Deutsche Bank dự báo ‘cuộc suy thoái lớn’ sẽ bắt đầu vào cuối năm sau
Deutsche Bank đã cảnh báo rằng một “cuộc suy thoái lớn” sắp xảy ra trong một lưu ý cho khách hàng vào thứ Ba (26/04).
Ngân hàng có trụ sở chính tại Frankfurt này đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ trong một báo cáo nhan đề “Tại sao cuộc suy thoái sắp tới sẽ tồi tệ hơn dự kiến”, trong đó lưu ý rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải hành động nhanh chóng và mạnh mẽ hơn để ngăn chặn thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế.
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank viết: “Chúng ta sẽ gặp phải một cuộc suy thoái lớn,” đồng thời lưu ý rằng “có những lý do chính đáng để kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục gây bất ngờ theo chiều ngược lại và sự ngoan cố của nó vẫn cao hơn các mục tiêu chính sách.”
Họ tiếp tục, “Do đó, chúng tôi coi điều rất có thể xảy ra là Fed sẽ phải nhấn phanh mạnh hơn nữa, và cần phải có một cuộc suy thoái sâu hơn để đưa lạm phát vào tầm kiểm soát.”
Các nhà kinh tế dự báo một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
“Nói tóm lại, tai ương lạm phát đã quay trở lại và vẫn ở đây. Mặc dù chúng ta có thể đã thấy mức cao bây giờ, nhưng sẽ còn lâu nữa nó mới giảm trở lại mức có thể chấp nhận được gần mục tiêu 2% của Fed,” ngân hàng này tiếp tục, gợi ý rằng lãi suất có thể sẽ được ngân hàng trung ương nâng lên đáng kể, và do đó, sẽ gây hại cho nền kinh tế.
Các nhà kinh tế cho biết họ thấy Fed phải tăng lãi suất quỹ liên bang lên mức 5 đến 6% để kiểm soát lạm phát. Hiện tại, lãi suất cho vay của Fed là 0.25 đến 0.5%.
“Với tư cách là một xã hội, thắt chặt tiền tệ là chính sách có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta; và việc thực hiện một cách tiếp cận đi chậm với hy vọng rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể được đưa một cách nhẹ nhàng vào một con đường bền vững là rất hấp dẫn. Nhưng điều này sẽ không xảy ra.”
Deutsche Bank cho biết họ tin rằng cách duy nhất để giảm thiểu thiệt hại mà lạm phát tê liệt gây ra cho nền kinh tế và xã hội là “nên làm quá nhiều cho chắc.”
Các nhà kinh tế tiếp tục: “Các thị trường chỉ cần được thấy rằng Fed sẽ làm những gì cần thiết và không khoan nhượng lạm phát kéo dài, ngay cả khi nó chỉ ở mức một con số. Hoa Kỳ rất may mắn khi có một ngân hàng trung ương phi chính trị làm những gì phù hợp cho đất nước ngay cả khi điều đó có nghĩa là một cuộc suy thoái không thể tránh khỏi.”
Theo ngân hàng, một số yếu tố đang góp phần làm lạm phát tăng vọt, bao gồm chi phí tăng cao, nhu cầu tiêu dùng, thị trường lao động thắt chặt, và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra đang làm trầm trọng thêm tình hình.
Triển vọng ảm đạm của công ty dịch vụ tài chính này được đưa ra sau khi nhà kinh tế Nouriel Roubini cảnh báo rằng các nền kinh tế tiên tiến và thị trường mới nổi đang phải đối mặt với “cơn bão lạm phát đình trệ ngày càng gia tăng,” theo đó lạm phát tăng đồng thời với tỷ lệ thất nghiệp.
Tương tự như Deutsche Bank, ông Roubini, giáo sư kinh tế và kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, đã chỉ ra một số sự kiện dẫn đến sự suy thoái hiện tại của nền kinh tế, bao gồm cả chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nguồn cung lao động thắt chặt, và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.
Ông viết: “Có nhiều lý do để lo lắng rằng tình trạng lạm phát đình trệ ngày nay sẽ tiếp tục đặc trưng cho nền kinh tế toàn cầu, tạo ra lạm phát cao hơn, tăng trưởng thấp hơn, và có thể là suy thoái ở nhiều nền kinh tế.”
Tuy nhiên, trong khi Deutsche Bank đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái lớn, các nhà kinh tế lưu ý rằng họ thấy nền kinh tế sẽ khởi sắc trở lại vào giữa năm 2024 khi Fed đảo ngược hướng đi.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: