Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện lo ngại về dự luật mềm mỏng với Trung Quốc, yêu cầu một đối sách cứng rắn hơn
Vào tuần này, Thượng viện Hoa Kỳ dự định sẽ bỏ phiếu cho một dự luật toàn diện về Trung Quốc để ứng phó với sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu đang lên của Bắc Kinh. Không rõ liệu thời gian thông qua dự luật này ở Hạ viện sẽ là bao lâu, nhưng một số đảng viên Đảng Cộng Hòa đang phản đối một dự luật song hành đang cố gắng giảm nhẹ các điều khoản liên quan đến vấn đề nhân quyền và Đài Loan trong dự luật tại Thượng viện nói trên.
Hôm 18/05, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã hé lộ Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới năm 2021 của lưỡng đảng Hoa Kỳ, một phiên bản mở rộng với tên gọi khác của Đạo luật Biên giới Vô tận của ông. Dự luật toàn diện giờ đây dài 1,445 trang này có mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ của chính phủ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhằm giải quyết sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.
Sau khi đã xem xét một số thay đổi cuối cùng, Thượng viện dự định sẽ bỏ phiếu cho dự luật này vào ngày 08/06, với hạn mức cần thiết để dự luật được thông qua là 60 phiếu bầu.
Hôm 07/06, ông Schumer đã nói tại Thượng viện, “Đây sẽ là một trong những việc quan trọng nhất mà chúng ta từng thực hiện trong một thời gian rất dài,” và gọi đây là một “sự đầu tư lớn nhất” vào nghiên cứu khoa học và phát minh công nghệ trong hàng thập kỷ.
Bản cuối của dự luật là kết quả của hơn 20 bản điều chỉnh và một số dự luật của lưỡng đảng. Nếu được chấp thuận tại Thượng viện, Hạ viện có thể thông qua dự luật đã được Thượng viện chấp thuận hoặc triệu tập một hội nghị để giải quyết những bất đồng giữa các bản dự luật [của lưỡng viện].
Để tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế của Hoa Kỳ và chống lại ảnh hưởng kinh tếcủa Trung Quốc, hôm 25/05, Dân biểu Gregory Meeks (Dân Chủ-New York), chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, đã đưa ra một dự luật mang tên “Bảo đảm Sự tham dự và Vai trò Lãnh đạo Toàn cầu của Hoa Kỳ,” hay còn gọi là Đạo luật EAGLE.
Mặc dù nhiều điều khoản trong dự luật trên giống với các điều khoản trong dự luật tại Thượng viện, nhưng một số nội dung về vấn đề Đài Loan trong dự luật này đã bị loại bỏ hoặc có hướng tiếp cận mềm mỏng hơn.
Ví dụ, Đạo luật EAGLE đã xoá bỏ nội dung yêu cầu Chính Phủ Hoa Kỳ bảo vệ “sự tham dự quan trọng của Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc” trong dự luật tại Thượng viện. Thêm vào đó, so với dự luật tại Thượng viện, dự luật này đã loại bỏ quy định về việc Hoa Kỳ cần “mạnh mẽ chống lại bất cứ hành động nào của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa nhằm sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng của Đài Loan.”
Phân tích chuyên sâu hơn của The Epoch Times cũng cho thấy một số mục quy định chi tiết về đối sách của Hoa Kỳ trước sự hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan trong dự luật tại Thượng viện đều đã bị xoá bỏ hoặc thay đổi trong phiên bản của dự luật này tại Hạ viện.
Một số đảng viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã bày tỏ lo ngại trước những thay đổi này và kêu gọi lưỡng đảng hành động.
Dân biểu Steve Chabot (Cộng Hòa-Ohio) nói với The Epoch Times qua email rằng: “Chúng ta cần chung sức trong một nỗ lực lưỡng đảng nhằm đáp trả với một văn bản pháp lý cứng rắn để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những hành động gây hấn đối với các quốc gia láng giềng và những hành động lạm dụng tại chính nước này.”
Ông Chabot, cũng là một đảng viên Đảng Cộng Hòa hàng đầu của Tiểu ban Đối ngoại về Á Châu, cho rằng sự đáp trả của Hoa Kỳ trước những mối đe dọa từ Trung Cộng “cho đến nay vẫn còn thiếu sót một cách nghiêm trọng.”
Ông nói, “Ngay lúc này đây, Thượng viện đang trong quá trình hoàn thành một dự luật lưỡng đảng để giải quyết vấn đề này. Tuy vậy, phiên bản đầu tiên tại Hạ viện của dự luật này không đủ cứng rắn trong rất nhiều vấn đề trọng yếu từ sự ủng hộ của chúng ta đối với nền dân chủ của Đài Loan, cho đến một sự đáp trả thích đáng đối với cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh, thậm chí cho đến cả cách tiếp cận của chúng ta đối với Thế vận hội Bắc Kinh 2022.”
Bản Hạ viện của dự luật này cũng gạt bỏ một mục kêu gọi “Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hành vi cưỡng hiếp, ép buộc phá thai, cưỡng bức triệt sản, hoặc cấy vòng tránh thai không tự nguyện một cách có hệ thống tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.”
Bản Hạ viện của dự luật cũng đồng thời loại bỏ các quy định liên quan đến việc tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 và yêu cầu báo cáo về nguồn gốc của đại dịch COVID–19.
Dân biểu August Pfluger (Cộng Hòa-Texas) đã nói trong một email: “Một số phần của dự luật này thật đáng lo ngại, vì thế tôi mong rằng Chủ tịch [Meeks] sẽ sẵn sàng làm việc với các đảng viên Đảng Cộng Hòa trong uỷ ban để củng cố lại dự luật. Ứng phó với Trung Cộng không chỉ là vấn đề của riêng Đảng Cộng Hòa, hay Đảng Dân Chủ. Đó là vấn đề của [toàn] dân Hoa Kỳ. Và đó là cách mà chúng ta nên tiếp cận với dự luật này-cùng nhau, với tư cách là người dân Hoa Kỳ.”
Đáp lại, một trợ lý của Đảng Dân Chủ tại uỷ ban này đã nói rằng những lời chỉ trích trên không phản ánh chính xác về dự luật.
Vị trợ lý uỷ ban này cho hay, “Đạo luật EAGLE không phải là bản song hành của dự luật tại Thượng viện, đó là lý do vì sao ngôn từ của nó không giống với ngôn từ trong dự luật tại Thượng viện. Những đảng viên Đảng Cộng Hòa nào đang cố gắng diễn giải sai những điểm khác biệt giữa các dự luật thành những thiếu sót, thì họ cần phải đọc Đạo luật EAGLE kỹ lưỡng hơn.”
“Dự luật này có nhiều điều khoản nhân quyền mạnh hơn nhiều so với dự luật tại Thượng viện. Ví dụ, nó công khai gọi những gì đang diễn ra tại Tân Cương là một cuộc diệt chủng và bao hàm các biện pháp trừng phạt, hạn chế nhập cảng, cũng như những điều khoản tị nạn đặc biệt cho các nhóm dân bị ảnh hưởng. Dự luật cũng đề cập đến vấn đề Đài Loan và tình hình ở Hồng Kông, đồng thời đưa ra chính sách đáp trả rõ ràng báo hiệu sự trở lại của chính sách ngoại giao và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên trường quốc tế,” vị trợ lý ủy ban này nói, đồng thời cho biết thêm rằng báo cáo về nguồn gốc của COVID-19 đã được thông qua trong một dự luật ngân sách khác và thêm vào đó là một cuộc tẩy chay về mặt ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh.
Trong khi dự luật tại Thượng viện dự kiến sẽ được thông qua với một tỷ lệ lớn, nhiều thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã sớm lên tiếng bày tỏ lo ngại về dự luật này, gọi nó là một sự chi tiêu quá mức lãng phí.
Dự luật sẽ cho phép chi trả khoảng 190 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và tài trợ 54 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn tại Hoa Kỳ.
Khi được hỏi rằng liệu dự luật này có vấp phải sự phản đối từ các đảng viên Đảng Cộng Hòa hay không, văn phòng của Thượng nghị sĩ Todd Young (Cộng Hòa-Indiana), đồng bảo trợ cho dự luật này tại Thượng viện, đã bày tỏ sự lạc quan về cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện tuần này.
“Đây là một dự luật chống Trung Cộng lớn nhất, táo bạo nhất, sâu rộng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thượng nghị sĩ Young hài lòng với quy trình lưỡng đảng cởi mở và mong chờ dự luật được đăng đàn trong nay mai,” một phát ngôn viên của ông Young cho hay.
Bài viết được cập nhật hôm 08/06/2021.
Do Emel Akan thực hiện
Thiên Minh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: