Đảng Dân Chủ thúc đẩy Dự luật Cải cách HR1 qua Hạ viện mà không điều trần
Hôm 02/03, Đảng Dân Chủ đã đưa “Đạo luật Vì Nhân dân” H.R. 1 của họ ra trước sàn Hạ viện trong khi chỉ cho phép xem xét một vài sửa đổi từ phía Đảng Cộng Hòa và chỉ sau một phiên điều trần ủy ban chiếu lệ duy nhất.
Bản đề xướng khổng lồ dài gần 800 trang này sẽ làm luật liên bang dựa trên nhiều thủ tục đăng ký cử tri và bỏ phiếu của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 gây tranh cãi nhất —vốn là những biện pháp được các quan chức tiểu bang thi hành từ đầu để ứng phó với đại dịch virus Trung Cộng và phong tỏa toàn quốc. Virus này còn được gọi là virus corona chủng mới.
Hạ viện đã tranh luận về dự luật này gần như suốt buổi sáng, sau đó bắt đầu xem xét 56 sửa đổi được phép đưa ra sàn họp để bỏ phiếu. Chỉ có 7 trong số các sửa đổi này là do Đảng Cộng Hòa soạn thảo. Một phiên bỏ phiếu để thông qua chung cuộc dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 03/03.
Trong số các điều khoản gây tranh cãi gay gắt nhất của Dự luật HR1 có các điều khoản quy định việc bỏ phiếu phổ thông qua thư toàn quốc, đăng ký bỏ phiếu cho thanh niên 16 và 17 tuổi, bỏ phiếu sớm thường trực, xác minh tối thiểu để đăng ký trực tuyến, hợp pháp hóa việc thu hoạch phiếu bầu, các quỹ liên bang đối ứng những khoản đóng góp cá nhân dành cho các ứng cử viên, và quyền bỏ phiếu cho những người phạm trọng tội sau khi mãn hạn tù.
Nhưng bản đề xướng này cũng bao hàm những thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực điều hành của Hoa Kỳ, bao gồm các vấn đề hiến pháp như quy định dành cho công chức về việc ai có thể nói gì và khi nào về một ứng cử viên cho chức vụ liên bang. Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) sẽ được chuyển đổi thành một tổ chức đảng phái theo quy tắc đa số thay vì cơ cấu hiện tại, vốn yêu cầu sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với các quy định.
Bản đề xướng này cũng cho phép các ứng cử viên liên bang rút tiền lương từ các quỹ tranh cử do các cá nhân và những nhóm lợi ích đặc biệt có quan tâm đến các đề xướng trước Quốc hội đóng góp, một hình thức thu nhập trước nay chưa từng hợp pháp.
Bản đề xướng cũng chuyển thẩm quyền xác định các khu vực thuộc quốc hội từ các tiểu bang sang cho các ủy ban độc lập mới được cấu thành bởi các học giả, các quan chức nhà nước, và các công dân độc lập.
Trong cuộc thảo luận chung buổi sáng về dự luật này, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Hạ viện Zoe Lofgren (Dân Chủ-California) cho biết, “Cuộc bầu cử vừa qua, được tiến hành giữa một đại dịch ngàn năm có một đã chứng kiến những thay đổi khiến nhiều người dân Mỹ bỏ phiếu dễ dàng hơn. Những cải cách như bỏ phiếu khiếm diện và bỏ phiếu sớm. Dự luật này cũng tập trung cao độ vào những gì mà nhiều người trong chúng ta đều đã biết, những điều bất công sâu sắc vẫn còn tồn tại trong hệ thống dân chủ của chúng ta.”
Bà Lofgren, người quản lý các bài thuyết trình của những người ủng hộ, đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử năm 2020 có “số lượng cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục mà không có trường hợp bất thường nào về bầu cử được coi là đáng tin cậy,” và “chúng ta nên bảo vệ quyền truy cập lá phiếu, không hạn chế quyền này.”
Dân biểu Rodney Davis (Cộng Hòa-Illinois), thành viên cao cấp Đảng Cộng Hòa thuộc ủy ban quản lý này đồng thời là người quản lý các bài thuyết trình của phe đối lập, đã nói trước Hạ viện trong cuộc tranh luận buổi sáng rằng “dự luật này dài gần 800 trang điều khoản nhằm tước bỏ khỏi tiểu bang và địa phương các quyết định bầu cử và giao chúng vào tay chính phủ liên bang.”
“Nó tấn công quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án Thứ nhất của người dân Mỹ và công khai tài trợ cho các thành viên của các chiến dịch tranh cử của Quốc hội bằng cách sử dụng tiền của doanh nghiệp … H.R.1 sẽ rửa tiền của doanh nghiệp thông qua Bộ Tài chính Hoa Kỳ và sử dụng số tiền đó để tài trợ công khai cho các chiến dịch tranh cử vào quốc hội.
“Tôi biết điều này khi tôi nói chuyện với các cử tri ở quê nhà, việc thiết lập một chương trình giúp tôi kiếm được nhiều tiền hơn cho chiến dịch tranh cử của mình không phải là điều mà họ nghĩ một chính phủ liên bang nên làm.”
Dân biểu Debbie Lesko (Cộng Hòa-Arizona) mô tả dự luật này là “không phải cho người dân, mà là dành cho các chính trị gia. Dự luật này vũ khí hóa Ủy ban Bầu cử Liên bang, vi phạm quyền của các tiểu bang, và hạn chế đáng kể quyền tự do ngôn luận.”
Tại một thời điểm trong phiên điều trần, Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) đã đặt câu hỏi, “Tại sao chúng ta không hề có một cuộc tranh luận nào ở đây về những vấn đề này và những lo ngại tiềm ẩn đối với các lá phiếu gửi qua thư, vốn là một phần của mối quan tâm phi đảng phái? Tại sao chúng ta không có cuộc tranh luận sôi nổi ở đây trên sàn này để người dân Mỹ chứng kiến?”
Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steny Hoyer (Dân Chủ-Maryland) đã trả lời, “Đó là một cuộc tranh luận hợp pháp cần phải có và tôi nghĩ chúng ta đã vừa có cuộc tranh luận đó rồi. Và rất thẳng thắn mà nói, tôi nói với người bạn đến từ Texas của tôi này, tôi nghĩ chúng tôi đã thắng trong cuộc tranh luận đó. Chúng tôi đã chiến thắng tại các tòa án hết lần này đến lần khác.”
Ban hội thẩm của bà Lofgren, vốn có quyền tài phán vượt trên thẩm quyền giám sát bầu cử liên bang, đã tổ chức một phiên điều trần ngày 25/02 về dự luật H.R.1 mà Đảng Cộng Hòa mô tả chừng đó là ít hơn nhiều so với mức cần phải dành cho một đề xướng lập pháp tầm cỡ như vậy.
Ông Davis nói trước buổi điều trần rằng ông cùng hai đồng nghiệp Đảng Cộng Hòa của mình trong ban hội thẩm này “đã đệ trình tổng cộng 25 sửa đổi tại đây ngày hôm nay. Chúng tôi đã gửi những sửa đổi này lên vì đa số đã quyết định không tuân theo trật tự thông thường và phủ nhận bên thiểu sốcùng tiếng nói của nhiều người dân Mỹ về dự luật này.”
“Dự luật này không những không được xem xét lại, mà ủy ban của chúng ta còn chỉ tổ chức một phiên điều trần về dự luật dài gần 800 trang này thôi. Phiên điều trần đó diễn ra cách đây 4 ngày. Trong phiên điều trần, nhân chứng của phe Thiểu số là người duy nhất trong ban hội thẩm đã thực sự tham gia điều hành một cuộc bầu cử. Ông ấy đã chứng nhận rằng H.R. 1 sẽ không chỉ khó thực hiện đối với nhiều tiểu bang mà còn làm suy yếu nhiều chính sách mà các tiểu bang đang áp dụng để cải thiện quy trình bầu cử vì những nhu cầu đặc thù của cử tri của họ.”
Hạ viện dự kiến sẽ tiếp tục tranh luận về 56 sửa đổi vào thời gian còn lại trong ngày.
Do Mark Tapscott thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: