Đến thăm biên giới, Chủ tịch Hạ viện Johnson kêu gọi Tổng thống Biden khôi phục chính sách ‘Ở lại Mexico’
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện tuyên bố sẽ buộc chính phủ phải thay đổi chính sách nhằm chấm dứt làn sóng hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp hàng năm, cũng như trì hoãn viện trợ cho các đồng minh của Hoa Kỳ nếu cần thiết.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) và khoảng 60 thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã đến thăm thị trấn biên giới Eagle Pass nằm ở phía tây Texas, nơi các quan chức quan thuế vừa ghi nhận hơn 4,000 lần chạm trán với những người nhập cư bất hợp pháp chỉ trong một ngày.
Chuyến thăm này đã hướng sự chú ý của mọi người đến hệ thống nhập cư bất thường của đất nước, trong đó đã cho phép hơn 6.5 triệu người vượt biên qua biên giới phía Nam một cách bất hợp pháp trong ba năm qua.
Dòng người tràn vào đã làm quá tải sức chứa của các thị trấn biên giới cũng như các thành phố lớn nhất của đất nước. Và điều này đã trở thành một vấn đề sôi nổi đối với các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, những người khăng khăng yêu cầu Thượng viện ban hành thay đổi các chính sách rộng rãi và Tổng thống Joe Biden phải áp dụng nhằm ngăn chặn gần 12,000 người nhập cảnh trái phép vào Hoa Kỳ mỗi ngày.
“Chúng tôi vừa đau lòng vừa tức giận,” ông Johnson nói sau khi đi tham quan biên giới. “Cộng đồng của chúng ta đang bị giày xéo. Nguồn lực địa phương của chúng ta đang bị hạn chế. Chúng ta có lượng ma túy gây chết người đang đổ vào đất nước chúng ta ở mức kỷ lục. Và chỉ trong vòng chưa đầy ba năm kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, chúng ta đã có hơn 7 triệu cuộc chạm trán bất hợp pháp ở biên giới.”
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng biên giới
Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đã cáo buộc lẫn nhau về việc ai chịu trách nhiệm cho thất bại an ninh biên giới này. Ông Johnson đổ lỗi cho Tổng thống Biden.
“Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Biden đã ngừng xây dựng bức tường biên giới phía Nam và chấm dứt chính sách ‘Ở lại Mexico’. Người ta ước tính … rằng nếu chính phủ ông Biden chỉ khôi phục chính sách ‘Ở lại Mexico’, thì điều đó có thể ngăn chặn 70% số người nhập cảnh bất hợp pháp hoặc hơn nữa, nhưng ông ấy từ chối làm điều đó,” ông Johnson nói trong một cuộc họp báo hôm 03/01. “Và kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, chính phủ của ông ấy gần như không làm gì để bảo vệ biên giới.”
Ông Johnson kêu gọi tổng thống thực hiện hành động hành pháp ngay lập tức, trong đó có việc chấm dứt chính sách “bắt và thả” và việc trục xuất hoặc giam giữ những người vượt biên bất hợp pháp, khôi phục chính sách ‘Ở lại Mexico’ được đưa ra dưới thời Tổng thống Trump, và tiếp tục xây dựng bức tường biên giới.
Đảng Cộng Hòa tuyên bố sẽ bảo vệ an ninh biên giới và buộc các quan chức chính phủ mà họ cho là đã gây ra cuộc khủng hoảng này phải chịu trách nhiệm. Đứng đầu trong số những quan chức mà họ nhắc tới là Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas.
“Mối đe dọa trong nước lớn nhất đối với an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân Mỹ là Bộ trưởng Alejandro Mayorkas,” Dân biểu Mark Green (Cộng Hòa-Tennessee), Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện cho biết. “Ông ấy, thông qua các chính sách của mình, đã bất tuân và phá hoại luật lệ được Hoa Kỳ thông qua.”
Ukraine là đòn bẩy
Để thúc đẩy việc đóng cửa biên giới phía Nam, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện buộc phải sử dụng chính sách viện trợ quân sự cho Ukraine làm đòn bẩy.
“Những gì chúng ta thấy ngày hôm nay chỉ khiến các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện quyết tâm hơn trong việc bảo vệ sự sáng suốt và người dân Mỹ, và chúng tôi sẽ làm điều đó,” ông Johnson nói. “Nếu Tổng thống Biden muốn có một dự luật chi tiêu bổ sung tập trung vào an ninh quốc gia, thì tốt hơn hết hãy bắt đầu bằng việc bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ quốc.”
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang đàm phán với Thượng viện về việc phê chuẩn yêu cầu bổ sung 106 tỷ USD từ Tổng thống Biden, trong đó có 45 tỷ USD cho Ukraine.
Hồi tháng 12/2023, ông Johnson đã thông báo với Thượng viện rằng Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sẽ không phê chuẩn viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trừ phi Thượng viện thông qua các điều khoản của H.R. 2, Đạo luật Bảo đảm Biên giới, mà Hạ viện đã thông qua gần một năm trước.
Những điều khoản đó bao gồm việc hạn chế khả năng của Bộ An ninh Nội địa (DHS) cho phép người nhập cảnh tạm thời vào Hoa Kỳ, và thay đổi quy trình xin tị nạn tại Hoa Kỳ, cũng như các quy định đối xử với trẻ em không có người đi cùng qua biên giới.
Dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao đàm phán với các quốc gia ở Tây bán cầu, bao gồm El Salvador, Guatemala, Honduras, và Mexico, về việc giải quyết đơn xin tị nạn của công dân các quốc gia đó.
Ngoài ra, các nhà tuyển dụng sẽ được yêu cầu sử dụng E-Verify, một hệ thống dựa trên web cho phép họ xác nhận khả năng đủ điều kiện làm việc tại Hoa Kỳ của nhân viên. Những yêu cầu đó sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong nhiều năm, dựa trên quy mô lực lượng nhân sự của nhà tuyển dụng. Dự luật này cũng sẽ tăng cường các hình phạt dân sự và hình sự đối với việc tuyển dụng những người không có quyền làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Dự luật sẽ yêu cầu DHS tiếp tục xây dựng bức tường biên giới vốn đã bị Tổng thống Biden đình chỉ vào ngày ông nhậm chức, 20/01/2021.
Ông Johnson kêu gọi tổng thống thực hiện một số hành động mục tiêu này trong một lá thư ngày 21/12/2023.
Bản tin có sự đóng góp của Zachary Stieber và Associated Press.
Vân Sa lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times