‘Davos Á Châu’ của Trung Quốc và sự phá sản đạo đức của giới tinh hoa thế giới
Diễn đàn Bác Ngao của Trung Quốc dành cho khu vực Á Châu (BFA) đã bắt đầu hôm 20/04. Diễn đàn thường niên kéo dài ba ngày với sự tham gia của các nhà lãnh đạo trên thế giới từ chính phủ, học viện, và doanh nghiệp này được tổ chức tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam Trung Quốc, nhằm thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và hợp tác quốc tế.
Các hội nghị, hội thảo chuyên đề, và hội thảo tập huấn được tổ chức để tạo “môi trường đối thoại cao cấp” và trao đổi ý tưởng trong các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, môi trường và các vấn đề liên quan, theo Điều lệ của BFA.
Diễn đàn này chính thức thành lập năm 2001 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào năm 2002. Diễn đàn kinh tế quốc tế mang tính bất vụ lợi này được hợp thành từ 26 quốc gia Á Châu khác.
Khi bắt đầu thành lập, họ khẳng định sứ mệnh của mình là “thúc đẩy hội nhập kinh tế ở Á Châu”, nhưng giờ đã được đổi thành “Cùng dựng xây năng lượng tích cực cho sự phát triển của Á Châu và thế giới”.
Chủ đề năm nay có tên là “Thế giới trong dịch bệnh COVID-19 và xa hơn nữa: Chung tay vì sự phát triển toàn cầu và tương lai chung.”
Họ sẽ tìm hiểu xem đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu sang chính sách dựa trên khí hậu xanh như thế nào. Theo BFA, virus Trung Cộng đã kích khởi một cuộc tái tập trung trên toàn thế giới khỏi động cơ lợi nhuận truyền thống trong kinh tế để hướng tới tính trung lập carbon, cấu trúc kinh tế carbon thấp, và phát triển bền vững. Trọng tâm chính sẽ là nghiên cứu tìm ra các chiến lược khác nhau để đạt được sự trung lập carbon tuyệt đối.
Sau đây là một số tên gọi của các hội thảo đang diễn ra: “Thúc đẩy Tích hợp Năng lượng & Xây dựng Thế giới Xanh”; “Xây dựng Câu chuyện ESG (Môi Trường, Xã Hội & Quản Trị Doanh Nghiệp) cho Tăng trưởng Bền vững”; “Phát triển Hòa nhập — Hiệu quả và Công bằng”; và “Nền kinh tế Kỹ thuật số vì Lợi ích Xã hội”.
Nếu điều này nghe có vẻ giống với Hội nghị thượng đỉnh Davos hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thì đó là bởi vì nó về căn bản là cùng một khái niệm. BFA thường được gọi là “Diễn đàn Davos của Á Châu” và được mô hình hóa công khai dựa trên WEF.
Chủ đề của BFA năm nay về căn bản là sự xoay vòng của “Đại Tái thiết”, chủ đề của Diễn đàn Davos 2020. Davos 2022 dự kiến diễn ra vào tháng sau, bắt đầu từ ngày 22/05.
Chủ đề của WEF năm nay nhìn bề ngoài thì chí ít cũng vô thưởng vô phạt hơn những năm trước: “Cùng nhau làm việc, Khôi phục lòng tin”. Người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab rõ ràng đã nhận ra rằng việc chuẩn bị cho các cuộc tụ họp độc quyền của mình sau các kế hoạch toàn cầu để trở thành một nhân vật phản diện James Bond không có lợi cho nghị trình của giới tinh hoa.
Tuy nhiên, người ta tưởng tượng rằng đó phải là một sự thất vọng đối với những người tham dự WEF, những người thích tận hưởng tấm màn bí ẩn (và có dấu hiệu của âm mưu) đáng kinh ngạc mà các cuộc họp của họ gợi lên trong tâm trí những người bình thường như chúng ta.
Một điểm tương đồng khác giữa hai [diễn đàn này] là cả hai đều có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo thế giới lẫy lừng, bao gồm cả với tư cách là chủ tịch cũng như [lãnh đạo] trong hội đồng quản trị của họ. Hội đồng quản trị BFA bao gồm các nhà lãnh đạo từ các ngành công nghiệp và chính phủ trên toàn thế giới, chẳng hạn như cựu Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos Gutierrez, cựu Thủ tướng Ý và cựu Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Romano Prodi, và cựu Thủ tướng New Zealand Jenny Shipley.
WEF cũng có sự góp mặt của những thế lực cấp lãnh đạo tương tự như trong chính trường quốc tế. Tuy nhiên, BFA có một điểm khác biệt quan trọng — tổ chức này có thể công khai giới thiệu mối quan hệ sâu sắc và phức tạp của mình với ĐCSTQ. Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon của Nam Hàn có thể là chủ tịch hội đồng hiện tại của Diễn đàn Bác Ngao, nhưng ông Lý Bảo Đông (cựu đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc) là tổng thư ký.
Mỗi cuộc hội thảo chuyên đề của BFA, bao gồm cả những cuộc hội thảo đã đề cập trước đây, đều có sự góp mặt của ít nhất một thành viên cao cấp của chính phủ, doanh nghiệp, hoặc giới học thuật Trung Quốc. Điều đó tương đương với sự đại diện của ĐCSTQ, nếu không phải là lãnh đạo trực tiếp, trong mỗi buổi hội thảo.
Ngoài ra, những buổi hội thảo này cũng được giới truyền thông hoặc đại diện chính phủ của ĐCSTQ tiết chế [theo một chuẩn mực]. Điều này dường như để bảo đảm rằng buổi luận đàm diễn ra theo cách rõ ràng có lợi cho ĐCSTQ hoặc chủ động tránh xa bất kỳ chủ đề nào có thể tạo ra hình ảnh không mấy tích cực về họ.
Xây dựng hình ảnh của ĐCSTQ và thúc đẩy các chính sách của họ là chủ đề ẩn tàng thực tế của toàn bộ hội nghị BFA. Nếu như có bất kỳ nghi vấn nào về thực tiễn này, thì các cuộc hội thảo chuyên sâu như “Vành đai và Con đường: Một thực tiễn mới về phát triển hợp tác” (đề cập đến dự án đầu tư kinh tế trục lợi của Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường) đã khẳng định rõ ràng điều đó.
Điều này không có nghĩa là BFA độc hại hơn WEF. Trọng tâm của cả hai cuộc họp này đều xoay quanh nhu cầu kiểm soát tập trung lớn hơn để giải quyết các vấn đề toàn cầu vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Điều này thường đòi hỏi phải giao quyền quyết định cho các cơ quan không được bầu chọn, được bảo vệ khỏi bất kỳ việc chịu trách nhiệm thực tế nào đối với các quyết định của họ.
Theo cách này, BFA và WEF tương tự nhau. Nhưng trong khi WEF tìm cách kết nạp ĐCSTQ như một công cụ để giúp tổ chức này củng cố phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của mình, thì BFA lại công nhận rõ ràng vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ.
Đây là một dấu hiệu đặc biệt quan trọng. ĐCSTQ không có nguy cơ thực sự bị WEF kiểm soát, nhưng ĐCSTQ có thể sử dụng WEF để tăng thêm ảnh hưởng địa chính trị tương đối cho Trung Quốc. ĐCSTQ biết giới tinh hoa lạc lõng ở Brussels và Davos muốn nghe điều gì. Do đó, Trung Quốc giành được sự ủng hộ với luận điệu về sự đa dạng, công bằng, và tính trung lập carbon; thế nhưng họ là một trong những chế độ ít đa dạng cũng như ít công bình nhất trên thế giới, thể hiện qua việc không ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể nói về toàn cầu hóa, tính kết nối, và nhu cầu hợp tác nhiều hơn với các quốc gia đối tác tại Davos, nhưng đừng nhầm lẫn về điều đó — tại Bác Ngao, ĐCSTQ mới là người kiểm soát chương trình này.
Tuy nhiên, điều này có thể không thực sự tạo ra cảm giác day dứt lương tâm cho những người phương Tây tham dự một trong hai hội nghị thượng đỉnh này. Dù họ có thấy thế nào, nhưng chắc chắn họ không sẽ câm lặng. Do đó, họ phải nhận thức được rằng Trung Quốc một mặt đang thực hiện không gì khác ngoài trừu tượng hóa đạo đức trong các mục tiêu hợp tác, nhưng mặt khác lại chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.
Mục tiêu của “Người đàn ông Davos” hay giới tinh hoa không phải là có được bất kỳ lợi ích hữu hình nào trong cuộc sống của những người đồng hương của họ (thực sự, họ coi thường chính khái niệm ranh giới quốc gia như một di tích phản đối tiến bộ của một thời dĩ vãng chưa khai hóa), mà thay vào đó là theo đuổi đề xướng chính sách ngông cuồng và tăng cường quyền lực trong tay họ.
ĐCSTQ rất sẵn lòng cung cấp tiền bạc và vỏ bọc để giúp đỡ giới tinh hoa trong mục tiêu này, vì biết rằng Bắc Kinh sẽ gặt hái được lợi ích địa chính trị từ việc gia tăng ảnh hưởng tại các đại sảnh quyền lực ở Âu Châu và Hoa Kỳ.
Đồng thời, Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách không gì ngoài có lợi cho việc củng cố ĐCSTQ và kéo theo đó là sự suy yếu của phương Tây. Do đó, nhiệm vụ điều tra cách thức hoạt động giữa BFA và WEF có thể cung cấp một mô hình thu nhỏ hữu ích giúp lý giải mối quan hệ giữa ĐCSTQ và giới tinh hoa phương Tây nói chung.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Dominick Sansone thường xuyên viết bài đóng góp cho The Epoch Times. Ông chuyên viết về mối bang giao Nga-Trung và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: