Để từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo
Gần đây, tôi đã bắt đầu nhận ra sự tai hại và lực cản đằng sau việc truy cầu sự hoàn hảo. Chủ nghĩa hoàn hảo thật sự không hề tốt đẹp như mọi người vẫn thường ngộ nhận về nó. Vậy thì đâu là tác hại của việc theo đuổi thứ lý tưởng [vô lý] này?
Chủ nghĩa hoàn hảo có thực sự tồn tại?
Nếu xét trên định nghĩa, ta thấy tiêu chuẩn của sự hoàn hảo quá mơ hồ và đó là những thứ ta không bao giờ có thể với tới. Và thay vì tiến lên từng bước, người truy cầu sự hoàn hảo có xu hướng lảng tránh. Họ lảng tránh công việc, từ bỏ những nỗ lực và dừng lại những khát khao. Họ làm như thế vì để bảo vệ cái tôi của chính mình khỏi cảm giác xấu hổ và hụt hẫng gây ra bởi sự bất toàn của chính họ.
Sự lảng tránh đó thường xuyên là nguyên nhân của tánh trì hoãn, sự sao nhãng, sự chây ì. Ngoài ra sự lảng tránh còn khiến cho tư duy mê mờ hoặc khiến người ta rơi vào trạng thái bận rộn với những thứ kém quan trọng hơn.
Bi kịch mà chủ nghĩa hoàn hảo gây ra khiến cho những món quà bẩm sinh, tài năng vốn có và tiềm năng lớn nhất của một người không bao giờ được bộc lộ, thay vào đó là sự phung phí ẩn sâu dưới những bao biện nhằm tránh việc bị mất đi thể diện. Như vậy không có gì hoàn hảo cả!
Vậy, một người cầu toàn phải làm gì?
Nhìn vào bên trong
Quá trình từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo bắt đầu bằng việc tìm kiếm và đối diện với những sự thật bên trong mỗi chúng ta. Bạn phải thừa nhận những nỗi sợ của chính mình. Nó có thể là nỗi sợ về việc mình sống khác với tiêu chuẩn được đặt ra bởi người khác, nó có thể là nỗi sợ bị bị người đời phán xét hoặc nó chính là nỗi sợ khi đối mặt với những giới hạn của đời sống này.
Hãy nhìn vào bên trong để tìm ra những quan nhiệm, những suy nghĩ – những thứ đang bóp chết bước tiến của bạn, đồng thời nhận ra những triển hiện, dù vô tình hay hữu ý, của sự lảng tránh.
Xác định thế nào là sự hoàn hảo
Có một sự khác biệt rất lớn giữa sự hoàn hảo và chủ nghĩa hoàn hảo. Trong khi chủ nghĩa hoàn hảo là vật cản đường, thì sự hoàn hảo là lý tưởng – là thứ ban cho ta tiềm năng vô hạn. Và những lý tưởng mà một người kiên trì hướng đến sẽ quyết định vị trí của cuộc đời anh ta.
Dù lý tưởng ấy là những giá trị đạo đức, hay những nỗ lực mang tính sáng tạo hoặc giả một mong muốn được phụng sự xã hội, thì tất cả đều hữu ích, đều mang tính truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực để anh ta – người theo đuổi lý tưởng có một tầm nhìn lớn.
Tập trung vào sự tiến độ
Những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thường sẽ rơi vào bế tắc sau một lúc suy tư về những lý tưởng của họ, đầu óc họ thật sự bị mắc kẹt. Thậm chí họ có thể còn phải trải qua cảm giác thất vọng vì không thể mường tượng nổi thứ gọi là một tầm nhìn hoàn hảo. Vì thế họ chìm trong sự tiêu trầm và để giết thời giờ một số trong số họ sẽ lướt Instagram hoặc đi sắp xếp lại những đôi vớ trong ngăn kéo.
“Thuốc giải” tốt nhất cho căn bệnh lãng tránh đó chính là tập trung vào sự tiến bộ thay vì cầu toàn. Một người theo chủ nghĩa hoàn hảo thậm chí có thể tự nhắc nhở bản thân rằng cách hoàn hảo nhất để khởi đầu mọi việc là tập trung vào việc đạt được một số tiến bộ nhỏ, rồi mừng vui vì mình đã đạt được những bước tiến đó.
Hành trình của đời sống tựa như một con đường dài bất tận với đầy rẫy những điều chưa hoàn hảo, tuy nhiên việc sống hướng đến những lý tưởng cao đẹp nhất (quan niệm về lý tưởng sẽ khác với mỗi cá nhân) là điều vô cùng trân quý.
Để sống tiệm cận với lý tưởng, cách tốt nhất là dần tiến bộ theo thời gian. Một lần nữa tôi xin được nhắc lại “Hãy tập trung vào sự tiến bộ, không phải sự hoàn hảo.” Không truy cầu sự hoàn hảo, bạn có thể tập trung vào việc phát triển theo những lý tưởng (hiện có) của chính bản thân mình. Hãy thật sự để tâm đến những tiến bộ.
Luôn linh hoạt
Khi một người nỗ lực vì ý tưởng của chính mình, anh ta sẽ có khát khao học hỏi và có thể có được những góc nhìn sâu sắc để rồi có được trí tuệ. Và để “hồi phục” trước những ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa hoàn hảo, bạn nên thừa nhận rằng quan niệm về sự hoàn hảo của một người luôn liên tục đổi thay.
Khi ta hành động nhất quán và hân hoan đón nhận những tiến bộ dù nhỏ trong suốt hành trình, khi ta mở lòng với những ý tưởng và tình huống mới đồng thời duy trì sự linh hoạt, khi làm được những điều trên, ta đang kéo chính bản thân mình xa dần với chủ nghĩa hoàn hảo.
Trân quý chuyến hành trình
Cuối cùng, hãy an ủi tâm hồn bạn bằng cách nghiêm túc thừa nhận rằng sự hoàn hảo là một thứ mà nhân loại dù muốn cũng không thể rõ ràng nhận thức được bởi lẽ chúng ta luôn mang trên mình những giới hạn của con người. Thay vì ta thán về những giới hạn cố hữu của mình, hãy trân quý hành trình vươn đến những lý tưởng – một chặng đường mà ta sẽ ngộ được nhiều chân giá trị để có được sự trưởng thành.
Một người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường bị mắc kẹt, bị đóng băng trong một khoảng thời gian vì họ muốn né tránh những tổn thương. Khi nhận ra rằng bạn có thể sống hướng đến những lý tưởng, mặc dù thừa nhận rằng mình sẽ không bao giờ đạt được sự hoàn hảo, bạn sẽ rủ bỏ được những ám ảnh của chủ nghĩa hoàn hảo để rồi sẽ dần tìm thấy được sự bình an và mãn nguyện trong tâm.
Tác giả Barbara Danza là một người mẹ đã có hai con, có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, yêu biển và có trái tim thuần khiết. Bài viết của cô chú trọng những thách thức và cơ hội nuôi dạy con trong thời hiện đại; và những chủ đề liên quan đến lựa chọn giáo dục trong gia đình, nhận thức mới về sự đơn thuần của trẻ nhỏ, lợi ích của việc du lịch gia đình và tầm quan trọng của lối sống gia đình trong xã hội ngày nay.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: