Để trẻ học tốt nhất (Phần 7): Hỗ trợ con trẻ như thế nào là tốt nhất?
Loạt 10 bài viết ‘Để trẻ em học tốt nhất’ do cô Pat Kozyra biên soạn – một giáo viên người Canada có kinh nghiệm đứng lớp hơn 50 năm. Trong loạt bài này, cô sẽ đề cập đến một loạt các chủ đề có thể được cả phụ huynh và giáo viên quan tâm – các chủ đề bao gồm: Phong cách học tập của trẻ em, Đa trí thông minh, Tầm quan trọng của Âm nhạc, Tầm quan trọng của Vui chơi và các chủ đề khác.
Tiếp theo:
Phần 1: Làm thế nào để trẻ học tốt nhất?
Phần 2: Sự đa dạng của trí thông minh
Phần 3: Tầm quan trọng của âm nhạc đối với trẻ em
Phần 4: Giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với trẻ con?
Phần 5: Tầm quan trọng của trò chơi đối với trẻ em
Phần 6: Tầm quan trọng của sức khỏe trong việc học tập của trẻ
Không phải tất cả học sinh đều may mắn có được cả cha lẫn mẹ quan tâm sâu sắc đến việc học hàng ngày của con. Những bậc cha mẹ kiểu này sẽ yêu thương, hướng dẫn, quan tâm, hỗ trợ tích cực và chú tâm thực sự đến mọi khía cạnh tiến bộ của con.
Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra với những bậc cha mẹ có các biệt danh như: “Mẹ Hổ” (ám chỉ một người mẹ nghiêm khắc, khó tính, và kỳ vọng rất nhiều ở con), “Cha mẹ Trực thăng” (chỉ kiểu phụ huynh can thiệp quá nhiều vào cuộc đời con trẻ, kiểm soát và bảo vệ con thái quá, ngày đêm ra sức dọn sạch chướng ngại vật khỏi đường đi của con), hay như “Cha mẹ Nuông chiều” (họ quá nuông chiều và cho phép con hưởng thụ nhiều hơn mức cho phép). Điều một đứa trẻ không cần là phụ huynh lướt qua mọi khía cạnh cuộc sống ở trường của con và gia tăng thêm căng thẳng, áp lực cho cuộc sống gia đình.
Trong cuốn sách của tôi, “Lời khuyên và những thông tin thú vị dành cho phụ huynh và giáo viên”, để kỷ niệm 50 năm dạy học và chia sẻ những gì tôi đã học được, tôi đính kèm một bài kiểm tra ngắn mà phụ huynh có thể thực hiện để tìm hiểu xem họ có thực sự là những bậc cha mẹ quá nuông chiều con hay không. Hầu hết các bà mẹ đang đi làm đều xuất sắc vượt qua bài kiểm tra này vì họ không có thời gian ở bên cạnh con mình 24/7; đứa trẻ thậm chí phải chia sẻ và tham gia làm việc nhà.
Các chuyên gia đồng ý rằng trẻ em phải có trách nhiệm với công việc nhà – như cho thú cưng ăn, dọn giường và phòng ngủ riêng, mang chén đĩa bẩn vào bồn rửa, dọn bàn, dắt chó đi dạo, phân loại đồ đã giặt và đồ bẩn, chuẩn bị quần áo và đồ dùng học tập vào tối hôm trước, giúp mẹ chuẩn bị bữa trưa và bữa ăn nhẹ, và tự làm những công việc hàng ngày mà không đợi cha mẹ nhắc nhở. Chỉ cần nhìn vào tính tự lập mà cha mẹ đang bồi dưỡng cho con mình [để nhận biết họ có quá nuông chiều con không]. Điều này sẽ chỉ mang đến điều tích cực. Tất cả chúng ta hẳn đều đã đọc bài báo về việc các nam sinh phải bỏ đại học vì không thể sống thiếu người trợ giúp. Các em không thể tự mình làm việc – như câu nói, “thậm chí không thể đun sôi nước!”
Nuông chiều con thái quá có thể khiến cha mẹ trở thành cánh tay, đôi tai và khối óc của con. Một số chuyên gia cho rằng khi nuông chiều con, cha mẹ như đang “tái tạo lại tử cung”. Các bậc cha mẹ quá bao bọc con ngay lập tức muốn nhảy vào và giúp đỡ khi con gặp thất bại dù là nhỏ nhất, và họ quên đi tất cả những tác dụng tích cực khi đứa trẻ trải nghiệm một mức độ thất bại nhất định. Mỗi khi cha mẹ “giúp đỡ”, con họ có thể càng cảm thấy mình “vô dụng” hơn và đó là khi cha mẹ bắt đầu nghe thấy con mình nói “Con không thể làm được!”, “Con không muốn cố gắng!”, “Hãy làm cho con đi!”, “Điều đó quá khó đối với con!”
Trẻ em cần phải học rằng “những hàng rào cao nhất mà chúng ta cần phải leo qua là những hàng rào chúng ta dựng lên trong tâm trí mình!” Nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể, bạn sẽ không thể. Tôi tin chắc điều đó. Nếu bạn bị cho là ngu ngốc, bạn có thể trở nên ngu ngốc. Cá nhân tôi đã thấy điều đó xảy ra với một vài người trong đời.
Các bậc cha mẹ nuông chiều con thường làm các bài tập hộ con và giáo viên luôn biết rằng phụ huynh đã làm nó. Cứ tin tôi đi! Không quá khó để nhận ra điều này đâu. Khi cha mẹ làm các bài tập ở trường cho con, giáo viên sẽ không đánh giá đúng được những gì trẻ thực sự có thể làm. Họ cho đứa trẻ biết câu trả lời của bài tập về nhà trước khi đứa trẻ tự tìm ra [đáp án].
Họ “cưng chiều” đứa con của họ. Họ xuýt xoa với những lời khen ngợi thái quá mà không phải lúc nào cũng chân thực và đúng đắn với những thành tích thực tế của con. Một số nghiên cứu gần đây về chủ đề khen ngợi cho rằng khen ngợi thái quá, khen ngợi không đúng cách, hoặc khen ngợi không xứng đáng thậm chí có thể gây bất lợi. Đứa trẻ có thể cảm thấy ảo tưởng về thành tựu của mình và khi lớn lên, chúng thậm chí sẽ muốn được khen ngợi liên tục.
Ann Landers, một cây bút nổi tiếng của chuyên mục tư vấn cho các tờ báo trong nhiều năm, từng nói: “Không phải những gì bạn làm cho con cái mình, mà chính những gì bạn dạy trẻ tự làm cho bản thân sẽ khiến chúng trở nên thành công”. Đôi khi, như người ta thường nói, “Những bài học tốt nhất mà chúng ta học được đến từ những thất bại lớn nhất mà chúng ta gặp phải.” Hãy nhớ rằng Babe Ruth tung ra 1,330 cú đánh bóng chày, nhưng anh ấy cũng chỉ đạt được 714 lần home run (trong bóng chày, home run là cú đánh cho phép người đánh chạy quanh ghi điểm mà khỏi phải dừng lại).
Một chương về “Chủ nghĩa hoàn hảo” trong cuốn sách của tôi có hai bài nhất định phải đọc. Một bài tên là “Đừng sợ thất bại” và bài kia là “Đừng bỏ cuộc”. Ngoài ra còn có một cuốn sách hay dành cho các bậc cha mẹ có tựa đề “Đừng hôn con ở trạm xe buýt!”, hay là “Hơn 700 điều cha mẹ làm khiến con cái họ phát điên”.
Có một bài kiểm tra khác dành cho phụ huynh trong cuốn sách của tôi mà đứa trẻ sẽ chấm điểm tên là “Bạn hiểu con mình nhiều như thế nào?” Đó là một bài trắc nghiệm vui của Judi Bailey. Đôi khi, một số cha mẹ không ý thức được những gì họ đã làm với con mình nhiều như họ tưởng, vì vậy bài kiểm tra này là một lời nhắc nhở cần thiết để cha mẹ lắng nghe con thường xuyên hơn, để hỏi ý kiến và cảm xúc của con về nhiều chủ đề khác nhau, cũng như quan sát kỹ hơn hành động, thói quen và cách cư xử của con.
Giao tiếp rất là điều quan trọng, cha mẹ phải khuyến khích con cái trò chuyện và chia sẻ suy nghĩ. Bài kiểm tra hỏi những điều như: Bạn thân nhất của con bạn là ai? Màu sắc yêu thích của con bạn là gì? Bạn có nghĩ rằng bạn sẽ qua bài kiểm tra này không? Hãy thử xem!
Nhiều bậc cha mẹ ngày nay phải vật lộn với thời gian mà họ có thể dành cho con cái vì những cam kết trong công việc, và họ buộc phải để tâm đến tầm quan trọng của chất lượng và số lượng của thời gian. Nhiều phụ huynh làm việc muộn vào buổi tối nên không thể có mặt trong tất cả các buổi làm bài tập của con. Họ phải nhờ sự trợ giúp của những người có năng lực.
Điều quan trọng là cả cha và mẹ đều có cùng quan điểm khi phỏng vấn người trợ giúp. Họ cần biết và hiểu được kỳ vọng cũng như năng lực của người trợ giúp. Cha mẹ phải bảo đảm những người trợ giúp có thể giám sát được việc làm bài tập về nhà của con thay vì mang đến sự thất bại, tranh cãi, căng thẳng và thất vọng cho mọi người. Điều này cũng có thể gây tổn hại cho mối quan hệ giữa người trợ giúp và đứa trẻ.
Cha mẹ của một số đứa trẻ sống và làm việc ở Trung Quốc, họ chỉ về thăm con vào những ngày nghỉ. Đây luôn là một sự điều chỉnh rất khó khăn cho tất cả [mọi người]. Vì vậy, những người trợ giúp giỏi, có năng lực, đáng tin cậy là vô cùng quan trọng khi họ gánh vác việc nuôi dạy con cái.
Mặt khác, thật đáng kinh ngạc khi thấy con trẻ có thể thích nghi, đối diện và kiên cường. Có một câu chuyện cảm động về một cậu học sinh trung học đã tham dự lễ tốt nghiệp của mình mà không có cha mẹ ở đó, chỉ có viên cảnh sát đã từng buồn bã thông báo với cậu rằng cha mẹ cậu đều đã qua đời trong một vụ tai nạn. Những hành động tử tế ngẫu nhiên có thể thực sự tạo ra sự khác biệt.
Bà Pat Kozyra là tác giả của cuốn sách “Lời khuyên và những thông tin thú vị cho phụ huynh và giáo viên – 50 năm dạy học và chia sẻ những gì tôi đã học được”. Sách được bán tại Amazon.com books, Barnes và Noble.com, các cửa hàng dành cho trẻ em ở Hồng Kông, Swindon Books, Kelly and Walsh (Pacific Place) và Beachside Bookstore ở Stanley. Bạn có thể yêu cầu lời khuyên về vấn đề dạy học và làm cha mẹ bằng cách viết thư tới [email protected].