Đánh giá sách: ‘Suy nghĩ như một nhà khoa học tên lửa: Những chiến lược đơn giản tạo nên những bước nhảy vọt’.
Vào tháng 9 năm 1962, Tổng thống John F. Kennedy đứng trước sân vận động của Đại học Rice đông kín người và cam kết đưa một người đàn ông lên mặt trăng và đưa anh ta trở về Trái đất an toàn trước cuối thập kỷ. Tại sao Kennedy lựa chọn sứ mệnh này? Ông muốn đánh bại Liên Xô để lên mặt trăng, nhưng đồng thời, ông muốn đoàn kết quốc gia một cách đầy cảm hứng.
Ý tưởng truyền cảm hứng về sự hy vọng nổi bật xuyên suốt cuốn sách mới của Ozan Varol: “Tư duy thông minh: Những chiến lược đơn giản bạn có thể sử dụng để tạo nên bước nhảy vọt trong công việc và cuộc sống”. Varol chỉ ra rằng khi Kennedy phát biểu, ông đã thỉnh cầu quốc gia thực hiện một công việc quan trọng. Ông nói: “Chúng ta chọn đi lên mặt trăng trong thập kỷ này và làm những nhiệm vụ khác, không phải vì chúng dễ dàng mà chính là vì chúng là thử thách thực sự.”
Varol khuyến khích chúng ta coi thách thức là cơ hội, thay vì xem chúng là sự khủng hoảng. Ông lập luận rằng cách mọi người phản ứng với các thách thức sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của họ.
Bản thân đã từng là một nhà khoa học tên lửa, Varol cố gắng tìm ra điểm tương đồng giữa cách suy nghĩ của các nhà khoa học tên lửa và cách đạt đến thành công:
“Thế giới đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và chúng ta phải liên tục phát triển để bắt kịp tốc độ. Mặc dù không phải ai cũng mong muốn những điều phức tạp như tính toán các hệ số tốc độ đốt cháy hoặc quỹ đạo bay, nhưng tất cả chúng ta đều sẽ gặp phải một số vấn đề hóc búa và mới lạ trong cuộc sống hàng ngày. Những ai có thể giải quyết những vấn đề này mà không có hướng dẫn rõ ràng và thời gian quy định có được lợi thế khác thường”.
Các chiến lược tư duy thông minh
Varol khéo léo chia các chiến lược của mình thành ba giai đoạn hành động: khởi động, tăng tốc và thành tựu.
Khởi động:
Lời khuyên tuyệt vời của Varol bắt đầu bằng cách khơi dậy suy nghĩ của bạn. Điều này liên quan đến việc tận dụng tối đa sự không chắc chắn. Bạn cần biết một số câu trả lời trước khi bắt đầu giai đoạn này, nhưng việc hỏi đúng câu hỏi quan trọng hơn nhiều.
Hãy nhớ rằng, những suy nghĩ thông thường dẫn đến kết quả thông thường. Đừng bị ràng buộc bởi những gì bạn hoặc những người khác đã làm trong quá khứ; hãy dựa vào sự tò mò và tư duy khác biệt để tạo ra những ý tưởng sáng tạo. Cuối cùng, bạn sẽ thành công bằng cách cắt bỏ các bước không cần thiết và hướng đến sự đơn giản.
Tăng tốc:
Khi bạn đã tạo ra một số ý tưởng ban đầu trong giai đoạn đầu tiên, đã đến lúc thúc đẩy ý tưởng của bạn. Sắp xếp lại các câu hỏi ban đầu của bạn để có câu trả lời tốt hơn. Hãy dành chút thời gian để xác định xem vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết có thực sự cần thiết hay không.
Hãy cẩn thận đừng khiến những quan niệm cố hữu của mình làm sai lệch sự thật, điều đó có nghĩa là bạn đừng bao giờ quá tin tưởng vào bất kỳ đáp án nào. Chúng ta nên lưu ý chúng ta thường đánh giá thấp các bằng chứng mâu thuẫn với niềm tin của bản thân và đánh giá quá cao bằng chứng giúp củng cố những niềm tin đó.
Cuối cùng, bạn cần chắc chắn rằng bạn có thể ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể.
Thành tựu:
Giai đoạn cuối cùng liên quan đến việc khai mở tất cả tiềm năng của bạn. Mặc dù bạn không cần phải cố vui mừng trước thất bại, nhưng không nên để thất bại cản trở bạn. Nếu không mắc sai lầm, bạn không thể thành công. Xem thất bại như một lựa chọn là chìa khóa của sự độc đáo.
Sau đó, ngay cả khi thành công đã trong tầm tay, hãy vượt qua các ranh giới. Nghiên cứu cho thấy sự thành công và tự mãn thường đi đôi với nhau.
Vươn tới điều không thể
Ngoài việc trình bày các chiến lược xuất sắc, cuốn sách của Varol còn thể hiện một cái nhìn xuất sắc về khoa học. Cuộc thảo luận của ông về sứ mệnh đầu tiên lên mặt trăng rất hấp dẫn. Đó là một sứ mệnh biến điều không thể thành có thể, và là một ví dụ tiêu biểu về những gì có thể xảy ra khi người Mỹ cùng đoàn kết để đạt tới mục tiêu chung. Những câu chuyện khoa học khác Varol giới thiệu trong cuốn sách của mình sẽ giúp người đọc hiểu biết thêm và đánh giá cao tầm quan trọng của việc khám phá không gian vũ trụ.
Cuốn sách của Varol rất thú vị khi chúng ta suy ngẫm về tình hình ngày nay. Hiện nay khoa học thường bị chính trị hóa, đặc biệt là khi các phương tiện truyền thông xã hội thường đứng về phía các vấn đề khoa học thay vì hoan nghênh các ý tưởng tự do.
Thêm cảm hứng
Cuốn sách của Varol xứng đáng được hoan nghênh vì ngôn ngữ phong phú của nó (có những mô tả tuyệt vời về khoa học tiên tiến như tàu điện ngầm và internet chạy bằng khinh khí cầu) và những trích dẫn từ các nhà khoa học mà ông đưa vào, phần lớn khá mới mẻ đối với tôi và cũng khá sâu sắc.
Elon Musk: “Nếu bạn không thất bại, nghĩa là bạn chưa đổi mới đủ.”
Carl Sagan, giải thích về “dao cạo của Occam” hay “luật phân tích” rằng: “Khi đối mặt với hai giả thuyết giải thích dữ liệu tốt ngang nhau bạn nên chọn cái đơn giản hơn”.
Albert Einstein: “Khi tôi xem xét bản thân và các phương pháp suy nghĩ của mình, tôi kết luận rằng năng khiếu tưởng tượng có ý nghĩa với tôi hơn là tài năng tiếp thu kiến thức tích cực của tôi”.
Thái độ có thể
Nếu chúng ta đọc về “thái độ có thể” (can do attitude) của người Mỹ trong quá khứ sẽ thấy khá thú vị. Khi tôi viết điều này, đất nước đang phải chịu đựng nỗi buồn đau và sợ hãi sâu sắc gây ra bởi phần lớn là do mọi người đồng thời phải chống chọi với đại dịch, phong tỏa, suy thoái kinh tế và bạo loạn. Vì vậy, nhiều khó khăn mà nước Mỹ phải đối mặt hiện nay bị phóng đại cốt để khiến người dân cảm thấy bất lực.
Nhưng đọc cuốn sách đáng khích lệ này là một cách nhỏ để chống lại sự tiêu trầm và làm phong phú thêm tâm hồn của người Mỹ. Ngày nay, nước Mỹ mong mỏi những người có thái độ quyết tâm như vậy.
Cái nhìn lạc quan của Varol về quá khứ có thể trở thành hiện tại và tương lai của nước Mỹ. Tôi khuyên bạn nên đọc cuốn sách này để có thêm nguồn cảm hứng và suy nghĩ rộng lớn hơn cho bản thân.
Linda Wiegenfeld
Nhã Thanh biên dịch