ĐCSTQ tiếp tục ‘bác bỏ tin đồn’ về việc người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng
Trong 2 tháng qua, các quan chức của Ủy ban Quản lý và Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã hai lần lên tiếng “bác bỏ tin đồn” liên quan đến việc người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng. Họ nói đó là hành vi “thiếu hiểu biết chung” và cho rằng việc cảnh sát bắt giữ những người rút tiền là cách “xử lý thích đáng”.
Cả những người làm ăn kinh doanh lẫn người dân phổ thông đều cho rằng các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ ở Trung Quốc đại lục thực sự đang lâm vào tình cảnh khó khăn, và có thể sẽ có nhiều đợt rút tiền ồ ạt hơn nữa xảy ra trong tương lai.
Theo một thông báo đăng trên website của Ủy ban Quản lý và Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc hôm 18/9, người phụ trách chính của Cục Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng của Ngân hàng Trung Ương, Cục Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng của Ủy ban Quản lý và Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm nói rằng: “Những người gửi các khoản tiền nhỏ ở các khu vực cá biệt, nhất là cư dân ở những khu vực có nền kinh tế kém phát triển và thiếu kiến thức về tài chính, bởi thiếu hiểu biết chung về tài chính, nên bị ảnh hưởng bởi tin đồn hoặc bị mù quáng làm theo những lời xúi bẩy, khiến xảy ra tình trạng rút tiền tập trung một cách không cần thiết, và đa số họ là người cao tuổi.”
Từ những tài liệu công khai cho thấy, trong năm nay đã có 5 ngân hàng bị lộ ra là có tình trạng rút tiền ồ ạt, gồm Ngân hàng Cam Túc (tháng 4), Ngân hàng Thương mại Dương Tuyền Sơn Tây (tháng 6), Ngân hàng Bảo Định ở huyện Vọng Đô, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc (tháng 6) và Ngân hàng Hành Thủy ở tỉnh Hà Bắc (Tháng 7), Ngân hàng Hồ Lô Đảo ở tỉnh Liêu Ninh (tháng 8).
Các đợt rút tiền nói trên chủ yếu đến từ những người gửi tiết kiệm. Hơn nữa, trước khi xảy ra các đợt rút tiền, các ngân hàng này đều xảy ra tình huống bất thường. Ví như, giá cổ phiếu của Ngân hàng Cam Túc giảm mạnh; xôn xao tin đồn về việc chuỗi vốn của Ngân hàng Thương mại Thành phố Dương Tuyền ở tỉnh Sơn Tây bị đứt đoạn, và chủ tịch ngân hàng bỏ trốn; Ngân hàng Hành Thủy tỉnh Hà Bắc bị liệt vào danh sách những ngân hàng không đáng tin cậy [không chấp hành án]; Chủ tịch Ngân hàng Hồ Lô Đảo ở tỉnh Liêu Ninh bị điều tra, lợi nhuận giảm mạnh, và đại cổ đông bị liệt vào loại thất tín không chấp hành án.
Đây là lần thứ hai các quan chức của Ủy ban Quản lý và Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc công khai “bác bỏ tin đồn” về việc rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng.
Vào ngày 16/7, Phó Phòng Ngân hàng Thành thị của Ủy ban Quản lý và Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc tuyên bố: “Với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ phận liên quan, việc rút tiền tập trung xảy ra gần đây ở các ngân hàng nhỏ và vừa đã được giải quyết ổn thỏa”; và “Quyền lợi của người gửi bị tổn thất là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước ta”.
Nhưng trên thực tế, trong mỗi sự kiện như vậy phát sinh đều có người gửi tiền bị bắt giữ. Thậm chí sau khi phát sinh việc rút tiền ồ ạt tại Ngân hàng Thương mại Thành phố Dương Tuyền ở Sơn Tây, huyện ủy địa phương đã yêu cầu tất cả nhân viên công chức chính thức của mình phải gửi tiền tại Ngân hàng Thương mại thành phố Dương Tuyền trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, hiện tượng các khoản tiền gửi “bốc hơi” không rõ nguyên nhân cũng thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc đại lục. Truyền thông đại lục đã tiết lộ rằng sự việc này đã phát sinh ở Hà Nam và Hồ Bắc vào đầu tháng 6. Các ngân hàng tuyên bố rằng đó là do nhân viên công tác gây ra. Trong số đó, có 49 người gửi tiền tại chi nhánh Vân Mộng ở Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc đã mất tổng cộng 15 triệu Nhân dân tệ (NDT, khoảng 7.5 triệu USD) trong đợt dịch.
Ngay từ năm 2015, các nơi như tỉnh Hà Bắc, Chiết Giang, Quảng Đông, Hà Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên đã xảy ra nhiều trường hợp người gửi bị mất tiền gửi ở ngân hàng, với số tiền cao nhất lên tới vài trăm triệu Nhân dân tệ.
Trong những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc liên tục lao dốc, năm nay lại hứng chịu đại dịch, khiến các đơn hàng giảm mạnh, và các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tờ Nikkei Shimbun ngày 20/9 đã dẫn bài phân tích cho biết doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất ở Trung Quốc đại lục sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là những khách hàng chính của các ngân hàng cả ở thành thị và nông thôn. Tình trạng này có thể khiến các tổ chức tài chính vừa và nhỏ ở Trung Quốc đại lục lâm vào tình cảnh khó khăn về nguồn vốn, làn sóng rút tiền này chính là một ví dụ.
Trung Quốc tuyên bố rằng trong năm nay sẽ phát hành 200 tỷ trái phiếu đặc biệt nhằm đối phó với nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng vừa và nhỏ, đồng thời cho phép chính quyền địa phương sử dụng nguồn vốn mà dự định ban đầu cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo báo cáo, chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc hầu như không có khả năng hỗ trợ các ngân hàng. Trong nửa đầu năm nay, các khoản thu từ thuế của chính quyền địa phương và trung ương của Trung Quốc giảm 11%.
Theo số liệu chính thức do Trung Quốc công bố, tính đến cuối tháng 6 năm nay, số dư nợ xấu của các ngân hàng ở đại lục lên tới 2.73 nghìn tỷ NDT (khoảng 390 tỷ USD), tăng 22.4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2016.
Nguy cơ khủng hoảng tài chính của các ngân hàng ở Trung Quốc đại lục ngày càng thu hút sự chú ý của của dân chúng. Một số cư dân mạng đăng trên Twitter: “Sự sụp đổ của hệ thống tài chính của Trung Quốc chắc chắn sẽ phải bắt đầu từ các ngân hàng vừa và nhỏ. Tình trạng rút tiền ồ ạt sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Các ngân hàng vừa và nhỏ đã không còn có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) thêm nữa. Thanh lý cưỡng chế chỉ còn là vấn đề thời gian!”