Đảng Cộng Hòa cản trở thông qua dự luật bầu cử của Đảng Dân Chủ
Hôm thứ Tư (20/10), Đảng Cộng Hòa đã cản trở thành công dự luật bầu cử Tự do Bỏ phiếu của Đảng Dân Chủ, không cho dự luật này có được 60 phiếu bầu cần thiết để chuyển sang phần tranh luận trong quốc hội.
Dự luật này sẽ tạo ra những yêu cầu mới cho các nhóm nhằm tiết lộ thông tin về các nhà tài trợ của họ, chỉ định Ngày Bầu cử là ngày lễ quốc gia, và tạo ra các tiêu chuẩn liên bang cho việc bỏ phiếu qua thư, bỏ phiếu sớm, và ID cử tri.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã chỉ trích cuộc bỏ phiếu của Đảng Cộng Hòa, nói rằng “Tôi muốn nói rõ về những gì vừa xảy ra. Mỗi từng thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa chỉ muốn chặn không cho viện này có một cuộc tranh luận về quyền của người Mỹ đối với các cuộc bầu cử tự do và công bằng”.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu không làm ai ngạc nhiên, bởi vì Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã nói rõ rằng cuộc họp kín của ông sẽ không ủng hộ dự luật này. Thành viên Đảng Cộng Hòa của tiểu bang Kentucky này vào hôm thứ Ba (19/10) cho biết về “hy vọng và dự đoán” của ông rằng dự luật này, thứ mà ông chê bai là một nỗ lực “nhằm cho phép chính phủ liên bang tiếp quản cách thức tiến hành các cuộc bầu cử trên toàn nước Mỹ”, sẽ không giành được sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa.
Kể từ khi nắm quyền kiểm soát chính phủ, Đảng Dân Chủ đã nhấn mạnh rằng quyền bỏ phiếu đang bị tấn công trên toàn quốc khi các tiểu bang củng cố luật bỏ phiếu của họ. Những người chỉ trích này cho rằng các luật để tăng cường các yêu cầu về ID cử tri hoặc để hạn chế việc bỏ phiếu khiếm diện sẽ tác động không cân đối đến các nhóm thiểu số, một lập luận mà Tối cao Pháp viện đã bác bỏ vào năm 2021 (pdf).
Về phần mình, các thành viên Đảng Cộng Hòa đã bày tỏ lo ngại về mối đe dọa gian lận bầu cử sau khi những mâu thuẫn trong cuộc bầu cử năm 2020 khiến nhiều người hoài nghi. Những người khác, như ông McConnell và Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas), đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép các tiểu bang kiểm soát các cuộc bầu cử của chính họ thay vì chính phủ liên bang can thiệp.
Dự luật này, dự luật mới nhất trong số một làn sóng các dự luật bầu cử do Đảng Dân Chủ đưa ra kể từ hồi tháng Giêng (01/2021), được tạo ra như một dự luật bầu cử thỏa hiệp do Thượng nghị sĩ ôn hòa Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) dẫn đầu.
Tuy nhiên, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện từ lâu đã nói rõ rằng họ đồng lòng phản đối việc cải cách bầu cử liên bang. Mặc dù có một số người hy vọng rằng dự luật thỏa hiệp của ông Manchin có thể thu hút thêm 10 thành viên Đảng Cộng Hòa cần phải tham gia cùng họ, nhưng các thành viên Đảng Cộng Hòa đã đồng lòng chống lại dự luật này.
Ông Schumer và các thành viên Đảng Dân Chủ khác đã tán thưởng dự luật này.
Trên Twitter, ông Schumer viết rằng dự luật này “sẽ làm mạnh thêm nền dân chủ của chúng ta, bảo vệ lá phiếu, và làm mới lòng tin của người dân Mỹ đối với các cuộc bầu cử của chúng ta”.
“Các thành viên Đảng Dân Chủ sẵn lòng muốn có cuộc tranh luận này ngay bây giờ”, ông Schumer nói với các phóng viên hôm thứ Ba (19/10). Dự luật này là “một dự luật mà mọi thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện đều nhiệt tình thống nhất ủng hộ”.
Trước cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois) yêu cầu các thành viên Đảng Cộng Hòa ít nhất nên xem xét đề nghị này và không được sử dụng chiến thuật tranh luận kéo dài, mà ông gọi là “vũ khí của Jim Crow.”
Sự thất bại của dự luật thỏa hiệp này có thể sẽ làm dấy lên những lời kêu gọi của các thành viên Đảng Dân Chủ nhằm thay đổi hoặc bãi bỏ thủ tục tranh luận kéo dài. Những lời kêu gọi này đã lặp đi lặp lại trong cuộc họp kín của Đảng Dân Chủ kể từ khi họ chiếm thế đa số.
Sự liên tưởng của ông Durbin về thủ tục tranh luận kéo dài với Jim Crow thường được nhắc lại bởi các đồng nghiệp của ông, những người đã yêu cầu chấm dứt thủ tục này.
Trong một cuộc phỏng vấn, Dân biểu Jim Clyburn (Dân Chủ-South Carolina) nói rằng các dự luật bầu cử có quan hệ đến “các quyền hiến pháp” và “không nên bị lệ thuộc vào thủ tục tranh luận kéo dài”. Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon), người đã đưa ra một dự luật bầu cử khác hồi đầu năm nay cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với CBS rằng đó sẽ là “Trận chiến Armageddon về bầu cử” nếu các quy tắc về tranh luận kéo dài không được thay đổi. Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) lên tiếng ủng hộ việc thay đổi hoặc loại bỏ thủ tục tranh luận kéo dài, nói rằng “đến một lúc nào đó quý vị sẽ phải hoàn thành mọi việc”.
Tuy nhiên, những người khác trong cuộc họp kín đó, bao gồm cả người đàm phán chủ yếu của dự luật trên, ông Manchin, đều phản đối chiều hướng này.
Trong quá khứ, ông Manchin đã hứa sẽ bảo vệ quyền tranh luận kéo dài, không chấp thuận những nỗ lực từ đảng của ông trong việc loại bỏ hoặc thay đổi quy trình nghị viện. Một người ôn hòa quan trọng khác, Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona) cũng nói giống như vậy, gọi thủ tục tranh luận kéo dài này là “một công cụ” quan trọng để bảo vệ các quyền của đảng thiểu số trong thượng viện duy lý này.
Mặc dù ủng hộ các dự luật bầu cử của đảng mình, nhưng Tổng thống Joe Biden cũng đã từ chối mọi nỗ lực nhằm loại bỏ thủ tục tranh luận kéo dài, tuy nhiên ông lại cho thấy bản thân ông không cấm việc cải cách quy trình này.
Ông Joseph Lord là một phóng viên về Quốc hội cho The Epoch Times, tập trung vào Đảng Dân Chủ. Ông lấy bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Clemson và là một học giả trong Chương trình Lyceum.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: