Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện ngăn cản dự luật bầu cử mới nhất của Đảng Dân Chủ
Hôm 03/11, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện đã cản trở một dự luật bầu cử do Đảng Dân Chủ đệ trình, tiếp nối một sự chia rẽ lâu nay giữa hai đảng về luật liên quan đến bầu cử.
Cuộc bỏ phiếu chủ yếu theo quan điểm đảng phái này chỉ có một “kẻ đào ngũ” là Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (Cộng Hòa-Alaska), người đã tham gia Đảng Dân Chủ để ủng hộ dự luật, và hiện là nhà lập pháp duy nhất của Đảng Cộng Hòa ủng hộ bất kỳ dự luật bầu cử nào của Đảng Dân Chủ. Phó Tổng thống Kamala Harris đã chủ trì cuộc bỏ phiếu này.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân chủ-New York) cho biết sau khi đạo luật này không được thông qua, “Sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, rõ ràng là Đảng Cộng Hòa hiện đại đã quay lưng lại với việc bảo vệ quyền bầu cử.”
Ông Schumer gật đầu bày tỏ sự biết ơn tới bà Murkowski vì đã ủng hộ dự luật, nhưng hỏi, “Phần còn lại của đảng Lincoln ở đâu?”
Dự luật, được gọi là Đạo luật Thúc đẩy Quyền Bầu cử John R. Lewis, ban đầu được đưa ra tại Hạ viện bởi dân biểu Terri Sewell (Dân chủ-Alaska). Đạo luật tương tự đã được Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (Dân chủ-Vermont) đưa ra trước Thượng viện vào đầu tháng 10.
Trong một bài bình luận đăng trên Montgomery Advertiser vào tháng Tám, bà Sewell đã lập luận rằng luật về tính liêm chính của cử tri cấp tiểu bang đang đặt Đạo luật Quyền Bầu cử (VRA) năm 1965 “vào tình thế nguy hiểm.” Bà Sewell đã so sánh “nỗ lực cấp tiểu bang nhằm hạn chế quyền bầu cử” với “các cuộc tấn công Jim Crow thời hiện đại.”
Về cơ bản, dự luật này có mục đích khôi phục các điều khoản của VRA mà bà Sewell và các thành viên Đảng Dân chủ khác cáo buộc Tối cao Pháp viện đã “rút ruột”.
Một số cơ chế thực thi của VRA đã bị hủy bỏ vào năm 2013 sau khi tòa án cao cấp này ra phán quyết rằng hoàn cảnh đã thay đổi đáng kể trong hơn 50 năm kể từ khi dự luật được thông qua đến mức không thể biện minh cho những cơ chế “bất thường” này nữa.
Theo VRA, các tiểu bang được chính phủ liên bang coi là có lịch sử phân biệt đối xử bị cấm thay đổi luật bầu cử của họ mà không được liên bang “y chuẩn trước” trước khi thông qua luật.
Sau quyết định năm 2013 của Tối cao Pháp viện, một số tiểu bang đã gấp rút tăng cường luật bầu cử của họ. Sự gấp gáp nhằm tăng cường hơn nữa các quy tắc bầu cử tiểu bang chỉ tăng thêm kể từ đó, khi Đảng Cộng Hòa ưu tiên bảo đảm các cuộc bầu cử trong bối cảnh có những điểm không nhất quán trong cuộc tuyển cử năm 2020.
Theo dự luật bị Đảng Cộng Hòa ngăn trở, yêu cầu y chuẩn từ trước của liên bang sẽ trở lại có hiệu lực hoàn toàn.
Các thành viên Đảng Dân Chủ cho rằng nhiều luật bầu cử do Đảng Cộng Hòa thông qua là phân biệt đối xử và nhằm vào các nhóm thiểu số. Trong khi tòa án cao nhất của đất nước bác bỏ lập luận này trong vụ kiện năm 2021, Brnovich kiện Ủy ban Quốc gia Dân Chủ (pdf), các thành viên Đảng Dân Chủ tiếp tục cảnh báo rằng một kỷ nguyên Jim Crow mới đang cận kề.
Đạo luật Quyền Bầu cử của John Lewis là một trong nhiều dự luật bầu cử được Đảng Dân chủ đưa ra.
Một biện pháp được đề nghị khác, được gọi là Đạo luật “Vì Người dân”, sẽ thay đổi hoàn toàn các cuộc bầu cử và cấm các tiểu bang sử dụng nhiều trong số các biện pháp an ninh bầu cử mà họ hiện đang dùng. Sau khi Thượng nghị sĩ ôn hòa Joe Manchin (Dân chủ-West Virginia), lá phiếu dao động chủ chốt, tuyên bố phản đối dự luật này, Đảng Dân Chủ đã loại bỏ nó.
Kể từ khi lên nắm quyền, các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội khóa 117 đã phản đối các nỗ lực của Đảng Dân Chủ nhằm liên bang hóa các cuộc bầu cử, và trước đây đã sử dụng phương pháp filibuster này trong các dự luật bầu cử khác.
Hôm 20/10, các thành viên Đảng Cộng Hòa đã cùng loại bỏ Đạo luật “Tự do Bỏ phiếu” của Đảng Dân Chủ.
Dự luật đó, được tạo ra trong một nỗ lực thỏa hiệp do ông Manchin dẫn đầu, sẽ tạo ra các yêu cầu mới cho các nhóm tiết lộ thông tin về các nhà tài trợ của họ, đặt tên Ngày Bầu Cử là ngày lễ quốc gia, và tạo ra các tiêu chuẩn liên bang cho việc bỏ phiếu qua thư, bỏ phiếu sớm, và ID cử tri.
Trước cuộc bỏ phiếu hôm 20/10, Thượng nghị sĩ Dick Durbin (Dân chủ-Illinois) đã yêu cầu Đảng Cộng Hòa ít nhất phải xem xét đề nghị và không sử dụng quyền tranh luận không giới hạn filibuster, mà ông gọi là “vũ khí của Jim Crow”.
Sự thất bại của dự luật mới nhất này có thể sẽ làm dấy lên những lời kêu gọi của các thành viên Đảng Dân Chủ về việc thay đổi hoặc bãi bỏ filibuster.
Sự ví von filibuster với Jim Crow của ông Durbin thường được các đồng sự của ông nhắc lại, những người đã yêu cầu kết thúc quy trình này.
Trong một cuộc phỏng vấn, Dân biểu Jim Clyburn (Dân chủ-South Carolina) nói rằng các dự luật bầu cử liên quan đến “quyền hiến định” và “không nên bị loại bỏ.” Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân chủ-Oregon), người đã giới thiệu Đạo luật Vì Người dân, vào đầu năm nay đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với CBS rằng đó sẽ là “ngày tận thế của bầu cử” nếu các quy tắc filibuster không được thay đổi. Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) lên tiếng ủng hộ việc thay đổi hoặc loại bỏ filibuster, nói rằng “tại một thời điểm nào đó, quý vị phải hoàn thành công việc.”
Nhưng những người khác trong nhóm, bao gồm cả ông Manchin, phản đối điều này.
Ông Manchin trong quá khứ đã hứa sẽ bảo vệ filibuster, bác bỏ những nỗ lực từ đảng của ông nhằm loại bỏ hoặc vô hiệu hóa quy trình nghị viện này. Một người ôn hòa quan trọng khác, Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Dân chủ-Arizona) cũng nói như vậy, gọi quy trình này là “một công cụ” quan trọng để bảo vệ quyền của đảng thiểu số trong thượng viện.
Trong khi ông đã ủng hộ các dự luật bầu cử của đảng mình, Tổng thống Joe Biden cũng đã từ chối mọi nỗ lực nhằm loại bỏ filibuster, nhưng ông đã cho thấy mình cởi mở trong việc cải cách quy trình này.
Ông Joseph Lord là một phóng viên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times, tập trung vào Đảng Dân Chủ. Ông lấy bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Clemson và là một học giả trong Chương trình Lyceum.
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: