Dạy con vượt qua những cơn bão cuộc đời từ việc làm vườn
Đó là một ngày tháng Tám dễ chịu cách đây nhiều năm khi mẹ tôi đẩy hai chị em tôi ra vườn. Giải quyết đám cỏ dại cao đến đầu gối không phải là hoạt động mùa hè lý tưởng đối với một học sinh tiểu học như tôi, nhưng ba chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc đó. Cuối cùng, chúng tôi dừng lại nằm trên bãi cỏ dưới tán cây râm mát để nghỉ ngơi.
Một lúc sau, hai người đã ngủ thiếp đi còn tôi thì nảy ra một ý tưởng. Tôi sẽ quay trở lại bãi cỏ và xem tôi có thể nhổ được bao nhiêu cỏ dại trước khi mẹ thức dậy? Ý định của tôi đã thành công và tôi vô cùng tự hào khi làm mẹ ngạc nhiên về tình yêu lao động của mình.
Nhìn lại, tôi nghĩ vào ngày hôm đó tôi đã phát triển niềm yêu thích làm vườn. Hôm nay, khi tôi kéo mấy loại cỏ ra khỏi đám mâm xôi và đào thêm những cây hẹ để tặng bạn bè, tôi biết ơn vì mẹ đã cho tôi xuống vườn nghịch đất khi còn nhỏ. Những bài học đó giúp tôi hiểu ra những giá trị cần thiết cho bất kỳ đứa trẻ nào khi trưởng thành.
Siêng năng và trách nhiệm
“Tốt lắm, Annie!” vài người hàng xóm hét to lời khen ngợi khi tôi vật lộn chiếc máy xới, lật đất để chuẩn bị cho một vụ mùa nữa. Đó là một trải nghiệm mới đối với tôi, vì bố tôi, người luôn làm công việc này, phải ngồi nghỉ do gãy xương đòn. Tôi không có đủ lực phần trên cơ thể để đẩy nó về phía trước, vì vậy tôi đã sáng tạo, đi lùi lại, kéo máy xới theo sau. Cả người tôi ê ẩm như bị ô tô đâm sau trải nghiệm đó, nhưng tôi rất vui vì dám bước lên nhận trách nhiệm cho một nhiệm vụ khó khăn và hoàn thành nó đến cùng.
Trẻ nhỏ không nhất thiết phải điều khiển máy xới đất để học bài học này. Chăm sóc một khu vườn tự nhiên dạy chúng về trách nhiệm và sự siêng năng, vì cây sẽ không bén rễ, cỏ dại sẽ mọc um tùm, và quả sẽ héo hỏng nếu trẻ không dành thời gian chăm bón và thu hoạch. Điều tuyệt vời là khu vườn mang lại cho trẻ những phần thưởng hữu hình, chứng minh cho chúng thấy rằng những nỗ lực chăm chỉ sẽ được đền đáp.
Láng giềng và sự hào phóng
Trong một ngày mùa hè vào lúc cao điểm của vụ thu hoạch cà chua, ông hàng xóm cao tuổi người Ý đi qua khu vườn của chúng tôi. Trong tâm trí một đứa nhóc như tôi, ông khá đáng sợ với giọng nói cộc cằn kiểu mafia. Cố gắng tỏ ra thân thiện, mẹ tôi mời ông ấy một vài quả cà chua trong thùng mà mẹ đang hái. Ông ta hiểu nhầm, nhận cả thùng từ mẹ tôi rồi bê về nhà.
Gia đình tôi hơi choáng váng vì mất vụ thu hoạch lớn nhất trong năm và thành thật mà nói, chúng tôi có đôi chút bất bình. Tuy nhiên, sự việc là một bài học tốt về biết nhẫn nhịn sự phẫn uất. Thay vào đó, hãy chọn trở thành những người hàng xóm hào phóng, tốt bụng với một người không có nhiều bạn bè. Sự hào phóng đó đã được đền đáp khi ông lão hàng xóm nhẹ nhàng hơn, trở nên thân thiện và thậm chí là rộng lượng hơn đối với gia đình tôi.
Trong khi ông hàng xóm người Ý để lại bài học khó khăn về sự hào phóng và tình làng nghĩa xóm, những người khác lại dễ chịu hơn nhiều. Khi chúng tôi làm việc bên ngoài tự nhiên, họ sẽ có thêm động lực dừng lại và trò chuyện với chúng tôi lúc họ đi dạo. Họ thậm chí còn vào sân để xem sự phát triển của một loại cây nào đó. Tất cả đều giúp xây dựng các mối quan hệ cộng đồng đang dần biến mất ngày nay. Và làm sao một món quà là một quả bí ngô tươi vừa hái hoặc một vài củ cà rốt trong vườn lại không thể giúp củng cố những mối gắn kết đó?
Nơi trú ẩn bình yên
Có lẽ, một trong những lợi ích lớn nhất của khu vườn là khoảng không gian để ẩn náu và bình yên. Trẻ buộc phải rời xa TV, máy tính và điện thoại khi chúng làm việc trong thiên nhiên. Chúng thực sự có thời gian để thoải mái hít thở, mộng mơ và chiêm nghiệm về các vấn đề trong cuộc sống. Tôi biết điều đó vì tôi đã cầu nguyện, khóc, và suy ngẫm rất nhiều trong khu vườn của riêng tôi. Ngày nay, xã hội của chúng ta đầy rẫy sự ồn ào; vì vậy, một mục tiêu đáng giá là hãy trao cho trẻ em cơ hội thoát khỏi những điều này, và say sưa với công việc góp phần xây dựng nước Mỹ, dù chỉ là ở sân sau ngôi nhà.
Đó là điều mà tác giả Whittaker Chambers hướng đến khi chuyển gia đình ra khỏi thành phố để tới trang trại riêng vào giữa thế kỷ 20. Chambers, một cựu điệp viên cộng sản, người sau này làm chứng trước Quốc hội về các hoạt động lật đổ của cộng sản diễn ra ở Hoa Kỳ, đã viết về cuộc sống nông trại đó trong cuốn tự truyện “Nhân chứng” (Witness):
“Không sự hy sinh nào là quá lớn để những đứa trẻ có cuộc sống như vậy. Nhưng chúng tôi không định chỉ cắm rễ con cái mình vào đất đai. Trên tất cả, chúng tôi muốn cắm rễ chúng vào đất nước, là một phần của đất nước để mỗi ngày của chúng là một ngày lao động sáng tạo tuyệt vời. Đó là một phần của quốc gia mà tôi chọn thuộc về. Nông trại là đất, là nơi con cái tôi và cả tôi đã lan tỏa gốc rễ của mình.”
Chambers tiếp tục nói: “Trong thời đại khủng hoảng, trang trại là cách chúng tôi cố gắng mang đến chút bình an còn sót lại trên thế giới này cho con em mình.” Vợ chồng anh hy vọng những trải nghiệm như vậy sẽ giúp con có thêm “sức mạnh nội tại để đối mặt với những năm tháng phía trước”.
Trong thế giới hiện đại, con cái chúng ta sẽ phải đi qua những chặng đường khó khăn. Trách nhiệm của chúng ta là chuẩn bị cho chúng hành trang để vượt qua những thời điểm khó khăn đó. Nhiều người không thể cho con mình làm việc trong trang trại, nhưng có thể cho chúng một chút đất để cày xới và chăm sóc. Khi làm như vậy, có lẽ chúng ta, cũng như nhà Chambers, đã truyền cho con không chỉ kỹ năng, mà còn cả kiến thức, nhân cách, đam mê và khả năng chống chọi với những giông tố cuộc đời.
Annie Holmquist là biên tập viên của tờ Intellectual Takeout và là biên tập viên trực tuyến của Tạp chí Chronicles, cả hai đều là dự án của Viện Charlemagne.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: