Để an toàn: Đừng thăm cha mẹ đang hấp hối. Đừng rời khỏi nhà. Đừng kết hôn. Đừng có con. Đừng …
Như rất nhiều nhà quan sát đã ghi nhận, giữ an toàn đã trở thành một loại tôn giáo. Tương tự tất cả các tôn giáo, “chủ nghĩa an toàn,” như đôi khi người ta gọi, đặt những giá trị của nó – trong trường hợp này là cảm giác an toàn – lên trên những giá trị khác. Chủ nghĩa an toàn giải thích cho sự sẵn lòng của người Mỹ khi từ bỏ những giá trị mà họ trân trọng nhất – bao gồm cả tự do – dưới danh nghĩa của an toàn trong vòng một năm rưỡi qua.
Hàng triệu người Mỹ không những từ bỏ quyền đi làm, kiếm sống, dự lễ ở nhà thờ hay các thánh đường Do Thái, và quyền thăm nom bằng hữu và người thân, mà thậm chí họ còn từ bỏ quyền được tới thăm những bằng hữu và bè bạn đang hấp hối. Mọi người đều có thể đoán được rằng hầu như tất cả những ai được ghi nhận là đã mất vì COVID-19 đều đã qua đời khi không có bất kỳ người thân nào bên cạnh từ giây phút họ nhập viện cho đến khi phải đối mặt với tử thần. Việc chấp nhận sự tàn nhẫn này – có thể nói thêm rằng đó là sự tàn nhẫn phi lý và không có căn cứ khoa học – chỉ có thể được giải thích bởi sự thất bại của các thế hệ nhà trường và các bậc cha mẹ trong việc dạy về tự do, trong khi thành công trong việc truyền thụ [cho những đứa trẻ] tôn sùng sự an toàn. Nếu cha của quý vị phải ra đi trong cô độc, thì đáng phải thế vì sự an toàn; nếu mẹ của quý vị bị giữ cô quạnh trong viện dưỡng lão hơn một năm, thì, cũng vậy, đáng phải thế vì sự an toàn. Và, dĩ nhiên, nếu những nhà lãnh đạo chính trị và những người đứng đầu giới khoa học và dược phẩm phải nói dối vì lý do an toàn, thì cứ vậy đi; sự thật, cũng không quan trọng bằng an toàn.
Tất cả những điều này đều không mới. Hai mươi lăm năm trước, tôi đã viết và phát thanh về sự sẵn lòng của người Mỹ khi chứng kiến các quyền cá nhân bị đè bẹp trong cuộc chiến chống lại việc hút thuốc, và đặc biệt là trong việc chấp nhận sự phi lý về những nguy cơ chết người được gán cho việc hút thuốc lá thụ động. Không ai phản đối rằng hút thuốc lá thụ động cường độ cao có thể khiến các bệnh nền trầm trọng hơn, ví dụ như hen phế quản. Tuy nhiên, tuyên bố của những người cuồng nhiệt bài trừ hút thuốc lá rằng hằng năm có đến 50,000 người Mỹ tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc là không đúng. Ví dụ như, vào năm 2013, tờ Tạp chí của Viện Ung Thư Quốc Gia đã báo cáo rằng không có mối quan hệ có ý nghĩa thống kê nào giữa ung thư phổi và hút thuốc lá thụ động.
Nhưng, trên danh nghĩa của tuyên bố 50,000 [người] một năm vô căn cứ ấy, người ta đã bị cấm hút thuốc không chỉ trên máy bay – điều mà chỉ riêng căn cứ theo quy tắc ứng xử lịch thiệp đã là thích hợp rồi—mà thậm chí còn bị cấm cả trong cửa hàng bán thuốc lá. Tại thành phố Burbank, tiểu bang California, được phe cánh tả điều hành trong hàng thập kỷ, những người mà, như tất cả những ai thuộc phe cánh tả, luôn xem thường tự do cá nhân, việc hút thuốc lá bị cấm ngay cả trong cửa hàng bán thuốc lá. Bất chấp một thực tế là chẳng ai bị bắt buộc phải làm việc trong cửa hàng bán thuốc lá, và thậm chí nếu cửa hàng đã được thông gió tốt, thì việc hút thuốc vẫn không được phép.
Điều quan trọng cần lưu ý là những hành động cấm đoán phi lý lên quyền tự do cá nhân này đã không gây phiền hà cho bất kỳ ai trừ những người hút thuốc lá. Và số lượng những thị dân không hút thuốc lá ở Burbank phản đối các luật lệ này có lẽ là bằng không. Nếu Burbank ban hành một lệnh cấm với rượu, thì chắc hẳn sẽ có một làn sóng phản đối xảy ra—mặc dù trên thực tế thì ít nhất một nửa các ví dụ về những vụ bạo hành với hôn thê và trẻ em đi kèm với [việc sử dụng] rượu, và mỗi ví dụ về ca tử vong, tổn thương não, bại liệt, và tổn thương vĩnh viễn khác do một người lái xe say xỉn gây ra đều có nguyên nhân từ rượu. Đã từng có ai bị một người lái xe hút thuốc lá sát hại chưa? Đã từng có ai bị ám sát, hay một đứa trẻ hoặc một vị hôn thê bị lạm dụng hoặc bị đánh đập chỉ vì tên sát nhân hoặc kẻ lạm dụng ấy đã hút thuốc lá không?
Vậy thì, những người cuồng tín an toàn đã học được một bài học lớn từ cuộc vận động bài xích hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động, rằng nếu quý vị nói cho cho người dân Hoa Kỳ về một thứ gì đó không an toàn, quý vị có thể tước đoạt các quyền của họ và họ sẽ sẵn lòng thuận theo. Và, nhân tiện, điều này đúng một cách tương đương ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. “An toàn là trên hết.”
Họ đã không chỉ học được bài học này từ những kẻ cuồng nhiệt bài xích hút thuốc lá. Qua hai thế hệ cho đến nay, sự an toàn đã ngày càng tước đoạt đi những niềm vui cũng như sự tự do của người dân Hoa Kỳ. Cụ thể, những đứa trẻ đã được chiều chuộng tới mức mà trẻ em Hoa Kỳ trong hai thế hệ gần đây đã có lẽ có niềm vui ít hơn rất nhiều và nỗi sợ hãi nhiều hơn rất nhiều so với những đứa trẻ của bất cứ thế hệ người dân Hoa Kỳ nào trước đó. Những đứa trẻ không thể tự ý đi lại trừ khi có dịch vụ bảo vệ trẻ em; những tấm ván nhảy, từng thấy ở gần như mọi hồ bơi gia đình, [hiện] bị cấm một cách rộng rãi; và những cái khung leo trèo và bập bênh đã bị loại bỏ khỏi các sân chơi. Như nhan đề của một trang web Úc tên Babyology, “Các chuyên gia đã nói, khung leo trèo gây nguy hiểm và cần phải được loại bỏ khỏi các sân chơi.”
Những đứa trẻ dưới 15 tuổi sẽ không thể đi phi cơ nếu thiếu sự giám sát của người lớn từ các hãng hàng không. Tại sao lại không chứ? Tôi đã từng bay một mình từ Miami đến New York năm 7 tuổi, và không ai nghĩ rằng cha mẹ tôi đã ứng xử thiếu trách nhiệm.
Hai nhà khoa học người Na Uy, ông Ellen Sandseter (trường Cao đẳng Giáo dục Mầm non, Đại học Queen Maud) và ông Leif Kennair (Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy), đã viết một nghiên cứu về trẻ em và trò chơi mạo hiểm đăng trên Tạp chí Evolutionary Psychology, trong đó họ đã kết luận rằng: “Chúng ta có thể quan sát thấy sự gia tăng chứng loạn thần kinh hoặc bệnh tâm thần trong xã hội nếu trẻ em bị cản trở tham gia vào các trò chơi mạo hiểm phù hợp với lứa tuổi.”
Mong muốn định hướng một cuộc sống an toàn nhất có thể là một yếu tố chính giải thích được tại sao ngày càng ít người trẻ ở Hoa Kỳ kết hôn, và thậm chí số người mong muốn có con còn ít hơn nữa. [Bởi] kết hôn hay có con đều không an toàn. Cả hai việc này đều tràn đầy rủi ro. Nhan đề của một bài báo trong tuần lễ từ 21-27/06 trên trang web chương trình “Today” của NBC cho biết “Nghiên cứu cho thấy, những người trưởng thành không có con cũng hạnh phúc như những bậc cha mẹ.” Bên cạnh câu hỏi rằng liệu người ta có thể so sánh niềm hạnh phúc giữa hai nhóm người có những trải nghiệm hoàn toàn khác nhau (sẽ có nghĩa gì khi nói rằng hầu hết những chú chó đều hạnh phúc hơn loài người?) – hoặc thậm chí liệu người ta có thể trông đợi những câu trả lời thành thật (có bao nhiêu người có thể khẳng định rằng những sự lựa chọn trong cuộc sống của họ đã khiến họ trở nên không hạnh phúc?) – bài báo của NBC minh họa thật hay cho quan điểm của chuyên mục này. “An toàn” chắc chắn sẽ bao gồm cả việc không kết hôn và không sinh con.
Quý vị có thể [chọn] sống an toàn. Hoặc quý vị có thể [chọn] sống trọn vẹn. [Nhưng] quý vị không thể chọn cả hai cùng một lúc.
Tác giả Dennis Prager là một ký giả chuyên mục và là người dẫn chương trình radio được phủ sóng toàn quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Dennis Prager thực hiện
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: