Đây không phải là một sự phục hồi việc làm mạnh mẽ
Sự hồi phục việc làm của Hoa Kỳ cực kỳ kém, đặc biệt nếu chúng ta xem xét quy mô của gói kích thích tiền tệ và tài khóa và sự cải thiện ngoạn mục trong các ước tính về GDP.
Sau mức hồi phục mạnh mẽ của GDP được đồng thuận ước tính đạt 6.5% vào năm 2021, không ai có thể vui với tỷ lệ thất nghiệp 5.9%, tỷ lệ việc làm trên dân số là 58%, và thậm chí tệ hơn, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 61.6% vẫn trì trệ trong 10 tháng qua. Hơn nữa, Bloomberg Economics cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ sẽ là 8.4% nếu không tính số người rời khỏi lực lượng lao động (ghi chú: số người tham gia lực lượng lao động = số lao động có việc làm + số người đang tìm kiếm việc làm).
Tại Liên minh Âu Châu, tình hình việc làm cũng gây lo ngại. Sự phục hồi việc làm Hoa Kỳ chắc chắn chỉ mạnh khi so sánh với môi trường việc làm ở Châu Âu đang rất yếu kém. Vào tháng 05/2021, tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh theo mùa của khu vực đồng euro là 7.9%, giảm nhẹ so với mức 8.1% vào tháng 04/2021. Những con số này do Eurostat (pdf) công bố, không bao gồm 6 triệu việc làm vẫn đang trong tình trạng cho nghỉ tạm thời ở Liên minh Âu Châu (EU).
“Eurostat ước tính rằng 15.278 triệu nam giới và phụ nữ ở EU, trong đó 12.792 triệu người ở khu vực đồng euro, thất nghiệp vào tháng 05/2021,” theo một tuyên bố của Eurostat. “So với tháng 05/2020, tỷ lệ thất nghiệp tăng 949,000 ở EU và 803,000 ở khu vực đồng euro.”
Mặc dù chỉ số quản lý thu mua (PMI) phục hồi mạnh mẽ, nhưng cấu phần việc làm vẫn nghèo nàn. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực đồng euro sẽ đạt gần 11% nếu bao gồm nhóm việc làm đang trong tình trạng cho nghỉ tạm thời.
Sự phục hồi việc làm đáng thất vọng cũng nên được phân tích trong bối cảnh kích thích tài chính và tiền tệ lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Không ai có thể nghiêm túc coi những con số việc làm này là tích cực giữa hàng ngàn tỷ USD thâm hụt chi tiêu và kích thích tiền tệ. Cái gọi là phép màu của Keynes về chi tiêu của chính phủ và sự can thiệp của ngân hàng trung ương đã thất bại một lần nữa.
Chúng ta cũng phải nhớ rằng những con số này đang diễn ra khi có sự phục hồi vượt-hơn-mong đợi trong lĩnh vực dịch vụ, điều này cho thấy rằng rủi ro của việc phục hồi mà không tạo ra việc làm như chúng ta đã đề cập cách đây vài tháng thậm chí nay còn rõ ràng hơn.
Chúng tôi ước tính tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ tham gia lao động của năm 2019 ở Hoa Kỳ sẽ không được phục hồi cho đến năm 2025 – với điều kiện không có khủng hoảng kinh tế hay tài chính trong giai đoạn này. Tệ hơn nữa, chúng tôi tin rằng gần 30% số việc làm đang được cho nghỉ tạm thời ở Liên minh Âu Châu sẽ không được hấp thụ (trở lại) ngay cả vào năm 2025.
Các nhà kinh tế không nên bỏ qua hoặc đánh giá thấp sự phục hồi chậm chạp của thị trường lao động. Sự gia tăng giả tạo của GDP do nợ và thâm hụt chi tiêu, trong đó hoạt động tạo công ăn việc làm đang rất yếu, cũng là một công thức cho một cuộc khủng hoảng nợ trong một nền kinh tế trì trệ, nơi mà việc tạo ra việc làm có thể còn chậm hơn nữa.
Khi ảo ảnh về kích thích tài chính và tiền tệ biến mất, chúng ta có thể sẽ thấy sự trở lại của mô hình tăng trưởng năng suất thấp và nợ nần kém cỏi là các đặc điểm đã được xác định trong giai đoạn phục hồi 2010 – 2018, nhưng với sự gia tăng đáng báo động về quy mô [tác động của] chính phủ và chủ nghĩa can thiệp. Nợ nhiều hơn, tăng trưởng ít hơn, và hàng triệu người mất việc làm do mức độ can thiệp ngày càng tăng.
Điều thú vị là nhiều người sẽ đổ lỗi cho sự phục hồi kém là do chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tân tự do khi tất cả những gì chúng ta đang thấy là kết quả của việc chính phủ và công chúng hấp thụ lớn các nguồn lực kinh tế.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự Do hoặc Bình Đẳng”, “Thoát khỏi bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính.”
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: