Để trẻ học tốt nhất (Phần 10): Tầm quan trọng của sự sáng tạo
George Bernard Shaw đã nói: “Bạn thấy mọi vật như thế và hỏi, ‘Tại sao như vậy?’. Còn tôi mơ về những điều chưa bao giờ xuất hiện và hỏi, ‘Tại sao không?’”. Robert Fisher đã viết trong cuốn “Dạy trẻ cách học” (Teaching Children to Learn) rằng: “Sáng tạo là điều quan trọng nhất của việc làm người”.
Tiếp theo:
Phần 1: Làm thế nào để trẻ học tốt nhất?
Phần 2: Sự đa dạng của trí thông minh
Phần 3: Tầm quan trọng của âm nhạc đối với trẻ em
Phần 4: Giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với trẻ con?
Phần 5: Tầm quan trọng của trò chơi đối với trẻ em
Phần 6: Tầm quan trọng của sức khỏe trong việc học tập của trẻ
Phần 7: Hỗ trợ con trẻ như thế nào là tốt nhất?
Phần 8: Kỷ luật con trẻ như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Phần 9: Môi trường ở lớp học có quan trọng?
Sáng tạo không chỉ dành cho lĩnh vực nghệ thuật hoặc một số người nhất định. Chúng ta đều có khả năng suy nghĩ sáng tạo để sản xuất hoặc mở rộng những ý tưởng, đề xuất những giả thuyết, vận dụng trí tưởng tượng và tìm kiếm những giải pháp mới mẻ thay thế. Trong quyển sách của tôi “Lời khuyên và những thông tin thú vị dành cho Cha mẹ và Giáo viên”, tôi có viết một chương về Sáng tạo, trong đó chỉ ra rằng, chúng ta có thể học, nâng cao và phát huy sự sáng tạo.
“Sáng tạo có vẻ như là một năng lực độc lập với trí thông minh. Kết hợp hai yếu tố này có thể dẫn đến các phương pháp học tập và mức độ thành tích khác nhau. Đứa trẻ đạt điểm số cao trong bài kiểm tra trí thông minh không nhất định là sáng tạo. Dưới đây là kết quả nghiên cứu khi so sánh những đứa trẻ có điểm số cao và thấp trong các bài kiểm tra sáng tạo và trí thông minh.”
Tính sáng tạo cao + trí thông minh cao. Những đứa trẻ này có cả sự kiểm soát và tự do bên trong chúng, chúng có thể hành xử giống như cả người lớn và trẻ em.
Tính sáng tạo cao + trí thông minh thấp. Những đứa trẻ này dễ tức giận với sự xung đột trong nội tâm và với môi trường học. Chúng bị bủa vây bởi cảm giác không đủ đầy và vô dụng. Trong những tình huống không có áp lực, chúng có thể phát triển mạnh về nhận thức.
Tính sáng tạo thấp + trí thông minh cao. Những đứa trẻ này được miêu tả như “nghiện” thành tích ở trường. Chúng quan niệm thất bại trong học tập là “thảm họa”, nên chúng phải liên tục cố gắng học tập xuất sắc để không có cảm giác buồn bực.
Dưới đây là một số “dấu hiệu của sự sáng tạo” quan trọng mà các bậc cha mẹ nên chú ý và làm quen khi chúng xuất hiện ở con mình. Khi bạn nghe đứa trẻ trả lời, bạn có thể nhận ra hành vi sáng tạo của chúng, qua đó ghi nhận và bồi dưỡng phẩm chất này cho chúng. Tôi chắc chắn rằng rất nhiều người trong số các bạn sẽ nhận ra con mình trong những dòng sau đây.
- Mải mê lắng nghe, quan sát và thực hiện (“Nhưng con không nghe thấy mẹ gọi con ăn tối!”)
- Vô cùng hoạt bát và năng động (“Nhưng con không thể ngồi yên – Con đang suy nghĩ.”)
- Sử dụng phép so sánh trong lời nói (“Con cảm thấy giống như một con sâu bướm đang chờ đợi để trở thành bướm.”)
- Có xu hướng chất vấn ý tưởng của người lớn (“Tại sao con phải đi học?”)
- Có thói quen kiểm tra thông tin từ nhiều nguồn (“Mẹ, con đã đọc tất cả sách, xem một chương trình truyền hình đặc biệt và hỏi giáo viên của con, mà con vẫn không tìm ra nơi Chúa sống.”)
- Quan sát kỹ lưỡng mọi thứ (“Này, con rết này không có 100 chân”)
- Háo hức nói với người khác về những khám phá mới (“Xem này, xem này, xem này!”)
- Tiếp tục những hoạt động sáng tạo sau thời gian quy định (“Con đã làm tác phẩm nghệ thuật ngay trong giờ giải lao hôm nay.”)
- Chỉ ra những mối liên hệ giữa các ý tưởng dường như không liên quan đến nhau (‘Mẹ, cái nón mới của mẹ giống như một chiếc đĩa bay.”)
- Theo sát những ý tưởng đã bắt đầu. (“Ngày mai con sẽ đào vàng ở sân sau nhà của chúng ta.”)
- Thể hiện sự tò mò và muốn tìm hiểu sự vật theo nhiều góc độ khác nhau (“Con chỉ muốn biết cái sân trông như thế nào khi nhìn từ mái nhà.”)
- Thử nghiệm hoặc khám phá một cách tự nhiên (“Con nghĩ là bột và nước sẽ tạo thành bánh mì, nhưng những gì con có được là chất keo màu trắng.”)
- Nói về những khám phá một cách rất hào hứng (“Bột và nước tạo thành hồ dán!”)
- Có thói quen đoán và kiểm tra kết quả (“Con cho bột giặt vào bồn tắm cho chim, nhưng không có con chim nào đến để dọn dẹp. Con có thể thử một ít bọt tắm bong bóng hôm nay không?”)
- Trung thực và luôn tìm kiếm sự thật (“Mẹ, con hy vọng rằng điều này không làm mẹ khó chịu, nhưng con đã đi đến kết luận rằng, không có bà Tiên Răng.”)
- Hành động độc lập (“Không có quyển sách hay nào về đua xe, Mẹ. Con sẽ tự viết nó.”)
- Có những ý tưởng táo bạo (“Con nghĩ rằng trẻ em nên được quyền bỏ phiếu.”)
- Không dễ bị mất tập trung (“Con không thể ra ngoài chơi – Con đang đợi hóa chất hòa tan.”)
- Vận dụng các ý tưởng và đồ vật để tạo ra những thứ mới (“Con sẽ dùng cái dây này, bút chì này và tạo thành chiếc compa.”)
- Hay quan sát và đặt câu hỏi sắc sảo (“Khi tuyết tan, màu trắng đi đâu?”)
- Có xu hướng tìm kiếm sự thay thế và khám phá những khả năng mới (“Chiếc giày cũ này sẽ làm thành một chậu hoa đẹp.”)
- Chủ động tự học (“Ngày hôm qua, con đã đến thư viện và mượn tất cả những quyển sách về khủng long.”)
Những đứa trẻ sáng tạo sẽ kiên trì; có thể bị các bạn đồng trang lứa ghẻ lạnh; có khiếu hài hước; hay liên tưởng khác thường; linh hoạt trong suy nghĩ; có nhiều năng lượng; đặt những câu hỏi khó; thường chán sự lặp lại; thích phỏng đoán và đưa ra giả thuyết; làm việc với sự tập trung; tự bắt đầu các dự án; tò mò; độc lập; chấp nhận rủi ro; hay hình dung trong tâm trí; nhạy cảm và quan tâm đến những điều khác lạ.
Phần biên soạn dưới đây nằm trong bài viết “Nhận dạng Tài năng và Thần đồng” (The Identification of the Gifted and the Talented), quận Ventura California, Văn phòng Giám thị các Trường học ở Hạt Ventura, 1974 của tác giả Ruth A. Martison:
Biểu hiện của những đứa trẻ sáng tạo là:
- Ngắm tác phẩm của mình một cách vô cùng ngạc nhiên như nhìn thấy phép thuật trong đó;
- Học bằng cách trải nghiệm, sử dụng đồ vật nhiều cách khác nhau, và thực hành trí tưởng tượng thông qua những câu chuyện ở tuổi mẫu giáo;
- Có thể đáp ứng các yêu cầu của ngoại cảnh hoặc không;
- Cố gắng tìm ra câu trả lời theo cách của chúng;
- Có khả năng chú tâm tới nhiều thứ và theo đuổi hoạt động mà chúng yêu thích trong khoảng thời gian lâu hơn thường lệ;
- Có thể chịu đựng sự hỗn loạn và mơ hồ;
- Có khả năng tự tổ chức và lên ý tưởng;
- Có khuynh hướng nhìn nhận sự vật và sự việc quen thuộc theo cách mới mẻ hoặc có chiều sâu;
- Thường thích học bằng cách sáng tạo hơn là được người lớn chỉ bảo;
- Học được nhiều khi tưởng tượng vì nó giúp giải quyết những vấn đề về sự phát triển của chúng;
- Thể hiện hình ảnh tích cực về bản thân;
- Bị thu hút bởi những điều khác biệt và phức tạp;
- Có xu hướng dựa vào sự đánh giá của bản thân hơn là của người khác;
- Có nền tảng gia đình như: con cái không quá lệ thuộc vào cha mẹ hay không bắt buộc nghe theo cha mẹ; gia đình thể hiện tình cảm bền chặt; cả cha và mẹ đều ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ đến đứa trẻ; những đứa trẻ sáng tạo nhất thường là anh/chị cả; người cha thường bận rộn với công việc nên cho phép con tự chủ và độc lập;
- “Nổi tiếng” vì có những ý tưởng ngớ ngẩn hoặc “điên rồ”, đặc biệt là các cậu bé;
- Thể hiện sự hài hước, vui tươi và giải trí trong những sản phẩm sáng tạo của mình;
- Đôi khi muốn làm việc một mình;
- Là những đứa trẻ đạt thành tích cao trong học tập với điều kiện có điểm IQ tối thiểu là 120;
- Có thể tồn tại cùng lúc những động lực trái ngược nhau như tính phá hoại và tính xây dựng;
- Ít chọn những nghề nghiệp thông thường (luật sư, bác sĩ, giáo sư) và hay chọn những nghề nghiệp trái với thông thường (người thám hiểm, nhà phát minh, nhà văn)
“Ở đâu có sự tưởng tượng, ở đó có sáng tạo
Ở đâu có sáng tạo, ở đó có ước mơ
Ở đâu có ước mơ, ở đó có tiềm năng
Ở đâu có tiềm năng, ở đó có hứa hẹn.”
– Vô Danh
Bà Pat đã dạy các lớp tiểu học, thanh nhạc, nghệ thuật, và giáo dục năng khiếu. Bà cũng đã từng là điều phối viên mầm non, giáo viên dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, và đã giảng các khóa học về Giáo dục Đặc biệt tại Đại học Lakehead ở Thunder Bay, Ontario, Canada.
Bà đã từng là khách mời nhiều lần của chương trình phát thanh ở Hồng Kông dựa trên các chủ đề trong cuốn sách của bà “Lời khuyên và những thông tin thú vị dành cho Cha mẹ và Giáo viên”.
Pat Kozyra
Ngọc Thuần biên dịch
Xem thêm: