Đảng Dân Chủ giới thiệu dự luật giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán SCOTUS xuống còn 18 năm
Được dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ Cory Booker (Dân Chủ-New Jersey), Đảng Dân Chủ tại Thượng viện đã giới thiệu một dự luật hôm 02/08 để giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán Tối cao Pháp viện (SCOTUS), những người hiện đang phục vụ suốt đời, xuống còn 18 năm.
Dự luật được đề nghị nói trên được đưa ra khi Đảng Dân Chủ tức giận trước các quyết định gần đây của tòa án vốn trao lại quy định phá thai cho các tiểu bang, mở rộng quyền sử dụng súng, và hạn chế các quyền về quản lý môi trường của chính phủ. Dự luật này có rất ít cơ hội được thông qua với một Quốc hội phân cực theo tỷ lệ 50-50 và cuộc bầu cử quốc hội chỉ cách ba tháng nữa, nhưng dự luật có khả năng sẽ xuất hiện trở lại trong Quốc hội tiếp theo.
Đề nghị về Đạo luật Hiện đại hóa việc Nắm giữ chức vụ và Hưu trí của Tối cao Pháp viện (TERM) được các Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island), Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut), Brian Schatz (Dân Chủ-Hawaii), và Mazie Hirono (Dân Chủ-Hawaii) ủng hộ.
“Tối cao Pháp viện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp,” ông Booker nói trong một thông cáo báo chí.
“Cuộc khủng hoảng này là kết quả của những phán quyết có quan điểm cực đoan nhằm hủy bỏ nhiều năm tiền lệ pháp lý và trái ngược với quan điểm của người dân Mỹ, những sai sót về đạo đức, và việc chính trị hóa quy trình xác nhận của Tối cao Pháp viện bởi các thành viên Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện có ý định sử dụng quyền lực chính trị tuyệt đối để biến đổi Tòa án này.”
“Người dân Mỹ đã mất niềm tin vào Tối cao Pháp viện của quốc gia chúng ta và, kế đến là, nền dân chủ của chúng ta. Những thay đổi căn bản là cần thiết để khôi phục niềm tin vào tổ chức này. Việc đặt ra các giới hạn nhiệm kỳ sẽ tạo ra khả năng dự đoán và giảm bớt rủi ro của các thủ tục xác nhận trong tương lai, phi chính trị hóa Tòa án này.”
Mặc dù những người thuộc phái bảo tồn truyền thống đã hoan nghênh hướng đi đúng đắn của Tối cao Pháp viện, nhưng một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng trước cho biết niềm tin của người Mỹ vào Tối cao Pháp viện đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 25%, giảm 11 điểm kể từ năm 2021.
“Các giới hạn về nhiệm kỳ sẽ giúp khôi phục uy tín và sự tin cậy đối với tòa án tối cao của quốc gia chúng ta,” ông Blumenthal nói. “Do bị tách biệt khỏi công chúng và bị chính trị hóa hơn bao giờ hết, nên Tối cao Pháp viện sẽ tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp nếu không có cải cách căn bản.”
Dự luật trên sẽ áp đặt một cơ chế phức tạp để quy định ai phục vụ tại Tối cao Pháp viện.
Theo một bản tóm tắt được cung cấp bởi ông Booker, cứ hai năm một lần một thẩm phán mới sẽ được bổ nhiệm và dành ra 18 năm phục vụ. Việc bổ nhiệm các thẩm phán mới sẽ chỉ được phép trong năm đầu tiên và năm thứ ba sau cuộc bầu cử tổng thống. Các thẩm phán đã về hưu sẽ tạm thời lấp đầy các ghế trống của tòa án nếu số lượng thẩm phán giảm xuống dưới chín người.
Nhưng nhà bình luận về pháp luật thuộc phái bảo tồn truyền thống Curt Levey, chủ tịch Ủy ban Tư pháp, nói rằng dự luật trên — mà ông nói là áp dụng cho các thẩm phán đang tại vị — là “vi hiến một cách trắng trợn”.
Điều 3, Mục 1 của Hiến pháp, quy định rằng “các thẩm phán, cả ở Tối cao Pháp viện và tòa án cấp thấp, sẽ giữ chức vụ của họ khi có hành vi tốt.” Điều khoản “hành vi tốt” được hiểu là các thẩm phán liên bang, bao gồm cả các thẩm phán của Tối cao Pháp viện, tiếp tục phục vụ trừ khi họ bị Hạ viện luận tội và bị Thượng viện kết tội “phản quốc, hối lộ, hoặc các trọng tội và tội nhẹ khác. ”
“Tăng số lượng thẩm phán” của tòa án này bằng cách thay đổi quy chế liên bang đã ấn định số thẩm phán là chín “sẽ không vi hiến, nhưng việc làm này [theo đạo luật trên] sẽ là vi hiến và rõ ràng cần phải sửa đổi hiến pháp,” ông Levey nói với The Epoch Times.
Các thượng nghị sĩ ủng hộ dự luật này cho thấy một “sự coi thường, gần như là khinh thường, đối với Hiến pháp” bằng cách giới thiệu một dự luật “mà họ biết là vi hiến.”
Ông Levey nói thêm rằng ông không phản đối các giới hạn nhiệm kỳ “nhưng việc đó sẽ phải được thực hiện theo cách phi đảng phái, điều đó có nghĩa là nó không thể áp dụng cho các thẩm phán đang tại vị, và có lẽ không nên áp dụng cho phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống này.”
“Nếu quý vị có thể áp dụng nó cho các thẩm phán đang tại vị, hoặc quý vị có thể áp dụng nó cho tổng thống đương nhiệm, thì quý vị có thể thấy những động cơ chính trị,” ông nói. Nhưng nếu “luật đó chỉ áp dụng trong tương lai, bắt đầu từ nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, thì tôi sẽ không phản đối điều đó.”
“Tôi không nghĩ có lý do gì khiến các thẩm phán phải phục vụ suốt đời,” ông Levey cho biết. “Tri thức mà họ sẽ đạt được khi quay trở lại thế giới thực có lẽ sẽ khiến họ trở thành những thẩm phán tốt hơn.”
Tổ chức bất vụ lợi của ông Levey tự mô tả mình là “nỗ lực khôi phục tầm nhìn của Các Tổ phụ lập quốc về một cơ quan tư pháp liên bang được điều hành bởi pháp quyền và dựa trên Hiến pháp.”
Hồi tuần trước, Dân biểu Hank Johnson (Dân Chủ-Georgia) đã giới thiệu một dự luật đồng hành tại Hạ viện mang tên H.R. 8550.
Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về hoạt động của cánh tả.