Dạy trẻ cách tôn trọng thân thể người khác (P2): Quyền tự chủ thân thể tuyệt đối
Ở Đức, các trường mẫu giáo ngay từ đầu đã rất chú trọng đến quyền tự chủ thân thể của trẻ em. Các giáo viên cố gắng thông qua những việc lớn nhỏ trong cuộc sống mà truyền tải thông điệp “Mỗi người đều là chủ nhân của thân thể mình” đến mỗi trẻ.
Ví dụ như trước khi ăn trưa, các giáo viên sẽ giúp các bé còn nhỏ thay bỉm. Trong thời gian đó những bé lớn hơn tự đi vệ sinh hoặc đi rửa tay; có lúc các bé còn nô đùa ướt đẫm mồ hôi rồi chạy từ ngoài vào; khi đó giáo viên cũng cần thay quần áo sạch sẽ cho các bé. Có những đứa trẻ không muốn giáo viên giúp mình thay bỉm hoặc thay quần áo mới; các giáo viên cũng không được phép miễn cưỡng ép buộc chúng. Tất nhiên việc thay bỉm và quần áo này không cần thương lượng nhưng mỗi đứa trẻ đều có quyền tự chủ tuyệt đối về thân thể mình. Chúng có quyền chỉ định một giáo viên nào đó giúp mình thay y phục.
“Tôi làm chủ thân thể mình”. Nguyên tắc này bao hàm một phạm vi rất rộng. Chỉ dùng lời nói cho trẻ hiểu những bộ phận riêng tư tuyệt đối không được để người khác tuỳ tiện động vào như thế vẫn chưa đủ; chúng ta còn cần phải từ cuộc sống hàng ngày mà nhấn mạnh cho trẻ thái độ đối với sự an toàn của thân thể, chỉ cần trẻ cảm thấy không thích, không đồng ý, thì đều có quyền biểu đạt sự chống cự.
Tôi nhớ có lần cả lớp cần đi đến một công viên gần trường, giáo viên yêu cầu hai trẻ thành một nhóm và nắm chặt lấy tay đối phương để bảo đảm an toàn trên đường đi. Sophia 3 tuổi chọn nắm tay cô bé Anna một tuổi rưỡi đi cùng. Tôi lo lắng Sophia không thể trông nom tốt những bước chân chậm chạp của Anna nên đổi một người bạn bằng tuổi khác là Yawa cho cô bé; tuy nhiên Sophia lại tỏ ra rất tức giận khi tôi tự ý thay thế đồng đội của mình và nhất định không nắm tay Yawa. Tôi nghĩ đứa trẻ này thật cứng đầu; nếu không vì bọn trẻ đều cần chọn được một nửa hợp ý mình mới chịu nắm tay thì đã không mất đến hàng giờ cho cả đội. Tuy nhiên sau khi nghĩ lại, tôi vẫn quyết định tôn trọng ý kiến của Sophia.
Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được tư duy của trẻ. Không phải Sophia không thích nắm tay Yawa, mà vì cô bé muốn được chăm sóc em nhỏ Anna nên mới có thái độ như vậy. Nhà trẻ có nhiều lứa tuổi khác nhau, khiến rất nhiều đứa trẻ cho rằng thông qua việc chăm sóc những bạn mới đến có thể minh chứng bản thân đã trưởng thành. Tôi không nên vì vậy mà quay lưng lại với ý nguyện của bọn trẻ mà tự phá vỡ quy tắc mình đã định ra.
Chúng tôi cũng dạy những đứa trẻ là khi muốn nắm tay hoặc khoác vai người khác, thì phải được sự đồng ý của đối phương mới không bị xem là mất lịch sự. Cưỡng ép thân thể người khác hoặc bị người khác cưỡng ép đều là chuyện rất nghiêm trọng và phải ngay lập tức nói với bố mẹ hoặc cô giáo.
Nếu khi đó tôi vẫn cố ý muốn Sophia nắm tay Anna, thì cũng không khác gì việc bắt đứa trẻ phải hôn ai đó. Tôi dặn dò Sophia rằng Anna vẫn rất nhỏ và không thể đi nhanh, hi vọng cô bé sẽ chăm sóc tốt Anna. Nếu Sophia không thể làm được, tôi sẽ sắp xếp nhóm mới. Tuy nhiên, Sophia trong suốt chặng đường đều tỏ ra rất lưu ý những bước đi của Anna, và giữ an toàn cho đến khi về tới nhà trẻ. Chúng tôi ai cũng hài lòng về điều này.
Phương pháp dạy trẻ khái niệm về “Quyền tự chủ thân thể”
Chúng ta cần giáo dục trẻ về khái niệm quyền tự chủ thân thể, không phân biệt bé nam hay nữ, hơn nữa càng sớm càng tốt. Bắt đầu từ nhận thức của bản thân về thân thể, sau đó mở rộng sang chủ đề an toàn thân thể. Giúp trẻ hiểu rằng mỗi người đều có sự phân chia ranh giới thân thể, không được sự đồng ý của người khác thì đều không được xâm phạm. Trong cuộc sống thường ngày, người lớn chúng ta cũng nên quán triệt triệt để nguyên tắc này, cưỡng ép trẻ thơm hoặc ôm người khác rất dễ khiến chúng mơ hồ về khái niệm an toàn thân thể. Các bậc cha mẹ có con trên 3 tuổi hoặc giáo viên có thể dùng những phương pháp sau để thảo luận cùng trẻ:
- Nhận biết những vị trí riêng tư của thân thể
Dạy trẻ biết tên những bộ phận quan trọng trên thân thể; hơn nữa giải thích cái gọi là bộ phận riêng tư là những bộ phận không thể tùy tiện để người khác xem hoặc động vào. Nếu bị người khác cưỡng ép động vào những chỗ đó ; bất kể là người lớn hay trẻ em; nhất định ngay lập tức nói với giáo viên hoặc bố mẹ.
- Quyền tự chủ thân thể tuyệt đối
Ngoài việc bất kể là ai (bao gồm cả thành viên trong gia đình) cũng không thể tuỳ ý động chạm hoặc cưỡng ép thân thể của trẻ, cũng cần nhắc nhở rằng cho dù người khác vừa đồng ý cho ôm hoặc thơm, thậm chí là gãi ngứa, thì cũng có quyền tại thời điểm đó thay đổi ý kiến; chỉ cần trẻ nói “không”, thì người khác không được phép động chạm.
- Dạy trẻ phân biệt những cảnh báo sớm
Liên quan đến sự tiếp xúc về thân thể, chúng ta nên dạy trẻ bất cứ khi nào cũng cần tôn trọng cảm nhận của bản thân. Có không ít những kẻ quấy rối hoặc tấn công tình dục là những tội phạm dày dạn kinh nghiệm: trước tiên giành được sự tín nhiệm của gia đình trẻ hoặc của trẻ rồi mới tìm cơ hội để ra tay. Vậy nên cho dù người đó tỏ ra “vô ý đụng chạm” hoặc là bạn bè thân thiết hay người quen, chỉ cần trẻ cảm thấy sợ hãi, không thoải mái thì trẻ đều có quyền lớn tiếng ngăn chặn hành vi của đối phương, và ngay lập tức báo cáo với giáo viên hoặc bố mẹ.
Khái niệm quyền tự chủ thân thể đối với trẻ em là rất quan trọng; chúng ta đừng đợi đến khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra rồi mới vội vàng đi dạy trẻ những chuyện này. Qua sự việc thay tã ở nhà trẻ, chúng ta cũng cần tiến hành những hoạt động với chủ đề “nhận thức thân thể”. Quan niệm đã dưỡng thành không thể thay đổi chỉ trong sớm chiều, vậy nên chỉ có từ trong sinh hoạt hàng ngày nhấn mạnh cho trẻ nhận thức về ranh giới đối với thân thể thì mới có thể ngăn chặn được những vấn đề đáng tiếc xảy ra.