Đầu tư công nghệ song phương Mỹ-Trung trợ giúp quân đội Trung Quốc
Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã chiến đấu để giảm bớt dòng vốn đầu tư và công nghệ của Hoa Kỳ chảy vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ ). Xu hướng này vẫn tiếp tục dưới thời chính phủ tổng thống Biden, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ với Đảng Cộng sản Trung Quốc,” Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) nói trong một thông cáo báo chí hôm 03/02, giải thích lý do tại sao phải tăng cường việc giám sát đầu tư Trung Quốc.
ĐCSTQ sử dụng số tiền trị giá hàng tỷ USD của nhà đầu tư Hoa Kỳ để tài trợ cho các loại vũ khí và công nghệ của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Một số quỹ này sau đó được sử dụng để mua cổ phần trong các công ty nội địa của Hoa Kỳ nhằm có được công nghệ của những công ty này. Các dòng đầu tư song phương là một bộ phận quan trọng trong hành trình trở thành cường quốc quân sự ưu việt toàn cầu của ĐCSTQ. Chính phủ Hoa Kỳ đang ngày càng ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp nhạy cảm trong khi đó cấm Hoa Kỳ xuất cảng một số công nghệ nhất định.
Hồi tháng 06/2021, như một sự tiếp nối các chính sách thời ông Trump, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh, cấm đầu tư của Hoa Kỳ vào 59 công ty Trung Quốc vì những lo ngại về an ninh. Trong số các công ty hiện nằm trong danh sách đen có các nhà phát triển phần cứng quân sự Tập đoàn Công nghiệp Hàng không của Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc, Tổng Công ty Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, và Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc. Các công ty này đều do nhà nước kiểm soát và có liên kết với PLA. Sắc lệnh này nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Quốc hội.
Một hạn chế đáng kể khác được đưa ra hồi tháng 10/2021, trong đó chính phủ Hoa Kỳ cấm China Telecom hoạt động tại Hoa Kỳ. Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã ra lệnh cho China Telecom Americas Corp. ngừng các dịch vụ của họ.
ĐCSTQ đáp lại, cáo buộc rằng “Đây là một sự đàn áp phi lý đối với các doanh nghiệp Trung Quốc bằng việc lạm dụng quyền lực nhà nước và vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thương mại kinh tế quốc tế.”
FCC biện minh cho hành động này bằng cách chỉ ra rằng với tư cách là một công ty quốc doanh, China Telecom “chịu sự khai thác, ảnh hưởng, và kiểm soát của chính quyền Trung Quốc và rất có thể bị buộc phải tuân theo các yêu cầu của chính quyền Trung Quốc.”
Một tháng sau khi chặn China Telecom, Hoa Kỳ đã đưa 27 công ty vào danh sách đen, bao gồm cả công ty Công nghệ Bán dẫn Mới H3C (H3C), thuộc sở hữu chung của công ty Hewlett Packard Enterprise và nhà sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn Tsinghua Unigroup. H3C là nhà cung cấp độc quyền các dịch vụ máy chủ và lưu trữ của Hewlett Packard tại Trung Quốc, làm dấy lên các nghi vấn về bảo mật dữ liệu. Ngoài ra, H3C cũng cung cấp dịch vụ cho PLA, vốn có vẻ là một sự xung đột lợi ích.
Các công ty khác trong danh sách đen bao gồm cả Hangzhou Hikvision Digital Technology, vốn phát triển camera giám sát tiên tiến và công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện đang được sử dụng để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, một tộc người thiểu số ở Tân Cương.
Hôm 11/02, một phát ngôn viên của Hikvision đã lên án việc đưa vào danh sách đen này, nói rằng hành động này được thực hiện mà không có lý do biện minh nào, và Hoa Kỳ tiếp tục “nhắm vào Hikvision đơn giản vì chúng tôi tình cờ có trụ sở chính tại Trung Quốc.”
Đáng chú ý là công nghệ của công ty này được sử dụng trong các hệ thống “thành phố an toàn” đang được bán ra các nước trên khắp thế giới. Những hệ thống này có thể bị các chế độ toàn trị khai thác để kiểm soát người dân của chính mình, hoặc bị ĐCSTQ dùng để bí mật theo dõi.
Ủy ban Đầu tư từ Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (“CFIUS”) là một ủy ban liên sở xem xét các khoản đầu tư của ngoại quốc nhất định và tư vấn cho Tổng thống Hoa Kỳ về việc liệu chúng có gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia hay không. Việc giám sát các hoạt động mua bán và sáp nhập, trong đó pháp nhân ngoại quốc sẽ có được quyền kiểm soát một công ty Hoa Kỳ, được chú ý hơn. Sau khi được CFIUS cảnh báo, Tổng thống có thể đình chỉ hoặc cấm giao dịch này. Các tổ chức ngoại quốc và trong nước không có nghĩa vụ phải thông báo cho CFIUS trước khi việc đầu tư diễn ra; tuy nhiên, nhiều người đã thông báo để tránh tình trạng bị chậm trễ hao tiền tốn của hoặc bị cấm đoán sau khi sự việc diễn ra.
Năm 2018, Tổng thống đương thời Donald Trump đã ký Đạo luật Hiện đại hóa Rà soát Rủi ro Đầu tư từ Ngoại quốc, vốn mở rộng thẩm quyền và quyền hạn của quy trình rà soát an ninh quốc gia, tăng số lượng các cuộc rà soát mang tính bắt buộc thay vì tự nguyện.
Trong trường hợp CFIUS giám sát và ngăn chặn các công ty có liên kết với PLA hoặc ĐCSTQ đầu tư vào Hoa Kỳ, thì Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại sẽ điều tra hoạt động đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ. BIS bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và thúc đẩy chính sách đối ngoại và các mục tiêu kinh tế bằng cách hạn chế xuất cảng công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ ra ngoại quốc. Nếu một pháp nhân ngoại quốc được xác định là gây ra một mối đe dọa, thì Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại Quốc (OFAC) sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt này sẽ ngăn cản đầu tư ra ngoại quốc cũng như xuất cảng các công nghệ nền tảng và mới nổi, cũng như công nghệ thông tin và truyền thông. Các biện pháp kiểm soát ngày càng được áp dụng để ngăn chặn đầu tư từ ngoại quốc hoặc xuất cảng mà có thể gây ra mối đe dọa cho chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ.
Trung Quốc là trọng tâm chính của BIS và OFAC, nhằm bảo đảm Hoa Kỳ giữ được vị trí lãnh đạo công nghệ chiến lược của mình. Trong suốt năm 2000, OFAC đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với gần 1,000 tổ chức. Đến năm 2021, con số đó đã tăng vọt lên gần 10,000.
Hôm 03/02/2022, các thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida), Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), và Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) đã giới thiệu “Đạo luật Chống Thiết bị bay không người lái của ĐCSTQ”. Dự luật này cấm các bộ và các cơ quan liên bang, chẳng hạn như Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), mua thiết bị do DJI sản xuất, hoặc các dịch vụ do DJI cung cấp, đây là một nhà sản xuất thiết bị bay không người lái của Trung Quốc có liên kết với PLA.
Đạo luật CẠNH TRANH của Mỹ năm 2022 đã được Hạ viện thông qua hồi đầu tháng Hai, đặc biệt nhằm vào mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc. Dự luật này — liên quan đến Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng, Quỹ Khoa học Quốc gia, và Tòa Bạch Ốc — sẽ tăng khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ và củng cố chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ bằng cách hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học (STEM).
Bất chấp những hạn chế ngày càng tăng và sự suy thoái chung của nền kinh tế do COVID-19, đầu tư song phương vẫn ở mức cao. Năm 2020, Hoa Kỳ đầu tư 8.7 tỷ USD vào Trung Quốc. Cùng năm đó, Trung Quốc đầu tư 7.2 tỷ USD vào Hoa Kỳ. Thậm chí, tài sản nắm giữ danh mục đầu tư Mỹ-Trung được báo cáo là 1.7 ngàn tỷ USD, nhưng con số thực được ước tính là gấp đôi nếu tính cả các khoản đầu tư thông qua các tổ chức nước ngoài.
Hoa Thịnh Đốn đang thắt chặt các quy tắc liên quan đến thương mại song phương và các khoản đầu tư có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Thật không may, vấn đề này là rất quan trọng, và các dòng chảy thương mại và đầu tư lại rất hấp dẫn. Mỗi lần xem xét và cấm đoán mất rất nhiều thời gian, với cách tiếp cận từng phần cho phép các giao dịch và đầu tư khác tiếp tục trong thời gian chờ đợi.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Bình Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: