ĐCSTQ lập danh sách người nước ngoài muốn tuyển dụng và theo dõi người Trung Quốc khắp thế giới
Từ thành phố Houston cho đến thị trấn nhỏ Esbjerg ở Đan Mạch, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn để mắt đến công dân Trung Quốc và người nước ngoài trên khắp thế giới — những người mà họ hy vọng sẽ ảnh hưởng đến việc thúc đẩy những lợi ích của Bắc Kinh hơn nữa.
Danh sách lộ ra trong một tài liệu của chính phủ [Trung Quốc] bị rò rỉ gần đây mà Epoch Times thu được, tiết lộ rằng ĐCSTQ đang tìm cách “ươm mầm nhân tài” trong nhiều lĩnh vực và ở nhiều quốc gia.
Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã duy trì các chương trình tuyển dụng nhân tài, chẳng hạn như “Kế hoạch ngàn nhân tài”, vốn được xem xét kỹ lưỡng, dụ dỗ các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài, làm việc trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Trung Quốc, nhằm giúp thực hiện tham vọng [của Bắc Kinh] đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao.
Danh sách nội bộ này cung cấp cái nhìn sơ lược về quy mô hoạt động ảnh hưởng của Bắc Kinh, và cũng cho thấy chúng trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một bộ tài liệu khác tiết lộ rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các nhà chức trách đã bắt đầu theo dõi những người nước ngoài sống ở Trung Quốc, và theo dõi tình trạng sức khỏe của họ.
Một bộ tài liệu thứ ba đã chỉ ra cách các nhà chức trách giữ mối quan hệ chặt chẽ với những công dân [Trung Quốc] đi du lịch nước ngoài.
Người nước ngoài và người Trung Quốc sống ở hải ngoại
Các tài liệu đều do Văn phòng đối ngoại của chính phủ thành phố Đại Khánh cung cấp. [Đây là] một thành phố với dân số khoảng 2,7 triệu người vào cuối năm 2019, nằm ở tỉnh Hắc Long Giang, miền bắc Trung Quốc.
Trong một tài liệu năm 2019, Văn phòng Đối ngoại của Đại Khánh tuyên bố họ sẽ bắt đầu một sáng kiến được gọi là: “Kế hoạch nuôi dưỡng một trăm nhân tài ở nước ngoài”.
Chính phủ trung ương và chính phủ nhiều địa phương ở Trung Quốc có những chương trình tuyển dụng nhân tài như vậy. Một báo cáo năm 2019 của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ – Trung Quốc ước tính có hàng trăm chương trình như vậy ở cấp chính phủ địa phương.
Mặc dù văn phòng không giải thích cách thức thực hiện kế hoạch cũng như các mục tiêu cụ thể của mình, nhưng họ đã liệt kê 129 cá nhân “hải ngoại” mà họ muốn tuyển dụng. Trong số họ có ít nhất 70 người không phải là người gốc Hoa, dựa trên việc có tên không phải tên tiếng Hoa. Tài liệu chỉ chứa tên (không có họ) của một số cá nhân này. Nhưng mỗi mục từ đều nêu rõ vị trí công việc hiện tại hoặc trước đây, lĩnh vực nghề nghiệp của họ, cũng như thông tin liên hệ của họ.
Những người bị nhắm làm mục tiêu, sống trải khắp toàn cầu, trong số đó có New Zealand, Vương quốc Anh, Pakistan, Tây Ban Nha, Ghana, Malaysia và Nam Phi, và làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, [bao gồm]: nhân viên trong ngành du lịch, các giáo sư tại các trường đại học, các giám đốc điều hành [CEO], và các cán bộ quản lý doanh nghiệp khác, các chuyên gia hóa học, những người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và thương mại quốc tế, quản đốc nhà máy xử lý chất thải, v.v.
Danh sách cũng bao gồm một số cựu chính trị gia, trong đó có 2 cựu thị trưởng thành phố Perth của Úc; một cựu thị trưởng của thành phố St. John của Canada; ông Naheed Nenshi, thị trưởng hiện tại của Calgary [Canada]; và ông Jesper Frost Rasmussen, thị trưởng hiện tại của Esbjerg, Đan Mạch.
Người phát ngôn của ông Nenshi nói với tờ The Epoch Times trong một email rằng thị trưởng Calgary không biết rằng ông ấy có tên trong danh sách nào. Calgary là thành phố kết nghĩa với Đại Khánh từ năm 1985, nhưng ông Nenshi không có liên hệ cá nhân với các quan chức của thành phố [Đại Khánh], người phát ngôn nói thêm.
Ông Rasmussen đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Các quan chức trong chính phủ địa phương của Houston; Tokyo, và Calgary, cũng bị nhắm tới, ở các vị trí như “nhà tư vấn chính sách cao cấp” và “quan chức điều hành”.
Các cá nhân Trung Quốc, vốn từng là các nhân viên điều hành của các công ty Mitsubishi Corp. và Mitsubishi Chemical, có trụ sở tại Nhật Bản, cũng như một giám đốc người Trung Quốc của một công ty du lịch Hawaii, cũng có tên trong danh sách này.
Một kế hoạch hành động năm 2020 do văn phòng Đại Khánh ban hành, nêu rõ chính phủ sẽ tập trung vào việc thiết lập quan hệ với các doanh nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo dõi sức khỏe [người nước ngoài]
Trong đại dịch COVID-19, các quan chức cũng đã theo dõi những người nước ngoài ở Đại Khánh.
Trong một tài liệu ngày 29/2, văn phòng Đại Khánh đã lưu giữ hồ sơ của hơn 180 người nước ngoài trong thành phố, bao gồm những sinh viên theo các chương trình trao đổi, giảng viên và chuyên gia nước ngoài. Những người nước ngoài này đến từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Chad, Morocco, Zimbabwe, Nam Phi, Đài Loan, Thụy Điển, Anh và Úc.
Tài liệu này nói rõ các quan chức y tế địa phương đang theo dõi tình trạng sức khỏe của họ do đại dịch, và thể hiện thông tin cá nhân chi tiết của họ, chẳng hạn như số hộ chiếu, ngày sinh và địa chỉ cư trú hiện tại ở Trung Quốc.
Một tài liệu khác, đề ngày 9/4, là “báo cáo công việc hàng ngày”, cập nhật số lượng người nước ngoài đang làm việc hoặc học tập tại Đại Khánh (220).
Một mục của tài liệu này nêu chi tiết liệu những người nước ngoài mới đến Đại Khánh có bị cách ly hay không.
Vào thời điểm đó, những người đi vào tỉnh Hắc Long Giang, đều phải bị cách ly trong 14 ngày.
Ví dụ, một người nước ngoài, không nêu tên, đã bị cách ly tại nhà sau khi đến từ Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Tài liệu nêu rõ người nước ngoài này đến Trung Quốc từ Canada vào ngày 6/3.
Các quan chức và giáo viên Trung Quốc
Một tài liệu khác cảnh báo rằng những quan chức Trung Quốc đi công tác nước ngoài có nguy cơ thay đổi tư tưởng chính trị. Văn phòng Đại Khánh đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho những người này, trước khi họ rời đi và sau khi họ trở về Trung Quốc.
Trước khi bắt đầu các chuyến đi nước ngoài, họ phải ký một ‘thư trước khởi hành’ [xuất cảnh], và trải qua khóa đào tạo do ‘văn phòng bảo vệ bí mật nhà nước’ của Đại Khánh cung cấp, tài liệu nêu rõ.
Cục an ninh nhà nước của Đại Khánh cũng sẽ cung cấp “những bài học giáo dục” cho những người này, trước và sau các chuyến công tác nước ngoài của họ.
Trong khi tài liệu bị rò rỉ không giải thích chính xác những gì quy định trong ‘thư trước khởi hành’, các trường đại học Trung Quốc cũng yêu cầu các giáo viên của họ phải ký những tài liệu đó trước khi đi công tác nước ngoài.
Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Thường Châu, nằm ở tỉnh Giang Tô ven biển Trung Quốc, yêu cầu các giáo viên của trường ký một lá thư như vậy, trong đó yêu cầu họ không được trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, trừ khi được sự chấp thuận của người lãnh đạo tổ chức chuyến đi của họ, và rằng họ không được rời khỏi nhóm, không được phép gặp bạn bè hoặc thành viên gia đình sống ở nước ngoài và không được xem bất kỳ hoạt động nào do các thành viên của Pháp Luân Công tổ chức, một môn tu luyện tinh thần đã bị chính quyền Trung Quốc bức hại nghiêm trọng kể từ năm 1999.
Nhân viên của Epoch Times, Cathy He đã đóng góp vào báo cáo này.
Bài báo này đã được cập nhật để bao gồm một bình luận từ thị trưởng của Calgary.
Tác giả: Frank Fang