ĐCSTQ đe dọa Hoa Kỳ vì đã bắn hạ khí cầu do thám trong khi lưỡng đảng báo động về mối đe dọa từ Trung Quốc
Trong bối cảnh lưỡng đảng ngày càng phẫn nộ về việc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Hoa Kỳ, thì một phát ngôn viên của Trung Quốc đã đưa ra một lời đe dọa ngầm tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ “kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình” trước việc Ngũ Giác Đài bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.
Khinh khí cầu do thám này được phát hiện lần đầu tiên hôm 01/02 khi đang lơ lửng trên bầu trời tiểu bang Montana, nơi vật thể này lảng vảng trên các khu vực nhạy cảm, vốn cất giữ các đầu đạn hạt nhân trong các hầm chứa.
Việc phát hiện ra khinh khí cầu này đã khiến một loạt các nhà lập pháp và những người khác kêu gọi bắn hạ vật thể ấy. Cuối cùng, quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện hành động đó hôm 04/02 ở ngoài khơi bờ biển South Carolina bằng cách sử dụng duy nhất hỏa tiễn không-đối-không tầm nhiệt siêu thanh AIM-9X.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ trích cuộc tấn công quân sự vào vật thể này, tuyên bố rằng đó là một “khí cầu dân sự” được sử dụng cho mục đích khí tượng và khoa học khác, đồng thời khí cầu đó đã “hoàn toàn tình cờ” lạc vào không phận Hoa Kỳ.
Các quan chức Hoa Kỳ đã thẳng thắn bác bỏ những tuyên bố như vậy, đồng thời mô tả khinh khí cầu này là một phi cơ do thám quân sự với một thiết bị treo ở phía dưới có kích thước bằng một phản lực cơ nhỏ.
‘Các cơ hội hiếm có’ cho phản gián
Tướng Không quân Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), cho biết quân đội và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã thực hiện biện pháp “phòng ngừa tối đa” để ngăn chặn khí cầu đó thu thập thông tin tình báo.
Ông VanHerck cho biết thêm việc chờ đợi một thời gian trước khi bắn hạ khinh khí cầu mang lại “các cơ hội hiếm có” để tiến hành hoạt động phản gián và khí cầu đó đã “không gây ra mối đe dọa quân sự trực diện nào.”
Thái độ của Trung Quốc đối với khí cầu do thám này đã trở nên cứng rắn hơn nhiều sau phản ứng nhẹ nhàng ban đầu hôm 03/02, trong đó Bắc Kinh mô tả sự hiện diện của chiếc khinh khí cầu này là một tai nạn và bày tỏ “lấy làm tiếc” vì chiếc khinh khí cầu đã đi vào không phận Hoa Kỳ.
Nhưng giọng điệu đó đã thay đổi sau khi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ vật thể đó cách bờ biển Đại Tây Dương khoảng 6 hải lý trên vùng nước tương đối nông, điều này có thể giúp ích cho nỗ lực thu hồi các bộ phận của thiết bị giám sát này của Trung Quốc.
Có thêm nhiều khí cầu
Luận điệu của Bắc Kinh xung quanh vụ bắn rơi khinh khí cầu đã trở nên cứng rắn hơn, giống như cách chính quyền này đối đầu với Hoa Thịnh Đốn về các vấn đề như những yêu sách của ĐCSTQ đối với các vùng rộng lớn ở Biển Đông và các mối đe dọa của họ nhằm “thống nhất” Đài Loan với Hoa lục, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Các khí cầu bị nghi ngờ là do thám của Trung Quốc đã được phát hiện ở nhiều quốc gia, trong đó Bắc Kinh xác nhận rằng một khí cầu được phát hiện ở châu Mỹ Latinh vào cuối tuần vừa qua là của Trung Quốc.
Lực lượng không quân Colombia đã được điều động để theo dõi vật thể này nhưng xác định khí cầu này không gây ra mối đe dọa nào cho an ninh quốc gia.
Hôm thứ Hai (06/02), Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận khí cầu đi qua Colombia là của Trung Quốc và tuyên bố rằng vật thể này đã vô tình đi vào không phận của nước này. Bà Ninh nói trong một cuộc họp báo rằng khinh khí cầu đã “đi chệch hướng rất nhiều” so với lộ trình do “khả năng điều hướng hạn chế” và “mang tính chất dân sự và được sử dụng cho các chuyến bay thử nghiệm.”
Giới truyền thông ở Đài Loan đã đưa tin rằng họ đã phát hiện những quả khí cầu màu trắng bí ẩn trên hòn đảo này ít nhất ba lần trong hai năm qua.
Nghị quyết lên án Trung Quốc về khí cầu do thám
Trong khi đó, các nhà lập pháp quốc hội đã thảo luận hôm thứ Hai về một nghị quyết lưỡng đảng để tố cáo Trung Quốc về khinh khí cầu do thám.
“Tôi nghĩ quý vị có thể thấy điều đó trong tuần này,” Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) nói với các phóng viên hôm thứ Hai, đồng thời cho biết thêm rằng nghị quyết này sẽ nhắm vào Trung Quốc. “Tôi nghĩ sức mạnh lớn nhất của chúng ta là khi chúng ta có quan điểm đồng thuận về Trung Quốc.”
Mặc dù Đảng Cộng Hòa chỉ trích chính phủ TT Biden vì đã chờ đợi nhiều ngày để bắn hạ khí cầu đó, nhưng họ cho rằng nghị quyết trên về bản chất phải là của lưỡng đảng đồng thời cho biết thêm nghị quyết này sẽ không tìm cách đổ lỗi cho TT Joe Biden.
“Chúng tôi muốn đó là một nghị quyết lưỡng đảng về Trung Quốc, chứ không phải là về việc chúng tôi đấu đá lẫn nhau,” Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói với các phóng viên hôm thứ Hai. “Đó là một vấn đề quá quan trọng, quý vị biết đấy. Chúng tôi muốn cùng nhau chiến đấu mạnh mẽ chống lại Trung Quốc thay vì đấu đá nội bộ.”
Những diễn biến xung quanh khinh khí cầu rõ ràng là do thám này đã làm nổi bật bản chất phức tạp và mong manh của sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà một số người lo ngại có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Ông Paul Crespo, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết quỹ đạo của khinh khí cầu bị quân đội Hoa Kỳ bắn hạ có thể “chắc chắn” cho thấy chế độ cộng sản Trung Quốc đang tiến hành một cuộc diễn tập chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng các vũ khí gắn trên khinh khí cầu.
Ông Crespo cảnh báo rằng chính quyền này có thể sử dụng các khinh khí cầu tầm cao để tiến hành các cuộc tấn công xung điện từ (EMP) vào các căn cứ và cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.
Ông Crespo nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Mặc dù trước đây Trung Quốc đã thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh phóng từ khinh khí cầu, nhưng điều đó không có khả năng được sử dụng cho những khí cầu này.”
“Mối đe dọa lớn nhất là gửi một hoặc nhiều khí cầu ở độ cao lớn này qua Hoa Kỳ với một thiết bị EMP hạt nhân nhỏ.”
Bản tin có sự đóng góp của ông Andrew Thornebrooke.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times