Đạo diễn đạt giải Oscar sản xuất phim tài liệu ủng hộ Trung Cộng
Nhà phê bình phim: Tuyên truyền được sửa sang trau chuốt để tẩy trắng cho hành vi vi phạm pháp luật của Trung Cộng
Chỉ còn vài ngày nữa là tròn 25 năm ngày chuyển giao chủ quyền Hồng Kông, tuyên truyền tẩy não của phe thân Trung Cộng không ngừng theo nhau mà đến.
Là người hai lần đạt giải Oscar cho Phim tài liệu Ngắn Xuất sắc nhất, đạo diễn người Anh Malcolm Clarke gần đây đã phát hành một seri phim tài liệu về Phong trào Chống sửa đổi Dự luật dẫn độ năm 2019 có tên “Hong Kong Returns” (nhan đề Hoa ngữ: “Hồng Kông: Sự thật bị Che đậy”). Các nhà phê bình phim nói rằng mặc dù bộ phim tài liệu này mặt ngoài có vẻ khách quan và trung lập, nhưng lập trường ủng hộ Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) của nó là rõ ràng, và nó chỉ là một chiến dịch tuyên truyền được ‘sửa sang trau chuốt’ nhằm mục đích tẩy trắng cho những hành vi bất hảo của ĐCSTQ, đồng thời bôi nhọ phong trào xã hội này.
Hai tập đầu tiên của bộ phim tài liệu này là “Người Hồng Kông Xuống Đường” và “Vấn đề của Lịch sử Thuộc địa Anh”, đã được trang web Hồng Kông 01 — một kênh truyền thông thân Trung Cộng tải lên hôm 23/06/2022.
Tập phim đầu tiên giải thích bối cảnh chuyển giao chủ quyền của Hồng Kông trong năm 1997, và nguyên nhân của phong trào xã hội trong năm 2019, bắt nguồn từ “Vụ sát hại cô Phan Hiểu Dĩnh (Poon Hiu-wing)” (vụ việc xảy ra ở Đài Loan nhưng nghi phạm [là bạn trai của cô Phan] đã trốn về Hồng Kông). Việc sửa đổi luật dẫn độ và hàng loạt phong trào xã hội, đã xảy ra sau đó.
Tập phim thứ hai mô tả rằng Hồng Kông trở thành nhượng địa cho Anh Quốc sau khi Thanh triều thua trong Chiến tranh Nha phiến, và chính phủ Anh đã kiếm tiền qua việc bóc lột Hồng Kông như thế nào; Chính quyền Hồng Kông thuộc Vương quốc Anh bắt đầu cải tổ sau “cuộc bạo loạn ở Hồng Kông năm 1967”, đến đầu những năm 1990 chính phủ này đột nhiên thúc đẩy quyền tự trị của Hồng Kông; Các đoạn trích trong tập này cũng đề cập đến cuộc biểu tình phản đối nền giáo dục quốc gia trong năm 2012, Phong trào Ô dù xảy ra trong năm 2014 cũng như các phong trào xã hội khác sau đó.
Tuy nhiên, hai tập đầu của bộ phim tài liệu này hầu như không có cảnh quay nào cho thấy cảnh trấn áp người biểu tình của cảnh sát dù cho lực lượng này đã sử dụng vũ lực quá mức.
Chỉ có những cảnh quay về những người biểu tình sử dụng bom xăng, đụng độ với cảnh sát và phá hủy đường phố trong năm 2019, cũng như cảnh quay các thành viên ủng hộ dân chủ của Hội đồng Lập pháp đụng độ với các thành viên phe kiến chế (thân Bắc Kinh) bên trong phòng họp của hội đồng.
Bộ phim tài liệu này cũng phỏng vấn nhiều người khác nhau, nhưng quan điểm của họ đều mang lập trường của phe kiến chế, và không có cảnh chiếu nào về các cuộc phỏng vấn với các chính trị gia ủng hộ dân chủ.
Đạo diễn: Truyền thông phương Tây đưa tin thiên lệch
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng thông tấn Hồng Kông 01, ông Malcolm nói rằng các báo cáo của truyền thông phương Tây về phong trào xã hội năm 2019 ở Hồng Kông là sai sự thật, không chính xác, và thiên lệch, do đó ông ấy hy vọng rằng bộ phim tài liệu của mình có thể bổ sung khía cạnh không được các phương tiện truyền thông dòng chính đưa tin, để khán giả có thể suy nghĩ lại.
Hồi đáp về việc bộ phim tài liệu này không chiếu các đoạn phỏng vấn các nhân vật ủng hộ dân chủ, ông Malcolm giải thích rằng ông ấy đã cố gắng nói chuyện với các nhân vật từ nhiều phe phái khác nhau, nhưng bởi vì Luật An ninh Quốc gia đang được áp dụng ở Hồng Kông, nên một số cuộc phỏng vấn mà ông ấy cho là rất hay, cuối cùng vẫn không thể được phát sóng, “đây là một vấn đề ở Hồng Kông. Rất khó để cân bằng hai phía.”
Phim tài liệu cho Trung Cộng ở Thượng Hải
Ông Malcolm, 70 tuổi, là một đạo diễn phim người Anh. Năm 2014, ông giành giải Oscar lần thứ hai cho Phim tài liệu Ngắn Xuất sắc nhất “The Lady in No. 6”, kể về người cao tuổi nhất sống sót qua nạn diệt chủng Holocaust.
Năm 2021, ông Malcolm đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông ở Thượng Hải rằng ông ấy đã sống ở Thượng Hải khoảng bảy năm. Nói cách khác, ông Malcolm đã sống ở Thượng Hải từ khoảng năm 2014.
Trong cùng năm đó, ông Malcolm đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc ‘Báo Văn hóa Trung Quốc’ (China Culture Daily) rằng lần đầu tiên ông ấy đến Trung Quốc đại lục là vào khoảng những năm 1980 và sống ở Trung Quốc khoảng chín tháng. Kể từ đó, ông ấy đã đem lòng yêu mến Trung Quốc. Kể từ năm 2013, ông Malcolm đặt trọng tâm công việc vào Trung Quốc.
Cùng năm đó, ông Malcolm thậm chí còn trở thành khách mời trong tập đầu tiên của chương trình “Bách niên Đại Đảng — Ngoại kiều Kể Cố sự” do Trung Cộng sản xuất, tuyên bố rằng trong những năm gần đây, việc đưa tin của các nước phương Tây có thành kiến và hiểu sai về Trung Quốc, vốn không phải là nước Trung Quốc mà ông đã tận mắt chứng kiến. Vì vậy, ông ấy đã sử dụng ống kính máy quay để triển hiện cho thế giới thấy một Trung Quốc chân thực.
Ông Malcolm cũng là một thành viên của “ARTeFACT Entertainment” (Công ty Phát triển Văn Hóa Đông Chú Thượng Hải) chuyên sản xuất phim tài liệu về Trung Quốc. Một số tác phẩm của ông nằm dưới sự giám sát của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc.
Nhà phê bình phim: Tân trang tuyên truyền để tẩy trắng cho Trung Cộng
Nhà phê bình phim Lâm Triệu Bân (Ben Lam Siu-pan) đã mô tả trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng bộ phim tài liệu tiếng Anh này đã sửa sang trau chuốt “tuyên truyền đối ngoại” gần đây của Trung Cộng, cố gắng tẩy trắng cho những hành vi xấu ác của Trung Cộng và bôi nhọ phong trào biểu tình ở Hồng Kông.
Theo quan điểm của ông Bân, khán giả mục tiêu của bộ phim không phải là người Hồng Kông mà là những người đến từ các nước phương Tây như Âu Châu và Hoa Kỳ. Ông Bân “ngưỡng mộ” rằng Trung Cộng đã có thể “mời được” đạo diễn từng đạt giải thưởng Viện hàn lâm quay phim “tuyên truyền”, và chống lại bộ phim tài liệu “Revolution of the Times” (Cách mạng Thời đại) đã giành được sự tán thưởng của quốc tế.
Ông Bân cho thấy rằng mặc dù các bộ phim tài liệu mặt ngoài có vẻ khách quan và trung lập, nhưng lập trường ủng hộ Cộng sản của nó là rõ ràng. Ví dụ, trong tập đầu tiên, thông qua nhiều người phỏng vấn phe kiến chế, đoạn phim đầu tiên chỉ trích chính quyền vì không nhận ra rằng sự phản đối của công chúng là quá mạnh khi sửa đổi Sắc lệnh về Tội phạm Đào tẩu trong năm 2019, và sau đó chỉ trích nhiều người biểu tình vì không đọc qua sắc lệnh này, và quá hoảng sợ về Sắc lệnh. Sau đó, các cuộc biểu tình ôn hòa đã trở thành “bạo lực phản loạn,” gây tổn hại cho nền kinh tế của Hồng Kông.
Mục tiêu của đoạn phim này là làm cho khán giả cảm thấy rằng những người biểu tình trong năm 2019 là vô lý, ông Bân cho hay và tiếp tục bình luận thêm về bộ phim tài liệu:
Trong tập thứ hai, người tường thuật và những người thuộc phe kiến chế đổ lỗi cho chính quyền thuộc địa Anh đã bóc lột người dân Hồng Kông để trục lợi, và vào đầu những năm 1990 đột nhiên khuyến khích người Hồng Kông tự quản theo chế độ dân chủ, chính phủ Hồng Kông thuộc Anh không giải quyết được các vấn đề sinh kế chẳng hạn như chênh lệch giàu nghèo, và quyền lực tự quản của Hồng Kông trong năm 2014 là lớn hơn nhiều so với quyền lực của người Anh ở Hồng Kông.
Thậm chí, phân tích trong tập phim còn gợi ý rằng nhiều phong trào xã hội chống lại Trung Cộng đã nổ ra ở Hồng Kông bởi vì người Hồng Kông tật đố với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc; và một cuộc thăm dò không rõ nguồn gốc đã trích dẫn rằng 62% trăm người Hồng Kông đã ủng hộ việc bàn giao chủ quyền cho Trung Quốc.
Ông Bân lo lắng rằng một số khán giả Âu Mỹ sẽ ủng hộ việc Trung Cộng trấn áp người Hồng Kông vì bộ phim tài liệu này được một đạo diễn từng đạt giải Oscar quay chụp, và bộ phim này cũng làm ra vẻ là khách quan và trung lập.