Danh sách hóa chất độc hại gây thừa cân – béo phì
Có những người luôn gặp khó khăn trong việc giảm cân dù đã tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý. Nguyên nhân là do tác động đến từ các chất hóa học độc hại có thể gây thừa cân – béo phì mà chúng ta hấp thu hàng ngày.
Đã quá nửa đêm nhưng tôi vẫn đang lang thang vào bếp để tìm kiếm thứ gì đó lót dạ trong khi thăm dì và dượng của tôi. Dì tôi, một người đã quen với việc ngủ trễ, đã ngồi vào bàn ăn với tôi. Dì nhìn tôi một cách ghen tị khi tôi đang ăn một chiếc bánh mì tròn phết phô mai kem cùng rất nhiều rau củ một cách ngon lành.
Dì thở dài: “Ước gì dì có thể ăn như vậy…”
“Như thế nào?” Tôi thầm hỏi và nhìn dì với một vẻ mặt đầy thắc mắc. Tôi mới ngoài 20, và tôi sẽ ăn khi đói, lúc nào cũng vậy. Tôi không quá bận tâm về cân nặng của mình. Tuy tôi không muốn mình trông quá bụ bẫm, nhưng tôi không quá để tâm đến những thứ mình ăn. Tôi đạp xe đến trường hàng ngày. Vì thế, tôi đủ năng động và trẻ trung để có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn vào bất cứ lúc nào.
Ngược lại với tôi, dì không bao giờ hài lòng với cân nặng của mình. Dì đã phải đong đếm đến từng đơn vị calo từ năm 20 tuổi, và thực hiện chế độ ăn kiêng cho tới tận bây giờ. Dì thậm chí từng tuân theo chế độ ăn nghiêm ngặt Weight Watchers (một chế độ giảm cân tính điểm linh hoạt, có kiểm soát lượng calo bằng cách tính điểm tương ứng với từng loại thức ăn).
Dì luôn cố gắng xem xét cẩn thận những gì mình ăn. Một lần, tôi thậm chí đã nhìn thấy dì ném nửa chiếc bánh muffin vào thùng rác trước khi bà ngồi vào bàn ăn sáng. Bất chấp những nỗ lực kiểm soát cân nặng, dì vẫn phải vật lộn với cân nặng từ khi còn trẻ cho đến tận bây giờ.
Các nhà khoa học từ lâu đã tự hỏi tại sao một số người lại gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cân nặng hợp lý trong khi những người khác có thể ăn bất cứ thứ gì họ thích. Có một điều đáng lưu ý là hiện tượng này thậm chí có thể gặp ở các anh chị em ruột.
Béo phì: Một vấn đề toàn cầu
Du khách từ Âu châu đến thăm Hoa Kỳ thường ngạc nhiên bởi vòng eo quá khổ và khẩu phần ăn khổng lồ được phục vụ trong các nhà hàng (một thực trạng phổ biến có tên: biến dạng khẩu phần ăn). Theo Tổ chức y tế thế giới, mặc dù Hoa Kỳ dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực so với các nước khác, nhưng tỷ lệ béo phì ở đây đang gia tăng ở mức đáng báo động.
Thực tế, béo phì đã trở thành một vấn đề ngày càng gia tăng, thậm chí đối với cả trẻ em và người trưởng thành.
Theo WHO, vào năm 2016, gần 2 tỷ người trưởng thành trên 18 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì trên toàn thế giới. Con số này đã tăng gấp ba trong vòng 40 năm vừa qua. Tình trạng này dường như đang trở nên ngày càng tệ hơn từ cuối năm 2019.
Các chính sách y tế công cộng toàn cầu đang cầu khuyến khích mọi người ở yên tại nhà để giữ an toàn cho bản thân, đã làm vấn đề béo phì trở nên ngày một đáng báo động.
Thật vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ béo phì ở 16 bang ở Hoa Kỳ là 35% hoặc thậm chí cao hơn. Việc e ngại phải đi ra ngoài, tình trạng giảm mức độ vận động, sự lo lắng về tài chính và những căng thẳng về mặt cảm xúc đều có thể là một phần của nguyên nhân khiến cho vòng eo của người Hoa Kỳ ngày càng trở nên quá khổ.
“Tôi ăn tùy tâm trạng”, một người bạn của tôi thừa nhận khi nói về việc tăng cân nhanh chóng của mình.
Mặc dù rất nhiều người thừa cân đang sống khỏe mạnh, nhưng chứng thừa cân, béo phì rất có thể làm giảm khả năng sinh sản, gây đau lưng, đau khớp, và thậm chí cản trở chức năng bình thường của phổi. Theo Trường Y tế Công cộng Harvard, những người béo phì có nhiều nguy cơ bị viêm khớp, ung thư, tiểu đường, bệnh tim, trầm cảm và các loại rối loạn cảm xúc khác. Cũng có một số nghiên cứu cho thấy béo phì liên quan đến kết cục sức khỏe suy giảm do COVID-19.
Nguyên nhân của thừa cân – béo phì
Khá khó để đưa ra được câu trả lời xác đáng cho những câu hỏi về cân nặng. Sự khác biệt văn hóa và sở thích (liên quan đến văn hóa), cách lựa chọn thực phẩm, cùng với yếu tố di truyền, lối sống, các chứng rối loạn tâm lý, tiền sử chấn thương, các vấn đề thời thơ ấu và việc tiếp xúc với các quảng cáo đều đóng góp phần ảnh hưởng đến cân nặng cơ thể.
Tuy nhiên, gần đây, các bác sĩ và một số nhà khoa học đã tìm ra một yếu tố khác dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Đó là một số hóa chất độc hại có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thực sự làm tăng nguy cơ béo phì.
Những hóa chất này có tên là những obesogen, được cho là có khả năng gây rối loạn hormone và thay đổi cách mà cơ thể chúng ta tạo ra, lưu trữ và chuyển hóa chất béo.
Khi chúng ta tiếp xúc với các obesogen, thì ngay cả khi chúng ta ăn một lượng calo vừa phải kết hợp với tập thể dục hàng ngày và duy trì một lối sống năng động, cơ thể chúng ta cũng rất khó, thậm chí không thể duy trì một cân nặng lành mạnh.
Trong phòng thí nghiệm, các chuyên gia đã làm những cuộc nghiên cứu trên những động vật giống nhau về mặt di truyền (chẳng hạn như chuột), có lối sống giống hệt nhau và tiêu thụ thức ăn giống hệt nhau. Các con chuột cho thấy sự thay đổi trọng lượng phụ thuộc vào những hóa chất được tiếp xúc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh cũng là một obesogen, được sử dụng bởi các chủ trang trại gia súc và nông dân để khiến cho vật nuôi tăng trọng.
Những Obesogen bạn có thể đã hấp thụ
Có một danh sách dài các hóa chất này trong môi trường sống của bạn. Dưới đây là một số hóa chất gây béo phì cân phổ biến.
Atrazine: Đây là một loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ. Atrazine đã bị cấm ở Ý và Đức vào năm 1991. Năm 2003, Liên minh Âu Châu thông báo rằng hóa chất này sẽ không được phép tiếp tục sử dụng vì “gây ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng đến mức không thể kiểm soát được.”
Atrazine không chỉ nguy hiểm đối với thực vật, mà còn dẫn đến các nguy cơ dị tật bẩm sinh và rối loạn nội tiết.
Năm 2009, một nhóm các nhà khoa học Nam Hàn đã phát hiện ra rằng atrazine phá hủy ty thể (bào quan trong tế bào chịu trách nhiệm cung cấp năng lượng cho cơ thể), làm giảm sự trao đổi chất, tăng kháng insulin và béo bụng.
Một nghiên cứu khác được công bố rộng rãi trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia năm 2010 cho thấy việc phơi nhiễm với atrazine dẫn đến hiện tượng thiến hóa học ở ếch đực.
Bisphenol-A: BPA là một chất hóa học được sử dụng trong nhựa gây rối loạn hormone estrogen.
Một số nghiên cứu khoa học, ở cả người và động vật có vú, đã chứng minh mối liên quan giữa việc phơi nhiễm BPA với chứng béo phì và tăng cân không mong muốn. Hóa chất phổ biến này cũng có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm rối loạn tuyến giáp, tiểu đường và ung thư.
Hợp chất thay thế BPA: Nhiều hợp chất được sử dụng để thay thế BPA, tuy nhiên lại mang đến nhiều vấn đề hơn. Khi một nhóm nghiên cứu thử nghiệm các chất thay thế BPA, họ nhận thấy “một số chất thường dùng để thay thế BPA thực sự mạnh hơn chính BPA trong việc kích hoạt thụ thể estrogen”, một bản tóm tắt của Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho biết. Đây là một lý do khác để sử dụng kính [thay cho nhựa chứa BPA hoặc các hợp chất thay thế BPA] bất cứ khi nào có thể.
Glyphosate: Đây là thành phần chính trong thuốc diệt cỏ Roundup, được xác định là nguyên nhân gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe. Đáng chú ý nhất, glyphosate làm tăng nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin, một bệnh ung thư máu.
Một số nghiên cứu cũng đã cho thấy mối liên quan trực tiếp và gián tiếp giữa glyphosate với bệnh béo phì.
Trong một nghiên cứu đặc biệt thú vị được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2019, các nhà khoa học tại Đại học Bang Washington đã phát hiện rằng những con chuột mang thai khi được tiếp xúc với liều lượng rất thấp glyphosate sẽ sinh ra thế hệ thứ hai, thậm chí thứ ba có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm cả buồng trứng và tinh hoàn bị tổn thương, thận dị dạng, và tỷ lệ béo phì cao.
Theo Pamela Coleman, nhà phân tích chính sách nông trại và thực phẩm tại Viện Cornucopia: “Glyphosate tác động vào các phản ứng sinh hóa cơ bản và có thể khiến chúng ta mắc bệnh béo phì, Alzheimer, Parkinson và các vấn đề sức khỏe khác.”
Coleman giải thích rằng glyphosate làm tổn hại đến tính toàn vẹn của vi khuẩn trong đường tiêu hóa của con người, làm cạn kiệt các acid amin thiết yếu trong cơ thể, bao gồm tyrosine, tryptophan và phenylalanine.
Organotin: Các hóa chất này được sử dụng trong công nghiệp để bảo quản gỗ, ức chế sự phát triển của các sinh vật trên thân tàu, và diệt nấm. Do việc sử dụng rộng rãi của các hợp chất organotin như tributyltin trong ngành vận tải, nhiều nguồn nước đã bị ô nhiễm. Một bài viết trên trang Toxicoepigenetics cho biết, hóa chất này đã được phát hiện có “ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dưới đại dương bao gồm thay đổi giới tính ở các sinh vật biển dẫn đến giảm khả năng sinh sản.”
Vào năm 2014, Một nhà khoa học tại Trung tâm Hệ thống Sinh học Phức tạp tại Đại học California – Irvine đã xác định tributyltin là một obesogen. Đây là hóa chất gây độc hại cho con người vì khả năng mô phỏng các hormone được sản sinh tự nhiên của cơ thể. Do đã tồn tại trong đại dương một thời gian dài, nên tributyltin được tìm thấy trong trong nhiều loại cá mà con người tiêu thụ.
Các nghiên cứu khác đã chứng minh các organotin có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tăng tế bào mỡ trong thời kỳ mang thai và các vấn đề về thận.
PFOA: Các loại chảo dễ làm sạch vì có bề mặt chống dính chứa acid perfluorooctanoic (PFOA). PFOA một chất hóa học được tìm thấy trong chảo Teflon và cả trong bỏng ngô lấy từ lò vi sóng và nhiều loại thực phẩm đóng gói khác. PFOA và các hóa chất tương tự cũng được tìm thấy trong nước uống.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã công bố vào tháng 11/2021 rằng PFOA có khả năng gây ung thư và có hại cho sức khỏe con người ở nồng độ thấp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Thật không may, một nghiên cứu năm 2007 của các nhà khoa học tại Atlanta cho thấy rằng hơn 98% người Hoa Kỳ có xét nghiệm dương tính với các hóa chất này trong máu.
Phthalates: Đây là những chất hóa dẻo, được sử dụng để làm mềm nhựa và tăng độ dẻo. Phthalates được sử dụng trong nhiều sản phẩm tiêu dùng khác nhau bao gồm hộp đựng thực phẩm, dược phẩm, sơn, rèm phòng tắm, thậm chí cả sản phẩm trang điểm và các loại mỹ phẩm khác. Các sản phẩm thông thường như chất chống mồ hôi, keo xịt tóc, sữa dưỡng thể, sơn móng tay và dầu gội đầu đều có thể chứa phthalates. Một số loại sàn nhựa cũng chứa chất này.
Những hóa chất này, đặc biệt là khi được đun nóng, có thể thoát ra từ nhựa và thấm vào thức ăn và nước uống của chúng ta. Một nghiên cứu năm 2012 do các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển thực hiện cũng cho thấy trẻ sơ sinh có thể hấp thụ phthalate qua da và phổi.
Phthalates, giống như các obesogen khác, có thể làm rối loạn hormone của bạn, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và gây tăng cân không mong muốn. Theo một số nghiên cứu, bao gồm cả một số nghiên cứu trên phụ nữ mang thai và trẻ em, đã phát hiện ra rằng lượng phthalate trong cơ thể càng cao thì bạn càng có nhiều khả năng bị béo phì.
Làm thế nào để loại bỏ các obesogen
Nếu bạn đang vật lộn để giảm cân, có thể mức độ chuyển hóa của cơ thể bạn đã bị suy giảm do tiếp xúc với các độc tố. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những obesogen, vì thế, nếu bạn muốn giảm cân, việc tập thể dục nhiều hơn và ăn ít đi là không đủ.
Những lời khuyên thông thường kiểu như vậy dường như không hiệu quả. Nếu đây là điều mà bạn đang gặp phải, bạn hãy chủ động tránh các hóa chất gây rối loạn nội tiết trong thức ăn, nước uống, tủ thuốc và các sản phẩm làm đẹp.
1. Loại bỏ nhựa trong cuộc sống hàng ngày
Hãy thay hộp bảo quản thực phẩm làm từ nhựa bằng hộp thủy tinh, cũng như túi nhựa đựng bánh mì bằng các túi bánh mì làm từ vải hoặc bằng giấy. Bạn cũng nên mua mứt và bơ hạt (tốt nhất nên mua thực phẩm hữu cơ) được đựng trong lọ thủy tinh thay vì trong vật chứa làm từ nhựa.
Ngoài ra, bạn có thể mang hộp thủy tinh của riêng mình đến nhiều cửa hàng thực phẩm tự nhiên và yêu cầu người bán xay đậu phộng hoặc hạnh nhân thành bơ.
Vì khi làm nóng nhựa sẽ giải phóng nhiều độc tố hóa học, nên tốt nhất chúng ta không nên cho bất kỳ thực phẩm nào có màng nhựa hoặc đựng trong hộp nhựa vào lò vi sóng; và không bao giờ làm sạch đĩa hoặc dao kéo làm từ nhựa bằng máy rửa bát.
Khi mua trái cây tươi và rau quả, đừng dùng túi nhựa. Thay vào đó, hãy sử dụng túi lưới làm từ vải hoặc đặt thực phẩm trên băng chuyền rồi cho trực tiếp vào túi thực phẩm không làm từ nhựa có thể tái sử dụng.
Chưa hết, nếu bạn có con nhỏ, hãy ngừng sử dụng tã làm từ nhựa.
Cuối cùng, không uống nước hoặc các thức uống từ chai nhựa. Mang theo đồ uống trong chai đựng bằng thép không gỉ hoặc mua đồ uống trong chai thủy tinh.
2. Ăn thực phẩm hữu cơ
Bạn chỉ nên dùng thực phẩm tươi sống, không qua chế biến và có lợi cho sức khỏe. Cố gắng mua thực phẩm tươi được trồng theo phương pháp hữu cơ nhiều nhất có thể mặc dù giá đắt hơn. Ngoài ra, hãy mua thực phẩm trực tiếp từ những người nông dân ở nơi bạn sinh sống, những người không phun các obesogen hoặc hóa chất độc hại lên đồng ruộng mà họ canh tác.
3. Dọn dẹp các ngăn tủ
Hãy xem lại các sản phẩm làm đẹp, dầu gội và xà phòng của bạn, liệu chúng có chứa các hóa chất độc hại hay không. Hãy sử dụng những sản phẩm thay thế có thành phần tự nhiên bằng cách đọc nhãn sản phẩm, hoặc bạn có thể tự làm những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Hãy nhớ rằng ngay cả kem đánh răng và chỉ nha khoa của bạn cũng có thể chứa các hóa chất obesogen và các chất gây rối loạn nội tiết. Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách đánh răng với baking soda, sử dụng các giải pháp làm trắng răng tự nhiên hoặc mua bột hoặc kem đánh răng hữu cơ.
4. Lọc nước
Vì sự hiện diện rất phổ biến của các obesogen, các chuyên gia nghiên cứu về độc tố cho rằng việc lọc nước uống là rất quan trọng. Hãy chọn một hệ thống lọc nước có thể loại bỏ PFOA và các hóa chất tương tự.
Nhóm Công tác Môi trường khuyến khích việc ưu tiên sử dụng bộ lọc thẩm thấu ngược cho nước uống. Bộ lọc than hoạt tính là lựa chọn thứ hai, tuy nhiên, cách này sẽ ít tốn kém hơn.
5. Hãy thay thế các chảo chống dính
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times