ĐCSTQ đẩy mạnh tiền kỹ thuật số, túi tiền của người dân sẽ bị kiểm soát triệt để?
ĐCSTQ đang đẩy mạnh thực hiện tiền kỹ thuật số trên diện rộng; truyền thông Đại Lục ra sức tuyên truyền, thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Phân tích cho thấy, tiền kỹ thuật số không khác gì một loại “còng điện tử”. Qua nó, chính phủ sẽ kiểm soát triệt để túi tiền của người dân.
Ngày 14/8, Bộ Thương mại ĐCSTQ đã ban hành “Liên quan tới việc in ấn và phát hành thông báo về Phương án thí điểm đổi mới tổng thể và phát triển một cách sâu sắc toàn diện ngành Thương mại dịch vụ”. Theo đó, các khu vực có đủ điều kiện để thí điểm số hóa đồng nhân dân tệ bao gồm: Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc (gọi tắt là Kinh Tân Ký), đồng bằng sông Dương Tử, khu Vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Macau và miền Trung Tây bộ. Những nơi này đã bắt đầu triển khai thí điểm tiền nhân dân tệ số.
Các phương tiện truyền thông Đại Lục cho rằng sự kiện này đánh một dấu mốc quan trọng trong việc ĐCSTQ đập tan sự phong tỏa tài chính của Hoa Kỳ, và tiến hành truyền bá rầm rộ thông tin này trên khắp thế giới.
Ví dụ, Thời báo Chứng khoán đã liên tiếp đăng tải nhiều bài viết, tung hô rằng: “Sự cải cách mang tính lịch sử của đồng nhân dân tệ: Việc số hóa tiền tệ đã thật sự đến rồi! Alipay, WeChat có hoảng không?” hay “Việc số hóa tiền tệ kéo giá chứng khoán tăng vọt!”, “Phát triển như vũ bão! Ngân hàng trung ương Trung Quốc đi tiên phong, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ hoảng sợ rồi?”.
Tiền kỹ thuật số có thực sự “siêu việt” như tuyên truyền?
Một học giả kinh tế độc lập, có tài khoản Weibo là “Tài kinh lãnh nhãn” (@Caijinglengyan) với hơn 50 vạn người theo dõi, đã đưa ra bình luận về sự kiện này trên trang cá nhân. Theo ông, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu các loại tiền kỹ thuật số, nhưng chỉ có Trung Quốc mới thực sự triển khai nó trên quy mô lớn như vậy. Tiền kỹ thuật số có quá nhiều thứ không chắc chắn, có nhiều điều mờ ám và phải che giấu người khác. Nếu sử dụng chúng một cách bất cẩn, chúng ta có thể phá hủy hệ thống tài chính của cả một quốc gia. Thậm chí, có người lợi dụng chúng để vét sạch của cải của người dân, nói không chừng lại trở thành một thảm họa; bởi vậy, các quốc gia đều phải thật thận trọng khi áp dụng tiền kỹ thuật số.
Một người dùng Internet khác cho rằng tiền kỹ thuật số là nước đi cuối cùng của ĐCSTQ để kéo dài mạng sống. Các quan chức không thể nào che giấu nổi chuỗi lợi ích của mình, của cải có được từ hành vi tham nhũng trở thành phế thải. Nhân viên chính phủ hoang mang, lười làm việc nước.
Tài khoản “Tài kinh lãnh nhãn” cũng cho rằng, tiền kỹ thuật số không phải là một cách hay để ĐCSTQ xoay chuyển thời cuộc, cũng không phải là linh đan diệu dược để cứu vãn chính quyền ĐCSTQ. Cho dù tiền kỹ thuật số là không giới hạn số lượng phát hành, hay dùng nó để hạn chế tự do nhân thân của dân chúng, hoặc để thực thi một nền kinh tế kế hoạch, thì cuối cùng nó đều khiến người dân Trung Quốc trở về sống trong một chiếc lồng tù túng chật hẹp. Việc số hóa tiền tệ chính là điều hướng đẩy người dân và tài sản của họ vào con đường nô dịch.
Ông cũng dự đoán rằng, trong tương lai, “cơn lũ tiền kỹ thuật số” sẽ cuồn cuộn kéo đến, thậm chí nó còn mạnh hơn cả nước lũ do vỡ đập Tam Hiệp gây ra.
Tiền kỹ thuật số giúp tăng kiểm soát tài chính của người dân?
Về việc số hóa tiền tệ của ĐCSTQ, nhiều người dùng mạng xã hội ở nước ngoài cũng có cái nhìn không mấy lạc quan. Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nhận định, Bộ Thương mại ĐCSTQ triển khai phổ biến tiền kỹ thuật số trên quy mô lớn vào thời điểm này, “đối với tất cả mọi người chỉ có một ý nghĩa duy nhất: đó là ví của bạn sẽ hoàn toàn bị chính phủ kiểm soát. ĐCSTQ không cần phải phát hành tem phiếu thực phẩm và tem phiếu thịt, bởi tiền kỹ thuật số chính là tấm tem phiếu vạn năng kiêm gông cùm điện tử”.
Cư dân mạng có tên là Gary bày tỏ, việc ĐCSTQ sốt sắng thúc đẩy số hóa tiền tệ phải chăng là muốn khôi phục chế độ phân phối giống như thời bao cấp? Dùng tiền mặt, chúng ta không phải chịu hạn chế nào cả. Chúng ta có thể mua lương thực, mua thịt, mua rượu, hay kể cả đến lầu xanh. Nhưng tiền kỹ thuật số có thể hạn chế hạn ngạch trong một lĩnh vực nào đó, nó giống như một chế độ phân phối trá hình, nhưng linh hoạt, an toàn và hiệu quả hơn. Bởi người dân sẽ không phải mang tem phiếu thực phẩm đi đổi lấy trứng gà.
Một cư dân mạng còn so sánh sự khác biệt giữa tiền kỹ thuật số với nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay. Người này cho rằng việc Ngân hàng trung ương ĐCSTQ phát hành tiền kỹ thuật số nghĩa là nó có thêm một phương pháp phát hành tiền tệ. Mặc dù trên tờ tiền giấy cũng ghi số sê-ri, nhưng CCTV sẽ không biết tờ tiền đó trong tay ai. “Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số thì khác. Ngân hàng trung ương sẽ biết ai đang cầm tờ tiền điện tử này, và ĐCSTQ sẽ nắm được quá trình lưu thông của mỗi một tờ tiền. Với loại tiền này, việc trốn thuế hay lậu thuế cũng không thể xảy ra, ai đó muốn giấu tài sản cũng không được. Hơn thế, ĐCSTQ còn có thể vô hiệu hóa đồng tiền kỹ thuật số của người phản đối chính phủ, và lập tức tuyệt đường sinh sống của người này”.