Generale đã cảnh báo rằng Nga có thể tịch thu tài sản của họ tại nước này, Reuters đưa tin.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: