Để cạnh tranh với Trung Quốc, Hoa Kỳ liệu có cần đồng dollar kỹ thuật số?
Khi đồng dollar Hoa Kỳ (USD) tiếp tục mất sức mua, có những mối lo ngại chính đáng cho rằng vận mệnh của nó với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu sắp kết thúc. Mặc dù đồng USD vẫn là đơn vị tiền tệ quốc tế được lựa chọn phổ biến, nhưng đồng dollar, giống như tất cả các loại tiền tệ, phải theo kịp với thời cuộc.
Quý vị thấy đấy, tương lai của tiền tệ chủ yếu là kỹ thuật số. Trong khi chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang bận rộn tranh luận về những giá trị của đồng dollar kỹ thuật số, thì Trung Quốc lại bận rộn tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của mình.
Theo ông Ray Dalio, một trong những nhà quản lý quỹ đầu cơ thành công nhất thế giới, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ là mối đe dọa đối với đồng dollar–trừ khi đồng dollar theo kịp với thời cuộc. Ông Brian Armstrong, Giám đốc điều hành của Coinbase, một trong những nền tảng trao đổi mã kim lớn nhất trên thế giới, lặp lại quan điểm của ông Dalio. Cả hai đều là những chuyên gia có kiến thức chuyên sâu; khi họ nói, chúng ta nên lắng nghe. Quan trọng hơn, chính phủ TT Biden nên lắng nghe.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tốt cho Trung Quốc, nhưng không tốt cho thế giới bên ngoài. Đừng nhầm lẫn về điều này, tầm nhìn của Trung Quốc mang bản chất toàn cầu. Ai kiểm soát tiền, nói theo cách diễn giải của ông Mayer Amschel Rothschild, sẽ kiểm soát mọi người. Trung Quốc biết rõ điều này hơn hầu hết mọi người. Với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, Trung Cộng sẽ có sức mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người, cả trong nước lẫn hải ngoại.
Các thử nghiệm của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã bắt đầu vào đầu năm nay. Đến tháng Hai năm sau, khi đất nước đăng cai Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, đồng tiền kỹ thuật số sẽ được thử nghiệm với các du khách và vận động viên quốc tế. Một thời gian ngắn sau giai đoạn thử nghiệm này, ta có thể giả định, một nhiệm vụ đột kích tầm quốc tế sẽ được khởi động.
Kế hoạch thống trị toàn cầu của Trung Quốc
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh Quốc dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028 và đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ giúp thúc đẩy quá trình này. Đây đã là kế hoạch từ nhiều năm nay. Trên thực tế, kế hoạch thống trị toàn cầu của Trung Quốc đã có từ nhiều thập kỷ trước. Lấy ví dụ như Phi Châu, hiện là lục địa phát triển nhanh nhất trên thế giới. Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Cộng đã đầu tư vào 52 trong số 54 quốc gia của lục địa này. Vào tháng Hai năm nay, trong một bài bình luận cho CoinDesk, ông Michael Kimani đã giải thích nhiều lý do tại sao Trung Quốc trở thành “ứng cử viên hàng đầu” trong cuộc đua “xác định tiêu chuẩn tiền tệ điện toán cho nền kinh tế điện toán mới nổi.” Như ông Kimani viết, Trung Cộng có “ảnh hưởng đáng kể đối với nền tảng công nghệ của Phi Châu,” bao gồm thiết bị cầm tay di động và “các lớp mạng di động.” Giờ đây, do “những vi mạch bán dẫn có thiết kế đặc biệt được gắn sâu trong hàng chục thương hiệu điện thoại phổ thông của Trung Quốc đang thống trị Phi Châu,” Trung Cộng đang ở thế thượng phong để tung ra đồng tiền kỹ thuật số của mình trên khắp lục địa này. Điều thú vị là khi xem xét 5 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Trung Quốc đã có các thỏa thuận dài hạn với 4 trong số đó. Tất nhiên, các thỏa thuận dài hạn này có mối liên hệ chặt chẽ với đồng tiền kỹ thuật số của họ.
Trong một bài báo năm 2018, các nhà phát triển của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tuyên bố rằng đồng tiền này sẽ cung cấp “một cách thức mới để kiểm soát kinh tế.” Trong nước, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được liên kết với hệ thống tín nhiệm xã hội khét tiếng của Trung Quốc, nghĩa là một người có điểm [tín nhiệm] kém rất có thể bị từ chối tiếp cận nguồn tiền của họ. Ở hải ngoại, mặc dù Trung Cộng sẽ không thể sử dụng chính hệ thống đó, nhưng đồng tiền này rất có thể được lập trình (tức là đi kèm với ngày hết hạn) và chắc chắn sẽ được giám sát. Ông Paul Jossey của Viện Doanh nghiệp cảnh báo về những nguy cơ liên quan đến đồng tiền được Bắc Kinh hậu thuẫn. Theo ý kiến của ông, đó là “bàn đạp không có gì khác hơn ngoài việc kiểm soát toàn bộ dân số về tài chính”, điều này sẽ dẫn đến một loại “chuyên chế kỹ thuật số.” Theo ông Jossey, Trung Cộng đang cố gắng thiết lập một “hệ thống tài chính bá chủ giám sát tất cả mọi người.” Làn sóng mới về chủ nghĩa độc tài tài chính này sẽ khiến độc giả trên toàn thế giới quan tâm. Liệu có thể làm gì để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc?
Vì Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng chống lại Trung Cộng, một đồng tiền dollar kỹ thuật số là điều bắt buộc.
Năm ngoái (2020), Mastercard đã công bố một báo cáo rất thú vị. Theo các tác giả, “các quốc gia ưu tiên những nền kinh tế với thanh toán kỹ thuật số được chuẩn bị tốt hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực liên quan đến thất nghiệp, loại trừ tài chính, gian lận, trộm cắp, chi phí quản lý tiền mặt và tham nhũng.”
Ngoài ra, “mỗi 1% tăng trong việc sử dụng thanh toán kỹ thuật số” tạo ra “mức tăng trung bình hàng năm là 104 tỷ USD trong việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.” Việc áp dụng đồng dollar kỹ thuật số sẽ giúp ích cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Quan trọng hơn là, thông qua việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, đồng dollar kỹ thuật số có thể giúp ích cho người dân Hoa Kỳ. Để chống lại Trung Quốc, cần có một Mỹ quốc hùng mạnh hơn.
Cho dù chúng ta muốn hay không, tương lai chủ yếu là kỹ thuật số. Từ xe hơi tự lái đến công nghệ đọc suy nghĩ, giấy thông hành kỹ thuật số cho đến đồng tiền có thể lập trình, chỉ có kẻ ngốc mới lập luận ngược lại. Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số này, Trung Quốc đang dẫn đầu. Một thế giới do các lãnh đạo Trung Cộng sai khiến sẽ không có lợi cho ai khác ngoài giới tinh hoa ở Bắc Kinh. Có lý do để lo ngại rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp Lần thứ Tư sẽ có tất cả những dấu hiệu của một cuốn tiểu thuyết thảm họa, trừ khi Hoa Kỳ ra mắt đồng dollar kỹ thuật số trong tương lai gần.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo uy tín khác xuất bản. Ông cũng là cộng tác viên của tạp chí CoinDesk.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do John Mac Ghlionn thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: