Dạy trẻ làm điều đúng, ngay cả khi không ai nhìn thấy
“Phương thức sống vui vẻ nhất, có tôn nghiêm và đáng tin nhất là: Hãy là chính mình… Tất cả mọi đức tính tốt đẹp của con người đều được phát huy và nâng cao thông qua thực tiễn” – Triết gia Socrates.
Con trai tôi, Jacob, thường tự nói chuyện một mình từ khi còn rất nhỏ.
Bất kể Jacob làm việc gì dù nhỏ nhất, con đều tìm tôi để nhận lỗi: “Mẹ, con làm hỏng bức ảnh rồi”, hoặc là: “Mẹ ơi, con làm hỏng tàu rồi”. Thằng bé cho rằng cần phải cho tôi biết tất cả những việc làm của mình, chỉ như vậy nó mới có thể sửa lỗi sai và làm lại cho đúng. Sự ngây thơ và trung thực của Jacob khiến người ta cảm thấy thật tuyệt vời.
Những lời tự bạch này tiếp tục cho đến khoảng năm lớp 4 hoặc lớp 5, sau đó tôi bắt đầu nhận thấy thay đổi của thằng bé. Jacob ngừng thủ thỉ một mình, đôi khi thằng bé không muốn hỏi tôi rằng con có nên làm điều gì đó hay không, thậm chí còn cố gắng che đậy điều đó. Đương nhiên, khi đó Jacob đã chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài, và nó càng ngày càng mong muốn sẽ không gây ra bất kỳ rắc rối nào.
Là một bác sĩ nắn xương, tôi được đào tạo để có thể quan sát toàn bộ một con người, từ tâm trí, cơ thể đến tinh thần. Vì tôi biết những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống như thế nào. Nếu chúng ta bỏ qua bất kỳ yếu tố nào, thì toàn bộ cơ thể sẽ không thể khỏe mạnh. Tính cách và phẩm chất đạo đức của chúng ta đóng một vai trò quan trọng. Tôi trích dẫn tiếp lời của nhà triết học Socrates: “Linh hồn có hai chứng bệnh: Tà ác và vô tri”. Vì vậy, tôi cố gắng giúp con trai hiểu được tại sao cần làm việc này và làm thế nào để thực hiện cho đúng.
Đó là bộ phận cốt lõi cấu thành nhân phẩm của chúng ta.
Khóa học cuộc sống
Từ khi còn rất nhỏ, vào mỗi buổi sáng cuối tuần Jacob sẽ trèo lên giường của tôi, và chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện về thứ mà tôi gọi là “khóa học cuộc sống”. Chúng tôi thảo luận về mọi thứ, từ những gì đã xảy ra giữa Jacob với bạn bè và giáo viên trong trường đến lý do tại sao những điều tồi tệ lại xảy ra trên thế giới, cho đến nguyên nhân chúng ta được sinh ra để làm người. Thằng bé thường hỏi nhiều câu hỏi ngoài độ tuổi của mình, và tôi cũng cố gắng trả lời nhiều nhất có thể đồng thời hỏi về cách nghĩ của con. Sự trung thực, lòng tốt và luôn biết nghĩ cho người khác… là những chủ đề trong toàn bộ cuộc trò chuyện của chúng tôi, điều bất ngờ thằng bé dường như dễ dàng hiểu rõ chúng.
Tôi quyết định sử dụng thời gian quý báu này để thảo luận về những bài học quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là sau khi tôi nhận thấy những thay đổi của con trai mình. Chủ đề của khóa học này là: Làm điều đúng đắn, ngay cả khi không có ai nhìn thấy.
Trước đây chúng tôi đã từng thảo luận về chủ đề này, nhưng tôi hy vọng con trai có thể hiểu rõ ràng hơn, không thể vì không ai hay biết mà tùy tiện làm sai điều gì đó. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho quyết định của bản thân và hậu quả của những quyết định ấy. Đối với Jacob, có thể hiểu rõ điểm này là điều rất trọng yếu.
Khi đàm luận về làm thế nào là đúng, tôi chợt nhận ra rằng chúng ta sẽ gặp khó khăn khi đưa ra một số lựa chọn. Tại phương diện này, tôi cũng đã từng phạm phải sai lầm.
Trên trang web nuôi dạy con cái trực tuyến, Susan Alexander Yates nói về vấn đề trọng yếu của sự thành tín trung thực, từ đó có một số nhận xét rất đáng lưu tâm.
Tác giả Susan chỉ rõ: “Là cha mẹ, chúng ta có coi trọng tính trung thực hơn thành tích không? Nếu đề cao tính trung thực, tôi sẽ kiên quyết yêu cầu con trai mình đưa ra câu trả lời thành thật trong và ngoài trận đấu quần vợt, ngay cả khi điều đó khiến thằng bé thua cuộc. Tôi sẽ không viết đơn xin vào đại học cho con gái mình, mặc dù tôi biết làm như vậy có thể tăng cơ hội cho con tôi. Bởi vì nền văn hóa biến dị đã bóp méo các giá trị đạo đức, khiến chúng ta phải luôn cảnh giác: Mong muốn thành công sẽ vô tình ảnh hưởng đến quyết định của bản thân và cuối cùng làm xói mòn nhân cách của chúng ta”.
