Đề nghị ngân sách của TT Biden cho thấy chi tiêu khổng lồ chỉ mang lại sự tăng trưởng mờ nhạt
Hôm 28/05, Tổng thống (TT) Joe Biden đã công bố đề nghị ngân sách cho năm tới, theo đó đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế khiêm tốn trong thập kỷ tới.
Kế hoạch ngân sách trị giá 6 ngàn tỷ USD của TT Biden cho năm tài chính 2022 đề nghị tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, chăm sóc trẻ em và năng lượng sạch. Mức tăng vọt đáng kể trong chi tiêu phản ánh [tương ứng] với các gói phúc lợi xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng được công bố trước đó của ông—Kế hoạch Việc làm Mỹ và Kế hoạch Gia đình Mỹ.
Bản kế hoạch ngân sách chi tiết dự đoán sự phục hồi mạnh mẽ sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra trong hai năm tới, cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần lượt là 5.2% và 4.3% vào năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, nhìn chung Tòa Bạch Ốc dự kiến tăng trưởng sẽ chậm lại xuống 1.8% hoặc 1.9% cho những năm còn lại của thập kỷ [2020 – 2029] trước khi đạt mức 2% vào năm 2030 và 2031.
Triển vọng tăng trưởng mờ nhạt đối với nghị trình “Xây dựng Trở lại Tốt hơn” của chính phủ đã khiến các hãng thông tấn thất vọng. Họ đã chất vấn về cam kết của TT Biden trong việc tạo ra “sự tăng trưởng kinh tế mang tính lịch sử” với các chính sách của ông.
Ví dụ, trong một bài báo của tờ Politico đã gọi tốc độ tăng trưởng là “chậm chạp” tương tự như kết quả kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.
Các đảng viên Đảng Cộng Hòa đã phản đối đề nghị ngân sách của Tòa Bạch Ốc khi gọi đó là “sự trở lại của những ngày tồi tệ xưa cũ với mức tăng trưởng chậm chạp.”
“Chính phủ Obama-Biden nổi tiếng vì chấp nhận coi tăng trưởng chậm là ‘trạng thái bình thường mới’ của nước Mỹ trong khi theo đuổi các chính sách chuyển công ăn việc ra ngoại quốc. Tổng thống Biden dường như đang hạ thấp hơn nữa mức tăng trưởng này,” Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện cho biết trong một bài đăng trên blog.
Ngân sách cũng đề nghị tăng đáng kể khoản vay nợ, đẩy nợ công lên hơn 39 ngàn tỷ USD vào năm 2031 từ mức 22 nghìn tỷ USD hiện nay. Và đến năm 2024, tỷ trọng nợ của nền kinh tế sẽ đạt kỷ lục mọi thời đại là 113.8%, vượt qua mức ở thời kỳ Đệ nhị Thế chiến.
Khi được hỏi về các dự báo tăng trưởng “mờ nhạt,” các quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng những dự báo được xây dựng vào đầu tháng 02/2021 khi chính phủ “chưa xây dựng đầy đủ” các gói phúc lợi và cơ sở hạ tầng.
Trong một cuộc họp báo qua điện thoại hôm 28/05, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Cecilia Rouse nói với các phóng viên rằng, “Khi chúng tôi thực hiện dự báo này, chúng tôi đã bao gồm một số nội dung—chúng tôi đã kỳ vọng một số tác động tăng trưởng tích cực từ một số khoản đầu tư mà khi đó chúng tôi biết rằng chúng tôi muốn có đủ khả năng thực hiện.”
Khi được yêu cầu làm rõ thêm, bà Rouse bảo vệ các dự báo của Tòa Bạch Ốc khi nói rằng những dự báo này vượt quá dự báo tăng trưởng dài hạn do Cục Dự trữ Liên bang và Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đưa ra.
Ngân sách của Tòa Bạch Ốc dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ bình quân ở mức 1.9% trong nửa sau của thập kỷ này, so với dự đoán của CBO là 1.6% và dự đoán chủ đạo của Fed là 1.8%.
Theo bà Rouse, những khác biệt “dường như không đáng kệ” về tốc độ tăng trưởng này có thể tạo ra “những tác động to lớn đến sản lượng và thu nhập” mà nền kinh tế Hoa Kỳ tạo ra theo thời gian.
Bà cho biết, ví dụ, sự khác biệt giữa dự báo tăng trưởng 2% của Tòa Bạch Ốc và 1.6% của CBO vào năm 2031, tức là chênh lệch 0.4 điểm phần trăm trong tăng trưởng thực “sẽ tương đương với việc nền kinh tế Hoa Kỳ tích lũy sản xuất thêm 4.8 nghìn tỷ USD trong hơn một thập kỷ tính theo đồng USD năm 2019 đã được điều chỉnh theo lạm phát.”
“Vì vậy, con số này cao hơn khoảng 1 ngàn tỷ USD so với GDP hàng năm của Đức,” bà nói thêm.
Năm ngoái, đề nghị ngân sách trị giá 4.8 ngàn tỷ USD của cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến tăng trưởng khoảng 3% trong thập kỷ tới.
Ông Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Obama đã bảo vệ triển vọng tăng trưởng được trình bày trong đề nghị ngân sách của Biden.
“Tôi rất vui khi thấy dường như có sự quay trở lại các giả định kinh tế đáng tin cậy trong việc lập ngân sách,” ông viết trên Twitter hôm 27/05.
Ông cho biết, “Quan trọng nhất là rất nhiều lợi ích từ các chính sách của Tổng thống đang cải thiện sự hòa nhập, cơ hội [phát triển], khí hậu, v.v. Vì vậy, ngay cả khi những chính sách này không đóng góp bất cứ điều gì cho tăng trưởng thì chúng vẫn có thể được coi như một sự hoàn thiện.”
Ngân sách của tổng thống đề nghị khoảng 5 ngàn tỷ USD dành cho chi tiêu mới và giảm thuế, sẽ được bù lại bằng 3.8 nghìn tỷ USD từ việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.
Theo Ủy ban vì Một Ngân sách Liên bang Có Trách nhiệm, các giả định kinh tế tổng thể của chính phủ có thể quá lạc quan vì nó không ghi nhận tác động tiêu cực của việc tăng thuế và vay nợ được đề nghị.
Trước đó, mô hình ngân sách Penn Wharton của Đại học Pennsylvania đã dự đoán rằng kế hoạch cơ sở hạ tầng của Biden sẽ làm giảm 0.8% GDP của Hoa Kỳ vào năm 2050.
Các nhà phân tích của mô hình Penn Wharton cho biết, mặc dù việc tăng thuế kinh doanh làm giảm nợ chính phủ trong dài hạn, nhưng điều này sẽ “không khuyến khích đầu tư kinh doanh và do đó làm giảm GDP.”
Do Emel Akan thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: