Đây là ý nghĩa của cuộc đình công lớn nhắm vào các bệnh viện Hoa Kỳ
Sáng thứ Tư (04/10), hơn 75,000 nhân viên của Kaiser Permanente đã đình công tại các bệnh viện và các văn phòng khác ở một số tiểu bang sau khi liên đoàn lao động và công ty không đạt được thỏa thuận.
Liên minh các Nghiệp đoàn Kaiser Permanente, đại diện cho khoảng 85,000 nhân viên của hệ thống y tế này trên toàn quốc, đã thông qua một cuộc đình công trong ba ngày ở các bang California, Colorado, Oregon, và Washington, và một ngày ở Virginia và Hoa Thịnh Đốn.
Kaiser Permanente là một trong những công ty bảo hiểm và điều hành hệ thống chăm sóc sức khỏe lớn nhất cả nước, với 39 bệnh viện trên toàn quốc. Công ty bất vụ lợi có trụ sở tại Oakland, California này cung cấp bảo hiểm y tế cho gần 13 triệu người, đưa khách hàng đến các phòng khám và bệnh viện mà công ty điều hành hoặc ký hợp đồng để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nghiệp đoàn mô tả hành động này là “cuộc đình công lớn nhất của các nhân viên y tế trong lịch sử Hoa Kỳ,” tuyên bố rằng đây sẽ là “sự thể hiện ban đầu về sức mạnh của chúng tôi với Kaiser rằng chúng tôi sẽ không ủng hộ các quy định lao động bất công của họ.”
Ở đâu?
Các cuộc đình công đang diễn ra tại các bệnh viện và cơ sở y tế Kaiser ở các tiểu bang California, Colorado, Oregon, và Washington, và diễn ra trong một ngày ở Virginia và Hoa Thịnh Đốn. Theo báo cáo, một lượng lớn nhân viên, tương đương khoảng 68,000 người, đang sinh sống ở California.
Trong bao lâu?
Nghiệp đoàn cho biết cuộc đình công sẽ bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 04/10 cho đến 6 giờ sáng ngày 07/10
Bệnh viện sẽ vẫn hoạt động?
Kaiser cho biết các cơ sở y tế và bệnh viện của họ phục vụ khoảng 13 triệu người trên khắp nước Mỹ.
Các bác sĩ và y tá có bằng hành nghề không đình công, nhưng một số hoạt động chăm sóc bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng do công việc bị đình trệ trong ba ngày. Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã lập kế hoạch dự phòng cho cuộc đình công, đồng thời nói thêm rằng một số dịch vụ không khẩn cấp và tự chọn sẽ được lùi lại sang một ngày sau đó đối với một số bệnh nhân.
“Các bệnh viện và khoa cấp cứu của chúng tôi sẽ vẫn mở cửa. Các cơ sở của chúng tôi sẽ tiếp tục có sự hiện diện của đội ngũ bác sĩ, các nhà quản lý và nhân viên được đào tạo và có kinh nghiệm, và trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ tăng cường thêm các nhân viên dự phòng,” một phát ngôn viên của Kaiser Permanente nói với các hãng thông tấn trong tuần này.
Vấn đề là gì?
Vào tháng Tám, các Nghiệp đoàn đại diện cho nhân viên Kaiser đã yêu cầu mức lương tối thiểu là 25 USD/giờ, đồng thời tăng 7% mỗi năm trong hai năm đầu và 6.25% mỗi năm trong hai năm sau đó. Trong khi đó, họ nói rằng việc thiếu nhân lực đang thúc đẩy lợi nhuận của hệ thống bệnh viện nhưng lại gây tổn hại cho bệnh nhân, và các giám đốc điều hành đã mặc cả một cách thiếu thiện chí trong các cuộc đàm phán.
“Họ không lắng nghe các nhân viên chăm sóc sức khỏe tuyến đầu,” cô Mikki Fletchall, một y tá được cấp phép hành nghề tại phòng y tế Kaiser ở Camarillo, California, cho biết: “Chúng tôi đình công vì bệnh nhân của chúng tôi. Chúng tôi không muốn phải làm điều đó, nhưng chúng tôi sẽ làm điều đó.”
Và bà Caroline Lucas, giám đốc điều hành của Liên minh các Nghiệp đoàn Kaiser Permanente, nói với CNBC rằng cuộc khủng hoảng nhân sự được cho là đã dẫn đến điều kiện làm việc không an toàn. Bà nói, việc chăm sóc bệnh nhân cũng gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi tiếp tục có những nhân viên chăm sóc sức khỏe tuyến đầu, những người kiệt sức và phải làm việc hết sức và phải rời bỏ ngành,” bà nói với hãng thông tấn. “Có những người bị tổn hại sức khỏe khi làm việc vì họ cố gắng làm quá nhiều việc, gặp quá nhiều người và làm việc quá nhanh. Đó không phải là một tình trạng bền vững.”
Thỏa thuận thương lượng tập thể dành cho các nhân viên trong Nghiệp đoàn đã hết hạn hôm 30/09 mà không có thỏa thuận mới nào còn hiệu lực.
Hồi đáp của Kaiser
Kaiser đã đề nghị mức lương tối thiểu theo giờ từ 21 USD đến 23 USD vào năm tới tùy theo địa điểm.
Giám đốc điều hành Kaiser Michelle Gaskill-Hames đã bảo vệ công ty của mình, nói rằng chế độ lương thưởng, giữ chân nhân viên và phương thức kinh doanh của công ty ngang bằng hoặc tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Bà nói: “Trọng tâm của chúng tôi, đối với số tiền mà chúng tôi mang lại, là dùng số tiền này đầu tư vào việc chăm sóc dựa trên giá trị.” Bà cho biết Kaiser chỉ phải đối mặt với tỷ lệ thôi việc 7%, trong khi các công ty khác trong ngành phải đối mặt với tỷ lệ 21%.
“Tôi nghĩ sau đại dịch, các nhân viên y tế đã hoàn toàn kiệt sức,” bà Gaskill-Hames cho biết. “Những tổn thương khi chăm sóc cho quá nhiều bệnh nhân COVID và những bệnh nhân đã qua đời thật khó chịu đựng.”
Trong một tuyên bố khác, hệ thống bệnh viện thừa nhận có tồn tại những thách thức nhưng nói thêm rằng các thách thức cũng đã ảnh hưởng đến các hệ thống bệnh viện khác.
“Mọi nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc đều phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự và chống chọi với tình trạng kiệt sức. Trong thời kỳ Đại Thôi việc năm 2021-22, hơn 5 triệu người đã rời bỏ công việc chăm sóc sức khỏe trên khắp đất nước. Có tới 2/3 số nhân viên chăm sóc sức khỏe nói rằng họ kiệt sức và hơn 1/5 đang thôi việc,” công ty cho biết trong một tuyên bố. “Kaiser Permanente cũng không nằm ngoài những thách thức này.”
Bản tin có sự đóng góp của Associated Press
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times