ĐCSTQ muốn nước Nga bị cô lập phải trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh
Theo một chuyên gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hy vọng sẽ lợi dụng tình thế cô lập hiện tại của Nga bằng cách khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh sẽ cần phải cung cấp cho Nga sự hỗ trợ mà không để các quốc gia phương Tây phát hiện, những nước đang áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow về việc Nga xâm lược Ukraine.
Ông David Goldman, phó tổng biên tập tờ Asia Times, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với “China in Focus”, một chương trình của đài truyền hình NTD, chi nhánh của The Epoch Times, cho biết: “Không phải là Trung Quốc không sẵn sàng giúp đỡ Nga. Trung Quốc không muốn giúp Nga theo cách thu hút sự tức giận của phương Tây vào thời điểm này và đặt chính nước này vào tình thế khó xử hơn.”
Ông nói thêm rằng, “Trung Quốc sẽ không thực hiện các biện pháp công khai để giúp Nga lẩn tránh cơ chế trừng phạt, nhưng [sẽ giúp] bằng nhiều cách âm thầm và không dễ bị phát hiện. Trung Quốc sẽ giúp Nga bán dầu, bán các mặt hàng xuất cảng của họ, v.v.”
Các bình luận của ông Goldman đụng chạm đến một nghi ngại đang lớn dần về việc ĐCSTQ có thể sẵn sàng tiến xa đến mức nào để giúp Nga giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của phương Tây ngay sau khi diễn ra cuộc chiến Tổng thống Nga Vladamir Putin với Ukraine.
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nghênh đón ông Putin tới Thế vận hội Bắc Kinh hồi đầu tháng Hai, nơi hai người tuyên bố sẽ “không có giới hạn” trong liên kết đối tác giữa hai nước.
Tuy nhiên, “không có giới hạn” có thể là một cụm từ quá mạnh, và những dấu hiệu căng thẳng ban đầu giữa hai người này dường như bắt đầu bộc lộ. Đáng chú ý trong số đó, chính là: sự dè dặt kín đáo của Trung Quốc trong việc cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ công khai nào dành cho Nga.
Các quốc gia phương Tây đã dẫn đầu các biện pháp trừng phạt phối hợp toàn diện nhất trong lịch sử đối với Nga hồi tuần trước, nhằm trừng phạt chế độ này vì cuộc chiến xâm lược của họ ở Đông Âu. Trung Quốc sẽ tiến xa đến mức nào để giảm bớt các tác động của những lệnh trừng phạt đó đối với đối tác của họ là một nghi vấn còn bỏ ngỏ.
Các nhà phân tích lưu ý rằng Trung Quốc khó có thể thoải mái trong việc thu hút sự chú ý của quốc tế đối với liên kết đối tác của họ vì Nga hiện đang phải đối mặt với một cuộc điều tra quốc tế sau những cáo buộc cho rằng họ đang phạm phải tội ác chiến tranh và tội ác phản nhân loại ở Ukraine, kể cả việc đánh bom các trường học và bệnh viện.
Tuy nhiên, ĐCSTQ từ chối gọi hành động xâm lược của Nga vào Ukraine là một “cuộc xâm lược”, và bên trong Trung Quốc đại lục đang tích cực kiểm duyệt việc đưa tin về chiến tranh mà chỉ trích cuộc xung đột này hay chỉ trích ông Putin.
Mặc dù ĐCSTQ hiện không ủng hộ Nga một cách công khai, nhưng họ đang cung cấp một tầng lá chắn bằng cách từ chối tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây. Chuẩn tướng Không quân đã nghỉ hưu Robert Spalding lưu ý rằng nỗ lực chiến tranh của Nga phụ thuộc vào sự “chấp thuận ngầm” tiếp diễn của ĐCSTQ.
Thật vậy, chỉ mới tháng trước, ĐCSTQ đã ký một thỏa thuận năng lượng với Nga để xây dựng một đường ống mới cung cấp 1.8 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên từ Nga hàng năm cho Trung Quốc.
Ngay khi chiến tranh nổ ra, ĐCSTQ đã dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm đối với lúa mì nhập cảng từ Nga, vừa cung cấp cho Moscow dòng tiền tăng lên, vừa cung cấp cho Bắc Kinh một sản phẩm mang tính sống còn trong bối cảnh thiếu lương thực đang diễn ra.
Kể từ đó, cơ quan quản lý tài chính của ĐCSTQ đã tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia vào bất kỳ biện pháp trừng phạt tài chính nào của phương Tây đối với Nga, tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt này không có giá trị pháp lý.
“Chúng tôi sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt như vậy”, ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), Chủ tịch Ủy ban Quản lý giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cho biết vào ngày 02/03. “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục trao đổi kinh tế, thương mại, và tài chính bình thường với tất cả các bên liên quan.”
Ông Goldman cho rằng liên kết đối tác Trung-Nga ngày càng sâu sắc sẽ là một mối đe dọa chiến lược “đáng gờm” đối với phương Tây. Tuy nhiên, vô luận là Nga có thể nghĩ gì đi chăng nữa, thì ĐCSTQ vẫn luôn có ý định chi phối liên kết đối tác đó, và họ đang lợi dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây để làm điều đó.
Ông Goldman nói: “Nếu quý vị đọc các [bản tin trên] phương tiện truyền thông Bắc Kinh, [sẽ thấy] họ tin rằng hậu quả sẽ là Putin quay người về phía đông và rằng Nga sẽ bị đánh bại hoặc trở nên phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ là khách hàng chính cho dầu và nguyên liệu thô, đồng thời là nhà cung cấp chính cho các sản phẩm công nghệ cao.”
“Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã loại Nga ra khỏi [việc cung cấp] nhiều sản phẩm công nghệ cao, bao gồm cả vi mạch bán dẫn của máy điện toán, vốn là thành phần nền tảng của một nền kinh tế hiện đại. Chắc chắn Trung Quốc có thể là một nguồn thay thế cho Nga.”
Ông Goldman cảnh báo rằng, là một phần của nỗ lực này, ĐCSTQ có thể cố gắng phá vỡ lệnh cấm của phương Tây đối với việc Nga tham gia vào SWIFT, hệ thống tin nhắn toàn cầu cho phép thực hiện các giao dịch ngân hàng.
Ông nói, để đạt được điều này, ĐCSTQ có thể sử dụng các hệ thống của riêng mình để thay thế cho SWIFT dựa trên các đồng nội tệ thay vì đồng dollar.
“Về lý thuyết, hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc có thể được sử dụng thay thế cho SWIFT và trên thực tế, các giao dịch tài trợ thương mại quốc tế có thể được tài trợ bằng [đồng nhân dân tệ] thay vì đồng dollar, với điều kiện là các ngân hàng Trung Quốc sẵn sàng thực hiện việc tài trợ đó,” ông Goldman nói.
“Đây không phải là vấn đề kỹ thuật … Mà là một vấn đề chính trị. Trung Quốc không hề muốn xuất hiện với tư cách là người trợ giúp Nga khi mà cả phương Tây quyết tâm trừng phạt Nga. Rõ ràng là Trung Quốc sợ rằng các lệnh trừng phạt có thể được áp dụng đối với các ngân hàng Trung Quốc nếu họ can thiệp và giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Bản tin có sự đóng góp của Juliet Song của Đài truyền hình NTD
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: