Di chỉ Pompeii xuyên thời gian qua bộ ảnh trắng đen của nhiếp ảnh gia William Wylie
Một cuộc phỏng vấn với nhiếp ảnh gia William Wylie.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, di chỉ khảo cổ thành phố Pompeii dường như bị đóng băng từ thời điểm Núi lửa Vesuvius phun trào. Tuy nhiên, thời gian chưa bao giờ ngừng trôi.
Trong cuộc triển lãm “Kho lưu trữ về Pompeii: Các bức ảnh của William Wylie tại Bảo tàng nghệ thuật Fralin thuộc Trường đại học Virginia,” những bức ảnh đầy chiều sâu của nhiếp ảnh gia lừng danh người Mỹ William Wylie thể hiện thành phố cổ Pompeii giống một khung cảnh sống động hơn là một di tích lịch sử. Đó là một phong cảnh đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa suy tàn và bảo tồn, giữa thiếu vắng và hiện diện.
Các bức hình của nhiếp ảnh gia Wylie được trưng bày đến ngày 09/06/2019, và được triển lãm cùng với một số bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Đức từ thế kỷ 19 là Giorgio Sommer (1834-1914) được chọn lọc từ bộ sưu tập cá nhân của Wylie. Sommer ghi hình lại việc khai quật tại di chỉ Pompeii vào giữa thế kỷ 19, và chính công việc này của Sommer đã truyền cảm hứng cho Wylie để chụp ảnh về Pompeii.
Các bức ảnh và những thước phim ngắn của Wylie đã được triển lãm trên khắp đất nước Hoa Kỳ cũng như trên thế giới. Tác phẩm của ông có thể được tìm thấy ở những bộ sưu tập riêng của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Phòng trưng bày Nghệ thuật quốc gia, Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian cũng như nhiều nơi khác.
Ông được trao học bổng Guggenheim, học bổng chuyên nghiệp của Bảo tàng Mỹ thuật Virginia, và học bổng sau đại học Doran Artist của Đại học Yale tại dinh thự Sol and Carol LeWitt ở thành phố Praiano, nước Ý.
Ông đã cho ra mắt năm quyển sách in ấn các tác phẩm nhiếp ảnh của mình, gần đây nhất là cuốn sách “Kho lưu trữ về Pompeii,” xuất bản năm 2018 bởi Nhà xuất bản Đại học Yale.
Nhiếp ảnh gia Wylie sống ở thành phố Charlottesville, tiểu bang Virginia, là giảng viên nghệ thuật nhiếp ảnh và giám đốc của Khoa Art Studio tại Đại học Virginia. Mặc dù công việc bận rộn, nhưng ông vẫn dành thời gian để chia sẻ bằng thư điện tử về quá trình sáng tạo của mình, cũng như cách ông nhìn Pompeii thông qua lăng kính máy ảnh và xuyên qua thời gian. Và điều cơ bản nhất là Pompeii có ý nghĩa như thế nào đối với ông.
The Epoch Times: Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông chụp các bức ảnh về Pompeii?
Nhiếp ảnh gia William Wylie: Trong hơn 30 năm, phong cách nhiếp ảnh của tôi tập trung vào việc thể hiện lịch sử và văn hóa thông qua phong cảnh. Tôi đã quan tâm đến Pompeii từ rất lâu bởi vì về cơ bản, đó là một nền văn hóa và thành phố cổ xưa, có thể nói, được ngưng đọng và bảo tồn bởi một thảm họa thiên nhiên.
Tình huống của thành phố Pompeii đã tạo nên những điều rất tương đồng với một bức ảnh chụp, tại thời điểm đó cả thành phố dường như bị đóng băng ngay lập tức. Tôi rất thích ý tưởng này.
Và tôi đã khám phá ra các bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Giorgio Sommer có từ thế kỷ thứ 19. Sau đó, tôi đến di tích Pompeii và xem mình có thể làm được gì với vai trò là một người nghệ sĩ.
The Epoch Times: Các bức ảnh của Giorgio Sommer đã tác động như thế nào đến cách ông chụp ảnh về Pompeii?
Nhiếp ảnh gia William Wylie: Lúc mới bắt đầu, tôi bị thu hút bởi cách mà Sommer làm phẳng không gian trong các bản in Albumen của mình, biến một không gian ba chiều trở nên giống với một bức ảnh cắt ghép hai chiều.
Những kiến trúc còn lại ở di tích Pompeii như các cây cột, bức tường, cửa ra vào, và nhiều thứ khác chắc chắn đều hiện diện trong các bức ảnh, nhưng dường như nhiếp ảnh gia Sommer có khả năng làm nổi bật ý tưởng về khảo cổ học, về địa tầng và lớp cắt, thông qua các bức ảnh của mình.
Đầu tiên, tôi nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi một dự án chụp lại các bức ảnh, đến chính xác những địa điểm mà Sommer đã chụp ảnh sau 150 năm và chụp lại các bức ảnh mới. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng nhận thấy di tích Pompeii có nhiều điều thú vị để thực hiện hơn là chỉ đơn giản tìm kiếm sự thay đổi.
Dự án của tôi tiếp tục dựa trên những bức ảnh của Sommer để tham khảo, tuy nhiên, chính bản thân di tích Pompeii đã trở thành chủ đề chính trong các bức ảnh của tôi.
The Epoch Times: Tại sao ông lại quyết định chụp ảnh trắng đen?
Nhiếp ảnh gia William Wylie: Tôi chủ yếu chụp ảnh trắng đen. Tôi yêu thích kiểu đồ họa thể hiện kết cấu và sắc điệu, và tôi cũng thích “không gian” mà các bức ảnh đen trắng tạo ra giữa chủ thể và người xem. Đó là một lớp trừu tượng rất tinh tế giúp bức ảnh trở thành một hình ảnh đại diện và là một chủ thể nghệ thuật.
The Epoch Times: Ông đã gặp phải những thử thách nào khi chụp ảnh các kiến trúc biểu tượng của Pompeii?
Nhiếp ảnh gia William Wylie: Việc chụp ảnh tất cả các kiến trúc, ngoại trừ đấu trường, đều đơn giản và hầu như đi theo kế hoạch dự định ban đầu. Có một thử thách là làm sao để liên tục chụp được các bức ảnh thú vị.
Tôi đã làm việc trong khoảng thời gian hơn năm năm, một điều quan trọng là mỗi lần đến Pompeii, trong vài ngày đầu tiên, tôi sẽ để các giác quan của mình mệt nhoài với các kiến trúc biểu tượng, và sau đó tôi có thể bắt đầu nhìn thấy những điều hoàn toàn mới.
The Epoch Times: Ông có thể chia sẻ về một số bức ảnh mà ông đã chụp được không?
Nhiếp ảnh gia William Wylie: “Phòng G, Nhà của Thần Tình Ái bằng Vàng (VI.16.7),” năm 2015: ngôi nhà này nằm trong số những ngôi nhà xa hoa ở thành phố cổ, thuộc về một gia đình Pompeii. Ngôi nhà được đặt tên theo tượng thần tình ái dát vàng được miêu tả trong rất nhiều các bức bích họa trên tường.
Thỉnh thoảng, dưới ánh sáng thích hợp, sự xa hoa hàng ngày của thành cổ Pompeii trở nên rất sống động.
Bức tranh khảm trên sàn tuyệt đẹp này và những bức bích họa phong phú trên các bức tường của căn phòng đã được bảo vệ bởi một mái nhà mới. Bóng tối bên trong ngôi nhà được tạo ra bởi ánh sáng mặt trời chiếu vào buổi chiều tạo nên cảm giác huyền bí và trải nghiệm chân thực. Các bức bích họa miêu tả một loại giao dịch nào đó. Giống như một ký ức đen tối. Bất kể điều gì đã xảy ra, cùng với lớp thạch cao đổ nát và không gian trống của căn phòng hiện tại, có cảm giác giao dịch đó đã không kết thúc tốt đẹp.
“Thánh địa của Thần Apollo (VII.7.32),” năm 2013: Đó là một ý tưởng cũ, tuy nhiên bạn không thể bỏ qua tầm quan trọng của thời gian, thời điểm chính xác, và được ở đúng nơi để có thể chụp được một bức ảnh tuyệt vời.
Tôi biết nhiếp ảnh gia Giorgio Sommer đã chụp các bức ảnh ở thánh địa vào thế kỷ thứ 19. Tôi dường như đứng chính xác tại vị trí mà ông đã đứng khi tôi chụp bức ảnh này bởi vì có một số bức ảnh của ông khá giống với bức ảnh mà tôi đã chụp. Tuy nhiên, bức tượng của Thần Apollo không hiện diện trong các khung ảnh của Sommer. Mãi sau này, những mảnh vỡ rải rác của bức tượng đồng Thần Apollo ban đầu mới được ghép lại và xác định là nằm trên bệ tại vị trí đó.
Xung quanh tôi là các tàn tích của một thế giới cổ xưa. Tôi đang chứng kiến những nỗ lực để xây dựng lại ít nhất là một phần trong số những gì đã bị tổn thất của Pompeii, và tôi cũng đang nghĩ đến một bức ảnh cụ thể tại nơi đó vào thế kỷ 19. Sau đó, tôi lưu ý đến cường độ ánh sáng và bóng đổ đơn giản lên chân cột. Tôi như định lại trong khoảnh khắc thực tại mà hiếm khi có được từ kinh nghiệm nhiếp ảnh của mình.
Chính những điều như vậy đã thúc đẩy ý tưởng cơ bản của dự án hướng đến sự nhận thức về khoảnh khắc đang tiếp diễn của thành cổ Pompeii. Đó không phải là một thành phố của quá khứ, mà là một thành phố thực tại, như một kho lưu trữ.
“Vương cung thánh đường (VIII.1),” năm 2013: Bức ảnh này sử dụng kỹ thuật làm phẳng không gian mà tôi đã thấy trong các tác phẩm của Sommer, cùng với bố cục nhiều lớp hiển thị Núi Vesuvius, Vương cung thánh đường của Pompeii, và mặt phẳng lóng lánh như gương của nước lũ đã tràn đến vào cái ngày mà tôi chụp bức ảnh này.
Núi Vesuvius luôn xuất hiện mờ ảo phía trên thành phố, như một lời nhắc nhở cho du khách về lý do mà những tàn tích này xuất hiện.
Trong bức ảnh này, ngọn núi được xoắn lại vào trong mặt phẳng của khung hình, được tăng cường hơn nữa bằng các cây cột được làm chìm vào trong bức tường giống như một bức ảnh ghép, và được tác động thêm bởi các hình ảnh phản chiếu trên mặt nước lũ ở Thánh đường, làm nhân đôi phần tiền cảnh (không bao gồm ngọn núi lửa) qua mặt phẳng hình ảnh phản chiếu.
Tôi cũng nhận thức rất rõ về vấn đề ngập nước của thế kỷ 20 ở khu tiền cảnh: một khía cạnh khác cho thấy tính chất đương đại của địa điểm này, liên tục thay đổi và phát triển khi cần thiết.
The Epoch Times: Ông có thể chia sẻ ấn tượng cá nhân đối với tòa thành cổ Pompeii?
Nhiếp ảnh gia William Wylie: Ấn tượng đáng ngạc nhiên của tôi đối với Pompeii chính là đây không phải là một nơi chốn bị đóng băng tĩnh lặng như trong trí tưởng tượng của chúng ta, mà là một địa điểm liên tục thay đổi theo thời gian; sự suy tàn vẫn đang hiển hiện. Tôi đề cập đến điều này trong phần giới thiệu quyển sách Yale của mình, mặc dù Pompeii liên tục được khám phá những vẫn đang trở nên hoang phế. Điều này xảy ra là vì nó đã được phát hiện. Sự lạm dụng của con người, ô nhiễm, và các hiện tượng tự nhiên tiếp tục để lại dấu ấn nơi đây.
Buổi triển lãm “Kho lưu trữ Pompeii: Các bức ảnh của nhiếp ảnh gia William Wylie” tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Fralin, Trường đại học Virginia đến ngày 09/06/2019. Để tìm hiểu thêm thông tin vui lòng truy cập vào trang UVAFralinArtMuseum.virginia.edu.
Cuộc phỏng vấn đã được biên tập lại cho rõ ràng và súc tích hơn.
Lorraine Ferrier, nữ tác giả chuyên viết về mảng mỹ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Bài viết của cô chủ yếu xoay quanh các nghệ sĩ và nghệ nhân đến từ vùng Bắc Mỹ và Âu Châu, những nghệ sĩ với phong cách chế tác thấm đẫm vẻ đẹp và giá trị truyền thống. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến. Cô hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sinh sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.