Đằng sau thất bại chung của phương Tây trong việc chuẩn bị cho rắc rối mà chúng ta hiện đang đối mặt
Năm 1992, nhà văn kiêm học giả Francis Fukuyama lẫn bộ phim “Aladdin” của Disney đã hứa hẹn với chúng ta “một thế giới hoàn toàn mới.” Ba mươi hai năm sau, thế giới dường như còn tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán của bất kỳ ai, và năm 2024 có thể sẽ là một bước ngoặt lớn.
[Bộ phim] “Aladdin” không nói cụ thể rằng thế giới mới sẽ như thế nào, nhưng tác giả Fukuyama của cuốn “The End of History and the Last Man” (Tạm dịch: Kết thúc của Lịch sử và Con người Cuối cùng), thì có nhắc đến.
Ông Fukuyama viết rằng lịch sử là một quá trình tiến hóa có mục tiêu. Mục tiêu đó là nền dân chủ tự do và chúng ta đã đạt được mục tiêu đó vào cuối thế kỷ 20. Cả thế giới sẽ gạt bỏ hệ tư tưởng sang một bên và bị cuốn hút vào những lời hứa hẹn về thương mại tự do, thịnh vượng, và các nền tự do ngày càng mở rộng. Nền dân chủ tự do sẽ không thay đổi thành bất cứ thứ gì khác, bởi vì tất cả các hình thức trật tự chính trị hoặc hệ tư tưởng khác đều quá tệ khi so sánh với nền dân chủ tự do. Thế giới mới sẽ không phải là một thế giới không có gì mới xảy ra. Tuy nhiên, sẽ thật nhàm chán vì chính trị sẽ thiên về quản lý nền kinh tế hơn là cạnh tranh các tầm nhìn về Cuộc sống Tốt đẹp, hoặc hòa giải các xung đột sắc tộc và ý thức hệ. Tuy nhiên, thách thức duy nhất đối với nền dân chủ tự do sẽ đến từ bên trong: không phải ai cũng muốn bình đẳng với những người khác, và một số người sẽ tranh đấu không phải bên trong hệ thống tự do mà là chống lại hệ thống tự do. Hoặc thế là cuộc tranh luận đã diễn ra.
Tầm nhìn của ông Fukuyama rất dễ bị hiểu sai. Sự hưng phấn thời hậu Chiến Tranh Lạnh dường như không thể cưỡng lại được. Chúng ta đã thắng, và thách thức nghiêm trọng hoặc sự thay thế tiềm năng duy nhất đối với sức mạnh và văn hóa phương Tây đã biến mất. Nói một cách hình tượng, thật dễ dàng để ngồi lại, thả lỏng, và tận hưởng quá trình diễn ra sự tiến hóa không chỉ tốt mà còn không thể tránh khỏi. Điều này giải thích tại sao phương Tây nói chung đã thất bại trong việc dự đoán và chuẩn bị cho những rắc rối mà chúng ta đang đối mặt. Chúng ta đã ngừng coi trọng các mối đe dọa từ bên ngoài, chúng ta tự giải giới một cách có hệ thống, cắt giảm ngân sách quân sự, và từ bỏ nền văn hóa của mình. Rốt cuộc, lịch sử đã kết thúc.
Điều này thật dại dột. Rõ ràng là trên thế giới có và luôn luôn có những kẻ ác độc không mong muốn điều tốt đẹp cho chúng ta và không muốn có nền dân chủ tự do ở quê nhà. Họ cũng thấy bực bội với nền dân chủ ở ngoại quốc. Những kẻ mạnh và những kẻ chuyên quyền của các chế độ đối kháng có rất ít điểm chung ngoại trừ mong muốn thấy phương Tây bị hạ nhục hoặc ít nhất là co vòi lại. Nhưng hiện tại họ đang hợp tác với nhau để cố gắng đạt được chính xác điều đó. Họ đã phát hiện ra điểm yếu và hành động ngay khi phương Tây dễ bị tổn thương và mất tập trung nhất.
Cho đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự can thiệp liên tục vào bầu cử, chiến tranh ở Ukraine, và gần đây là chiến tranh ở Gaza (do Hamas và Iran thúc đẩy). Liệu những vấn đề này sẽ phát triển và lan rộng hay không? Liệu Trung Quốc có sớm nắm bắt cơ hội này để xâm chiếm Đài Loan hay không?
Bất kỳ điều nào có thể xảy ra trong số đó đều có thể thử thách quyết tâm của phương Tây, đặc biệt là của Mỹ, trong việc đối diện với điểm tới hạn. Kẻ thù của chúng ta biết rõ điều này. Họ cũng biết rằng câu hỏi chủ yếu sẽ không phải là liệu quân đội phương Tây có đương đầu được với thách thức hay không — mặc dù đó chắc chắn là một câu hỏi đáng suy nghĩ. Điều chúng ta cần tự hỏi mình hơn hết là liệu phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có đủ tự tin để đứng lên bảo vệ lợi ích của chính mình hay không. Sẽ chẳng ích gì khi tiếp tục bảo vệ một hệ thống quốc tế do phương Tây tạo ra nếu không còn ai tin vào hệ thống này, và không ai muốn bảo tồn các giá trị của chúng ta.
Nếu phương Tây, với Mỹ đứng đầu, quá chia rẽ hoặc bận tâm đến các vấn đề nội bộ để kiểm soát hệ thống thế giới mà họ tạo ra và để trừng phạt những ai tìm cách phá hoại hệ thống, thì những kẻ độc tài và những kẻ mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy, chế nhạo, và tấn công chúng ta cho đến khi chúng ta bỏ cuộc và rút lui.
Tôi nêu ra những vấn đề này ngay lúc này, bởi vì thế giới vào năm 2024 có vẻ sẽ nguy hiểm và bạo lực hơn nhiều so với trước đây. Rắc rối không chỉ xảy ra ở ngoại quốc mà còn ở trong nước, dưới hình thức phản đối bạo lực và siêu phân cực. Lờ mờ từ xa và ngày càng đến gần hơn là bóng ma của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Mười Một. Dù kết quả thế nào, có vẻ như bên thua sẽ không công nhận tính hợp pháp của bên thắng như năm 2016 và 2020. Nhưng hãy hy vọng mọi chuyện sẽ không diễn ra như vậy.
Trong lúc chờ đợi, chúng ta hãy hy vọng và cầu nguyện rằng chúng ta có thể kết nối lại bản thân với những giá trị đã làm nên sự vĩ đại của phương Tây, cũng như lấy lại nghị lực cần thiết để bảo vệ bản thân chúng ta và thế giới mà chúng ta đã xây dựng.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times