ĐCSTQ xóa bỏ một báo cáo của truyền thông nhà nước về mối lo ngại trước vaccine Covid-19
Trong bối cảnh Trung Quốc đang chạy đua để phát triển một loại vaccine cho virus Vũ Hán, gần đây các chuyên gia đã phát biểu với các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc về những rủi ro của một phản ứng phụ (hoặc phản ứng có hại) có tên là tăng cường phụ thuộc vào kháng thể (ADE). Nhưng chỉ trong vòng vài giờ, báo cáo [này] đã bị chính quyền Trung Quốc xóa bỏ, và các bài đăng có liên quan cũng bị gỡ khỏi mạng internet.
Cơ thể con người tạo ra kháng thể sau khi nhiễm virus. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một số virus có thể biểu hiện ADE, có nghĩa là các kháng thể, được kích hoạt bởi lần lây nhiễm đầu tiên, có thể kết nối chủng virus thứ hai với các thụ thể trên tế bào miễn dịch. [Một thụ thể là một phân tử protein nằm trên màng tế bào hay nằm trong tế bào chất của tế bào mà nhận những tín hiệu hóa học từ bên ngoài một tế bào]. Do đó, nó cho phép virus xâm nhập vào các tế bào miễn dịch.
Điều này có khả năng khiến một bệnh nhân bị nhiễm một chủng virus, tái phát bệnh nghiêm trọng hơn nếu họ bị nhiễm chủng virus thứ hai sau đó.
Vì vaccine hoạt động bằng cách chứa độc tố hoặc protein bề mặt của vi khuẩn hoặc virus, từ đó kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra mầm bệnh là mối đe dọa, và tạo ra kháng thể để tiêu diệt nó, nên người ta thường xem xét khả năng xuất hiện ADE khi phát triển vaccine.
Báo cáo của Trung Quốc
Để phục vụ cho một báo cáo ngày 30/8, tờ tin tức Yicai [có trụ sở ở Thượng Hải, Trung Quốc], đã phỏng vấn 4 chuyên gia Trung Quốc, về nguy cơ xuất hiện ADE từ virus Vũ Hán, thường được biết đến là virus corona mới.
Một chuyên gia giấu tên, từ Trung tâm Lâm sàng Y tế Cộng đồng Thượng Hải cho biết: “Nghiên cứu mới nhất của chúng tôi đã phát hiện ra rằng virus corona mới có hiện tượng ADE, và tỷ lệ là không nhỏ”.
Nhà virus học và giáo sư tại Đại học Hồng Kông Kim Đông Nhạn (Jin Dong-yan) cũng nói với tờ Yicai rằng virus Vũ Hán có thể biểu hiện ADE. Ông Kim trích dẫn các trường hợp bệnh nhân đã hồi phục gần đây, nhưng sau đó lại có kết quả dương tính với COVID-19 một lần nữa, để làm bằng chứng cho hiện tượng này.
Ông đã dẫn chứng một trường hợp cụ thể ở Mỹ. Theo tờ ‘Nevada Independent’ [có trụ sở tại Las Vegas, bang Nevada], một cư dân Nevada 25 tuổi đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 một lần nữa vào ngày 6/6/2020, 48 ngày sau lần xét nghiệm dương tính đầu tiên. Hai mẫu virus từ bệnh nhân vào tháng 4/2020 và tháng 6/2020 là khác nhau, và bệnh nhân này có các triệu chứng nghiêm trọng sau lần nhiễm thứ hai.
“Bệnh nhân có kháng thể khi ở trong tình trạng nặng [trong lần nhiễm thứ hai], nghĩa là các triệu chứng có thể do hệ thống miễn dịch của anh ta gây ra. Có khả năng xảy ra ADE”, ông Kim nhận định.
Hôm 31/8, đáp lại báo cáo của tờ Yicai, ông Cao Phúc (Gao Fu), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc, nói rằng vẫn chưa rõ liệu virus Vũ Hán có biểu hiện ADE hay không?
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature hôm 5/6/2020 kết luận rằng “liệu SARS-CoV-2 có thể gây ra phản ứng ADE hay không vẫn là một câu hỏi mở”, nhưng “do ADE đã được quan sát thấy có liên quan chặt chẽ với SARS-CoV”, nên cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về các phản ứng ADE.
SARS-CoV-2 là tên khoa học đầy đủ của virus gây bệnh COVID-19, còn SARS-CoV là biệt danh của virus gây ra bệnh SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng).
Nghiên cứu này cũng cảnh báo rằng “một số loại vaccine nhất định có nhiều khả năng gây ra phản ứng miễn dịch ADE hơn những loại khác”. Do đó, các nhà nghiên cứu nên “tiến hành thận trọng” trong việc phát triển vaccine cho COVID-19.
Vaccine Trung Quốc
Mặc dù thiếu nghiên cứu cụ thể, chính quyền Trung Quốc đang tiến hành các thử nghiệm vaccine COVID-19. Ngày 28/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin rằng, hiện có 3 công ty Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, với một nhà sản xuất, thử nghiệm trên hơn 30.000 người tại các quốc gia ở Trung Đông, Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Các công ty nhà nước và quân đội Trung Quốc cũng bắt buộc một số nhân viên và binh sĩ tham gia thử nghiệm vaccine này.
Nguyên bác sĩ y khoa và nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Dương Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), hiện sống tại Mỹ, cho rằng việc chính quyền Trung Quốc thúc đẩy việc thử nghiệm vaccine là vô trách nhiệm, và giống như việc coi công dân Trung Quốc “như những con chuột thí nghiệm”.
“Chính phủ Trung Quốc rất háo hức trở thành nước đầu tiên có vaccine được phê duyệt. Họ cần sử dụng vaccine như một công cụ chính trị để giành được sự ủng hộ từ các nước đang phát triển, cũng như cạnh tranh với các nước phát triển”, bà Dương lên án.
Báo cáo của tờ Yicai đã châm ngòi cho một cuộc thảo luận trực tuyến sôi nổi ở Trung Quốc trước khi bị gỡ xuống.
“Chính quyền Trung Quốc không muốn dư luận phá hỏng kế hoạch của mình. Đây có khả năng là lý do khiến cơ quan chức năng nhanh chóng gỡ bài báo xuống”, bà Dương nói thêm.
Tác giả: Nicole Hao