ĐCSTQ huy động Bộ máy tuyên truyền để kiểm soát thông tin về COVID-19
Việc chính quyền Trung Quốc che giấu sự bùng phát virus [Vũ Hán] đã có đầy đủ chứng cứ. Tuy nhiên, các tài liệu mới của chính phủ [Trung Quốc] mà The Epoch Times thu thập được đã tiết lộ chi tiết hơn cách thức các nhà chức trách ngăn chặn các thông tin trực tuyến không phù hợp với những tuyên bố của họ về đại dịch. Những người đăng thông tin như vậy trên mạng xã hội sẽ bị [chính quyền Bắc Kinh] trừng phạt.
Các nhà chức trách cũng lập ra các nhóm quan chức và phóng viên truyền thông nhà nước, để đăng các bài báo ca ngợi phản ứng của Trung Quốc trong đại dịch và quảng bá những bài viết tuyên truyền đó trên mạng.
Họ cũng duy trì một danh sách các chủ đề tin tức mà các phương tiện truyền thông không được phép đưa tin, cập nhật liên tục các chủ đề mới nhất bị cho là quá nhạy cảm.
Các nhóm tuyên truyền
Các tài liệu [mà The Epoch Times thu thập được] là đến từ Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông.
Trong một thông báo đề ngày 26/1/2020, Đảng ủy [Khu tự trị] đã ra lệnh cho chính quyền địa phương ở tất cả các cấp — khu vực, thành phố, quận, thị trấn và làng xã — thành lập “các đội tuyên truyền” chuyên trách về đại dịch virus [Vũ Hán].
“Hiện tại, tuyên truyền liên quan đến virus corona mới là công việc quan trọng nhất của chúng ta… Chúng ta cần động viên mọi người [ở khu vực Nội Mông] và sắp xếp các nhiệm vụ trên tất cả các khía cạnh, để tăng cường hướng dẫn và kiểm soát thông tin và lời nói liên quan đến dịch bệnh”, thông báo nêu rõ.
Nhóm khu vực sẽ do [Giám đốc] Sở Tuyên truyền của Nội Mông đứng đầu, với các quan chức hàng đầu của các cơ quan chính quyền khác nhau làm thành viên, bao gồm: Văn phòng Các vấn đề Không gian mạng, Sở Ngoại vụ, sở giáo dục, ủy ban y tế, sở giao thông, tổng cục hải quan và các phương tiện truyền thông nhà nước.
Tương tự như vậy, các nhóm chính quyền thành phố hoặc quận huyện sẽ nghe theo chỉ đạo của giám đốc tuyên truyền địa phương cùng với các quan chức phụ trách y tế, không gian mạng, truyền thông và các lĩnh vực khác.
Đảng ủy [Khu tự trị Nội Mông] cũng sẽ thành lập các “nhóm báo cáo” ở cấp tỉnh, thành phố và quận/huyện. Thông báo nêu rõ, các phóng viên truyền thông nhà nước phải có tư tưởng “chính trị đúng đắn và vững vàng” khi đưa tin về đại dịch. Người đứng đầu của mỗi nhóm sẽ là tổng biên tập của các phương tiện truyền thông nhà nước tại địa phương.
Các nhóm tuyên truyền và cả các nhóm báo cáo sẽ túc trực 24/7. Những thành viên không trong ca trực vẫn phải chuẩn bị trả lời điện thoại bất cứ lúc nào, “để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp”.
Những nhiệm vụ chính
Theo các tài liệu, các nhóm tuyên truyền cần phải đăng thông tin phù hợp với quan điểm của chính quyền trung ương [Trung Quốc] — trên các phương tiện truyền thông thông thường và các nền tảng truyền thông xã hội. Các bài đăng có thể ở các dạng khác nhau, chẳng hạn như bản tin, bài bình luận và chương trình trò chuyện.
Các bài đăng sẽ phục vụ mục đích “giáo dục người dân”, các tài liệu lưu ý.
Các bài đăng phải có “giai điệu chủ đạo” hoặc “năng lượng tích cực” về đại dịch, chẳng hạn như những câu chuyện về chủ nhà hàng phát bữa ăn miễn phí cho nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19; các trường hợp lây nhiễm mới là tin đồn; các cửa hàng tạp hóa có rất nhiều nguồn cung cấp [nhu yếu phẩm], v.v.
Nhóm tuyên truyền của thành phố Hô Hòa Hạo Đặc [Hothot] đã viết trong bản tóm tắt công việc của mình vào ngày 30/1 rằng họ đã đăng 698 bài liên quan đến virus [Vũ Hán] từ 9 giờ sáng ngày 29/1 đến 9 giờ sáng ngày 30/1.
Trong khoảng thời gian 24 giờ, tờ nhật báo nhà nước Hothot đã công bố 18 bản tin trên trang báo của mình, và 84 bài báo qua các tài khoản mạng xã hội của mình. Đài phát thanh và truyền hình Hô Hòa Hạo Đặc đã đưa tin về 40 bài báo và 93 bài đăng trên các trang web và nền tảng truyền thông xã hội của mình. Trang mạng ‘HohhotNews.net’ đã công bố 79 bài báo trên trang web của họ, và 73 bài viết trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Bản tóm tắt cũng lưu ý rằng những người kiểm duyệt [của chính quyền] Hô Hòa Hạo Đặc đã quảng bá các bài đăng đó bằng các tài khoản của chính phủ trên Weibo và WeChat, 2 trong số những nền tảng phổ biến nhất của Trung Quốc. Văn phòng không gian mạng địa phương cũng bố trí 6.686 “tình nguyện viên” chia sẻ các bài đăng của chính phủ trên mạng xã hội.
Các nhóm tuyên truyền cũng có nhiệm vụ giám sát tất cả các bài đăng và bình luận được người dân địa phương đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội — và trừng phạt những ai đăng nội dung không đúng với thông tin chính thức [của chính quyền Trung Quốc].
Ví dụ, cũng bản tóm tắt công việc này nói rõ rằng văn phòng không gian mạng đã lọc ra 34.218 bài đăng trong 24 giờ đó. 14 bài trong số này, bị xác định là “dư luận quan trọng” — một cách viết tắt cho những bài đăng mà chính quyền không chấp thuận.
“Chúng tôi đã yêu cầu ủy ban y tế và sở công an xử lý các bài đăng”, bản tóm tắt nêu rõ. Thông báo không giải thích rõ ràng điều đó có nghĩa là gì, nhưng trong các thông điệp của chính phủ Trung Quốc, nó thường ám chỉ một hình thức trừng phạt. “Các bài viết có hại đã bị xóa bởi văn phòng không gian mạng”, thông báo nói thêm.
Văn phòng tuyên truyền trong chính quyền thành phố Alxa League cũng tuyên bố trong một tài liệu rằng họ đã gỡ bỏ các tài khoản mạng xã hội và trừng phạt những chủ tài khoản đăng thông tin không giống với cơ quan chức năng.
Ví dụ: Hôm 6/3/2020, văn phòng cho biết họ đã xác định được một tài khoản trên WeChat, “Xiaotuofeng Net”, đăng thông tin về đợt bùng phát dịch bệnh tại địa phương. Các quan chức đã sớm liên hệ với chủ sở hữu tài khoản này và ra lệnh anh ấy dừng lại.
Những chủ đề nhạy cảm
Trong khi đó, một chỉ thị do chính quyền thành phố Hô Hòa Hạo Đặc ban hành vào ngày 8/9, yêu cầu tất cả chính quyền thị trấn, khu phố và làng xã phải sử dụng mạng xã hội, và thuyết phục người dân chấp nhận một chính sách giáo dục mới.
Kể từ cuối tháng 8/2020, người dân tộc thiểu số ở Nội Mông đã biểu tình trước các văn phòng chính quyền địa phương hoặc tổ chức các buổi đi bộ trong trường học để phản đối chính sách mới. Chính sách này yêu cầu các lớp học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở phải giảng dạy bằng tiếng Quan Thoại và sử dụng sách giáo khoa tiếng Trung tiêu chuẩn.
Dân tộc Mông Cổ có ngôn ngữ và văn hóa khác biệt với dân tộc Hán nói tiếng Quan thoại.
Một số tài khoản mạng xã hội do chính phủ điều hành, cũng công khai đe dọa cư dân rằng họ sẽ “phải chịu trách nhiệm” nếu phản đối chính sách mới.
Một tài liệu khác dài hơn 20.000 từ trình bày chi tiết tất cả các chủ đề tin tức mà chính quyền cấm từ ngày 2/1 đến ngày 10/3/2020.
Không có phương tiện truyền thông nào được phép đưa tin về: Những chỉ trích của Indonesia đối với các ngư dân Trung Quốc, những người đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia [để đánh bắt cá]; Cách mà chính quyền Hồng Kông đối phó với đại dịch virus [Vũ Hán]; Các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại chế độ Iran; Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran; hoặc cuộc khủng hoảng dân số của Trung Quốc. Đó là một số ví dụ về những [chủ đề nhạy cảm] bị hạn chế [ở Trung Quốc].