ĐCSTQ khiến hàng chục nghìn người mất tích dưới hệ thống ‘bắt cóc’ do nhà nước hậu thuẫn
Trong năm nay, mỗi ngày có ít nhất 20 người bị “mất tích” dưới tay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo một báo cáo gần đây của nhóm nhân quyền Safeguard Defenders.
Báo cáo công bố hôm 30/8 cho biết những người này bị chính quyền bắt đi, mà không có lệnh của tòa án, và bị tống vào các địa điểm bí mật, nơi họ bị biệt giam và cô lập trong vòng nửa năm. Bên trong các cơ sở này, người ta bị tước quyền tiếp cận với luật sư và quyền thăm thân, và tra tấn được áp dụng phổ biến.
Hệ thống này, được hợp pháp hóa vào năm 2013 và chính thức được gọi là “Giám sát Cư trú tại một Địa điểm được Chỉ định” (RSDL), cho phép công an Trung Quốc hoạt động mà không có sự giám sát và cấp cho họ “quyền lực chưa từng có đối với các nạn nhân của hệ thống này”, ông Peter Dahlin, giám đốc của nhóm bất vụ lợi có trụ sở tại Madrid, cho biết.
“Nếu công an muốn, vào một ngày nào đó, họ có thể bẻ gãy từng khúc xương trên cơ thể quý vị, để quý vị chữa lành trong sáu tháng, rồi sau đó thả quý vị ra, và không ai có thể biết được”, ông Dahlin nói với The Epoch Times trong một email.
Dựa trên dữ liệu về các phán quyết của tòa án được đăng trên cơ sở dữ liệu của tòa án tối cao Trung Quốc, nhóm Safeguard Defenders đã ước tính có khoảng 28,000 đến 29,000 người đã bị đưa vào RSDL từ năm 2013 đến cuối năm 2019. Tuy nhiên, nhóm này lưu ý rằng con số thực có thể còn lớn hơn nhiều vì con số này không bao gồm những người đã được cho ra khỏi [hệ thống] RSDL trước khi qua xét xử.
“Đây là việc bắt cóc hàng loạt do nhà nước hậu thuẫn”, nhóm [nhân quyền] bất vụ lợi này cho biết trong một tuyên bố.
Báo cáo kết luận “việc sử dụng rộng rãi và có hệ thống” những vụ cưỡng chế mất tích của ĐCSTQ, gợi nhớ lại những vụ bắt cóc bởi các chế độ độc tài Nam Mỹ trong những năm 1960 và 1970, có thể cấu thành tội ác chống lại nhân loại theo luật pháp quốc tế.
Ông Dahlin cho biết hệ thống này thường được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu nổi tiếng như luật sư, nhân viên tổ chức bất vụ lợi, nhà báo và người nước ngoài bị bắt theo hình thức “ngoại giao con tin” của Trung Quốc. Những nạn nhân này bị giam giữ trong một thời gian dài và được trả tự do mà vụ việc của họ không được tiếp tục truy tố hoặc xét xử, nhóm này cho biết.
Tuần trước, chính phủ Úc thông báo rằng bà Cheng Lei, một công dân nhập quốc tịch Úc gốc Hoa và là người dẫn chương trình cho kênh tiếng Anh của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, đã bị giam giữ trong hệ thống RSDL hồi tháng 8. Không rõ lý do của việc giam giữ và không có cáo buộc nào được đưa ra.
Dựa trên các cuộc phỏng vấn với những nạn nhân RSDL của Trung Quốc, nhóm này nhận thấy rằng một số lượng lớn các nạn nhân cho biết họ bị tra tấn thể xác và tất cả đều báo cáo họ bị tra tấn tâm lý.
Ông Dahlin nói, “Một khi vào bên trong, quý vị sẽ bó hẹp cuộc đời của mình bên trong một phòng giam nhỏ, và các nạn nhân nói về việc không nhìn thấy ánh sáng ban ngày trong nhiều tháng, còn đèn huỳnh quang trong phòng thì luôn bật sáng.”
“Trên thực tế, khoảng thời gian duy nhất mà họ không nhìn chằm chằm vào tường sẽ là lúc diễn ra các phiên thẩm vấn trong một phòng khác gần phòng giam, và thường là vào ban đêm, để đảm bảo giấc ngủ bị gián đoạn.”
Ông Dahlin nói rằng hầu hết các nạn nhân mà sau đó bị giam trong các trại tạm giam hoặc nhà tù đã kể lại chi tiết khoảng thời gian họ ở trong RSDL là “gian truân hơn nhiều, khắc nghiệt hơn nhiều so với bất cứ điều gì khác”.
Vì RSDL là một hình thức biệt giam, việc sử dụng hình thức này trong hơn 15 ngày đã cấu thành hành vi tra tấn theo Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn – một hiệp ước mà Trung Quốc đã phê chuẩn, ông Dahlin nói.
“Báo cáo này kết luận rằng thời gian trung bình bị giam giữ trong RSDL cho thấy việc áp dụng hình thức tra tấn là có hệ thống và phổ biến,” báo cáo cho biết.
Những người bị mất tích
Trường hợp của luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng) nêu bật cách ĐCSTQ sử dụng các vụ cưỡng chế mất tích để trừng phạt những người chỉ trích chế độ này.
Ông Cao là một luật sư tự học, người đã bảo vệ những công dân phải đối mặt với cuộc đàn áp tín ngưỡng, chẳng hạn như các học viên Pháp Luân Công và các tín đồ Cơ đốc giáo tại gia, cũng như những người bị ĐCSTQ chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp. Kể từ năm 2006, vị luật sư này đã nhiều lần bị mất tích, bị tra tấn và bị bỏ tù. Ông Cao đã mất tích hơn ba năm nay.
Vợ của ông Cao, bà Cảnh Hòa, đã trốn sang Hoa Kỳ cùng các con vào năm 2009. Trước đó, bà nói với The Epoch Times rằng anh trai của ông Cao thường đến đồn công an địa phương ở thành phố Yilin thuộc tỉnh Thiểm Tây, vùng Tây Bắc Trung Quốc, để hỏi về tung tích của ông Cao.
“Có lúc, họ nói ông ấy [ông Cao] đang ở Bắc Kinh và cần xin chỉ thị từ cấp trên. Lúc khác, họ lại nói rằng ông ấy đang ở Yulin và họ cũng không biết ông ấy đang ở đâu”, bà Cảnh nói.
Bà Cảnh đã khẩn cầu cộng đồng quốc tế giúp tìm kiếm [tung tích của] chồng bà.
“Ngày nào tôi cũng lo lắng”, bà Cảnh nói. “Khi vừa xong công việc là tôi lập tức nghĩ đến ông ấy. Mọi thứ đột nhiên hiện lên trong tâm trí tôi, và rồi tôi gọi cho anh trai của ông ấy, nhưng vẫn chẳng có tin tức gì.”
Tác giả: Cathy He