ĐCSTQ đối phó với nạn thiếu lương thực bằng chiến dịch “vét sạch bát đĩa”
Sau khi ông Tập Cận Bình ra lệnh “nghiêm cấm hành vi lãng phí thực phẩm”, chính quyền các cấp của ĐCSTQ đã phát động một phong trào mới trên phạm vi toàn quốc. Một số người dân Bắc Kinh nói rằng, ĐCSTQ kêu gọi tiết kiệm lương thực không phải vì sợ dân đói, mà là để duy trì sự ổn định của chính quyền.
Theo tin tức đăng tải trên trang The Paper hôm 16/8, gần đây, ngày càng có nhiều hiệp hội, cơ quan thuộc ngành ăn uống ở cấp tỉnh, cấp thành phố tham gia vào đội ngũ ngăn chặn lãng phí thực phẩm. Đồng thời, các địa phương cũng liên tiếp ban hành hàng loạt quy chế mới nhằm ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm.
Ngày 12/8, Cục Quản lý Sự vụ các cơ quan tỉnh Sơn Tây đã ra thông báo, yêu cầu nhà ăn các cơ quan triển khai bữa ăn tự phục vụ, hoặc cung cấp các suất ăn nhỏ, hay nửa suất ăn.
Thông báo cũng đề cập tới “mô hình gọi món N-1” đang thu hút sự quan tâm rộng rãi trong thời gian gần đây. Thông báo yêu cầu triển khai chiến dịch “vét sạch bát đĩa”, khuyến khích ăn xong thì gói đồ ăn thừa đem về.
Nhiều địa phương như Giang Tô, Trùng Khánh, Hà Nam, Hồ Nam và các tỉnh khác, còn thiết lập vị trí “giám sát viên ăn uống”, để giám sát và ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm.
Ngoài “mô hình gọi món N-1”, “vét sạch bát đĩa”, “giám sát viên ăn uống”, chính quyền còn đưa ra không ít từ mới, như “ăn uống chính xác”, “lãng phí trên đầu lưỡi”, v.v…
Tập Cận Bình hạ lệnh tiết kiệm lương thực, ĐCSTQ phát động chiến dịch chống lãng phí
Ngày 11/8, trên phương tiện truyền thông nhà nước của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình nói tình trạng lãng phí đồ ăn thức uống ở Trung Quốc đại lục khiến người ta phát hoảng và xót xa, cần tăng cường lập pháp, tăng cường giám sát để ngăn chặn hành vi lãng phí thực phẩm. Ngày hôm sau, Cục Dự trữ Nguyên liệu và Vật tư ĐCSTQ đã công bố số liệu, cho thấy tổng sản lượng lúa mì thu mua ở các khu vực sản xuất lương thực chính giảm so với cùng thời kỳ năm trước.
Sau khi ông Tập Cận Bình ban hành chỉ lệnh, chính quyền các cấp đã liên tục công bố hàng loạt các chính sách tiết kiệm lương thực. Trong đó, Ủy ban Pháp luật của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc yêu cầu “lập pháp”, các kênh truyền thông nhà nước dốc sức tuyên truyền, vận động “tiết kiệm lương thực” diễn ra ở khắp nơi.
Vũ Hán, Hồ Bắc là tỉnh đi tiên phong trong việc đưa ra “mô hình gọi món N-1”, yêu cầu là phải đi ăn bao nhiêu người, thì chỉ được gọi số lượng suất ăn ít hơn 1 đơn vị so với số người trong nhóm. Theo sau là hiệp hội dịch vụ ăn uống ở các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc, Giang Tô và những địa phương khác cũng có những đề nghị tương tự. Tiếp nối mô hình đặt món ở Vũ Hán, Liêu Ninh thậm chí còn đưa ra “mô hình gọi món N-2”, với mô hình này, nhóm 10 người chỉ có thể gọi lượng đồ ăn của 8 người.