Khi làm việc đúng đắn thay vì làm việc có lợi cho bản thân, hãy chỉ ra điều đó cho trẻ. Càng tiếp tục cách suy nghĩ và hành vi này, chúng ta sẽ trở nên thành thực hơn trong việc lựa chọn của mình.
Lựa chọn tốt nhất
Mỗi ngày hãy nhìn lại xem chúng ta đã lựa chọn đúng đắn hay chưa, hay là chọn những điều đơn giản và tiện lợi chỉ để phục vụ cho ích lợi cá nhân.
Đôi khi việc lựa chọn không hề dễ dàng, và chúng ta có thể thực sự rơi vào cuộc xung đột bên trong chính mình. Vậy cuối cùng chúng ta sẽ nghe theo âm thanh nào đây?
Khi còn nhỏ ai ai cũng có một tâm hồn sáng trong thánh thiện, nhưng lớn lên rồi, chúng ta sẽ tiếp xúc với những hành vi xấu hoặc chứng kiến ai đó làm điều sai trái. Những ví dụ này là từ thân nhân, bạn bè, TV, mạng xã hội, v.v. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi tất cả thông tin xung quanh mình, từ đó bắt đầu tin rằng làm đúng hay không không phải là điều quan trọng.
Tuy nhiên làm một điều đúng đắn, cũng chính là trung thực, là vô cùng quan trọng. Điều này đóng vai trò then chốt trong việc chúng ta hiện tại ra sao và tương lai sẽ trở thành người như thế nào.
Sự trung thực ảnh hưởng đến con cái của chúng ta, từ đó ảnh hưởng đến thế hệ tương lai và toàn xã hội. Nó tác động đến các quyết định trong cuộc sống hàng ngày, mối quan hệ giữa các cá nhân, cách chúng ta đối phó với thách thức trong cuộc sống, sẽ ảnh hưởng đến quyết định bầu ra một nhà lãnh đạo như thế nào và ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống theo một cách nào đó.
Susan Alexandra Yates nói: “Trở thành một người trung thực có nghĩa là cần chân thành, đáng tin cậy và có trách nhiệm, cho dù người khác có đang theo dõi hay không. Thật không may là văn hóa ngày nay không coi trọng đức tính trung thực”. Điều này thường dẫn đến một loại thái độ, đó là người ta có thể làm bất cứ điều gì họ muốn miễn là không bị tổn thương và sẽ không bị phát hiện.
Có rất nhiều chủ đề trong xã hội về việc làm những gì bạn muốn làm. Cũng có rất nhiều người bởi vì cảm thấy ủy khuất hoặc không hài lòng mà có các hành vi tiêu cực. Tôi cho rằng cách nghĩ này không chính xác.
Với phẩm chất đạo đức của bản thân, cũng vì những người xung quanh và toàn xã hội, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng nên lựa chọn sáng suốt. Trừ khi là Robinson sống trên hoang đảo, nếu không thì tính cách và hành vi của cá nhân cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến người khác và chúng ta không thể né tránh. Cuối cùng, cho dù bạn cố gắng biện minh cho hành vi xấu thì hành vi xấu vẫn là hành vi xấu.
Biết rõ bản thân đang ở đâu
Phẩm chất đạo đức và giá trị quan của bản thân chúng ta sẽ truyền lại cho con cái. Các cuộc trò chuyện của tôi với con trai luôn liên quan đến nhiều khía cạnh. Ví dụ, tôi sẽ hỏi con rằng: “Nếu một số bạn trong lớp rủ con trộm thứ gì đó từ cửa hàng, con sẽ làm gì? Điều gì xảy ra nếu con không tham gia, và các bạn sẽ bắt đầu nghỉ chơi với con?”, và: “Nếu bạn thân nhất bảo con ăn cắp trò chơi điện tử Mario mà con yêu thích, và con biết rằng sẽ không ai nhìn thấy, vậy con có đồng ý không?”.
Mấy năm gần đây, tôi đã giả thuyết về các tình huống khác nhau cho con, bao gồm hút thuốc, gian lận, cho đến việc biết nghĩ cho người khác. Điều mà tôi hy vọng là, thằng bé suy nghĩ trước về những tình huống này và xác định rõ lập trường của mình, như vậy nó sẽ ứng xử chính xác hơn khi sự việc xảy đến.
Để con thấm nhuần tính trung thực
Một bài viết của Laura Markham trên tạp chí tâm lý học Psychology Today đã cung cấp một số phương pháp làm thế nào giúp con bạn đưa ra những quyết định đúng đắn. Laura liệt kê bốn trọng điểm cần chú ý trong việc dạy cho con đức tính trung thực.
Đầu tiên, trẻ luôn chú ý đến hành vi của cha mẹ, cũng nghĩa là chúng ta là tấm gương cho con học hỏi. Cha mẹ nào cũng biết rằng con cái đang quan sát lời nói và việc làm của mình, cho dù họ có thể nghĩ rằng con cái không phải lúc nào cũng chú ý đến những gì cha mẹ làm, nhưng thực ra chúng luôn chú ý.
Lấy một ví dụ, giả sử nhân viên bán hàng quên thu tiền nước mà chúng ta đã mua, nếu chúng ta nói: “Quên nó đi, không còn thời gian để quay lại đó nữa”, hoặc tệ hơn: “Tuyệt vời, nước miễn phí!”, vậy thì chúng ta sẽ dạy cho con trẻ điều gì? Quay lại trả tiền nước là điều nên làm, và sau đó con bạn đã học được cách đối phó với những tình huống tương tự.
Điều tôi muốn nói ở đây là, hành vi tốt của cha mẹ sẽ là tấm gương cho con trẻ nhìn vào. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng sai lầm của con trẻ xuất phát từ lỗi lầm trong quá khứ của cha mẹ, thì chúng ta không cần sửa đổi lại hoặc hướng dẫn con cái cách làm thế nào. Nếu sử dụng phương thức tư duy sai lệch này, thì chúng ta sẽ dạy con cái đánh giá đúng sai như thế nào?
Rốt cuộc, không có ai hoàn hảo, mỗi người đều có những khuyết điểm của riêng mình. Tuy nhiên chúng ta không nên lấy điều này làm lý do tiêu cực để cho phép con cái đưa ra những phán đoán sai hoặc có hành vi xấu. Cách nghĩ này sẽ khiến cho con cái chúng ta cho đến đạo đức và giá trị quan của toàn xã hội bị trượt dốc.
Tiếp theo, hãy dạy con theo nguyên tắc: Đối xử với người khác giống như đối xử với chính mình. Ví dụ, khi con bạn nhường cho một đứa trẻ khác chiếc xe tải yêu thích của chúng, hãy chỉ cho con biết món đồ chơi này khiến các bạn vui vẻ như thế nào, và nếu ai đó cùng chia sẻ món đồ chơi yêu thích của bạn ấy cho con, thì con sẽ cảm thấy ra sao. Một việc làm đúng sẽ khiến người cho và người nhận đều vui vẻ, vì vậy hãy chắc chắn rằng con bạn nhận ra điểm này.
Chúng ta cũng dùng lỗi lầm của con trẻ như một cơ hội để giáo dục chúng tốt hơn. Giả sử con bạn chọn đi chơi thay vì làm bài tập về nhà, hôm sau con bị điểm kém. Đây là cơ hội để chúng suy nghĩ xem có cách nào khác hay không, ví dụ như mỗi ngày sau khi tan học con hãy ngồi xuống làm bài tập rồi mới đi chơi.
Triển vọng ở tương lai
Một số tác giả đã dẫn lời Warren Buffett, một trong những doanh nhân thành công nhất mọi thời đại, về tầm quan trọng của đức tính trung thực: “Khi tuyển dụng nhân tài, hãy tìm kiếm ba phẩm chất: trung thực, trí tuệ và sức sống. Nếu họ không có thứ đầu tiên mà chỉ có duy nhất hai phẩm chất còn lại, thì tuyển dụng những người như vậy sẽ hủy hoại công việc kinh doanh của bạn”.
Là cha mẹ, chúng ta thường coi trọng trí thông minh, nhưng giống như Buffett đã chỉ ra: Nếu không có tính trung thực thì trí thông minh sẽ hủy hoại bản thân, hoặc ít nhất là hủy hoại doanh nghiệp của bạn. Mặc dù giáo dục rất quan trọng, nhưng tính cách còn quan trọng hơn để thành công trong cuộc sống, mà điểm này lại không thu hút được sự chú ý mà nó đáng có.
Hôm nay, con trai Jacob của tôi đã 14 tuổi rồi. Mặc dù thằng bé không còn leo lên giường để ôm và dựa vào tôi, nhưng mỗi ngày trải qua, tôi đều cố gắng dạy cho con một bài học cuộc sống mà nó không hề hay biết, giúp con kiến lập đạo đức, giá trị quan và nguyên tắc hành vi. Điều này đặt nền tảng vững chắc cho việc thằng bé sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai và trợ giúp cho sự lựa chọn của nó trên con đường nhân sinh. Là cha mẹ, tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng con mình sẽ trở thành một người liêm chính và chính trực thành tín.
Tác giả: Tiến sĩ y học về xương khớp Tatiana Denning
Phụ trách biên tập: Cao Tĩnh