Đảng viên Trung Cộng nắm những vị trí cao nhất tại công ty mẹ của TikTok
ByteDance, công ty chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng chia sẻ video TikTok, có hơn 130 nhân viên thuộc Đảng bộ của Trung Cộng. Một tài liệu nội bộ tiết lộ rằng nhiều người trong số những nhân viên này làm việc ở các vị trí quản lý.
Số lượng đảng viên Trung Cộng nắm giữ các vị trí trong ban quản lý ByteDance càng chứng tỏ mối quan hệ của công ty với chế độ độc tài này, làm dấy lên những lo ngại về an ninh đối với TikTok.
Chi bộ của Trung Cộng tại các văn phòng công ty
Theo luật, các công ty Trung Quốc được yêu cầu thành lập các chi bộ của Trung Cộng ngay tại văn phòng của họ để đảm bảo rằng các chính sách kinh doanh và nhân viên tuân theo đường lối của Trung Cộng. Công ty ByteDance được thành lập vào tháng 3/2012, sau đó đã thành lập Đảng bộ vào tháng 10/2014.
Theo quy định của Trung Cộng, thành viên Đảng bộ của công ty được bổ nhiệm tại các hội nghị chính trị. Các thành viên này sẽ phục vụ theo nhiệm kỳ 5 năm.
Không rõ chính xác có bao nhiêu đảng viên hoặc thành viên Đảng bộ trong số 60,000 nhân viên của ByteDance tại 230 văn phòng toàn cầu; danh sách mà The Epoch Times có được chỉ là một phần của danh sách các thành viên Đảng bộ tại trụ sở chính của công ty ở Bắc Kinh.
Theo danh sách nội bộ, tại văn phòng trụ sở chính, có ít nhất 138 nhân viên, hầu hết ở các vị trí quản lý hoặc kỹ thuật, là thuộc Đảng bộ Bắc Kinh của công ty, vốn có sức ảnh hưởng lớn. 60 người trong danh sách nắm giữ vai trò quản lý.
Tài liệu này bao gồm chi tiết tên họ đầy đủ, giới tính, ngày sinh, ngày gia nhập Trung Cộng, số chứng minh nhân dân và loại hình công việc của từng thành viên trong công ty, chẳng hạn như quản lý hoặc kỹ thuật.
Bản danh sách được tiết lộ trong bối cảnh chính phủ Hoa Kỳ đang tăng cường giám sát TikTok và các ứng dụng khác do Trung Quốc sở hữu vì lý do an ninh quốc gia.
Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, dữ liệu cá nhân của công dân Hoa Kỳ do TikTok thu thập có thể bị Bắc Kinh truy cập, vì các công ty Trung Quốc đều phải tuân theo Trung Cộng.
ByteDance đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Rủi ro an ninh của Tiktok
Ngày 6/8, Tổng thống Donald Trump đã ban hành sắc lệnh cấm các giao dịch của Hoa Kỳ với ByteDance và công ty internet lớn nhất của Trung Quốc Tencent Holdings Ltd. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 45 ngày. Tổng thống Trump cũng cho ByteDance thời hạn đến ngày 15/9 để bán TikTok cho Microsoft hoặc một công ty Hoa Kỳ khác. Microsoft xác nhận rằng họ đang đàm phán để mua ứng dụng này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo từng cho biết, các hành động của chính quyền Hoa Kỳ nhắm vào các ứng dụng của Trung Quốc là để giải quyết “một loạt các rủi ro an ninh quốc gia do phần mềm kết nối với Trung Cộng gây ra”.
Danh sách các đảng viên cho thấy mức độ liên kết của ByteDance với Trung Cộng, điều này hoàn toàn khớp với lịch sử hợp tác lâu dài của công ty công nghệ khổng lồ này với nhà cầm quyền trong việc kiểm duyệt thông tin.
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty là ông Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) và các giám đốc điều hành cao cấp khác đã nhiều lần công khai bày tỏ mong muốn công ty ủng hộ các mục tiêu của Trung Cộng.
Ông James Carafano, phó chủ tịch Viện Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quỹ Di sản, cho biết số lượng đảng viên Trung Cộng tại ByteDance là một ví dụ điển hình của các công ty Trung Quốc.
Ông Carafano nói với The Epoch Times: “Tất cả các công cụ quyền lực đều quy về Trung Cộng, và bao gồm cả các công cụ quyền lực về kinh tế”.
Ông nói rằng ở Trung Quốc, mối liên hệ giữa các công ty tư nhân và Trung Cộng là không minh bạch, do đó “những công ty này thực sự không thể được đối đãi và tin cậy theo cách mà quý vị vẫn thực hiện với các công ty khác trong thương mại toàn cầu”.
Phó chủ tịch Carafano cho biết, sự hiện diện của ByteDance tại Hoa Kỳ thông qua TikTok làm dấy lên lo ngại, vì công ty này sẽ có quyền truy cập vào lượng lớn dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Ông nói thêm rằng việc TikTok đảm bảo họ hoạt động độc lập với ByteDance là “hoàn toàn không thỏa đáng”.
Ông Carafano cho biết: “Đó là một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Quý vị không thể tin tưởng vào phần mềm [đó]. Quý vị không thể tin tưởng vào việc họ xử lý dữ liệu. Và quý vị không thể tin rằng họ hoạt động độc lập với sự chỉ đạo của [Trung Cộng]”.
Danh sách thành viên Trung Cộng trong các cấp quản lý của ByteDance
Ông Trương Phụ Bình (Zhang Fuping), “tổng biên tập” kiêm phó chủ tịch của công ty, trước đây từng được nhắc đến trong các tin tức của truyền thông Trung Quốc với tư cách là Bí thư Đảng ủy của công ty. Tên của ông cũng xuất hiện trong danh sách tên mà The Epoch Times có được.
Phó chủ tịch Trương phụ trách các nhiệm vụ liên quan đến kiểm duyệt cho các ứng dụng mạng xã hội của công ty.
Trong các bản tin trước đây của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Cộng, ông Trương cho biết luôn sẵn sàng thúc đẩy các chính sách kiểm duyệt của Trung Cộng.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4/2019 với Tân Hoa Xã, ông Trương giải thích rằng an ninh mạng đối với công ty có nghĩa là “dư luận có thể được dẫn dắt theo hướng đúng đắn … tràn đầy năng lượng tích cực, và thúc đẩy các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”.
Danh sách tên nội bộ mà The Epoch Times có được tiết lộ rằng nhiều quản lý cấp cao của ByteDance cũng là thành viên Đảng bộ công ty.
Theo một sơ đồ tổ chức do trang tin tức The Information thu thập hồi tháng 4/2019, trong danh sách kể trên, có ủy viên chi bộ Zhang Nan là nhân viên trực tiếp báo cáo cho một trong 14 vị quản lý điều hành hàng đầu của ByteDance. 14 người này sẽ báo cáo trực tiếp cho Giám đốc điều hành Trương Nhất Minh.
Ông Zhang Nan được thăng chức hồi tháng 3, trở thành giám đốc kinh doanh của ứng dụng Feishu, theo một báo cáo của trang tin công nghệ Lei News của Trung Quốc. Công cụ này kết hợp các ứng dụng cộng tác khác nhau tích hợp vào một nền tảng duy nhất.
Trong khi đó, theo một báo cáo năm 2018 của tờ báo nhà nước Youth Hangzhou, ông Meng Haibo là giám đốc phòng công vụ của ByteDance. Theo báo cáo này, ông phụ trách “các vấn đề liên quan đến hợp tác với chính phủ” và đứng đầu các dự án phân tích dữ liệu lớn.
Dang Liya, quản lý cấp cao của các ứng dụng đào tạo ngôn ngữ của ByteDance, kết nạp Đảng vào năm 2013.
Theo điều tra của The Epoch Times, các nhân viên khác trong danh sách là những người quản lý cấp thấp hơn tại các chi nhánh khác nhau của công ty.
Ví dụ, ông Xia Yong là tổng biên tập của Toutiao, một ứng dụng tổng hợp tin tức phổ biến thuộc sở hữu của ByteDance; trong khi theo trang LinkedIn của bà Xia Manxue thì bà này là giám đốc sản phẩm thương mại của Toutiao.
Chính sách tuyển dụng của công ty cũng ưu tiên cho các đảng viên. Ví dụ, thông báo tuyển dụng việc làm gần đây của công ty cho vị trí “biên tập viên” phụ trách theo dõi nội dung liên quan đến các vấn đề thời sự đã nêu rõ rằng vị trí tuyển dụng này “ưu tiên cho các ứng viên là đảng viên Trung Cộng”.
ByteDance hợp tác với cảnh sát của Trung Cộng
Vào ngày 25/4/2019, ByteDance đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan phụ trách lực lượng cảnh sát của nước này.
Cảnh sát địa phương thường xuyên bắt bớ và giam giữ những người đăng thông tin bị chính quyền cho là nhạy cảm.
Tại buổi lễ ký kết, bí thư Đảng bộ Chiêm Tuấn (Zhan Jun) của Ban Tuyên giáo Bộ Công an Trung Quốc phát biểu: “Chúng ta nên sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến mới để truyền tải tiếng nói tốt đẹp của cảnh sát Trung Quốc, kể những câu chuyện tốt đẹp về cảnh sát, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của cảnh sát chúng ta, và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa cảnh sát và nhân dân”.
Kênh truyền thông nhà nước China Police Net đưa tin rằng ByteDance sẽ giúp thiết lập và vận hành tài khoản Toutiao và Douyin cho từng sở cảnh sát trong phạm vi tất cả chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc, kể cả cấp thành phố và cấp quận, cũng như tại Bộ Công an. Báo cáo cho biết thêm, ByteDance sẽ giúp quảng bá các bài đăng do những tài khoản của cảnh sát tạo ra.
Bản tin này cho hay, cảnh sát Trung Quốc sở hữu hơn 50,000 tài khoản mạng xã hội trên nhiều nền tảng khác nhau và có hơn 100 triệu người theo dõi.
Annie Wu và Cathy He đóng góp vào bản tin này.
Tác giả: Nicole Hao