ĐCSTQ tấn công H&M, công ty ngay lập tức đầu hàng
Câu chuyện của H&M ở Trung Quốc là câu chuyện về một thương hiệu toàn cầu bị bắt nạt không chỉ đến mức phải im lặng về các vấn đề nhân quyền mà còn có khả năng hỗ trợ tích cực cho các ưu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
H&M là một thực thể nhỏ so với ĐCSTQ, tổ chức kiểm soát một nền kinh tế trị giá 14.7 ngàn tỷ USD (24.3 ngàn tỷ USD khi xem xét giá trị của một đồng dollar ở Trung Quốc). H&M, một nhà sản xuất quần áo thời trang nhanh, chỉ có doanh thu hàng năm khoảng 1.8 tỷ USD. Ban lãnh đạo của H&M đang mong muốn tăng con số đó bằng cách mở rộng thị trường ở Trung Quốc. Làm như vậy sẽ tăng khả năng tiếp thị cá nhân và lương thưởng.
Bà Helena Helmersson, giám đốc điều hành của H&M, đã kiếm được hơn 14 triệu USD tiền lương vào năm 2020.
Nhưng để tăng khả năng kiếm tiền của mình hơn nữa thông qua doanh số bán hàng cao hơn ở Trung Quốc, bà ấy rõ ràng phải bảo đảm rằng H&M làm hài lòng ĐCSTQ, vốn là người gác cổng trong việc công ty tiếp cận 1.4 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo các chi tiết trong bản tin của Yasufumi Saito, Daniela Wei, Jinshan Hong và Anton Wilen hôm 14/03 đăng trên Bloomberg, cũng như The New York Times đưa tin trước đó, H&M hoạt động tốt cho đến năm 2021, khi Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (CYL) hùng mạnh đã tìm thấy một tuyên bố chưa ghi ngày tháng của công ty này bày tỏ lo ngại về lao động cưỡng bức ở Tân Cương, nơi chế độ ĐCSTQ đang gây ra một cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác.
Hôm 15/09/2020, H&M đã từng thông báo chấm dứt mối quan hệ với một nhà cung cấp của Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức. Cổ phiếu của công ty đã tăng vào thời điểm đó, và không dừng lại.
Tuy nhiên, vào tháng 03/2021, CYL và các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch chống lại H&M.
CYL đã đăng: “Muốn kiếm tiền ở Trung Quốc trong khi tung tin đồn thất thiệt và tẩy chay bông Tân Cương? Suy nghĩ viển vông!”
Bài đăng được lan truyền mạnh mẽ, đột nhiên chính trị hóa việc mặc đồ H&M ở một quốc gia mà điểm số, công việc và sự thăng tiến đều phụ thuộc vào thái độ chính trị phải đạo — nghĩa là, tỏ vẻ đạo đức thông qua việc ủng hộ công khai đối với ĐCSTQ.
Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã tấn công H&M bằng lời nói, và công ty này đã phải đóng cửa khoảng 60 cửa hàng ở Trung Quốc.
Từ giữa tháng Ba đến hôm 01/04/2021, cổ phiếu H&M đã giảm hơn 12%, xóa sổ hàng tỷ giá trị cổ đông. Đó là kiểu rớt giá có thể khiến CEO bị sa thải, vì vậy bà Helmersson có thể đã chú ý.
Một loạt các chỉ trích trực tuyến đối với H&M ở Trung Quốc là mối quan tâm lớn. Theo nghiên cứu của ông Ryan Fedasiuk và do Jamestown Foundation xuất bản, hoạt động tuyên truyền trực tuyến của ĐCSTQ đã thu hút khoảng 2 triệu lời khích bác được trả tiền trên internet vào năm 2021, cộng với khoảng 20 triệu tình nguyện viên bán thời gian, “nhiều người trong số họ là sinh viên đại học và thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản.”
Một lượng người tiêu dùng chính của H&M là giới trẻ tìm kiếm thời trang với giá cả hợp lý — nhóm nhân khẩu cốt lõi của công ty ở Trung Quốc đã bị trúng đòn từ các cú đánh của CYL.
Nhưng theo bản tin mới nhất của Bloomberg, nghiên cứu của chính công ty này đã chỉ ra mối quan hệ nhân quả của khủng hoảng truyền thông và giảm doanh số bán hàng là do chính họ không ủng hộ chính quyền Trung Quốc.
Theo Bloomberg, “Một đánh giá của H&M cho thấy gã khổng lồ thời trang nhanh này không được chính quyền địa phương coi trọng đặc biệt, theo những người quen thuộc với vấn đề này, những người không muốn bị nêu tên vì lo ngại bị trả thù.”
“Số tiền thương hiệu này phải nộp thuế không đáng kể, và việc hãng không tài trợ cho các sự kiện do chính quyền hậu thuẫn được coi là dấu hiệu cho thấy việc xây dựng quan hệ với ĐCSTQ – được cho là lực lượng quan trọng nhất trong kinh doanh ở Trung Quốc – đã không phải là một việc ưu tiên. ”
Nói cách khác, H&M đã không trả đủ tiền bảo vệ (thuế) cho ĐCSTQ, và không tỏ ra đạo đức ở một quốc gia mà việc tỏ vẻ đạo đức đối với một chính quyền diệt chủng là cần thiết để có thể thành công.
Đây là một lời giải thích khả thi cho rắc rối của H&M mà theo Bloomberg, H&M đang nỗ lực để khắc phục. Nhưng còn có những giải thích khác.
Nhà phân tích kinh doanh Mark Tanner nói với Bloomberg rằng chính phủ Thụy Điển là một trong những nước chỉ trích công khai nhất đối với Bắc Kinh. Là một quốc gia nhỏ và thẳng thắn, Thụy Điển và các công ty của mình ở Trung Quốc – cũng giống như Canada và công ty Canada Goose trong và sau cuộc khủng hoảng bà Mạnh Vãn Chu – là những mục tiêu trả đũa tương đối dễ dàng của Bắc Kinh. Bà Mạnh, giám đốc tài chính của Huawei, đã bị giam giữ gần 3 năm tại Canada theo một lệnh dẫn độ từ Hoa Kỳ vì cáo buộc gian lận.
Hồi đầu tháng 12/2021, chỉ vài tháng sau khi bà Mạnh được trả tự do, truyền thông của ĐCSTQ tuyên bố rằng Canada Goose “phân biệt đối xử” trong chính sách hoàn trả của mình. Ngay sau đó, cổ phiếu của công ty này giảm hơn 20% .
H&M đang tự chữa vết thương của mình ở Trung Quốc bằng cách rút lui khỏi tầm nhìn của công chúng, quyên góp cho các hoạt động từ thiện “đúng đắn” (theo ĐCSTQ) và tham gia vào đúng triển lãm thương mại do ĐCSTQ hỗ trợ. Người ta tự hỏi liệu H&M có đang vận động các chính trị gia Thụy Điển làm dịu những lời chỉ trích của họ đối với Bắc Kinh hay không. Chế độ này đã đang thúc giục những công ty nào tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc hãy làm như vậy.
Công ty Thụy Điển kém may mắn này, và sự đầu hàng muộn màng của nó dưới chế độ cầm quyền sở tại, đang được Bloomberg miêu tả như một ví dụ điển hình về những điều không nên làm để thành công trong kinh doanh. Các tác giả gợi ý rằng chiến lược kinh doanh thành công hơn ở Trung Quốc là của Nike, Adidas và Uniqlo — tất cả đều “dựa vào sự tập trung của Đảng trong thể dục và cạnh tranh, tài trợ cho các đội bóng rổ và điền kinh quốc gia cũng như các vận động viên hàng đầu như vận động viên quần vợt Li Na,” cũng như đầu tư “vào các quan hệ đối tác thể thao do nhà nước điều hành.”
Các tác giả của Bloomberg kết luận, “Kinh nghiệm của H&M cho thấy rằng ở một Trung Quốc ngày càng có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, mà ông Tập đang định hướng lại các nguyên tắc [cộng sản] cũ sau nhiều năm mở cửa với phương Tây, các thương hiệu toàn cầu không thể bỏ qua chính trị ở Trung Quốc — hoặc ở nơi khác. ”
Một doanh nhân đọc bài báo đó có khả năng kết luận, đồng thuận với các tác giả, rằng sự ủng hộ công khai đối với ĐCSTQ là cần thiết để thành công ở Trung Quốc, điều cần thiết để thành công với tư cách là một CEO toàn cầu trong khi nền kinh tế Trung Quốc và lượng người tiêu dùng trung lưu lớn đang phát triển nhanh chóng so với phần còn lại của thế giới.
Nhưng nếu giới lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây tiếp tục đi theo đường lối của ĐCSTQ, như họ đã từng làm, thì quyền lực của phương Tây và sự ủng hộ của họ đối với nền dân chủ, sẽ tiếp tục bị xói mòn. Hoạt động kinh doanh sẽ không hiệu quả hay thay đổi được Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tham gia và thay đổi hoạt động kinh doanh, vốn đã đang vượt quá ảnh hưởng chính trị ở các thủ đô phương Tây.
Nói cách khác, càng có nhiều công ty như H&M rơi vào quỹ đạo của ĐCSTQ, thì nền dân chủ và các thị trường càng gặp nhiều rủi ro. Với sự đi xuống của thị trường, sẽ dẫn đến việc mất giá trị cổ đông gần như vĩnh viễn trên quy mô kinh tế vĩ mô. Vì vậy, các công ty, trong sự nghiệp theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn, đang dần tự hủy hoại chính mình, cùng với các quyền tự do giúp họ trở nên hiệu quả.
Một trong những hy vọng duy nhất trong việc đảo ngược xu hướng phi đạo đức này là các nền kinh tế dân chủ lớn nhất thế giới – bao gồm cả Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và Nhật Bản – thực hiện hành động cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, chẳng hạn như bằng cách gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thuế quan đối với Trung Quốc.
Các biện pháp này sẽ tăng dần cho đến khi chế độ này không chỉ cải thiện nhân quyền, vốn còn thiếu hụt do chế độ này vẫn còn đó, mà còn tự dân chủ hóa bản thân, điều này sẽ loại bỏ ĐCSTQ như một mối đe dọa. Sau đó, Trung Quốc cuối cùng có thể đứng cao trong cộng đồng quốc tế với tư cách là một người bảo vệ, thay vì kẻ hủy diệt, các quyền tự do và bình đẳng chính trị của con người.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: