Defund hay Defend lực lượng cảnh sát?
Tháng trước, Hội đồng thành phố Minneapolis đã phê chuẩn đề nghị thay đổi quy định của thành phố, cho phép giải tán lực lượng cảnh sát. Trong khi đó, các quan chức New York thông báo rằng một tỷ USD ngân sách của Sở cảnh sát thành phố đã không còn.
Phong trào “giải tán lực lượng cảnh sát” từng được coi là một ý tưởng cực đoan thì nay đang trở thành hiện thực trên khắp đất nước.
Phong trào “giải tán lực lượng cảnh sát” nổi lên từ các cuộc biểu tình sau sự việc George Floyd thiệt mạng, kêu gọi việc cắt bớt ngân quỹ từ sở cảnh sát cho các chương trình xã hội khác. Phong trào tuyên bố rằng các sở cảnh sát phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống, và ngân sách của cảnh sát có thể được sử dụng tốt hơn để giúp đỡ các cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Một trong những nhóm nổi bật thúc đẩy phong trào giải tán cảnh sát là Black Lives Matter với những người dẫn đầu tự xưng là “được đào tạo theo chủ nghĩa Marxist”.
Những phản ứng trước sự thiệt mạng của Floyd, cùng với sự leo thang của việc chống cảnh sát, bạo loạn cướp phá trên khắp đất nước, thúc đẩy cải cách trị an, đã gây tổn hại tinh thần cho những người thực thi pháp luật, những người đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong những tuần gần đây, trong khi công việc của họ vốn dĩ đã rất khó khăn.
“Có lẽ họ đang trong tâm trạng tệ nhất từ trước đến nay,” ông Joseph Imperatrice, người sáng lập Blue Lives Matter NYC, một tổ chức hỗ trợ các sĩ quan cảnh sát và gia đình họ, cho biết. “Các sĩ quan này không biết đi theo hướng nào. Toàn bộ quá trình đào tạo của họ đã bị ném qua cửa sổ ngay lúc này. … Họ đã được đào tạo bài bản và biết cách để khắc phục người khác, nhưng hiện tại họ lại đang tự kiềm chế vì không muốn trở thành chủ đề trên trang nhất các tờ báo, bị bắt, và bị mất việc vì thực thi những gì mà họ đã được huấn luyện.”
Imperatrice, một trung sĩ cảnh sát tại nhiệm, nói với The Epoch Times rằng anh đang chứng kiến ngày càng nhiều sĩ quan cảnh sát New York xin nghỉ hưu, rằng rất nhiều những sĩ quan cảm thấy mất tinh thần khi phải đối mặt với bạo lực do những kẻ bạo loạn và các nhóm cực đoan gây ra và thiếu sự hỗ trợ từ cấp trên.
“Hiện nay, thật khó khăn để trở thành một sĩ quan cảnh sát,” anh Imperatrice nói. “Và trên hết, với việc cắt giảm ngân sách lên đến hàng tỷ USD tại New York thì bạn sẽ không có thêm lực lượng sĩ quan tham gia.”
Sở Cảnh sát New York (NYPD) là sở cảnh sát lớn nhất Hoa Kỳ với khoảng 36,000 nhân viên cảnh sát, đã chia sẻ với The Epoch Times rằng, kể từ ngày 25/5, ngày Floyd bị thiệt mạng, thì 503 sĩ quan đã nộp đơn xin nghỉ hưu. Đây là mức tăng 75% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong khi đó, riêng từ ngày 29/6 đến ngày 6/7 đã có 179 cảnh sát nộp đơn xin nghỉ hưu, tăng 411% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
“NYPD đã chứng kiến sự gia tăng số lượng các nhân viên cảnh sát nộp đơn xin nghỉ hưu. Mặc dù quyết định nghỉ hưu là nguyện vọng cá nhân và có thể do nhiều yếu tố tạo thành, nhưng đang là một xu hướng đáng lo ngại mà chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ,” Sở Cảnh sát cho biết.
Anh Imperatrice cho biết lực lượng cảnh sát suy giảm có thể ảnh hưởng đến an toàn công cộng vì không thể ứng phó kịp thời. Hơn nữa, điều này sẽ khiến người dân cảm thấy bất an khi không có ai ở đó để giúp đỡ họ. Anh cũng nói thêm rằng, trong những tuần gần đây, Big Apple (biệt danh của thành phố New York) đang chứng kiến mức độ gia tăng tội phạm, và có thể mức tăng này sẽ tiếp tục cao hơn nếu những vấn đề này không được giải quyết.
Từ ngày 1/6 đến 28/6, thành phố New York đã chứng kiến 250 nạn nhân bị bắn, NYPD cho biết. Con số này tăng gần 160% so với cùng thời kỳ năm ngoái và là con số lớn nhất trong khoảng thời gian bốn tuần kể từ năm 1996.
Anh Imperatrice nói rằng mọi người sẽ bắt đầu hỏi “Cảnh sát đang ở đâu?”
Anh cho biết anh tin rằng điều đó sẽ dẫn đến rất nhiều căng thẳng: “thật không công bằng đối với cộng đồng, và thật ra không phải các cảnh sát không làm nhiệm vụ của họ. Đó chỉ là vấn đề nguồn tài lực không có sẵn để hoàn thành nhiệm vụ.”
Những con số
Rob O’Donnell, cựu cảnh sát điều tra thành phố New York và là thành viên Ban Quản lý của Brothers Before Other nói với The Epoch Times rằng ông nghĩ các nhân viên cảnh sát đang là tầm ngắm của một vụ việc không đại diện cho phương thức thực hiện trị an.
“Cảnh sát cảm thấy bị công kích ở mọi khía cạnh vì những điều thực sự không liên quan đến sự cố rất hiếm khi xảy ra này,” ông O’Donnell nói thêm.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Tư pháp, khoảng 50 triệu người Mỹ trên 16 tuổi đã tiếp xúc với cảnh sát ít nhất một lần trong năm 2015.
Trong khi đó, cảnh sát sử dụng vũ lực mang tính sát thương khoảng 1,000 lần mỗi năm, theo cơ sở dữ liệu của The Washington Post, nơi đã theo dõi về các vụ bắn chết người của cảnh sát kể từ ngày 1/1/2015. Trong suốt thời gian đó, số người bị bắn và thiệt mạng hàng năm không thay đổi, vẫn ở mức khoảng 1,000 người.
Ông O’Donnell cho biết công việc thực thi trị an có chỗ cần cải thiện, và để cải thiện mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng thì cuộc đối thoại không nên bắt đầu từ những diễn dịch sai lệch. Ông nói thêm rằng các chính trị gia cũng nên nhìn xem nguyên nhân thất bại là gì, vì đó chính là cốt lõi của vấn đề.
“Phải chăng là do bản thân nội tại của chính sách hay là do việc thực thi chính sách?” ông bổ sung thêm. “Trong trường hợp của George Floyd, tôi tin rằng đó là việc thực thi chính sách, và khi ai đó thực thi sai do sơ ý hoặc cố ý thì chúng ta luôn có phương pháp để giải quyết vấn đề; đó chính xác là những gì đang diễn biến tại đây. Người cảnh sát đó đã bị bắt; anh ta bị truy tố và xét xử và sẽ phải đối mặt với bồi thẩm đoàn, những người sẽ đưa ra phán quyết hình sự.”
Trong khi đó, vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với cộng đồng người Mỹ da đen trong quá trình thực thi pháp luật là tâm điểm của những lời kêu gọi cải cách. Cơ sở dữ liệu của Post cũng cho thấy có khoảng 2,400 người Mỹ da trắng bị cảnh sát bắn thiệt mạng kể từ ngày 1/1/2015, gần gấp đôi số người Mỹ da đen bị bắn là 1,300 trong cùng khoảng thời gian.
Tuy nhiên, người Mỹ da đen chiếm 13% dân số Hoa Kỳ; do đó tỷ lệ người Mỹ da đen bị cảnh sát bắn và thiệt mạng cao gấp đôi tỷ lệ người Mỹ da trắng. Đây là nguồn gốc của cáo buộc phân biệt chủng tộc.
Heather Mac Donald, một thành viên của Viện Manhattan và là tác giả của cuốn “Cuộc chiến chống cảnh sát”, đã giải thích với The Epoch Times rằng điều này không hoàn toàn đồng nghĩa là cảnh sát đang bắn người da đen vì phân biệt chủng tộc.
“Mức độ cảnh sát sử dụng vũ lực được tính dựa trên tổng số tội phạm bạo lực mà các nhân viên cảnh sát gặp phải và số nghi phạm chống trả. Hơn nữa, tỷ lệ mà cảnh sát giết chết người da đen thực sự thấp hơn nhiều so với tỷ lệ phạm tội của họ,” ông Mac Donald cho biết.
Trang dữ liệu báo cáo tội phạm của FBI cho thấy, trong năm 2018, số người Mỹ da đen phạm những tội bạo lực chiếm 37,4% tại Hoa Kỳ.
Ông O’Donnell nói, “Dựa trên cảm nhận từ một sự cố cá biệt không mang tính thống kê, chúng ta đang thực hiện những thay đổi cực đoan làm tê liệt hệ thống cảnh sát, mà trong đó 99.9% thực thi đúng trình tự. Quay trở lại mà nói, điều này sẽ dẫn đến tình trạng tội phạm tiếp tục gia tăng.”
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr thừa nhận vào hồi đầu tháng 7 rằng ông tin đàn ông Mỹ da đen thường bị đối xử phân biệt bởi các cơ quan hành pháp Hoa Kỳ như “bị nghi ngờ hơn, và do đó có thể thất lợi vì sự nghi ngờ đó.”
Sự thiệt mạng của Floyd đã chứng tỏ rằng đất nước này còn phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục sự mất lòng tin của cộng đồng người Mỹ da đen đối với cơ quan thực thi pháp luật, ông Barr nói thêm.
“Trước khi xảy ra sự cố George Floyd, tôi đã nghĩ rằng chúng ta đang ở một thời điểm tốt đẹp. Tôi đã nghĩ rằng các cơ hội kinh tế đang mở rộng, và cộng đồng người Mỹ gốc Phi có thể tham gia vào những cơ hội đó hơn bao giờ hết,” ông Barr trả lời đài ABC News trong một cuộc phỏng vấn.
“Theo tôi, sự việc xảy ra ở Minneapolis cho thấy chúng ta vẫn còn một số việc phải làm để giải quyết sự mất lòng tin tồn tại trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi đối với cơ quan thực thi pháp luật.”
Hỗ trợ cộng đồng
Cô Melissa Robey, người sáng lập We Back Blue, một nhóm cộng đồng thân cảnh sát, đã tổ chức tuần hành trên khắp đất nước để thể hiện sự ủng hộ của cô đối với ngành thực thi pháp luật. Xuất thân từ một gia đình mà chị gái là một sĩ quan cảnh sát tại nhiệm, cha cô là một sĩ quan cảnh sát quận Columbia đã nghỉ hưu, và ông của cô là một quân nhân. Robey cho biết cô rất buồn khi chứng kiến cảnh bạo loạn ở Hoa Thịnh Đốn sau sự cố thiệt mạng của Floyd.
“Những gì tôi thấy là những người đột nhập vào các tòa nhà, đập vỡ cửa sổ, và tôi thấy những chiếc xe cảnh sát chặn đường để họ làm việc này,” cô nói với The Epoch Times. “Các sĩ quan cảnh sát đứng đó với hai cánh tay trước ngực và thực sự không phản ứng, bởi vì tôi biết rất nhiều người trong ngành thực thi pháp luật, có thể nói đó giống như đang lấy mạng họ.”
Robey cho biết sau cái chết của David Dorn, một đội trưởng cảnh sát đã nghỉ hưu 77 tuổi, người đã bị bắn thiệt mạng trong trận cướp phá ở St. Louis, Missouri, cô quyết định cần phải làm điều gì đó. Cô đã quy tụ một số bạn bè và diễn hành từ đường số 7 của Hoa Thịnh Đốn đến đài tưởng niệm cảnh sát vào ngày 13/6. Sau cuộc diễn hành đầu tiên đó, mọi người nhanh chóng hưởng ứng, và hoạt động ủng hộ cảnh sát này bắt đầu phát triển.
Cô Robey cho biết các sĩ quan cảnh sát cũng đang hưởng ứng các cuộc tuần hành của cô. Một quân nhân của tiểu bang đã đến gặp cô khi cô đang đứng đổ xăng, và hỏi cô có phải là người phụ nữ “We Back Blue” không. Cô kể vị quân nhân này sau đó hỏi cô rằng liệu ông có thể ôm cô không. Ông nói rằng ông thực sự choáng ngợp bởi sự ủng hộ từ cộng đồng trong cuộc tuần hành của cô ở Manassas, Virginia. Ông cũng cho biết rằng ông nghĩ chỉ có 10 người tham gia cuộc tuần hành, nhưng con số thực tế lên đến 400 người.
“Cô không biết rằng điều đó đã hỗ trợ tinh thần chúng tôi rất nhiều.” ông ấy nói. Vì vậy, việc cổ vũ tinh thần trong công việc, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về những gì các nhân viên công lực đang làm, và những gì họ trải qua sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự thay đổi,” cô Robey chia sẻ.
Robey cho biết thông điệp của cô dành cho mọi người là “có những cảnh sát thực sự, thực sự tốt vẫn đang sẵn sàng ở đây.”
Cô nói, “Có những sĩ quan cảnh sát yêu cộng đồng của họ, đang làm công việc bảo vệ cộng đồng của mình. Họ không trở thành triệu phú vì họ đang đeo súng và mang phù hiệu. Họ ở ngoài đó vì họ yêu cộng đồng của họ, yêu mọi người, và họ muốn giúp đỡ.”
JANITA KAN