ĐCSTQ cấm quan chức cao cấp sở hữu tài sản ở hải ngoại, kế tiếp là Hồng Kông
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là đã ra lệnh cấm vợ/chồng và con em của các quan chức cao cấp sở hữu tài sản ở hải ngoại. Nếu không tuân thủ, các vị chức sắc này sẽ không có cơ hội thăng quan tiến chức trong đảng. Các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp như vậy cũng có thể áp dụng đối với các quan chức Hồng Kông thân Bắc Kinh trong tương lai gần.
Theo Wall Street Journal (WSJ), một thông báo nội bộ của Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ đã vạch ra một chỉ thị cấm gia đình trực hệ của “các quan chức cấp bộ nắm giữ — trực tiếp hoặc gián tiếp — bất kỳ bất động sản nào ở hải ngoại hoặc cổ phần trong các tổ chức ghi danh ở hải ngoại.”
Những người am hiểu về vấn đề này nói với WSJ rằng lệnh cấm cũng sẽ bao gồm các quan chức cao cấp và gia đình trực hệ của họ “mở tài khoản với các tổ chức tài chính ở hải ngoại” trừ khi có lý do chính đáng như học tập hoặc công việc.
Các quy định này chưa được xác định là đã có hiệu lực hay chưa. Tuy nhiên, một số quan chức cao cấp được cho là đã tuân thủ khi bán ra cổ phần trong các tổ chức ghi danh ở hải ngoại, WSJ dẫn các nguồn tin cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền trên truyền hình, ông Shum Sei-hoi, nhà bình luận các vấn đề thời sự và là cựu nhà sản xuất của Đài truyền hình Á Châu Hồng Kông, nói với The Epoch Times rằng chỉ thị mới này có thể là nỗ lực của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm loại bỏ những người bất tuân trong giới tinh hoa của Đảng.
Ông Shum nói: “Nếu quý vị được yêu cầu làm điều gì đó trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, thì tốt hơn hết, quý vị nên tuân thủ, nếu không, quý vị sẽ có nguy cơ bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng thanh trừng.”
Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, chỉ còn vài tháng nữa [là tới], ông Tập có kế hoạch phải bảo đảm ghế Chủ tịch Đảng trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, điều đó không phải là không có những thách thức trong nội bộ Đảng giữa bối cảnh đất nước đang diễn ra các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, và xã hội.
Trong hai ngày 17/05 và 18/05, ông Tập đã biến mất một cách bí ẩn trên các trang nhất của các hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, thay vào đó là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Đáng chú ý, ba ngày trước đó, hôm 14/05, hai cơ quan ngôn luận lớn của ĐCSTQ đã công bố toàn văn bài diễn thuyết mà ông Lý đã đưa ra.
Những chuyển biến bất thường này được coi là nhạy cảm và tế nhị, làm dấy lên nhiều đồn đoán trên các bài báo gần đây của truyền thông Trung Quốc về sức khỏe của ông Tập và khả năng ông Lý sẽ thay thế ông Tập làm lãnh đạo cao nhất trong cuộc họp diễn ra mỗi năm năm một lần của Đảng sắp tới đây.
Ông Shum cho biết có thể ông không loại trừ nhu cầu vốn rất lớn của ĐCSTQ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra của quốc gia, đồng thời nói thêm rằng việc thu giữ tài sản ở hải ngoại của các đảng viên có thể có khả năng giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt của chính quyền trong ngắn hạn.
Ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), cựu trợ lý giáo sư Khoa Khoa học Xã hội Ứng dụng thuộc Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho biết ông sẽ không loại trừ các biện pháp tương tự cuối cùng sẽ được áp dụng ở Hồng Kông.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với The Epoch Times, ông Chung chỉ ra rằng nhiều quan chức ĐCSTQ đã biến tài nguyên quốc gia thành tài sản cá nhân và gửi những tài sản này ra ngoại quốc thông qua nhiều kênh khác nhau.
Ông Chung cho biết phần lớn tài sản của Nga trong các tài khoản bên ngoài quốc gia này đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây áp đặt sau khi Nga xâm lược Ukraine, và tất nhiên, ĐCSTQ không muốn rơi vào tình trạng tương tự.
Ông Chung cho hay, “Ông [Tập] thật sự muốn [chống tham nhũng trong nội bộ đảng], nhưng biết rằng làm như vậy sẽ liên quan đến việc tác động đến thân nhân của các quan chức cao cấp nhất và rất khó thực hiện, đặc biệt là với các khoản tiền đã được chuyển ra hải ngoại của họ. Tuy nhiên, ông ấy tin rằng [lệnh cấm mới] sẽ giải quyết được vấn đề.”
Về Hồng Kông, ông Chung chỉ ra rằng nhiều quan chức chính quyền thân Bắc Kinh nắm giữ tài sản ở hải ngoại, đồng thời nói thêm rằng các quan chức thành phố có thể trở thành mục tiêu bắt phải từ bỏ tài sản ở hải ngoại tiếp theo của ĐCSTQ.
“Nhiều quan chức Hồng Kông sở hữu bất động sản và đưa con em sang ngoại quốc, trong đó có Bộ trưởng Giáo dục Dương Nhuận Hùng (Kevin Yeung), các cựu Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying). Nếu biện pháp này được áp dụng ở Hồng Kông, các quan chức có thể sẽ từ chức thay vì từ bỏ tài sản ở hải ngoại của mình. Tuy nhiên, ĐCSTQ sẽ phải thực hiện các bước bổ sung để áp dụng biện pháp này ở Hồng Kông, ít nhất là trong ngắn hạn.”
Một báo cáo nghiên cứu mới của Hong Kong Watch (pdf), một tổ chức nhân quyền có trụ sở chính tại Anh quốc, cho thấy ít nhất 9 quan chức Hồng Kông và 12 thành viên của cơ quan lập pháp “một lòng ái quốc” ở Hồng Kông có tài sản ở hải ngoại, bao gồm cả ở Anh quốc, Canada, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Pháp.
Báo cáo cho biết: “Tất cả các quan chức và các nhà lập pháp được đề cập đã cam kết trung thành với Bắc Kinh và bày tỏ sự ủng hộ công khai đối với Luật An ninh Quốc gia, cuộc đàn áp đang diễn ra nhắm vào các nhà hoạt động dân chủ, báo chí tự do, và xã hội dân sự, dưới chiêu bài chống lại ‘thế lực ngoại quốc.’”
Ví dụ, nghiên cứu này trích dẫn thông tin từ kê khai tài chính của bà Trần Triệu Thủy (Sophia Chan), Bộ trưởng Y tế và Thực phẩm Hồng Kông, cho thấy bà này sở hữu ba địa ốc ở London, Vương quốc Anh, hai trong số đó thuộc sở hữu chung với chị/em gái.
Hong Kong Watch đã kêu gọi các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới xem xét đưa ra quyền kiểm toán để cho phép các chính phủ âm thầm kiểm toán tài sản của các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc tại các quốc gia tương ứng, trong đó có Vương quốc Anh.
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: