Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đàn hặc ông Mayorkas về cuộc khủng hoảng biên giới
Sau khi thất bại trong một cuộc bỏ phiếu trước đó, những thành viên Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện đã đàn hặc thành công Bộ trưởng DHS—một quan chức nội các đầu tiên bị đàn hặc trong gần 150 năm trở lại đây.
Hôm 13/02, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas trở thành thành viên nội các tổng thống thứ hai duy nhất từng bị đàn hặc trong lịch sử 236 năm của chính phủ Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Mayorkas là người do Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm và được Thượng viện của Đảng Dân Chủ xác nhận hồi năm 2021. Thông qua một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 214 phiếu thuận–213 phiếu chống, trong đó tất cả trừ ba thành viên Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu ủng hộ và tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ bỏ phiếu phản đối, ông Mayorkas đã bị đàn hặc về hai tội liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới. Hạ viện đã vỗ tay tán thưởng sau khi kết quả được công bố.
Cựu Bộ trưởng Chiến tranh George Belknap đã từ chức năm 1876 sau khi Hạ viện thông qua năm tội danh đàn hặc ông. Thượng viện đã không kết án ông Belknap, người do Tổng thống Ulysses S. Grant bổ nhiệm.
Hành động này của Hạ viện diễn ra gần như chính xác một tuần sau khi hạ viện của Quốc hội thất bại trong việc đàn hặc vị Bộ trưởng An ninh Nội địa đã bị buộc tội này trong một cuộc bỏ phiếu với 215 phiếu thuận-215 phiếu chống. Tỷ lệ số phiếu đã thay đổi thành 216 phiếu chống và 214 phiếu thuận khi Dân biểu Blake Moore (Cộng Hòa-Utah) thay đổi phiếu bầu của mình thành một lá phiếu “chống” trong một hành động thích hợp để cho phép Hạ viện xem xét lại nghị quyết đàn hặc.
Lãnh đạo Khối đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana), đã vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tuần trước do đang điều trị ung thư máu, hôm 13/02 đã bỏ lá phiếu quyết định.
Ba thành viên Đảng Cộng Hòa đã phản đối nghị quyết đàn hặc hồi tuần trước đã bỏ phiếu tương tự lần thứ hai. Bộ ba này bao gồm Dân biểu Ken Buck của Colorado, Dân biểu Mike Gallagher của Wisconsin và Dân biểu Tom McLintock của California.
Các phản ứng
Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã lên án kết quả này.
“Những thành viên Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện sẽ được lịch sử nhớ đến vì đã chà đạp lên Hiến pháp vì lợi ích chính trị thay vì phối hợp để giải quyết những thách thức nghiêm trọng tại biên giới của chúng ta,” cô Mia Ehrenberg, một phát ngôn viên của DHS, nói trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu.
“Không dựa trên một chút bằng chứng hoặc cơ sở Hiến pháp hợp pháp nào, và bất chấp sự phản đối của lưỡng đảng, các thành viên Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện đã bôi nhọ một cách sai lầm một công chức tận tâm đã dành hơn 20 năm để thực thi luật pháp của chúng ta và phục vụ đất nước chúng ta. Bộ trưởng Mayorkas và Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục làm việc mỗi ngày để giữ an toàn cho người Mỹ,” cô Ehrenberg nói tiếp.
Tổng thống Joe Biden cũng đã chỉ trích việc đàn hặc, gọi đó là một “hành động đảng phái vi hiến trắng trợn” của một bộ phận các thành viên Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện, những người mà ông cáo buộc “là đang chơi trò chính trị với biên giới.”
Ông bảo vệ ông Mayorkas và cách giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới của chính phủ của mình, và khiển trách những thành viên Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện vì gần đây đã bác bỏ một gói viện trợ ngoại quốc của Thượng viện mà trong đó có các biện pháp an ninh biên giới.
“Quốc hội cần phải hành động để cung cấp cho tôi, Bộ trưởng Mayorkas, và chính phủ của tôi các công cụ và nguồn lực cần thiết để giải quyết tình hình tại biên giới,” tổng thống nói trong một tuyên bố.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã bảo vệ nỗ lực của các thành viên Đảng Cộng Hòa, nói rằng ông Mayorkas “xứng đáng bị đàn hặc.”
Ông Johnson nói trong một tuyên bố, “Ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, Bộ trưởng Mayorkas đã cố tình và kiên định từ chối tuân thủ luật nhập cư liên bang, gây ra thảm họa biên giới tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông ấy đã làm suy yếu lòng tin của công chúng thông qua nhiều tuyên bố sai sự thật trước Quốc hội, cản trở sự giám sát hợp pháp đối với Bộ An ninh Nội địa, và vi phạm lời tuyên thệ nhậm chức của mình.”
Dân biểu Mark Green (Cộng Hòa-Tennessee), người dẫn đầu nỗ lực đàn hặc với tư cách là chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện, đã hoan nghênh cuộc bỏ phiếu lịch sử này, gọi đây là “hành động quyết đoán để bảo vệ trật tự Hiến Pháp của chúng ta và buộc một quan chức công quyền vi phạm lời tuyên thệ nhậm chức của mình phải chịu trách nhiệm.”
“Cuộc điều tra của Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện và các thủ tục đàn hặc sau đó đã chứng minh rõ ràng rằng Bộ trưởng Mayorkas đã từ chối tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ một cách cố ý và có hệ thống và hủy hoại niềm tin của công chúng. Kết quả là đất nước chúng ta đã phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng biên giới chưa từng có, biến mọi tiểu bang thành tiểu bang biên giới, gây ra những đau khổ không thể kể xiết cho các cộng đồng trên khắp đất nước chúng ta,” ông Green nói trong một tuyên bố.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa khác tại Hạ viện đã chúc mừng về cuộc đàn hặc.
Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia), một người ủng hộ nhiệt thành cho nỗ lực này, đã gọi đây là “một ngày lịch sử.”
“Tôi rất biết ơn hội nghị Đảng Cộng Hòa của chúng ta vì cuối cùng đã làm việc cùng nhau và sát cánh cùng người dân Mỹ để gửi thông điệp tới chính phủ TT Biden rằng biên giới của chúng ta mới là quan trọng, chứ không phải biên giới của quốc gia khác, biên giới của chúng ta mới là quan trọng,” bà nói với các phóng viên sau cuộc bỏ phiếu.
“Tôi nghĩ rằng người dân Mỹ [đã] và đang yêu cầu trách nhiệm giải trình. Quý vị không thể tranh cãi với những thất bại của ông Mayorkas,” Dân biểu Cory Mills (Cộng Hòa-Florida) nói với các phóng viên trước khi trích dẫn số liệu thống kê về cuộc khủng hoảng biên giới, trong đó nói rằng có hơn 8 triệu vụ vượt biên bất hợp pháp kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
Trò chuyện với The Epoch Times, Dân biểu Troy Nehls (Cộng Hòa-Texas) gọi cuộc đàn hặc này là “một điều tốt đẹp và đã quá hạn từ lâu.”
Các điều khoản đàn hặc
Nghị quyết đàn hặc dài 20 trang gồm có hai điều khoản với nhiều ví dụ về những luật mà ông Mayorkas bị cáo buộc đã bỏ qua hoặc từ chối thực thi và những minh họa về việc ông ngăn chặn sự giám sát của Quốc hội, bao gồm cả việc không đệ trình các tập tài liệu được yêu cầu.
Điều I của nghị quyết này cáo buộc ông Mayorkas về một “lần từ chối tuân thủ luật pháp một cách cố ý và có hệ thống” và tuyên bố rằng “phần lớn là vì hành vi trái pháp luật của ông, nên mỗi năm có hàng triệu người ngoại quốc đã tiến vào Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp, trong đó có nhiều người đã ở lại Hoa Kỳ bất hợp pháp.
Điều khoản này viết rằng, “Việc ông từ chối tuân theo luật pháp không chỉ là một hành vi chống lại sự phân chia quyền lực trong Hiến pháp Hoa Kỳ, mà còn đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta và đã có tác động nghiêm trọng đến các cộng đồng trên cả nước.”
Điều II cáo buộc ông Mayorkas hủy hoại niềm tin của công chúng bằng cách “cố tình đưa ra những tuyên bố sai sự thật, và cố ý cản trở sự giám sát hợp pháp Bộ An ninh Nội địa, chủ yếu là để che giấu kết quả của việc từ chối tuân thủ luật pháp một cách cố ý và có hệ thống của mình.
Với việc Hạ viện thông qua nghị quyết đàn hặc, vấn đề này hiện đang được đưa đến Thượng viện, nơi sẽ họp lại như một phiên tòa xét xử để nghe 11 nhà quản lý thuộc Hạ viện do Chủ tịch Hạ viện bổ nhiệm trình bày và nghe các luật sư đại diện cho ông Mayorkas bào chữa. Do cần đa số hai phần ba phiếu bầu để kết án, nên vị bộ trưởng này gần như chắc chắn sẽ được Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát tuyên trắng án.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times