Ngoài ra, một nhà hàng ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã đưa ra quy định “gọi món theo thể trọng”. Theo đó, trước tiên thực khách phải đo cân nặng, sau đó tính ra lượng calo cần thiết rồi nhà hàng sẽ đề nghị các món và số lượng có thể chọn.
Nông nghiệp thiệt hại nặng nề do lũ lụt và hạn hán; truyền thông ĐCSTQ vẫn tung hô “lương thực được mùa”
Theo số liệu Bộ Nông nghiệp Nông thôn ĐCSTQ công bố ngày 18/7, lương thực vụ hè năm nay đã khắc phục được những ảnh hưởng bất lợi như hạn hán, lại có vụ mùa bội thu. Lời này của chính quyền bị người ta chỉ ra là vì để “duy trì ổn định”.
Tuy nhiên, số liệu của hải quan ĐCSTQ hồi tháng 7/2020 cho thấy, trong nửa đầu năm nay Trung Quốc đã nhập khẩu 3.35 triệu tấn lúa mì. Ước tính, năm 2020 này Trung Quốc sẽ nhập khẩu tổng cộng 10 triệu tấn lúa mì, trong khi năm 2019, họ chỉ nhập khẩu tổng cộng 3.488 triệu tấn.
Về ảnh hưởng của lũ lụt đối với vụ hè, ngày 13/8 vừa qua, ông Chu Học Văn, Thứ trưởng Bộ Quản lý khẩn cấp kiêm Thứ trưởng Bộ Thủy lợi ĐCSTQ cho biết, lũ lụt năm 2020 làm thiệt hại 60.326 triệu hecta cây nông nghiệp, trong đó có 11.408 triệu hecta hoàn toàn không có thu hoạch, chủ yếu tập trung ở khu vực trung và hạ lưu sông Trường Giang và sông Hoài.
Trung Quốc có 13 tỉnh sản xuất lương thực chủ yếu, gồm: Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Giang Tô, Giang Tây, An Huy, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và Nội Mông Cổ. Trong nửa đầu năm nay, các khu vực sản xuất lương thực chính này đều có hiện tượng khí hậu cực đoan.
Theo tin tức của Mạng Khí hậu Trung Quốc (China Weather Network), kể từ cuối tháng 5, mưa lớn liên tục đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở trung và hạ lưu sông Trường Giang, lưu vực sông Hoài, khu vực Tây Nam và Hoa Nam, cùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc.
Ngoài ra, lượng mưa hai đầu Bắc Nam của Trung Quốc là vùng Đông Bắc và Hoa Nam lại thấp bất thường, nhiệt độ cao, hạn hán tiếp tục lan rộng, cây trồng khô hạn, đe dọa rất lớn đến an ninh lương thực của nước này.
Mặc dù thất thu liên tục về lương thực, nhưng hôm 13/8 ĐCSTQ vẫn tặng 163 tấn gạo cho Nga để hỗ trợ Nga phòng chống dịch bệnh.
Về chiến dịch tiết kiệm lương thực do chính quyền phát động, một người dân Bắc Kinh tên Triệu Bình (hóa danh) nói với The Epoch Times, ĐCSTQ kêu gọi tiết kiệm lương thực không phải vì sợ dân đói, mà để duy trì sự ổn định của chính quyền.
Bình luận viên thời sự Trương Huệ Đông cho rằng, ĐCSTQ lấy danh nghĩa “chuẩn bị cho chiến tranh và nạn đói”, nô dịch nhân dân Trung Quốc, qua đó, duy trì chế độ bạo chính của mình. Bởi vậy, người dân Trung Quốc không những sẽ tăng tốc thoát ly khỏi ĐCSTQ, mà còn cung cấp cho thế giới tự do nhiều lý do hơn nữa, để họ cùng giúp đỡ người dân Trung Quốc cùng nhau chiến thắng sự bạo chính này!
Tác giả: Lý Mộc Ân