Đảng Dân Chủ tại Thượng viện bỏ phiếu để nâng trần nợ
Hôm thứ Ba (14/12), Thượng viện đã bỏ phiếu để nâng giới hạn nợ lên 2.5 ngàn tỷ USD cho đến năm 2023 sau nhiều tháng tranh cãi chính trị giữa Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa.
Được thông qua sau một cuộc bỏ phiếu theo quan điểm đảng phái với tỷ lệ 50–49, dự luật nâng trần nợ này dự kiến sẽ nhanh chóng đến bàn của Tổng thống Joe Biden để có chữ ký của ông.
Không hài lòng với việc “chi tiêu ngoài tầm kiểm soát” của Đảng Dân Chủ, toàn bộ 50 thành viên Đảng Cộng Hòa đã từ chối giúp Đảng Dân Chủ nâng mức trần nợ, một quan điểm mà họ đã giữ vững trong nhiều tháng.
Sau khi Đảng Cộng Hòa đã áp dụng thủ tục tranh luận không giới hạn (Filibuster) nhằm chặn nỗ lực nâng mức trần nợ thông qua các biện pháp lập pháp thông thường, các nhà lãnh đạo của cả hai bên đã đạt được một giao kèo tạm thời để gia hạn mức trần nợ cho đến khi đạt được một thỏa thuận.
Cuối cùng, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) và Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã đạt được một thỏa thuận thay đổi các quy tắc của Thượng viện để cho phép Đảng Dân Chủ thông qua dự luật này bằng đa số phiếu quá bán mà không có sự ủng hộ của bất kỳ thành viên Đảng Cộng Hòa nào.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra khi Bộ Ngân khố đang trên bờ vực vỡ nợ, một tình huống mà Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã cảnh báo là “thảm khốc” về mặt kinh tế.
Trong nhiều tháng, Bộ Ngân khố đã sử dụng những gì bà Yellen mô tả là “các biện pháp đặc biệt” để tiếp tục thanh toán lãi suất cho các khoản nợ của Hoa Kỳ. Bà Yellen và những người khác đã khuyến khích Thượng viện nhanh chóng đạt được một thỏa thuận và nâng mức trần nợ, nhưng sự chia rẽ chính trị giữa hai đảng lớn là một rào cản cho mục tiêu đó trong nhiều tháng.
Bắt đầu từ tháng Tám, các thành viên Đảng Cộng Hòa khẳng định rằng họ sẽ không giúp Đảng Dân Chủ nâng trần nợ vì những bất đồng với sự “chi tiêu liều lĩnh” của Đảng Dân Chủ.
Trong một lá thư do Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) đứng đầu và được mọi thành viên của Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện ký tên, Đảng Cộng Hòa đã bảo vệ quan điểm của mình. Họ lập luận rằng với việc sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách, vốn cho phép một số loại dự luật vượt qua các quy tắc thông thường của Thượng viện để được thông qua với đa số quá bán, các thành viên Đảng Dân Chủ đã làm rõ quan điểm lãnh đạo một mình.
Và trên thực tế, Đảng Dân Chủ đã nhiều lần sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách trong thời gian giới hạn mà Quốc hội khóa 117 tại vị.
Hồi mùa xuân, Đảng Dân Chủ đã sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách để thông qua Kế Hoạch Giải Cứu Hoa Kỳ và một dự luật trị giá 1.9 ngàn tỷ USD đã được thông qua mà không có sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa. Đảng Dân Chủ đang sử dụng lại biện pháp này để thúc đẩy dự luật chi tiêu xã hội trị giá 1.85 ngàn tỷ USD mang tên Xây Dựng Lại Tốt Hơn (Build Back Better), vốn ban đầu có một mức giá lớn hơn nhiều là 3.5 ngàn tỷ USD.
Những người phê bình thuộc Đảng Cộng Hòa lập luận rằng vì Đảng Dân Chủ đã quá cởi mở với thủ tục này để đạt các mục tiêu chính trị của riêng họ, đến mức họ sẽ không ngần ngại sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách để nâng trần nợ.
Tuy nhiên, ông Schumer và các thành viên Đảng Dân Chủ khác kiên quyết bác bỏ cách tiếp cận này, gọi nó là “quá rủi ro” vì các quy tắc phức tạp chi phối quy trình điều chỉnh.
Một điều cân nhắc khác cũng có thể nằm trong những mối quan tâm hàng đầu của họ: Mặc dù đôi khi việc nâng trần nợ là do chi tiêu liên bang yêu cầu, nhưng các cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng việc nâng trần nợ về mặt chính trị không được công dân Hoa Kỳ ưa chuộng.
Một số nhà quan sát tranh luận rằng Đảng Dân Chủ đã hy vọng rằng một số thành viên Đảng Cộng Hòa sẽ bỏ phiếu với họ để giúp mình có ưu thế chính trị trong mùa bầu cử sắp tới.
Về phần mình, các thành viên Đảng Dân Chủ cáo buộc Đảng Cộng Hòa đã biến một nỗ lực trong lịch sử từng thuộc về lưỡng đảng thành một nỗ lực [chỉ] của một đảng phái.
Nhưng không hoàn toàn đúng [khi cho] rằng việc nâng trần nợ luôn được thực hiện trên cơ sở lưỡng đảng: Năm 2006, các Thượng nghị sĩ đương thời Joe Biden và Chuck Schumer đã bỏ phiếu cùng đảng của họ để gần như đồng thuận phản đối việc tăng trần nợ, với lý do bất đồng với chính phủ của Tổng thống George W. Bush.
Các thành viên Đảng Dân Chủ vào thời điểm đó, bao gồm cả ông Biden, đã khẳng định cuộc bỏ phiếu này là một cuộc bỏ phiếu phản đối mang tính biểu tượng, và nói rằng họ không muốn để quốc gia vỡ nợ.
Trong tuyên bố của họ về mức trần nợ, các thành viên Đảng Cộng Hòa nhấn mạnh lập luận tương tự, khẳng định rằng họ không muốn quốc gia vỡ nợ. Họ lập luận rằng thông qua việc sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách này, Đảng Dân Chủ có thể tùy ý tự lãnh đạo một mình và tránh vỡ nợ.
Sau khi được thông qua, dự luật giờ đây sẽ được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Biden, nơi nó được dự kiến sẽ nhanh chóng được ký thành luật.
Ông Joseph Lord là một phóng viên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times, chuyên về Đảng Dân Chủ. Ông lấy bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Clemson và là một học giả trong Chương trình Lyceum.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: