Đảng Cộng Hòa phản đối hiệp định trao quyền cho WHO đối với việc ứng phó đại dịch của Hoa Kỳ
Các chuyên gia pháp lý đặt câu hỏi liệu sự thông qua của Thượng viện có còn cần thiết
Khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chuẩn bị tập trung tại Thụy Sĩ vào tuần tới để đàm phán các điều khoản cuối cùng của một hiệp định sẽ trao quyền tập trung cho WHO đối với chính sách của Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra đại dịch, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đang nỗ lực phản đối để củng cố quyền thông qua các hiệp ước của Quốc hội.
Bản hiệp định dự thảo này, vốn sẽ “ràng buộc về mặt pháp lý” đối với tất cả 194 quốc gia thành viên, trao cho WHO quyền tuyên bố đại dịch và đệ trình lên các quốc gia thành viên cho “vai trò trung tâm của WHO với tư cách là cơ quan chỉ thị và điều phối công tác y tế quốc tế,” trong các lĩnh vực như phong tỏa, điều trị, chuỗi cung ứng y tế, giám sát, và “thông tin sai lệch và tin giả”, một khi đại dịch được tuyên bố.
Mười bảy thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, do ông Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) dẫn đầu, đã đưa ra “Không chấp thuận Hiệp ước Chuẩn bị sẵn sàng cho Đại dịch của WHO Nếu Không có Đạo luật do Thượng viện Thông qua” hôm 15/02, trong đó nêu rõ rằng hiệp định về đại dịch phải được coi là một hiệp ước, do đó cần có sự đồng ý của đa số Thượng viện, tức là hai phần ba, hay 67 thượng nghị sĩ. Dự luật này được đưa ra khi WHO chuẩn bị trình bày điều mà họ gọi là “bản dự thảo số 0” của hiệp định, được đàm phán với sự giúp đỡ của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Xavier Becerra, cho tất cả các quốc gia thành viên vào ngày 27/02 tới để thỏa thuận các điều khoản cuối cùng.
Những người ký ủng hộ khác của dự luật bao gồm các thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa), Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee), John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming), Mike Lee (Cộng Hòa-Utah), Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee), Rick Scott (Cộng Hòa-Florida), John Hoeven (Cộng Hòa-North Dakota), Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas), Steve Daines (Cộng Hòa-Montana), Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina), Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas), Mike Braun (Cộng Hòa-Indiana), Tommy Tuberville (Cộng Hòa-Alabama), Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas), và Katie Britt (Cộng Hòa-Alabama).
“WHO, cùng với các cơ quan y tế liên bang của chúng ta, đã thất bại thảm hại trong việc ứng phó với COVID-19,” Thượng nghị sĩ Johnson nói rõ. “Thất bại này không nên được đền đáp bằng một hiệp ước quốc tế mới sẽ làm tăng quyền lực của WHO trong khi lại làm tổn hại đến chủ quyền của Hoa Kỳ.”
Nhưng một số người hồ nghi dự luật này, ngay cả khi được thông qua, sẽ ngăn cản được hiệp định của WHO có hiệu lực sau khi Tổng thống (TT) Joe Biden ký.
“Với tất cả sự tôn trọng dành cho các thượng nghị sĩ ủng hộ dự luật này, điều đó sẽ không thành công,” ông Francis Boyle, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Illinois, nói với The Epoch Times. Ông nói lý do là hiệp định của WHO được soạn thảo đặc biệt để phá vỡ quy trình thông qua của Thượng viện, và thay vào đó, Quốc hội cần ngay lập tức giữ lại các khoản đóng góp hàng năm cho WHO và đưa Hoa Kỳ ra khỏi tổ chức này.
Hiện tại, Hoa Kỳ là nước đóng góp lớn nhất cho ngân sách 6.72 tỷ USD của WHO, trong đó 1.25 tỷ USD dành cho “các trường hợp khẩn cấp về ý tế”. Quỹ Bill và Melinda Gates là nhà tài trợ lớn thứ hai cho WHO, đóng góp 9% ngân sách của tổ chức này trong năm 2021; Trung Quốc đứng thứ ba.
TT Biden có cần sự thông qua của Thượng viện cho hiệp định của WHO không?
Vẫn chưa rõ liệu chính phủ TT Biden có cần sự thông qua của Thượng viện để hiệp định của WHO có hiệu lực hay không. Bản thân hiệp định này tuyên bố rằng nó sẽ “tạm thời” có hiệu lực và ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên, ngay sau khi hiệp định này được ký kết và trước khi được bất kỳ cơ quan lập pháp quốc gia nào thông qua.
“Chính phủ TT Biden có thể lập luận rằng họ đang tạm thời đưa hiệp ước này vào hiệu lực dựa trên mỗi việc ký hiệp ước thôi,” ông Boyle nói. “Do đó, hiệp ước sẽ có hiệu lực tạm thời ở đây tại Hoa Kỳ cho đến khi Thượng viện quyết định liệu họ có đưa ra tham vấn và đồng ý với hiệp ước hay không. Cá nhân tôi biết không có hiệp ước nào khác của Hoa Kỳ quy định về việc áp dụng tạm thời trong khi chờ Thượng viện Hoa Kỳ đưa ra tham vấn đồng ý với hiệp ước đó.”
Mặc dù Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng tổng thống có thể ký kết các hiệp ước “với điều kiện hai phần ba số thượng nghị sĩ có mặt đồng ý”, nhưng các tổng thống Mỹ ngày càng đã và đang ký kết các hiệp định quốc tế mà không cần sự đồng ý của Thượng viện, và bất chấp điều này, những hiệp định đó đã có hiệu lực ở Hoa Kỳ.
Theo trang web của Thượng viện: “Các hiệp ước mà Hoa Kỳ là một bên tham gia cũng có hiệu lực đối với pháp luật liên bang, tạo thành một phần của điều mà Hiến pháp gọi là ‘Luật tối cao của Hoa Kỳ’ … Trong những thập niên gần đây, các tổng thống thường xuyên đưa Hoa Kỳ tham gia vào các hiệp định quốc tế mà không có sự tham vấn và đồng ý của Thượng viện. Chúng được gọi là ‘các hiệp định hành pháp.’ Mặc dù không được đưa ra trước Thượng viện để thông qua, các hiệp định hành pháp vẫn đang ràng buộc các bên theo luật pháp quốc tế.”
Một báo cáo của Justia, một công ty tiếp thị và phân tích pháp lý, nói rằng “hiệp định hành pháp đã vượt quá về số lượng và có lẽ cả về ảnh hưởng quốc tế so với hiệp ước được chính thức ký, được đệ trình lên Thượng viện để thông qua, và tuyên bố sau khi thông qua.
Báo cáo nêu rõ: “Trong nửa thế kỷ đầu tiên giành được độc lập, Hoa Kỳ đã tham gia 60 hiệp ước nhưng chỉ có 27 hiệp định hành pháp được công bố. Từ năm 1939 đến năm 1993, các hiệp định hành pháp chiếm hơn 90% các hiệp định quốc tế được ký kết.”
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã nhiều lần ủng hộ quan điểm cho rằng các hiệp định hành pháp này cấu thành luật liên bang và thay thế các luật và quy định của tiểu bang. Quan điểm này thể hiện trong vụ Tiểu bang Missouri kiện Holland, vốn phán quyết rằng các hiệp ước thay thế luật tiểu bang, và vụ Hoa Kỳ kiện Belmont, phán quyết rằng các hiệp định hành pháp mà không có sự đồng ý của Thượng viện sẽ ràng buộc về mặt pháp lý đối với người Mỹ. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, chính sách y tế thuộc thẩm quyền của tiểu bang, nhưng mà hiệp định về đại dịch của WHO có thể là một cách để đưa chính sách y tế sang thuộc thẩm quyền của chính phủ liên bang, một khi WHO tuyên bố đại dịch.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times